Lịch Sử Việt-Nam Chuyện Người Nghĩa Quân Thờ Hình Của Chính Mình
Là Chiến-Sĩ Việt-Nam Cộng-Hòa,
Điều 1: Tôi nguyện chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để chiến đấu bảo vệ cho sự sống còn của Tổ Quốc, của gia đình và của chính bản thân tôi.
Điều 2: Tôi tuyệt đối chấp hành các mệnh lệnh của cấp chỉ huy, đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu tuyên truyền chia rẽ của giặc cộng.
Điều 3: Tôi luôn kính già, thương trẻ, đứng đắn với phụ nữ và giúp đỡ đồng bào.
Điều 4: Tôi luôn tâm niệm hành động làm mất lòng dân là xua dân về phía giặc cộng, là tự sát.
Điều 5: Tôi luôn đối xử tử tế với tù hàng binh địch (VC), không ngược đãi đánh đập họ, không đụng đến của riêng họ, để thêm bạn bớt thù.
Điều 6: Thực hiện các điều trên là tôi tích cực xây dựng tự do cho đất nước, đem lại hạnh phúc cho toàn dân, tôi sẽ được đền bù bằng sự cảm mến và biết ơn của Đồng Bào.
---------------
Truyện Ngắn +++ - Tác Giả: Phạm Thành Châu
Tết năm đó tôi về Việt Nam ghé thăm bạn bè. Đến miền Trung, tôi được một người bạn rủ thăm mộ một người bạn khác. Từ một thị trấn miền biển, chúng tôi ra quốc lộ Một, theo hướng bắc, lên một đèo nhỏ, đến đỉnh đèo, thay vì xuống dốc, bạn tôi cho xe chạy vào một đường mòn dọc theo chân núi. Đây là một vùng hoang vắng, cằn cỗi, toàn đá, cây lưa thưa, cao không quá đầu người. Chiếc xe gắn máy cứ nhảy chồm chồm, như con ngựa trở chứng, mấy lần suýt ngã xuống vực. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được một nơi, hơi bằng phẳng, có mười mấy ngôi mộ đất, nằm rải rác trên một diện tích khoảng một cái sân lớn.
Bạn tôi chỉ một mô đất có miếng gỗ nhỏ ghi chữ Tư bằng hắc ín bạc màu.
- Nó nằm đây!
Chúng tôi lấy nhang, đốt lên, đứng trước mồ bạn, khấn vái mấy câu. Trong giây phút tưởng niệm, tôi như hình dung rõ bạn tôi trong những ngày cùng ngồi chung lớp, chung trường. Bạn tôi vui tươi, khỏe mạnh, yêu đời, lúc nào cũng nói chuyện tếu được, khiến cho dù ai có chuyện buồn cũng phải bật cười... Rồi cảm tưởng như tất cả những người nằm trong các ngôi mộ rải rác chung quanh đều là bạn thân thiết, vong linh họ đang đứng bên cạnh, tò mò nhìn xem chúng tôi làm gì? Ý nghĩ đó khiến tôi thêm ngậm ngùi, thương cảm.
Tôi khấn lầm thầm. “Chúng tôi rất hãnh diện có được những người bạn đã chọn một cái chết hào hùng để bảo vệ tự do, bảo vệ đồng bào. Sự hy sinh của các bạn càng thêm ý nghĩa sau khi cộng sản Bắc Việt chiếm đóng Miền Nam. Dân chủ, tự do không còn nữa!” Tôi cũng trấn an người bạn học quá cố của chúng tôi khi nói về cuộc sống ổn định của vợ và các con của bạn “Anh em đồng môn luôn tìm cách an ủi, giúp đỡ chị và các cháu”. Khấn xong, chúng tôi đem nhang cắm lên tất cả các ngôi mộ.
- Chỉ thằng nầy là dân hành chánh, còn mấy cậu nằm chung quanh toàn quân nhân. Nhảy dù với nghĩa quân.
- Có lẽ phải xây một cái khung cho tất cả các ngôi mộ nầy, rồi đổ đất lên mới không bị mồ xiêu mả lạc.
