General Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện
- Home
- Nguyễn Văn Hiếu binh thư
- Thư Viện Lịch Sử Quân Sử VN
Bí Ẩn Quân-Sử Việt | Cập nhật 17.09.2023: Thư không niêm kính gởi Chuẩn tướng Trần Quang Khôi về cuộc thảm sát cố Trung tướng Nguyễn Văn Hiếu
http://www.generalhieu.info/military_history/bi-an-quan-su-viet_tuong-hieu-tuong-khoi.html
(Xem 11503 (16.09.2023) ) Xem lâu nhất 56`54"
v/v: Nội dung cuộc họp bàn chiến sự giữa cố Trung Tướng Nguyễn Văn Hiếu và Chuẩn tướng Trần Quang Khôi sáng ngày 08.04.1975 lúc 8 giờ sáng tại Gò Dầu Hạ
* **
Cựu Chuẩn tướng George Trần Quang Khôi đã từ trần ngày 01 tháng 4 năm 2023, hưởng thọ 93 tuổi tại tư gia của ông ở tiểu bang Virginia, Hoa K ỳ.
Ông ra đi đã đem theo bí ẩn quân sử lớn nhất liên quan đến nội dung họp bàn chiến sự ở Gò Dầu Hạ ngày 08/04/1975, có thể liên quan đến cuộc thảm sát cố Trung tướng Nguyễn Văn Hiếu tư lịnh phó hành quân của Quân đoàn III Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Sự ra đi của ông là mất mát lớn lao của gia đình; đồng thời là một thiệt thoài vô cùng to lớn cho sự tìm hiểu sự thật, nghiên cứu lịch sử, quân sử Việt Nam hiện tại và mai sau.
Chân thành gởi lời chia buồn cùng quý quyến, cầu chúc hương linh người quá cố sớm hưởng an nhàn nơi đất Chúa.
Ban biên tập thư viện tướng Hiếu (ngày 17.09.2023)
CÁO PHÓ & PHÂN ƯU CỰU CHUẨN TƯỚNG TRẦN QUANG KHÔI TẠ THẾ TẠI VIRGINIA HOA KỲ
***
Chính tướng Toàn khi ra hải ngoại có người hỏi có phải Tổng thống Thiệu đã giết tướng Hiếu không? Tướng Toàn nói, việc qua rồi bỏ qua đi.
Tướng Trần Quang Khôi đã ủy nhiệm Kỵ Binh Ngụy Sài Gòn thay mặt ông để trả lời những thắc mắc của độc giả liên quan đến những bài viết của ông. Bà Lê Thy, người điều hành trang https://baovecovang2012.wordpress.com nhận những thắc mắc, chuyển cho Kỵ Binh Ngụy Sài Gòn từ đó chuyển đến tướng Khôi.
Chúng tôi đã làm theo sự sắp xếp để chuyển thư Không niêm này đến tướng Khôi từ hơn 13 tháng nay, và nhận được sự trả lời của bà Lê Thy, bà còn hứa sẽ chuyển thư Không Niêm này qua Kỵ Binh Ngụy Sài Gòn tới tướng Khôi. Sau đó, hoàn toàn bặt tin, không có hồi âm.
Tất cả những điều chúng tôi nêu đều là giả thuyết chủ quan dựa trên những sự thật lịch sử. Bản thân chúng tôi không mong rằng những giả thuyết chủ quan đó, một ngày nào đó trở thành sự thật lịch sử.
Đứng ở cương vị một người chống cộng chúng tôi hỏi quý vị, tại sao bao nhiêu tội ác, sai lầm của Việt cộng, người chống cộng vẫn lên tiếng tố cáo hoài? Còn những người quốc gia, hay chống cộng có phạm sai lầm hay không, có phạm tội hay không, nếu có, tại sao phải im lặng bỏ qua, không làm sáng tỏ?
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có ra lịnh giết tướng Hiếu hay không? Tại sao? Đây là Bí ẩn chính trị, quân sử lớn nhất của cuộc sụp đỗ Việt Nam Cộng Hòa. Tìm ra câu trả lời thích đáng cho bí ẩn này, thì toàn bộ sự thật về cuộc sụp đỗ ngày 30 tháng 4 năm 1975 hoàn toàn được sáng tỏ.
Chúng tôi rất là trung dung, tôn trọng tướng Khôi trong khi viết thư này, ở lần thứ nhất, tiếc rằng tướng Khôi luôn giữ im lặng là điều thắc mắc cho dư luận.
Chuyện họp bàn chiến sự giữa tướng Hiếu và tướng Khôi có gì bí mật mà phải che dấu? Tại sao có việc trùng hợp khi tướng Hiếu vừa họp xong với tướng Khôi lúc 8 giờ sáng, thì 10 giờ 30 thì tướng Hiếu bị giết?
Hãng thông tấn UPI đã phổ biến tin tức cho biết là tướng Hiếu bị giết, bị bắn chết.
Saigon (UPI) – The Deputy Commander of South Vietnam Troops defending the Saigon area found shot to death Tuesday night following an argument whit his superior over tactics. Military sources said he apparently committed suicide -end quote-
Tạm dịch: Tư lịnh phó Quân đội Nam Việt Nam phòng thủ Sài Gòn bị giết chết vào tối thứ ba khi có bất đồng ý kiến với cấp trên. Nguồn tin quân sự cho biết ông ta (tướng Hiếu) tự tử.
Những bài ông Tín viết về tướng Hiếu rất là trung dung. Riêng chúng tôi, Nguyễn Thành lập ra trang generalhieu.info; nguyenvanhieulibrary.info để tìm hiểu thêm sự thật còn chưa sáng tỏ về cái chết của tướng Hiếu.
Chúng tôi Nguyễn Thành (generalhieu.info; nguyenvanhieulibrary.info) và Trúc Lâm Việt Quốc (truclamyentu.info) lấy tư cách là một người việt tỵ nạn cộng sản, tư cách của những người học và nghiên cứu sử để xin tham khảo với tướng Khôi.
Chúng tôi đưa lên việc tướng Hiếu bị giết chưa được sáng tỏ là cốt cho dư luận nhìn lại cuộc sụp đỗ của VIệt Nam Cộng Hòa năm 1975 ở một khía cạnh khác.
Người Việt quốc gia, người Việt chống cộng không thể cứ đỗ thừa cho việc sụp đỗ của Việt-Nam Cộng-Hòa cho Hoa-Kỳ hay đảng Dân Chủ, Joe Biden quyết định ngưng cung cấp 400 triệu Mỹ kim viện trợ quân sự bổ túc vào thời điểm tháng 04 năm 1975.
Dĩ nhiên những việc vừa nêu có ảnh hưởng một phần, nhưng không phải toàn diện.
Lý do khác, lớn hơn, cụ thể hơn, chính là đây. Đó là cái chết đột ngột của tướng Nguyễn Văn Hiếu, người có trách nhiệm lớn trong việc phòng thủ thủ đô Sài Gòn nói riêng và Việt Nam Cộng Hòa nói chung.
Nghi vấn tướng Hiếu bị giết vì nghi ngờ có âm mưu đảo chánh ngày càng rõ nét. Nhà văn Điệp Mỹ Linh đã có bài phỏng vấn Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang về những sự việc xảy ra trước và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Đô Đốc Cang đã đề cập tới việc chống đảo chánh như sau:
Trích đoạn: Lý do chính trị là lúc đó có tin đồn ông Nguyễn Cao Kỳ sẽ đảo chánh ông Nguyễn Văn Thiệu. Thời gian này tình hình thủ đô lộn xộn vì những sự chống đối của Liên-Đoàn Ký-Giả, Ni-Sư Huỳnh Liên, bà Ngô Bá Thành, Cha Trần Hữu Thanh, v. v…Uy thế chính trị của ông Thiệu suy giảm. Ông Thiệu nghĩ rằng tôi sẽ chỉ huy Lực-Lượng Hải-Quân chặt chẽ hơn và có thể là một hậu thuẫn đáng tin cậy để chống cuộc đảo chánh – nếu có. -ngưng trích- Ông Chung Tấn Cang Nguyên Phó-Đô-Đốc Tư-Lệnh Hải-Quân https://www.diepmylinh.com/chung-tan-cang.
Âm mưu đảo chánh vốn không hề có nơi tướng Hiếu, chính là do Trung tướng Nguyễn Văn Minh nguyên tư lịnh Quân đoàn 3, sau này là nguyên tư lịnh Biệt Khu Thủ Đô đã cáo gian với Tổng thống Thiệu rằng tướng Hiếu có âm mưu này nhằm che dấu sự thất bại của ông ta (tướng Nguyễn Văn Minh) khi quyết định bỏ rơi chiến đoàn 8 trên đất Miên trong cuộc hành quân Snoul do Tướng Trí và Tướng Hiếu đồng tác giả và đồng chỉ huy.