- Lần trước, lên đây, tôi có gặp anh chàng sống một mình trong mái tranh đằng kia, mình có thể nhờ anh ta lo vụ nầy...Chắc không tốn bao nhiêu.
Mới buổi sáng mà nắng đã gay gắt. Tôi đứng nhìn quanh. Một bên là núi cao, một bên là sườn núi thoai thoải, chạy đến một rừng cây xanh có lẽ là điểm nước, thấp thoáng sau hàng cây là quốc lộ Một, mấy chiếc xe đang chạy trên một cây cầu nhỏ, bắc qua một con suối, về mùa hè nên nước cạn, chỉ thấy lấp loáng ánh nắng qua những gộp đá nhỏ. Bạn tôi chỉ tay về hướng bên kia đồi.
- Nhà anh ta dưới tàng cây lớn kia kìa, nếu để ý, quá khỏi tàng cây, có cái gò cao, giống hình người đang ngồi. Bạn thấy chưa? Đó là cái gò mối, nhưng người ta đồn đãi là mộ của một cô gái rất linh thiêng. Bây giờ mình thử đến đó xem sao.
Chúng tôi đi băng qua đồi. Đường rất khó đi nên phải đẩy bộ chiếc xe gắn máy, có khi phải khiêng qua những những tảng đá lớn chắn lối hay những rãnh sâu. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến nơi. Đó là một căn nhà tranh vách ván, nằm dưới một cây mít có tàng lớn che gần hết mái nhà. Sau nhà là một khu vườn vuông vức mỗi cạnh độ vài trăm thước, trồng cây lưu niên làm hàng rào, trong vườn là những luống khoai lang, khoai mì và bắp, góc vườn có một giàn bầu hay bí gì đấy. Nhà vắng tanh. Chúng tôi lên tiếng.
- Có ai trong nhà không?
Một người đàn ông từ sau bếp bước ra.
- Có tôi!
Anh ta khoảng trên bốn mươi, người hơi ốm nhưng rắn rỏi, da sạm nắng, tóc cắt ngắn, đôi mắt chơn chất sáng lên niềm vui của kẻ sống cô độc được có người đến thăm.
- Chào quí anh. Quí anh có chuyện gì mà lên chỗ hẻo lánh nầy?
- Chúng tôi đi thăm mấy cái mộ đằng kia, nhân tiện ghé thăm anh, định nhờ anh chút chuyện
.
Anh ta cười, đưa hàm răng vàng khè vì khói thuốc.
- Lúc mấy anh đi lên, tôi đã thấy rồi. Vậy chứ mấy anh có thân nhân, bạn bè gì nằm ở đó?
- Có ông bạn học...Lên thăm, và định xây cho nó cái mộ cho tươm tất, để mộ đất, lâu ngày, gió mưa trôi hết, sau nầy tìm không ra.
- Mời hai anh vô nhà ngồi uống nước.
Chúng tôi bước vào. Đó là một ngôi nhà tranh nhỏ tầm thường. Nhà ba gian, giữa là bàn thờ, có tấm màn che. Bên trái là chiếc giường nhỏ, có lẽ là chỗ ngủ của chủ nhà, bên gối tôi thấy có mấy quyển sách, vì phép lịch sự tôi không nhìn kỹ sách gì nhưng như thế chứng tỏ chủ nhà là người có học và có thú vui đọc sách. Bên phải là một căn buồng đóng cửa. Trước bàn thờ là bàn nước bằng gỗ mộc, cũ kỹ, để một bình tích trong trái dừa khô, giúp cho nước giữ nóng được lâu, mấy cái ly thủy tinh trên một dĩa lớn. Có bốn cái ghế dựa để tiếp khách. Anh kéo ghế mời chúng tôi rồi xuống bếp thổi lửa nấu nước, pha trà.
Chúng tôi ngồi nhìn quanh, hỏi vọng xuống bếp.
-Anh sống một mình sao?
Anh ta đi lên nhà trên.
- Tôi sống một mình. Cũng hơn mười năm.
- Không buồn à? Kiếm một bà về ở chung để có người chuyện trò, ốm đau còn nương tựa nhau.
- Tôi có vợ rồi, nhưng vợ mất, tôi ở vậy...thờ vợ
.
Tôi pha trò.
- Anh có hiếu với vợ dữ! Cô vợ anh chắc sẽ mỉm cười nơi chín suối khi có được người chồng chung tình như anh.
Anh ta chỉ cười, xuống bếp lấây ấm nước lên, mở nắp bình tích, bỏ trà, chế nước sôi vào.
- Sống một mình cũng quen. Xuống phố thấy xe cộ, người nói, ồn ào, chỉ muốn về nhà cho yên tĩnh.
- Đất vùng nầy cằn cỗi, sao vườn anh tươi tốt vậy?
-Phải xuống suối móc sình lên đắp, mấy đời như thế nên mới trồng trọt được. Mấy anh đi thăm mộ ai ở đằng đó?
- Thăm người bạn, tử trận hồi bảy lăm. Bởi vậy mới định nhờ anh...
Anh ta ngồi lên giường, gác tréo chân, thong thả vấn điếu thuốc lá.
- Thỉnh thoảng tôi có ghé thăm chừng, thắp nhang, dọn cỏ mấy ngôi mộ đó. Mấy anh định xây cho mộ nào?
- Có ông bạn học nằm đó. Cũng định xây luôn cái khung chung quanh tất cả các ngôi mộ rồi đắp thêm đất lên cho mưa lũ khỏi trôi mất. Anh có thể giúp được không?
- Có phải mấy anh định xây mộ cho ông phó hành chánh nằm đó không?
- Sao anh biết?
- Tôi là lính phòng thủ quận hành chánh. Nghĩa quân tụi tôi với ông phó thân lắm. Đúng ra thì ông phó không có nhiệm vụ tác chiến, thiếu tá quận trưởng bảo ông đưa gia đình về Sài gòn, mục đích để khỏi phải đánh nhau, nhưng ông phó chỉ gửi vợ con đi còn ông ta thì ở lại. Ông phó bảo đã tốt nghiệp sĩ quan Thủ Đức mà lại trốn chui trốn nhủi thì nhục lắm. Mời mấy anh dùng trà. Vẻ dè dặt không còn trong cách đối xử của anh ta.
- Các anh yên tâm. Nếu các anh muốn xây thêm cái “khuỷnh” cho tất cả các ngôi mộ thì tôi cũng xin góp chút công. Tôi chỉ tính vật liệu thôi, không tính tiền công. Bây giờ tôi đề nghị thế nầy. Các anh ở lại đây nghỉ trưa, chúng ta sẽ có thì giờ bàn lại kỷ hơn chuyện mồ mả. Tôi xin mời các anh một bữa trưa. Chỉ kẹt là không có rựợu, chớ còn mồi thì lúc nào cũng sẵn sàng. Bắt con gà rồi quơ bậy mớ rau thơm là có ngay một nồi cháo. Hai anh cứ ngồi chơi, đợi tôi. Hay là ra sau hè, có gió, mát hơn ở trong nhà.
- Tụi tôi đâu biết nhậu, có cháo gà mà húp cũng đủ khoái rồi.
Hai đứa tôi ra sau hè, tôi nằm đong đưa trên võng, người bạn ngồi trên cái ghế dài, tựa vào vách nhà. Gió biển thổi lên mát rượi, mấy con chim sâu hót trong bụi rậm, tiếng gió rì rào trong cảnh vắng vẻ, tĩnh mịch... Đúng là cõi thần tiên nơi góc núi. Hai đứa tôi chuyện trò linh tinh một lúc, độ hơn nửa giờ thì anh ta bưng nồi cháo ra, đặt trên một cái bàn nhỏ, thêm mớ chén, đũa, vậy là chúng tôi vừa sì sụp vừa chuyện trò.
- Bây giờ anh kể vụ bảy lăm, ở đây, xảy ra những chuyện gì? Tụi tôi chỉ nghe mang máng có đánh nhau dưới cầu kia, anh có tham dự không?