Giữa tướng Kỳ (dự định đảo chánh, như Đô đốc Cang đề cập) và tướng Hiếu (bị tướng Minh cáo gian là có âm mưu đảo chánh bằng chiến xa), tổng thống Thiệu rét, sợ, ganh tỵ với tướng Hiếu hơn vì quân thần Hiếu có công lớn, tài năng vượt bực hơn quân vương Thiệu, nên quân vương Thiệu không thể chấp nhận được, nên mới có kết cuộc đau đớn cho tướng Hiếu vào ngày 8 tháng 4. Đây là giả thuyết dựa trên những chuỗi sự kiện lịch sử đã xảy ra trong ngày 8 tháng 4, 1975 và trước đó (có thể không xa lắm so với sự thật), nhất là từ khi tướng Hiếu bị tổng thống Thiệu ghìm lại từ năm 1969 sau khi được thăng Thiếu tướng thực thụ.
Đồng thời phối kiểm thông tin với việc điều tra liên tục từ mấy mươi năm qua của ông Tín.
Mời xem đoạn phim bên dưới lời cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xác nhận (bán chính thức) đã giết tướng Hiếu.
Cám ơn quý vị đã chuyễn tiếp và góp ý kiến
Nguyễn Thành
Tham khảo thêm: Lịch Sử Việt-Nam | Tưởng niệm 51 năm cuộc hành quân Snoul 09/02/1971-09/02/2021
http://www.generalhieu.info/military_history/lichsuvietnam_tuong-niem-50-nam-tran-snoul.html
https://www.dailymotion.com/video/x823y4o
***
Cựu Tổng Thống Thiệu Trả Lời Về Cái Chết Của Tướng Hiếu (16/06/1990 tại Orange County, California)
Lời Bàn
Người đặt câu hỏi đã nêu vấn đề một cách không chính xác: Tướng Hiếu chết ngày 8 tháng 4 năm 1975 chứ không phải ngày 21 tháng 4 gần kề ngày Long Khánh thất thủ.
Ông Thiệu coi bộ lợi dụng sự sai sót này, chứ không chịu đính chính, để có bề thế không phải trả lời một câu chất vấn được đặt ra một cách hơi mơ hồ.
Nếu đúng như ông Thiệu nói là phục tài Tướng Hiếu đến mức độ có ý định đem về cạnh bên mình để xử dụng, sao ông không thực hiện điều đó trước và sau khi Phó Tổng Thống Hương xin dành dùng đến Tướng Hiếu cho công cuộc bài trừ tham nhũng; trước, như khi Tướng Đỗ Cao Trí đề nghị giao cho Tướng Hiếu nắm Quân Đoàn III thay ông khi Tổng Thống Thiệu cử ông đi nắm Quân Đoàn I thay Tướng Lãm vào tháng 2 năm 1971, và khi ông cách chức Tướng Hiếu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 sau trận Snoul và đẩy đi Quân Đoàn I cho ngồi chơi sơi nước trong chức vụ Tư Lệnh Phó Quân Đoàn I; và sau, như khi Tướng Thuần xin dùng tài Tướng Hiếu trong chức vụ Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III, và khi ông Thiệu hai lần thay Tư Lệnh Quân Đoàn III với Tướng Đống rồi Tướng Toàn mà lại không cử Tướng Hiếu.
Ông Thiệu cố ý không hiểu lời buộc tội giết Tướng Hiếu của người đặt câu hỏi nói là ông sợ Tướng Hiếu sẽ loại trừ Tướng Quang và vây cánh của ông, sau khi ông nhường chức Tổng Thống lại cho ông Hương. Thay vào đó ông lấn áp tư tưởng bằng cách nhấn mạnh là ông có quyền hành tuyệt đối tùy tiện muốn thay đổi hay cho giải ngũ bất cứ vị tướng lãnh nào và do đó không cần phải dùng tới thủ đoạn để trả thù .
Đồng thời khi quả quyết điều này, ông gián tiếp nhìn nhận là Tướng Hiếu bị ám hại chứ không phải vì sơ ý bị súng cướp cò gây nên tai nạn.
Ông nói là ông có cảm tình và quý trọng Tướng Hiếu vì là một "người giỏi, ngay thẳng và rất là trong sạch" nên không có lý do gì để mà đi "trả thủ một cách hèn nhát". Điều này đúng khi ông chưa dở chứng tham quyền cố vị ghế tổng thống. Chứ còn khi ông đã ham quyền chức lãnh tụ quốc gia và đã bao quanh mình với những quần thần tham nhũng thì tránh sao khỏi khiếp sợ trước nguy cơ của một "người tài, ngay thẳng và rất là trong sạch" có thể phương hại đến những tham vọng của mình và nhất là khi biết mình kém tài, lươn lẹo và rất tham nhũng.
Ông Thiệu đã lợi dụng thời gian hỏi đáp giới hạn và eo hẹp để làm như không sợ đối mặt với lời buộc tội và nhân cơ hội giải trình với một lời đáp vu vơ, vô tội vạ.
Đừng nghe những gì ông Thiệu nói. Hãy xem những gì ông làm.
Xin thêm một nhận xét là hình như ông Thiệu coi bộ lúng túng khi bất thần bị đặt câu hỏi và buộc tội về cái chết của Tướng Hiếu: ông ngần ngừ không trả lời được ngay khi người đặt câu hỏi dứt lời, tìm cách tranh thủ thời gian suy nghĩ, bằng cách thì thầm nhỏ to đối thoại với hai người ngồi cạnh bên trên bàn chủ tọa:
- "Ông Hiếu nào?"
- "Thiếu Tướng Hiếu."
- "À ?..."
- "Thiếu Tướng Hiếu, Quân Đoàn III, Biên Hòa."
(Đến đây thì ông chấn chỉnh lại được tinh thần và thốt ra:)
- "À, Tướng ..., tôi xin trả lời câu đó."
Đoạn phim này đã được một độc giả mang tên tamdop mách bảo cho từ link youtube http://www.youtube.com/user/khongtincongsan#p/u/97/U89clc4oPs0
****
Từ Sài Gòn (1975) đến Kabul (2021)
Ngày 15 tháng 08 năm 2021 khi chiếc trực thăng Chinook đáp trên sân thượng của tòa đại sứ Mỹ ở Kabul, thủ đô nước A Phú Hãn để di tản công dân Mỹ là đánh dấu sự sụp đỗ của chính quyền sở tại được yểm trợ bởi chính phủ Hoa-Kỳ qua các thời tổng thống khác nhau.
Kabul 2021
Saigon 1975
Đây cũng là biểu hiện cho sự thất bại của Mỹ qua lịnh rút quân rất vội vả của nhà cầm quyền Joe Biden. Rút quân chỉ nói rút là rút, không hề có chiến lược, chiến thuật rõ ràng cụ thể nên đã gây nên những cuộc xáo trộn thật đáng xấu hổ...cũng như đã đưa đến cái chết oan uổng của 13 quân nhân Thủy Quân Lục Chiến Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ cuộc di tản ở ngoại vi phi trường Kabul.
Điều đáng tiếc lớn nhất là khi Tổng thống Trump còn tại vị ông đã xếp đặt kỹ lưỡng lộ trình triệt thoái quân đội Hoa-Kỳ ra khỏi xứ sở này (qua thỏa ước hòa bình Doha ký với Taliban) để chấm dứt cuộc chiến dai dẳng 20 năm. Cuộc triệt thoái có tính toán này được dự trù là hai năm, để vừa triệt thoái vừa bàn giao các cơ sở quân sự cần thiết cho quân đội A Phú Hãn, cũng như tạo những điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại của họ.
Thế nhưng mọi việc đều trôi theo dòng nước cuốn do sự cố ý bất tài của ông Joe Biden cũng như là của bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin, Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Miller, hơn nữa nhà cầm quyền của ông 46 còn viện trợ miễn phí 83 tỷ Mỹ kim quân cụ, khí giới tối tân cho tổ chức khủng bố Taliban mà không hề có biện pháp thu hồi hay phả hủy theo lời khuyến cáo của Tổng thống Trump.
Đằng sau sự cố ý bất tài này không ngoài sự sai khiến, điều khiển của Barack Obama. Nói thẳng ra chính Obama là chủ mưu đằng sau cuộc rút quân hỗn loạn vừa rồi. Như sự việc trước đây, Obama cũng đã từng giết chết đại sứ của Mỹ ở Benghazi. Khi tòa đại sứ ở đây bị quân khủng bố hồi giáo vây đánh, ông ta đã án binh bất động không hề ra lịnh cho quân đội Mỹ trú đóng trong vùng tới tiếp ứng. Đưa đến cái chết của viên đại sứ này.
Tương tự như vụ Phi Luật Tân bị Trung cộng chiếm Bãi cạn Scarborough, Obama không hề lên tiếng can thiệp, dù nước Phi từng là đồng minh của Mỹ.
Từ việc sụp đỗ của chính quyền A Phú Hãn, chúng ta cần nhìn lại, tìm hiểu thêm về cuộc sụp đỗ của Việt Nam Cộng Hòa ở 46 năm trước, ngày 30/04/1975.
Ngoài những yếu tố đã được dư luận trình bày rất nhiều, một yếu tố khác không kém phần quan trọng đưa đến cuộc sụp đỗ đó là cuộc thảm sát cố Trung tướng Nguyễn Văn Hiếu ngay tại văn phòng tư lịnh phó quân đoàn 3 Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại thành phố Biên Hòa, Nam Việt Nam.