- Có chứ! Khi có vụ di tản từ Cao Nguyên xuống thì ở quận, tụi tôi được lịnh ứng chiến. Ông phó hành chánh, tức bạn của hai anh, dẫn trung đội nghĩa quân tụi tôi lên chốt trên kia. Tụi tôi đóng ở đó được mấy ngày thì có một đại đội dù đến tăng cường. Ông phó phối hợp với bên dù cho gài mìn dưới cầu đằng kia, chờ tụi hắn đến thì giật sập cầu và chận đánh. Một toán nằm dọc bờ suối, phục ở đó, chờ địch. Tôi và một anh nhảy dù lo việc giật mìn.
Nhiệm vụ tôi hễ bấm xong mìn thì lên chỗ gò kia nằm, theo dõi và gọi máy báo cáo khi thấy địch xung phong lên núi. Thế rồi, địch xuất hiện, chạy một dọc cả chục chiếc xe lớn chở đầy bộ đội. Tôi bấm mìn giật sập cầu, mấy anh nhảy dù thụt M72, cháy mấy chiếc xe đi đầu, rồi xả súng như mưa. Từ ngày tôi đi nghĩa quân, thỉnh thoảng có hành quân lùng sục du kích, nhưng việt cộng chỉ bắn mấy phát rồi bỏ chạy, chứ chưa thực sự đụng độ bao giờ. Đến lúc đó tôi mới biết thế nào là đánh nhau. Ôi thôi! Súng nổ khắp nơi, rầm trời, rầm đất. Tôi bò lên chỗ gò mối nằm dòm chừng để báo cáo tình hình. Đến chiều thì xe tăng tụi nó đến.
Đại bác của xe tăng thụt phe ta chạy tứ tán, phải núp sau mấy tảng đá, hi vọng tụi nó xung phong theo bờ suối thì nhào ra. Vậy mà chúng chỉ bắn cầm chừng, đến tối, chúng vào giở nhà dân bắt cầu, suốt đêm, sáng hôm sau chúng đi mất tiêu. Coi bộ chúng không thiết đánh nhau, chỉ lo chạy vô phía Nam mà thôi. Sáng đó tụi tôi cũng thu dọn chiến trường, chôn mấy người chết, băng bó người bị thương rồi cũng di chuyển theo đường núi về hướng Nam. Đến tháng Năm thì tan hàng, ai về nhà nấy. Tôi về trình diện chính quyền cộng sản, đi học tập, nghĩa là đi nghe chửi, lao động sản xuất rồi được về nhà. Tôi về đây phụng dưỡng ông bà già. Được năm năm hai ông bà qua đời, tôi vẫn ở đây lo hương khói, chăm nom mồ mả cha mẹ, vợ con cho đến bây giờ.
Ăn xong chúng tôi phụ nhau dọn dẹp chén đũa. Anh đem bình trà và ly ra.
- Trưa nào tôi cũng ra đây làm một giấc. Gió mát lắm!
Tôi nhìn lên đồi, thấy cái gò mối giống hình người ngồi xây lưng về phía chúng tôi.
- Tôi có nghe kể về chuyện cô gái chết nhưng linh thiêng lắm. Anh biết chuyện đó không?
- Chuyện linh thiêng thì tôi không tin, vì đôi khi chỉ là sự trùng hợp tình cờ. Nhưng chuyện về cô gái đó thì tôi biết rõ. Vì nó xảy ra cùng lúc với vụ đụng độ mà tôi vừa kể cho mấy anh nghe đó.
- Anh có thể kể vắn tắt cho tụi nầy nghe được không?
- Chuyện chẳng có gì lạ lùng cả. Lúc đụng độ thì cái gò mối chưa cao và to như vậy...
Tôi đoán chừng.
- Sau đó cái gò mới nổi lên giống hình cô gái ngồi nên người ta thêu dệt nên một chuyện linh thiêng, phải không?
- Cũng gần như thế. Trong toán nghĩa quân, có một anh chàng là chồng của cô gái ở nhà nầy, nên ông phó giao cho hai vợ chồng cái chốt đằng kia, canh chừng địch. Coi như vừa làm việc nhà vừa làm việc nước. Hai người mới cưới nhau được có nửa năm.
Anh ta trầm ngâm.
- Cô ta có bầu được ba bốn tháng. Lúc đụng độ, cô ta không ở trên chốt mà ở nhà, ở đây. Cô với cha mẹ nấp dưới hầm nên vẫn bình yên. Sáng hôm sau, sau vụ đụng độ, cả đơn vị, dù và nghĩa quân theo đường núi vào Nam. Anh chàng nghĩa quân có hẹn với vợ là sẽ quay lại. Nếu tình hình khó khăn, nguy hiểm thì anh ta sẽ về ban đêm, điểm hẹn là cái gò đó. Thế nên, khi thành phố bị địch chiếm, làng xã bị kiểm soát, cô ta không hi vọng gặp chồng ban ngày nên buổi tối cô ta thường mang chiếc võng, mùng mền ra ngoài chốt kia ngủ để chờ chồng. Thường thì cô ngủ lại ở đó đến gần trưa mới vô. Cha mẹ thấy cô mang bầu, thương con, cứ để cho cô ngủ, khi nào thức dậy thì vô nhà.
Bữa đó đến chiều, không thấy cô vào, bà mẹ mới ra đánh thức con. Không ngờ ra đến nơi thì chỗ con gái nằm, mối đã đùn lên ngập xác cô, như một nấm mộ. Hai ông bà chưa biết tính sao thì hôm sau, mối phủ cao lên nữa, đành để vậy. Hôm trước đó, cô gái đã than là trong người khó ở, bị sốt, không chịu ăn uống. Cha mẹ cản ngăn nhưng cô vẫn lên chốt ngủ chờ chồng. Có lẽ cô bị trúng gió hay trở bịnh bất ngờ, không ai cứu giúp nên phải chết, vừa lúc mối đùn gò ngập luôn xác của cô.
- Nhưng nghe nói cô linh thiêng lắm, anh có biết tại sao không?
- Số là một năm sau đó, có chuyện xảy ra dưới quốc lộ, chỗ đường mòn mà mấy anh dẫn xe vô lúc nãy. Chuyện như thế nầy. Một buổi tối, trời mưa to, có chiếc xe khách chạy lên đèo. Vì mưa quá lớn không thấy đường sá gì cả, anh tài xế phải lái rất cẩn thận. Lúc xe vừa định quẹo cua, đổ đèo thì thấy một chị đàn bà, bụng mang bầu, đi băng qua đường. Anh tài xế hoảng kinh, vội thắng gấp rồi thò đầu ra cửa xe chửi thề chị đàn bà là đui, là ngu.
Chị ta không nói năng gì cả, cứ lẳng lặng đi qua rồi khuất trong mưa. Chửi xong anh ta cho xe chạy. Nhưnh chưa kịp sang số thì thấy một chiếc xe tải chết máy, nằm lù lù một đống, không đèn đóm, không dấu hiệu gì cả. Nếu không vì chị đàn bà băng qua đường mà phải thắng gấp, anh ta đã cho xe húc vào đít chiếc xe tải chết máy nằm đó rồi, chắc chắn là xe phải rớt xuống đèo. Thật hú vía! Anh tài xế xuống xe, cứ hướng chị đàn bà đã đi khuất mà vái lạy rối rít. Không hiểu nghe ai kể mà anh tài xế, ít lâu sau, ra kêu người nhờ xây cái miếu chỗ khúc quanh suýt xảy ra tai nạn. Không may cho anh ta, mới đổ gạch xuống đó thì gặp mấy ông công an xã đi ngang.
Họ dừng lại hỏi lý do xây miếu, hỏi giấy phép. Anh tài xế kể lại chuyện xảy ra hôm trước, nhưng chẳng ai tin. Vụ xây miếu bị ngưng. Mấy ông công an kéo nhau lên chỗ gò mối, ông trưởng công an xã rút súng bắn vào cái mộ để thị uy “Chết là hết. Không có ma quỉ, thần thánh gì cả. Cái mộ nầy sẽ bị san bằng nay mai” Vì mấy ông đó đi nhậu về, say quá nên khi xuống đồi, xe bị lọt hố, ông trưởng công an xã bị gãy tay. Thế là người ta đồn rầm lên là ông ta bị “Cô” vật.