Tướng Hiếu lúc đó là tư lịnh phó hành quân có nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Sài Gòn trước sự tấn công của cộng sản Bắc Việt.
Tướng Hiếu chết ngày 8 tháng 4, sau đó bùng nổ trận Xuân Lộc (Chuẩn tướng Lê Minh Đảo chỉ huy), rồi Biên Hòa cố thủ (Chuẩn tướng Trần Quang Khôi chỉ huy) để bảo vệ Sài Gòn, tiếp đến trận Bến Tranh Long An (Đại Tá Đặng Phương Thành chỉ huy) và cuối cùng cả quân đội phải ngưng chiến đấu, tan hàng ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong khi còn cả quân đoàn 4 chưa hề hao binh tổn tướng.
Trở lại biến cố ngày 8 tháng 4 năm 1975, một trong những nhân chứng quan trọng nhất có liên quan mật thiết đến cái chết của tướng Hiếu chính là tướng Trần Quang Khôi.
Chúng tôi có gởi một lá thư không niêm đến tướng Khôi cách đây 3 tháng nhằm mục đích tìm hiểu những diễn tiến, nguyên nhân thật sự nào (nhất là nội dung cuộc họp bàn chiến sự lúc 8 giờ sáng tại Gò Dầu Hạ) đã đưa đến cái chết của tướng Hiếu.
Tiếc rằng qua rất nhiều trung gian, đã không hề nhận được hồi âm chính thức nào từ tướng Khôi.
Nay bất đắc dĩ phải phổ biến thêm một lần nữa, và chúng tôi tin rằng ông (tướng Khôi) có liên hệ chặt chẻ (giả thuyết chủ quan) đến cái chết của tướng Hiếu. Liên hệ như thế nào chỉ có ông mới biết mà thôi. Cũng như trước đây cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từng xác nhận là đã hạ sát tướng Hiếu (qua trung gian tướng Toàn_Sự điều tra của ông Nguyễn Văn Tín).
Sau 20 năm người Mỹ họ giải mã những bí mật liên quan đến chiến tranh Việt Nam.
Việt Nam chúng ta đã 46 năm rồi còn gì mà không giải mật, giải mã?
Mong ông vui lòng tiếp tay làm sáng tỏ bí ẩn quân sử này để cho dư luận rộng đường hiểu biết.
Chân thành cám ơn.
Ngày 03.09.2021
Nguyễn Thành và Trúc Lâm Việt Quốc
****
Cập nhật 27.07.2021
Đến hôm nay, hơn một tháng, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm từ Chuẩn tướng Trần Quang Khôi. Do đó, nghi ngờ của chúng tôi, tướng Khôi có ít nhiều sự liên hệ đến việc tướng Hiếu bị thảm sát ngày 08.04.1975 ngày càng có cơ sở vững chắc.
Trong bài viết CHÂN DUNG NGƯỜI CHIẾN SĨ GIAI ĐOẠN 1974-1975 (Trần Quang Khôi) được phổ biến Tháng Giêng 2009 có tổng cộng trên dưới 12 ngàn chữ. Tuy nhiên, điều rất lạ, khi nhắc đến các cuộc hành quân Snoul 1971 cũng như Đức Huệ Svay Rieng 1974, tuyệt nhiên tướng Khôi không hề nhắc đến, cho dù một lần danh tánh của tướng Hiếu.
Như trên đề cập, ngay cả trong buổi họp hành quân của Quân Đoàn 3, tướng Hiếu là Tư lịnh phó hành quân, thế nhưng tướng Khôi không hề nhắc đến sự hiện diện của ông tư lịnh phó. Ông chỉ ghi Tướng Thuần, tư lịnh quân đoàn, ban tham mưu cũng như ba vị tướng tư lịnh các sư đoàn 5, 18 và 25 bộ binh. Nếu chúng tôi không lầm, theo hệ thống tổ chức của quân đoàn, gồm tư lịnh, tư lịnh phó và ban tham mưu. Chúng tôi tin tưởng là có sự hiện diện cần thiết của tướng Hiếu, thế nhưng tại sao tướng Khôi không nhắc đến sự hiện diện của vị tướng tư lịnh phó hành quân. Đây là buổi họp vô cùng quan trọng, trước khi khởi sự chiến dịch thần tốc tấn công qua Miên vùng Svay Rieng, giải vây cho căn cứ Đức Huệ.
Điều lạ khác, trong bài viết tướng Khôi rất là thân thiện, cởi mở đến mức lạ thường khi tiếp xúc với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Có phải là ông vừa được thăng Chuẩn tướng nên mới có thái độ này hay không? Phải chăng tổng thống Thiệu đã dặn dò tướng Khôi (vừa được thăng chức) là phải coi chừng tướng Hiếu và báo cáo những tiếp xúc giữa ông (tướng Khôi) và tướng Hiếu cho tổng thống biết (giả thuyết).
Trong bài viết nêu trên của tướng Khôi, hầu như ai từ tổng thống, tướng lãnh đến sĩ quan, binh sĩ đều được tướng Khôi nhắc tới, trừ tướng Hiếu. Thế tướng Hiếu không phải là người chiến sĩ hay sao thưa tướng Khôi?
Chính từ những điểm nêu trên, chúng tôi mới có sự nghi ngờ, là tướng Khôi có liên quan đến cái chết của tướng Hiếu.
Nếu nghi ngờ của chúng tôi là đúng, nguyên do có thể đến từ cuộc hành quân Snoul, khi tướng Khôi, lúc đó còn là Đại tá, nghe lịnh tướng Hiếu, vì nhu cầu chiến trường đã “qua mặt“ tướng Nguyễn Văn Minh hành quân tiếp ứng khẩn cấp cho chiến đoàn 8 đang bị Việt cộng bao vây. Sau đó, đại tá Khôi bị tướng Minh trả thù, bằng cách giải tán LLXKQĐ3, nên từ đó tướng Khôi sinh bất mãn với tướng Hiếu.
Quan niệm chủ quan của chúng tôi cho thấy, biểu hiện rõ rệt sự bất mãn đó qua bài viết bên trên, tướng Khôi không hề đề cập tới danh tánh của tướng Hiếu, từ đầu bài đến cuối bài luôn luôn là Trung tướng Phạm Quốc Thuần, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Một cơ hội khác để biểu lộ thái độ bất mãn này có thể đó là ngày 08.04.1975. Và cũng có thể do sự dặn dò trước của tổng thống Thiệu như chúng tôi vừa đề cập bên trên (giả thuyết).
Sau khi họp bàn chiến sự lúc 8 giờ sáng ở Gò Dầu Hạ với tướng Hiếu, tướng Khôi đã thông báo nội dung buổi họp cho Tổng thống Thiệu (giả thuyết). Và tổng thống Thiệu thấy là cần phải hạ sát tướng Hiếu ngay lập tức vì nghi tướng Hiếu sẽ xử dụng lực lượng chiến xa để đảo chánh ông ta (giả thuyết). Tướng Hiếu bị giết vào khoảng 10 giờ 30 phút. Như vậy thời gian chỉ cách nhau khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ.
Phải chăng vì thời gian cấp bách như vậy, không thể chuẩn bị kịp một vụ tai nạn nổ trực thăng nên Tổng thống Thiệu mới vội vã ra lịnh cho tướng Toàn hạ sát tướng Hiếu bằng khẩu súng P6.35 ly?
Nội dung họp bàn chiến sự giữa tướng Hiếu, tướng Khôi, là một bí-ẩn lớn của Quân-sử Việt Nam; Tướng Hiếu bị thảm sát cũng là một bí-ẩn lớn của lịch-sử quân-sử Việt-Nam.
Rất mong tướng Trần Quang Khôi tiếp tay vào việc làm sáng tỏ bí-ẩn quân-sử này, như vậy những người nghiên cứu sử, những người còn có lòng nghĩ đến chính nghĩa quốc gia Việt-Nam Cộng-Hòa sẽ vô cùng cảm phục và biết ơn. Nhất là đại gia đình của tướng Nguyễn Văn Hiếu.
Ngày 27.07.2021
Ban biên tập generalhieu.info; nguyenvanhieulibrary.info và truclamyentu.info
****
Kính thưa Chuẩn tướng,
Đầu thư chúng tôi chân thành kính gởi tới ông sự kính trọng và ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu đến cùng của ông và Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (LLXKQĐ III - QLVNCH) trong ngày 30 tháng 04 năm1975 đã hiên ngang lẫm liệt tiến về từ Biên Hòa để giải vây cho thủ đô Sài Gòn đang bị Việt cộng vây hãm. Tiếc rằng, Dương Văn Minh là một tổng thống bất xứng và hèn nhát đã ra lệnh cho quân đội đầu hàng, buông vũ khí.
Trở lại tiêu đề của thư không niêm này, vì chúng tôi không có email riêng của ông nên đành mạo muội viết thư này nhờ các diễn đàn chuyển giúp hy vọng là ông đọc được và thông cảm cho.
Về nội dung giữa ông và tướng Hiếu cuộc họp bàn chiến sự với nhau ở Gò Dầu Hạ rất vui lòng mong ông tường thuật lại để cho những người còn quan tâm đến sử liệu VNCH có thể quan tâm nghiên cứu. Theo như ông cũng đã biết, sau cuộc nói chuyện với ông, tướng Hiếu trở về Bộ tư lịnh quân đoàn III ở Biên Hòa và bị Tổng thống Thiệu thảm sát tại văn phòng Tư lịnh phó (theo sự điều tra của ông Nguyễn Văn Tín).
Riêng chúng tôi, nội dung mà ông và tướng Hiếu bàn luận với nhau có liên quan chặt chẻ đến cái chết của tướng Hiếu sau đó. Tiếc rằng trong tất cả những bài viết tài liệu liên quan đến QLVNCH không hề đề cập tới, kể cả trang nhà generalhieu.com. Ngay cả những bài của ông viết trong thời gian tỵ nạn ở hải ngoại.
Có dư luận cho rằng, cuộc họp lần sau cùng giữa ông và tướng Hiếu là bàn về cuộc phản công chống lại Việt cộng bằng chiến xa trong thời điểm đó, có phải vậy không, thưa ông?
Thưa ông, trong buổi họp bàn chiến sự đó còn ai khác đã hiện diện, hoặc đứng chung quanh hay không? Cuộc họp bàn chiến sự đó có được báo cáo lại cho Bộ Tổng Tham Mưu hay Phủ Tổng Thống hay không? 46 năm trôi qua, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng không còn, Việt Nam Cộng Hòa đã mất nước, những điều nêu trong cuộc họp bàn chiến sự giữa Chuẩn tướng và Trung tướng Hiếu vốn không còn là bí mật quân sự hay quốc phòng. Nhưng nội dung đó trở thành những dữ liệu lịch sử quan trọng.
Cuối thư kính chúc ông được nhiều sức khỏe và sống lâu trăm tuổi. Nếu có điều gì mạo phạm vui lòng bỏ qua.
Ngày 05-06-2021
Nguyễn Thành (trang nhà tướng Nguyễn Văn Hiếu Thư Viện) và hội sử-học Việt-Nam
**
Tướng Hiếu Bị Ám Sát: Sự Kiện và Giả Tưởng
http://www.generalhieu.com/generalhieu_assassination_fact_fiction-u.htm
Khoảng 8 giờ sáng ngày 8 tháng 4 năm 1975, Tướng Hiếu bay trực thăng đến Gò Dầu Hạ họp bàn chiến sự với Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, Tư Lệnh Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III. Cùng vào thời điểm này xảy ra vụ oanh tạc Dinh Độc Lập. Khoảng 9 giờ 30, Tướng Hiếu bay trở về Biên Hòa. Khoảng 10 giờ có một buổi họp ngắn giữa Tướng Hiếu và Đại Tá Nguyễn Khuyến, Chánh Sở An Ninh Quân Đoàn III. Sau buổi họp này, vào khoảng 10 giờ 30 sáng, Tướng Hiếu bị giết trong văn phòng.
Giàn Cảnh
Tướng Toàn ra lệnh nghiêm cấm mọi nhân viên và sĩ quan có mặt tại Bộ Tư Lệnh sáng hôm đó không được bàn tán về vụ này và dàn cảnh che đậy sự vụ tung tin là Tướng Hiếu tự sát, sau đổi thành ngộ sát khi chùi khẩu súng lục P-38 vào buổi chiều. Giấy khai tử ghi là chết lúc 7 giờ chiều.
Đến chiều tối, gia đình ở Sài Gòn mới được thông báo hung tin. Bà Hiếu và Dũng, con trai trưởng, được tài xế đưa xe lên Biên Hòa. Khi về bà nói với bố chồng: "Tụi nó giết chồng con ở đâu rồi khiêng xác đặt vào văn phòng: con không thấy có máu me gì cả, chỉ có một vệt máu đỏ khô đọng ở cằm trái chỗ vết đạn đen nhỏ xíu."
Trong buổi họp báo sáng hôm sau, phát ngôn viên quân sự thông báo tin Tướng Hiếu chết theo luận điệu của Tướng Toàn.
Tư Lệnh Phó
Vùng Sàigòn
Bị Bắn Chết
Bản tin đặc biệt của The New York Times
SÀIGÒN, Nam Việt Nam, Thứ Tư 9 tháng 4 - Tư Lệnh Phó vùng quân sự Nam Việt Nam bao gồm Sàigòn chết tối hôm qua vì một vết thương do chính nạn nhân gây nên, theo lời báo cáo của giới chức thẩm quyền tại đây ngày hôm nay.
Theo phát ngôn viên quân sự của Chính Phủ, Trung Tá Lê Trung Hiền, sĩ quan tử nạn, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, thảo luận tình hình quân sự với một nhóm sĩ quan tham mưu trong văn phòng, và đồng thời trưng ra một khẩu súng lục tự động mang nhãn hiệu Đức Walther P-38 mà ông đã sửa lại.
Sau khi các sĩ quan chia tay để đi dùng cơm chiều, người ta nghe thấy một tiếng súng, và tìm thấy vị tướng lãnh chết, phát ngôn viên nói, và thêm ông tin là nguyên nhân là rủi ro chứ không phải cố ý.
Tướng Hiếu là tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh năm 1970 và 1971, và sau đó trở nên trưởng ban chống tham nhũng quốc gia. Trong chức vụ hiện tại, ông phục vụ với tư cách tư lệnh phó Vùng III Chiến Thuật dưới quyền Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn.
Có nhiều nguồn tin cho là có sự bất đồng giữa Tướng Hiếu và Tướng Toàn.
Sáng ngày 9 tháng 4, Cụ Hướng, thân phụ, Trí và Tín, hai em Tướng Hiếu đến Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III. Gia đình được Trung Tá Quyến, Chỉ Huy Trưởng Quân Cảnh Quân Đoàn III được chỉ định tiếp đón gia đình. Gia đình được hướng dẫn lần lượt đi xem nơi quàn thi thể, văn phòng, "trailer" Tướng Hiếu.
Đang khi gia đình lưu lại tại phòng quàn xác Tướng Hiếu, một phái đoàn điều tra từ Tổng Nha Cảnh Sát được biệt phái tới điều tra. Một viên Thiếu Tá Cảnh Sát mở nắp một hộp sắt chứa đồ nghề, lấy ra một lọ thuốc bột đen, lấy một cây cọ lông phết phết bột đen lên hai bàn tay Tướng Hiếu. Mục đích là để xác định súng lục nổ trên tay nạn nhân hay từ tay kẻ sát nhân, tùy theo có hay không có vết thuốc súng trên bàn tay. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, viên sĩ quan cảnh sát tới chào hỏi thân phụ Tướng Hiếu, cho cụ biết mình là cựu học viên của cụ khi cụ là Giám Đốc Trường Huấn Luyện Cảnh Sát Đô Thành ở Đa-Kao, và hứa sẽ cho cụ biết kết quả sớm.
Riêng tôi, Tín, đến cạnh xác anh tôi và nhận xét thấy một vệt chấm đỏ nhỏ ở cằm phía bên trái, và sọ vẫn còn y nguyên; khi tôi vạch mớ tóc vùng trên đỉnh đầu, chếc về phía phải một tí thì nhận xét thấy một vệt chấm đỏ, chứ không thấy lỗ thủng. Nhờ chính mắt quan sát thấy điểm này mà tôi có thể thẩm định được phần nào ai nói thật ai nói láo khi tự cho là biết rõ về cái chết của Tướng Hiếu: chẳng hạn, không thể là tự sát hay ngộ sát vì dấu đạn vào cằm bên trái nạn nhân, mà Tướng Hiếu lại thuận tay phải; không thể là loại súng P-38 vì sọ óc vẫn còn nguyên vẹn.
Giả Tưởng
Mãi sau này, năm 1998, tôi mới khởi công tìm kiếm tiếp xúc hỏi han những người có mặt tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III trong ngày Tướng Hiếu chết. Tôi liên lạc được những nhân chứng sau đây: (1) Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá, Tư Lệnh Sư Đoàn 25, (2) Đại Tá Nguyễn Khuyến, Chánh Sở Anh Ninh Quân Đội Quân Đoàn III, (3) Trung Tá Nguyễn Quyến, Chỉ Huy Trưởng Quân Cảnh Tư Pháp Quân Đoàn III, (4) Bác Sĩ Quân Y Lương Khánh Chí, Y Sĩ Trưởng Quân Đoàn III, (5) Đại Tá Tạ Thanh Long, Trưởng Đoàn Quân Sự VNCH Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên và 2 Bên, (6) Đại Tá Lê Văn Trang, Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân Đoàn III, (7) Thiếu Tướng Đào Duy Ân, Tư Lệnh Phó Diện Địa Quân Đoàn III, (8) Đại Tá Phan Huy Lương, Phụ Tá Tư Lệnh Phó Hành Quân Quân Đoàn III, (9) Đại Úy Đỗ Đức, Tùy Viên Tướng Toàn, (10) Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn III, (11) Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn III, (12) Đại Tá Lê Trọng Đàm, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quân Đoàn II, và (13) Trung Tá Quân Y Lý Ngọc Dưỡng, Chánh Văn Phòng Tướng Toàn.
Tuy thời gian trôi qua đã hơn 20 năm, có hai điểm lạ trong lời khai của những nhân vật này. Một là, ngoại trừ Đại Tá Khuyến nói Tướng Hiếu chết vào buổi trưa, còn lại vẫn còn tuân lệnh của Tướng Toàn đều nói là vào buổi chiều. Hai là ai nấy đều kể lại theo giả tưởng, chứ không đi theo sát sự thật.
Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá
Tướng Lý Tòng Bá nói là nghe tin Tướng Hiếu chết vào buổi chiều. Tháng 6/1998, nhân sau khi đọc cuốn sách Hồi Ký 25 Năm Khói Lửa của Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá, tôi gọi điện thoại cho ông hỏi về Tướng Hiếu. Ông cho biết: ông họp với Tướng Toàn chiều hôm đó; họp xong, ông ra về, trên đường ra bãi đậu trực thăng, ông đi ngang qua văn phòng Tướng Hiếu thì nghe quân lính xì xào Tướng Hiếu bị bắn trong văn phòng; ông không nán lại nghe ngóng thêm tin tức vì phải vội trở về đơn vị gấp.
Đại Tá Nguyễn Khuyến
Người thứ nhất bật mí cho tôi Tướng Hiếu chết vào buổi trưa là Đại Tá Nguyễn Khuyến trong lá thư đề ngày 18/7/1998, khi ông trả lời thư của tôi hỏi về cái chết của anh tôi. Ông còn nhớ rõ diễn tiến như sau: ông họp với Tướng Hiếu ở văn phòng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa; ông lái xe về văn phoǹg Anh Ninh Quân Đội QĐIII cách đó chừng 10 phút; ông chuẩn bị đi ăn trưa với mấy người bạn từ Sàigòn tới thăm thì nhân viên An Ninh Quân Đội báo tin là có cú điện thoại cho hay Tướng Hiếu vừa mới tự vận.
Coi bộ tin Tướng Hiếu chết đã được một số người có mặt tại quang khu vực văn phòng Tướng Hiếu loan tin đi trước khi có lệnh cấm đoán của Tướng Toàn. Chẳng vậy mà Đại Tá Khuyến được nói là khi vừa bước chân về văn phòng thì “nhân viên An Ninh Quân Đội báo tin là có cú điện thoại cho hay Tướng Hiếu vừa mới tự vận”.
Ngoài ra, cuối tháng 8/1998, nhân có mặt tại Virginia trong thời gian tôi tới Văn Khố Quốc Gia thâu lượm tài liệu về Tướng Hiếu, tôi ghé thăm Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ (Trưởng Phòng 3, Tổng Tham Mưu) thì được ông xác nhận là Tướng Hiếu chết vào buổi trưa, vì ông còn nhớ rõ là trưa ngày hôm đó ông bận việc sắp sửa đi ăn cơm trưa trễ thì nhận được cú điện thoại của Đại Tá Phan Huy Lương báo tin Tướng Hiếu bị thảm sát.
Đại Tá Nguyễn Văn Y (Đặc Ủy Trưởng Đặc Ủy Tình Báo Trung Ương) nói với tôi vào năm 1986 là tội nghiệp Tướng Hiếu chết khi chưa kịp ăn cơm trưa.
Tháng 5/1999, khi tình cờ có dịp gặp mặt Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi ở Virginia, và sau đó trong một cuộc điện đàm vào tháng 6/1999, ông xác nhận là Tướng Hiếu chết vào buổi trưa, vì ông nhớ là sáng ngày hôm đó, Tướng Hiếu họp với ông lúc 8 giờ 30 sáng ở Gò Dầu Hạ; khoảng 9 giờ 30, Tướng Hiếu bay về Biên Hòa; vài giờ sau, ông hay tin Tướng Hiếu chết.
Ngoài vấn đề giờ chết, các chi tiết khác của Đại Tá Khuyến trong lá thư phần lớn là giả tưởng:
Theo lời kể của Đại tá Lương thì vào khoảng 12 giờ mọi người ở gần văn phòng của Tướng Hiếu có nghe một tiếng súng lục nổ ở trong phòng của Tướng Hiếu. Đại tá Lương chạy qua thì thấy Tướng Hiếu nằm bất động trên chiếc ghế bành bàn giấy. Một giòng máu tươi chảy chan hoà xuống mặt và ngực. Một viên đạn đã xuyên qua trán đi thẳng lên óc. Viên đạn này còn trớn bay lên trần nhà, soi thủng một lỗ.
Theo hiện trạng thì viên đạn này đã kết liễu đời Tướng Hiếu ngay tức khắc. Nói cách khác là Tướng Hiếu đã chết tốt, không kịp đau đớn. Trong tay Tướng Hiếu còn cầm một khẩu súng lục. Trong phòng Tướng Hiếu lúc đó không có một ai.
Việc đầu tiên là Đại tá Lương quay điện thoại mời Bác sĩ của Quân Đoàn tới gấp xem còn kịp cứu ổng không và tiếp đó là gọi báo cho Quân cảnh Tư pháp của Quân Đoàn. Đại tá Lương còn cẩn thận không cho một ai được bước vào văn phòng của Tướng Hiếu trước khi nhân viên Quân cảnh đến lập biên bản và mở cuộc điều tra.
Khi tôi bước vào phòng Tướng Hiếu thì thấy mấy nhân viên Quân cảnh đang vẽ họa đồ hiện trường. Một nhân viên lấy thang leo lên trần nhà để tìm viên đạn súng lục văng lên đó. Máu và óc văng trên tường! Không có dấu hiệu gì có sự xô xát.
Vì việc này do Quân cảnh tư pháp phụ trách nên tôi chỉ nghe kể lại kết quả điều tra mà thôi. Theo lời Trung tá Quyến, Chỉ huy trưởng Quân cảnh Quân đoàn 3 thì đây là một tai nạn súng lục cướp cò. Không có bằng chứng nào về giả thuyết Tướng Hiếu bị ám sát hay tự sát.
Tôi cũng đồng ý về nhận xét này của Quân cảnh vì theo tin tức chúng tôi nhận được thì biết Tướng Hiếu rất thích súng lục. Ông đã từng giựt giải vô địch thiện xạ súng lục. Trước đó ít lâu, ông được ai đó biếu cho một khẩu súng lục, loại hiếm có. Ông rất quý khẩu súng này nhưng phiền một cái là nó hay bị cướp cò. Cái khóa an toàn bị hỏng sao đó nên dễ bị cướp cò. Ông đã giao cho Bộ Chỉ huy 3 tiếp vận sửa đi sửa lại mấy lần rồi. Đây là tin tức tôi nghe được từ Đại tá Khang, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy 3 Tiếp vận kể lại.
Ngoài ra, vài tuần sau, tôi cũng được Cục A.N.Q.Đ. gởi lên mấy bài báo nói có dư luận đồn rằng Tướng Hiếu bị bọn tham nhũng thanh toán vì sợ ông phanh phui những việc làm mờ ám của họ. Có tờ báo còn nói xa gần rằng việc này do Tướng Toàn chủ mưu. Tướng Toàn lúc ấy đang là Tư lịnh Quân Đoàn 3, vừa lên thay Tướng Dư quốc Đống xin từ chức vì lý do sức khỏe.
Theo kết quả điều tra của tôi thì đây chỉ là một nguồn dư luận vô căn cứ, không dựa trên vật chứng hay nhân chứng nào khả dĩ đi đến kết luận rằng Tướng Hiếu đã bị bọn tham nhũng thanh toán.
Dạo ấy những lời đồn về loại ấy thì quá nhiều. Thí dụ như trước đó ít lâu có tin đồn Tướng Đỗ cao Trí bị Mỹ đặt chất nổ trên trực thăng để thủ tiêu ổng. Đây là một lời đồn vô căn cứ nhưng lại có lắm người tin! Theo kết quả điều tra về vụ này thì đây chỉ là một tai nạn kỹ thuật. Mỹ nó giết ổng để làm gì! Những tướng tài như ổng, Mỹ nó rất trọng dụng, nể nang.
Tướng Hiếu là một Tướng giỏi và trong sạch. Mọi người từ trên xuống dưới đều quý mến ổng. Ông chết đi là một sự mất mát lớn cho Quân đội, nhất là lúc này Quân đội đang cần những tướng lãnh tài đức để cứu nước và giữ nước.
Tôi được hân hạnh phục vụ dưới quyền Tướng Hiếu một thời gian. Ông quả thật là một vị tướng giỏi và nhất là trong sạch. Hình ảnh một ông tướng trẻ tuổi, đẹp trai nhưng lại ăn mặc xuề xòa, tánh tình điềm đạm và bình dân vẫn còn ghi mãi trong ký ức của tôi.
Trên đây là những gì tôi biết về Tướng Hiếu. Có thể tôi đã làm anh thất vọng vì những tin tức của tôi không phù hợp với những tin tức mà anh đã được cung cấp hay mong đợi. Nhưng tôi xin đoan chắc với anh một điều là những gì tôi viết ra đây là đúng với sự hiểu biết của tôi về cái chết của Tướng Hiếu. Tôi không có lợi gì để phải nói dối hay che dấu cho một ai.
Đại Tá Tạ Thanh Long
Trong lá thư đề ngày 4/1/1999, Đại Tá Tạ Thanh Long xác nhận với tôi là Tướng Hiếu chết vào buổi chiều. Ông ghi nhận sự kiện như sau: ông dự buổi họp ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên do Tướng Hiếu chủ tọa, lúc 5 giờ 30 chiều; có mặt Chuẩn Tướng Ân, Đại Tá Lương và Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Biên Hòa; họp xong, khi Đại Tá Lương mời Tướng Hiếu đi ăm cơm chiều, ông đi gặp Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Tế và họp 20 phút; sau đó khi về tới văn phòng thì được báo cáo Đại Tá Lương gọi điện thoại báo tin Tướng Hiếu chết.
Trung Tá Nguyễn Quyến
Ngày 23/1/1999, Trung Tá Quyến, Chỉ Huy Trưởng Quân Cảnh Quân Đoàn 3, quả quyết với tôi Tướng Hiếu chết vào khoảng sau 6 giờ rưỡi chiều. Ông nói ngày hôm đó, Chuẩn Tướng Lê Trung Tường đem một toán quân mặc đồ trận đến Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 đuổi hết quân cảnh thuộc quyền ông đi nơi khác. Chiều hôm đó sau khi tắm rửa xong vào khoảng 6 giờ rưỡi chiều, ông ghé vào Bộ Tư Lệnh thì thấy Tướng Hiếu còn ngồi tại bàn giấy trong văn phòng. Ông thêm là khi phải điều tra vụ án mạng, ông sợ cho tính mạng nhân viên quân cảnh tư pháp của ông, nên phải lập mưu kéo thêm nhóm Cảnh Sát của Đại Úy Thịnh Văn Phúc, cùng nhóm Chiến Tranh Chính Trị của Đại Tá Nguyễn Hùng Khanh, vào cùng điều tra để giảm bớt trách nhiệm và áp lực từ trên giáng xuống.
Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn
Ngày 10/03/1999, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn viết cho tôi một lá thư trong đó có đề cập đến cái chết của Tướng Hiếu:
Nhưng bất ngờ vào ngày (không nhớ) lúc bay hành quân về thì được tin anh Thiếu Tướng Hiếu đã tử nạn ở văn phòng. Tôi liền bay đến văn phòng Thiếu Tướng Hiếu thì tôi thấy anh ấy đã chết bởi một viên đạn súng lục trổ từ mắt lên đầu và chết ngay nơi bàn giấy.
Sự tử nạn của anh Hiếu là do súng lục cướp cò mà ra. Anh Hiếu mất đi để lại sự thương tiếc cho mọi người và là một mất mát lớn lao cho Quân Đội lúc bấy giờ. Nhắc lại chuyện đá qua thật là một buồn thảm.
Ngoài ra, kể cũng lạ Tướng Toàn quên là đã dặn mọi người Tướng Hiếu chết buổi chiều, vì qua trung gian Đại Tá Lê Khắc Lý (Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 2), ông nói Tướng Hiếu chết vào buổi trưa đang khi ông đang bay thị sát mặt trận.
Đại Úy Đỗ Đức
Tình cờ qua một người bạn, tôi liên lạc được với Đại Úy Đỗ Đức. Trong cuộc điện đàm, coi bộ chủ tâm của anh chàng này là giải oan và gỡ tội cho Tướng Toàn:
Ngày hôm đó tình hình rất căng thẳng. Có lệnh cấm trại 100 phần trăm. Cả ngày, Tướng Toàn làm việc trong văn phòng tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3. Tôi ngồi trực tại phòng kế bên. Phòng tôi đối diện với văn phòng Tướng Hiếu. Tôi nhớ rõ ngày hôm đó Tướng Toàn không họp với Tướng Lý Tòng Bá, Tư Lệnh Sư Đoàn 25 vì ai tới gặp Tướng Toàn cũng phải qua tôi. Đến khoảng 5 giờ rưỡi chiều, Tướng Toàn sai tôi gọi xe đưa ông về tư dinh nằm cạnh Tòa Hành Chánh Biên Hòa, chạy xe có quân cảnh hú còi hụ mất khoảng 10, 15 phút. Sau khi thảy cặp Tướng Toàn xuống, tôi đi nhậu cùng với Thiếu Tá phi công Lượng, trước ở Quân Đoàn 2 được tôi đề nghị với Tướng Toàn đưa về quân Đoàn 3 và Thiếu Tá phi công Cửu (vẫn còn ở Việt Nam), từng bay cho nhiều Tướng ở Quân Đoàn 3. Chúng tôi nhậu được khoảng 10, 15 phút thì được báo là Tướng Toàn đã cấp tốc trở lại Bộ Tư Lệnh với viên cận vệ. Tôi vội vàng vứt bỏ rượu bia, phóng về Bộ Tư Lệnh. Khi tới nơi thì quang cảnh đã tấp nập với quân cảnh qua lại đầy dẫy. Tướng Toàn đã ra lệnh niêm phong văn phòng Tướng Hiếu, nên tôi không thấy cảnh Tướng Hiếu chết làm sao. Tôi nghe Tướng Toàn ra lệnh phải điều tra gấp cho ra nội vụ. Sau khoảng nửa tiếng tôi theo Tướng Toàn về tư dinh. Sau này, tôi nghe nói Tướng Hiếu thích chơi súng nên bị nạn vì súng lảy cò.
Điều mà tôi chắc chắn là Tướng Toàn không thể nào bắn Tướng Hiếu vì tôi ở sát bên ông cả ngày hôm đó đến khi ông về nhà sau 5 giờ rưỡi chiều. Tướng Toàn rất kính nể Tướng Hiếu. Ông luôn luôn gọi Tướng Hiếu là "Anh".
Nếu Tướng Toàn nói ông hay tin Tướng Hiếu bị nạn đang khi bay trên trực thăng là ông nhớ sai vì dạo sau này sức khỏe ông đã sa sút nhiều sau khi bị mổ tim. Hai Thiếu Tá phi công Lượng và Cửu đều ngồi ăn nhậu với tôi thì làm sao ổng bay trên trời lúc đó được.
Nếu Tướng Hiếu bị ám sát thì tên sát nhân phải là người rất quen thuộc với ngõ ngách quanh co trong bản doanh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3. Chính tôi, sau khi về đó 2, 3 tháng vẫn còn hay lạc khi phải đi từ văn phòng này qua văn phòng khác. Tôi ít có dịp qua văn phòng Tướng Hiếu, ngoại trừ những khi Tướng Toàn sai tôi đi mời Tướng Hiếu bước qua gặp hay họp riêng.
Thật không thể ngờ chính đương sự là kẻ cầm súng bắn Tướng Hiếu. Anh chàng ta không nói láo khi quả quyết Tướng Toàn không bắn Tướng Hiếu!
Đại Tá Lê Văn Trang
Tháng 5/1999, nhân dịp gặp Đại Tá Lê Văn Trang (Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân Đoàn 3) ở Virginia, tôi được ông cho biết là Tướng Hiếu chết vào buổi chiều. Ông kể lại sự việc như sau: lúc 5 giờ 30 chiều ông họp với Tướng Hiếu, có sự hiện diện của Chuẩn Tướng Đào Duy Ân và Đại Tá Phan Huy Lương, bàn định công việc cho ngày hôm sau; khoảng chừng 20 phút sau, Tướng Hiếu chấm dứt buổi họp; ông và Chuẩn Tướng Ân trở về gia đình ăn cơm chiều, Tướng Hiếu và Đại Tá Lương, vì gia đình ở xa, rủ nhau đi ăn cơm ở câu lạc bộ sĩ quan; đang khi tắm, trước khi ăn cơm chiều, ông nghe quân gia báo Đại Tá Lương gọi điện thoại cho hay Tướng Hiếu chết.
Thiếu Tướng Đào Duy Ân
Tháng 6/1999, tôi bắt liên lạc được với Chuẩn Tướng Đào Duy Ân qua điện thoại. Ông cho biết là Tướng Hiếu chết buổi chiều. Ông thuật lại: 5 giờ 30 chiều ngày hôm đó, ông nói chuyện riêng với Tướng Hiếu (không họp với ai khác); sau đó, ông về ăn cơm với gia đình, còn Tướng Hiếu đi trở về "trailer" riêng ăn cơm; vừa về tới nhà, chưa kịp ăn cơm thì Đại Tá Lương gọi điện thoại báo Tướng Hiếu chết. Ông trở lại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 thì thấy có mặt Tướng Toàn và thấy Tướng Hiếu ngồi chết ở bàn giấy. Sau đó xác được đưa qua quàn tại bệnh viện tiểu khu Biên Hòa. Đêm đó Bộ Tư Lệnh tối om, không có một bóng đèn nào được bật sáng lên. Xác Tướng Hiếu được Tướng Toàn ra lệnh cho một Thiếu Tá chở một cách âm thầm đơn chiếc bằng xe jíp hồng thập tự qua bệnh viện, không có sĩ quan nào khác đưa đón.
Đại Tá Phan Huy Lương
Đầu tháng 7/1999, qua cuộc điện đàm Đại Tá Lương cho biết chi tiết như sau: như thường lệ khoảng 5 giờ, 5 giờ 30 chiều, Tướng Hiếu, Tướng Lê Trung Tường (Tham Mưu Trưởng QĐ3) và Đại Tá Lương ngồi nói chuyện chơi (chứ không phải là họp) tại văn phòng Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 3, trong khi chờ tới giờ ăn cơm chiều; Đại Tá Lương mời Tướng Hiếu đi xơi cơm; Tướng Hiếu đi trở về văn phòng Tư Lệnh Phó lấy đồ riêng; một chập sau, có tiếng súng nổ, quân cảnh chạy vào xem rồi trở ra báo cáo là Tướng Hiếu bị nạn; một lát sau Đại Tá Lương thấy Tướng Toàn xuất hiện; phần ông thì quá buồn bực và bối rối nên không còn để tâm theo dõi tình hình xảy ra tiếp sau đó; ông không có kêu điện thoại báo cho ai cả và chỉ biết là bà Tướng Hiếu tới Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn vào lúc 9, 10 giờ tối. Đại Tá Lương cho biết thêm là cho tới ngày hôm nay, ông vẫn không biết kết quả cuộc điều tra của Quân Cảnh Tư Pháp, cũng như có tìm thấy được viên đạn gây nên tai nạn hay không, và đồng thời cho biết là bác sĩ Chí, giảo nghiệm viên, đã qua đời...
Chuẩn Tướng Lê Trung Tường
Ngày 26/5/2002, tôi nhận được thư của Chuẩn Tướng Lê Trung Tường viết từ Sài Gòn:
Sàigòn Ngày 26/5/2002
Cậu Tín,
Nhận được thư Cậu qua sự giới thiệu của Sự, tôi cố gắng trả lời. Sự việc đã qua 27 năm rồi với tuổi của tôi đã cận 80 rồi mà còn mới trong trí để nhớ chuyện đã qua, để biên thư cho Cậu rõ.
Bạn Hiếu là một người thích dùng súng. Là thiện xạ toàn quốc lúc ở QĐ1. Súng luôn luôn mài lẩy cò, để bắn mau lúc tập cũng như đi thi đấu.
Tôi nhớ chiều hôm xẩy ra chuyện bất ngờ mà anh đã biết, Anh Hiếu sau khi đi công tác về đã vào phòng tôi để mời tôi cùng nhau đi ăn cơm chiều. Lúc đó tôi quá bận với công việc giấy tờ nên đã hẹn anh khi tôi xem công văn xong sẽ qua mời anh cùng đi ăn. Lúc đó anh trở về phòng Anh làm việc ở cách phòng làm việc của tôi độ 30 thước.
Sau đó độ 15 phút, nghe tiếng súng nổ, nhân viên VP của Anh Hiếu chạy qua phòng tôi cho biết trong phòng Anh Hiếu có tiếng súng. Tôi liền bảo gọi ngay QC Tư Pháp đến để mở cửa điều tra. Sau mấy phút QC/TP đến, mở cửa để điều tra thì thấy Anh Hiếu đã nằm cạnh bàn làm việc của Anh ta với một khẩu súng lục. Đạn xuyên qua đầu, vết thương quá nặng nên Anh đã qua đời ... Công việc sau đó QC/TP và Công An lập biên bản. Cũng từ ngày xẩy ra sự việc cho đến 30/4, tình hình QĐ3 quá bận rộn cho đến ngày miền Nam sập tiệm, Quân Đội tan rã, một số người di tản, riêng tôi đến phút chót đã đi cải tạo 13 năm.
Cậu rõ đó là sự việc xẩy ra mà tôi cố nhớ lại biên thư cho bạn rõ.
Đại Tá Lê Trọng Đàm
Khoảng tháng 8, năm 204, Đại Tá Lê Trọng Đàm nói qua điện thoại: sáng ngày Tướng Hiếu chết ông có mặt tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III và trở lên Sài Gòn sáng hôm đó. Đến chiều thì Y Sĩ Trung Tá Dưỡng điện thoại báo tin Tướng Hiếu chết. Khi tôi nói là Đại Tá Khuyến xác nhận là Tướng Hiếu chết vào buổi trưa thì Đại Tá Đàm quả quyết ngay là Đại Tá Khuyến nói sai vì 2 giờ trưa ông còn có mặt tại Quân Đoàn III.
Cuộc điện đàm kéo dài khá lâu, khoảng 45 phút, tuy nhiên ông chỉ đề cập vỏn vẹn như trên về cái chết của Tướng Hiếu. Ông cho biết là ông quen biết Tướng Hiếu từ khi Tướng Hiếu còn là cấp úy làm việc dưới quyền của Tướng Nguyễn Văn Mạnh khi Tướng Mạnh còn là Thiếu Tá trong chức vụ Trưởng Phòng 3 tại Bộ Tổng Tham Mưu ở Chợ Quán, mà ông lại là em rể Tướng Mạnh. Ông nói là khi ông mới chạy thoát khỏi Nha Trang, ông tới thăm Tướng Toàn ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III. Tướng Hiếu chạy lại ôm chầm lấy ông và reo lên: "Mừng anh đã thoát nạn." Tiếp sau đó, ông dành thì giờ còn lại kể chuyện về những gì ông biết về Tướng Toàn và mối giây liên hệ thân mật giữa Tướng Toàn và ông từ thủa thiếu thời.
Trung Tá Quân Y Lý Ngọc Dưỡng
Ngày 31 tháng 8 năm 2004, qua điện thoại tôi Bác Sĩ Lý Ngọc Dưỡng, cựu Y Sĩ Trung Tá, Chánh Văn Phòng Tướng Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn III kể lể với tôi:
Tôi còn nhớ rõ sự việc xảy ra ngày Tướng Hiếu bị ngộ nạn. Ngày hôm đó rất là bận rộn vì sáng đó Dinh Độc Lập bị dội bom, và tôi phải cấp tốc soạn thảo bản thông cáo Tướng Toàn sẽ đọc trên đài phát thanh về vụ ném bom để trấn an quần chúng.
Trong khi đó ở văn phòng Tham Mưu Trưởng kế bên văn phòng tôi đang có cuộc họp về Nhân Dân Tự Vệ - tôi biết vậy vì có đọc công văn thông báo buổi họp đó - với sự tham dự của Tướng Hiếu, Tướng Đào Duy Ân (Tư Lệnh Phó Diện Địa), Đại Tá Nguyễn Khuyến (Chánh Sở Anh Ninh Quân Đoàn III), và một Đại Tá Tư Lệnh Cảnh Sát Quân Đoàn III tôi không nhớ tên.
Vào khoảng 6 giờ, Tướng Toàn bước qua văn phòng nói ông đi về tư dinh ở Biên Hoà. Tôi vội vàng đem theo giấy tờ để tiếp tục công việc soạn thảo bản văn và cùng leo lên xe đi theo Tướng Toàn, trên xe có cả Đại Úy Đỗ Đức, tùy viên Tướng Toàn.
Khi bước ra văn phòng tôi thấy Tướng Đào Duy Ân vừa leo lên xe vụt phóng về nhà. Tôi nghe Tướng Hiếu rủ Tướng Lê Trung Tường đi ăn cơm, và nghe Tướng Tường trả lời: "Anh đợi tôi đi tắm cái đã." Hình như hai người cùng khóa nên xưng hô thân mật như vậy. Trong văn phòng Tham Mưu Trưởng có trang bị phòng tắm riêng. Tướng Hiếu đi về văn phòng Phó Tư Lệnh đợi Tướng Tường tắm xong.
Tại tư dinh Tướng Toàn, khi tôi đang chuẩn bị đem máy thâu băng qua phòng Tướng Toàn để ông đọc bản thông cáo vào băng, thì điện thoại reo. Tôi bốc điện thoại, đầu giây bên kia Tướng Tường báo tin: "Anh Hiếu chết rồi." Tôi hỏi lại: "Chuẩn Tướng nói gì? Xin lập lại." "Tướng Hiếu chết rồi." Tôi chạy qua thông báo cho Tướng Toàn. Lúc đó ông còn chưa cởi xong giây giầy.
Chúng tôi vội trở lại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn. Trên xe có cả Đại Úy Đỗ Đức tháp tùng theo.
Khi bước vào văn phòng Tướng Hiếu tôi tự nhiên buột miệng dặn Tướng Toàn đừng sờ mó gì kẻo để lại giấu tay. Tôi thấy cảnh tượng Tướng Hiếu ngồi trên ghế, đầu gục trên mặt bàn, cánh tay trái đặt trên mặt bàn, cánh tay phải thõ xuống đất, có khẩu súng lục nằm dưới mặt đất bên cạnh bàn tay. Tôi nhận xét thấy viên đạn xuyên từ cổ ...ờ ...ờ ...ờ ... không phải vậy, xin nói lại, từ hàm bên phải trổ lên màng tang bên trái. Tướng Toàn không lại gần bàn giấy, mà chỉ đứng tựa tay vào thành cửa, và tôi mục kích Tướng Toàn khóc. Đó là lần thứ hai tôi chứng kiến Tướng Toàn khóc, lần đầu khi còn ở Quân Khu II, và lần thứ ba trên boong tàu Midway ngày 29/4/1975.
Y sĩ Quân Đoàn III đến khám nhiệm và xác định Tướng Hiếu đã tắt thở.
Nhân viên Cảnh Sát Tư Pháp đến điều tra, tìm thấy viên đạn trên trần nhà và đọ đúng với khẩu sung lục nằm bên xác Tướng Hiếu. Và một viên Thiếu Tá Cảnh Sát Tư Pháp dùng phương pháp bột đen xác nhận tay phải Tướng Hiếu có dấu vết thuốc súng và còn ngửi thấy đầu súng lục có mùi khói. Những điều này chứng tỏ là nạn nhân tự gây nên tai nạn.
Có người cho là Tướng Hiếu tự tử khi cuộc chiến tới thời điểm vô vọng. Tôi không nghĩ vậy vì Tướng Hiếu rất ngoan đạo và đồng thời là một Tướng giỏi, Tướng Hiếu có khả năng đối phó với mọi cảnh huống tại chiến trường. Nếu có thêm nhiều tướng lãnh tài giỏi như Tướng Hiếu thì chắc tụi mình đã khỏi phải chạy qua đây.
À, mà chắc anh biết Tướng Hiếu thích chơi súng. Sáng hôm đó nhân viên ngành Công Binh trao lại cho Tướng Hiếu khẩu súng lục Tướng Hiếu nhờ chỉnh lại cơ phận lảy cò. Có lần Tướng Hiếu dẫn tôi vào "trailer' để khoe bộ 'collection' súng lục đủ loại.
Tôi rất mến phục Tướng Hiếu. Tướng Hiếu rất giỏi, có lẽ giỏi nhất trong hàng tướng lãnh, nhưng lại rất khiêm tốn. Ngày tôi mới về nhậm chức chánh văn phòng cho Tướng Toàn, Tướng Hiếu ghé vào văn phòng thăm tôi. Tôi không ngồi đàng sau bàn giấy tiếp Tướng Hiếu. Chúng tôi ngồi tại ghế xa-lông và Tướng Hiếu không đối xử tôi như cấp tướng đối với cấp tá, mà như thể anh em. Tướng Hiếu nói về cuộc đời binh nghiệp, tài nói nhiều ngôn ngữ, các chuyến công du tại các nước ngoài ... Tướng Hiếu không tỏ vẻ tự tôn phô trương, trái lại trông chừng rất khiêm tốn khi nói về tài năng của mình. Ai cũng biết Tướng Hiếu khiêm nhu. Nữ nhân viên tổng đài điện thoại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, khen Tướng Hiếu luôn ăn nói rất ôn tồn, không khi nào to tiếng quát tháo trên đường giây điện thoại như hầu hết các cấp tướng tá khác những khi đường giây điện thoại không được thông thương như ý muốn, điều thường xảy ra trên hệ thống điện thoại quân đội.
Vì cảm nghiệm của tôi đối với Tướng Hiếu như vậy nên hôm nay anh nhắc lại chuyện xưa mà tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một và đồng thời không khỏi chạnh lòng bùi ngùi
Bác Sĩ Quân Y Lương Khánh Chí
Tháng 8 năm 2004, khi tôi liên lạc được Bác Sĩ Chí, người đã khám nghiệm Tướng Hiếu tiếp ngay sau khi ngộ nạn và chính thức tuyên bố Tướng Hiếu chết thì người nhà cho biết là ông đã bị "stroke" mấy năm nay và trí nhớ đã bị tổn thương nặng nề. Vì vậy khi tôi tự giới thiệu qua điện thoại là em Tướng Hiếu, ông hỏi: "Tướng Hiếu là ai vậy?" Do đó tôi không hỏi ông gì được về cái chết của Tướng Hiếu. Tuy nhiên người nhà cho biết là trước khi ông bị bệnh, khi được hỏi, ông có nói là trong tờ trình ông gửi lên Bộ Tổng Tham Mưu ông dựa vào đường đạn kết luận nguyên nhân gây nên cái chết là rủi ro.
Sự Kiện
Kết quả từ những lời khai của mười ba nhân chứng chỉ tạo thêm hoang mang vì mỗi người kể mỗi khác, chẳng ai giống ai. Mười ba người là mười ba kịch bản khác nhau. Chỉ mãi đến tháng 5 năm 2015, cái chết của Tướng Hiếu mới được làm sáng tỏ từ việc tiếp nhận một nguồn tin tình báo Mỹ.
Khoảng tháng 2 năm 1975, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Biên Hòa Richard Peters trao cho Tướng Hiếu một chiếc bút hiệu Cross được cài đặt một bộ phận dò thám âm thanh điện từ nhỏ, gọi là để phòng thân.
Tướng Hiếu luôn đeo cây bút mực này trong túi áo trước ngực.
Ngày 8 tháng 4 năm 1975, nhờ theo dõi nghe ngóng tín hiệu thường trực phát xuất đi từ cây bút mực này, cơ quan tình báo Mỹ xác định được là vào khoảng 10 giờ 30 sáng, Tướng Hiếu bước vào văn phòng Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III, có Đại Úy Đỗ Đức, tùy viên có đai đen đệ tam đẳng Thái Cực Đạo của Tướng Toàn, đi theo đàng sau. Thình lình Đức tiến tới sát lưng, dùng thế võ lấy cánh tay chặt mạnh xuống gáy khiến Tướng Hiếu ngã gục xuống bất tỉnh, rồi dùng khẩu súng nhỏ P6.35 ly bắn vào cằm. Chập sau, cơ quan tình báo kiểm thính túc trực theo dõi nghe ngóng đường giây nóng Tiger thuộc hệ thống tổng đài 922 giữa Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III và Phủ Tổng Thống, nghe bắt được cú điện thoại của Tướng Toàn gọi cho Tổng Thống Thiệu tường trình ngắn gọn bằng tiếng Pháp: “Mission accomplie.”
Cơ quan tình báo Mỹ còn xác định được khẩu súng P6.35 ly này là của Tướng Toàn trao cho Đại Úy Đỗ Đức dùng cho việc ám sát. Cơ quan tình báo Mỹ còn biết rõ thêm là khẩu súng này được cơ quan mật vụ của Tổng Thống Thiệu tráo đổi với một khẩu súng cùng loại nhằm phi tang khi Tướng Toàn về Phủ Tổng Thống họp phải để lại phòng ngoài trước khi bước chân vào phòng họp. Cơ quan mật vụ của Tổng Thống Thiệu không tin tưởng Tướng Toàn đủ chu đáo bảo mật. Tướng Toàn không hay biết về sự tráo đổi này.
Đại úy Đỗ Đức (X) (5/1972, Kontum)
Động Cơ Ám Sát
Động cơ ám sát Tướng Hiếu không nằm trong cá nhân Tướng Toàn bốc đồng rút súng bắn Tướng Hiếu sau một cuộc cãi vả vì bất đồng về chiến thuật, hay trong phe tham nhũng muốn thủ tiêu một chướng ngại vật, mà là trong cá nhân Tổng Thống Thiệu nghi Tướng Hiếu đang cấu kết với Mỹ mưu toan đảo chánh.
Khi loan tin Tướng Hiếu chết, một vài báo đặt dấu hỏi: “Không biết sự kiện Tướng Hiếu chết có liên quan gì với vụ oanh tạc Dinh Độc Lập của ông Nguyễn Văn Thiệu xảy ra sáng thứ ba cùng ngày không?” (Thông Tấn Xã UPI). Khi dinh Độc Lập bị oanh tạc, thoạt tiên ông Thiệu hoảng sợ nghi là phát súng khai hỏa báo hiệu cho một cuộc đảo chánh. Đồng thời vào lúc đó lại có tin Tướng Hiếu đang có mặt tại Gò Dầu Hạ với Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi. Coi bộ Tổng Thống Thiệu nghi sợ Tướng Hiếu sắp ra tay đảo chánh, liền truyền lệnh cho Tướng Toàn hạ sát Tướng Hiếu.
Nguyễn Văn Tín
Ngày 11 tháng 2 năm 2016
- Cựu Tổng Thống Thiệu Trả Lời Về Cái Chết Của Tướng Hiếu
- Vén Màn Bí Mật về cái Chết Tướng Hiếu
- Tại Sao Tổng Thống Thiệu Giết Tướng Hiếu?
- Một Số Bàn Tán về Tin Thủ Phạm Giết Tướng Hiếu
- Con Cờ Tướng Hiếu Trong Thế Cờ Tổng Thống Nhà Nam
- Nỗi Khổ Tâm Của Tướng Hiếu
- Một Cái Chết Bí Ẩn
generalhieu.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2022 - 2023 - 2024 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:generalhieu.info;
Images | website template by ARaynorDesign