- Tôi có đọc một truyện ngắn tương tự. Có lẽ người ta dựa theo đó, cùng với lòng thương cảm cô ta mà thần thánh hóa câu chuyện để người đời truyền tụng. Anh ta như không để ý lời tôi, kể tiếp.
- Ít lâu sau, anh tài xế được nhắn ra, cho phép tiếp tục xây cái miếu, nhưng không ai dám giúp vì sợ bị bắt. Vừa may gặp tôi, tôi thầu luôn.
Xây xong miếu, tôi vào chùa, xin thầy trụ trì viết cho một bài vị bằng chữ nho. Phần trên để mấy chữ thật lớn Anh Hùng, Liệt Nữ. Dưới đó là tên cô gái và tên mấy anh lính chết trận. Tôi đem đến thợ đá nhờ chạm cho một bia nhỏ để thờ trong miếu. Thành ra, ngày rằm, mồng một, xe cộ ngang qua đấy thường dâng lễ vật, khấn vái, xin “Cô” phù hộ đi đường bình an.
- Bộ anh nhớ hết tên mọi người chết trên đó sao?
- Nghĩa quân là đồng đội, cùng đơn vị bao nhiêu năm. Với các anh bên nhảy dù, sống với nhau hàng tuần lễ, chỉ cần nghe tiếng nói tôi cũng biết là ai, tên gì. Vả lại phải nhớ tên mấy người đã chết, để sau nầy thân nhân đi tìm mà chỉ cho họ
.
Thấy trời đã về chiều, tôi bàn đến chuyện xây mả, anh ta đề nghị.
- Nên xây từ từ, không cho chính quyền biết, hết tiền tôi sẽ ghé nhà quí anh lấy thêm.
- Anh đừng lo, tôi là Việt kiều, anh cứ tính công vào cho sòng phẳng. Chẳng bao nhiêu mà ngại. Tôi để tiền lại, anh cứ ghé bạn tôi mà lấy.
Tôi nhờ anh ta đưa chúng tôi ra thăm gò mối là mộ của cô gái. Trông không khác bất cứ gò mối nào ở trong rừng, nhưng rất to, kích thước cũng cỡ một ngôi nhà nhỏ. Đứng gần thì không hình dung được, nhưng nếu lùi ra xa, đi vòng phía bên kia, sẽ thấy giống hình một người đàn bà với mái tóc dài, ngực lớn, ngồi xây mặt vô núi.
Có một cái nấm nhỏ hơn, giống đứa bé ngồi tựa vào lòng mẹ. Tôi hỏi.
- Trông giống Hòn Vọng Phu, nhưng sao Hòn Vọng Phu nầy lại xây mặt vô núi?
Anh ta có vẻ đăm chiêu.
- Hai mẹ con chờ người trong núi ra.
Buổi chiều âm u, cảnh vật im lìm, tôi cảm thấy rờn rợn, tưởng chừng cái nấm mộ vĩ đại giống hình người kia cũng có linh hồn, có cảm giác và đang lắng nghe chúng tôi chuyện trò. Tôi nói.
- Đáng lẽ phải đem nhang ra đây...
- Vô nhà cúng cũng được. Trong đó có thờ cô ta.
Khi vào nhà, chúng tôi xin được thắp nén nhang, lễ trước bàn thờ tổ tiên, thân nhân của chủ nhà. Anh ta vén tấm màn che bàn thờ lên và lấy nhang, quẹt diêm đốt, trao cho chúng tôi. Tôi thấy trên bàn thờ có để hình hai người lớn tuổi, có lẽ là cha mẹ anh ta. Phía trước là hình một cô gái, diện mạo bình thường, hơi mập, mặt tròn, nụ cười hiền lành, chất phác. Cạnh hình cô ta là hình một người thanh niên.
- Có phải hình thờ bên cạnh là chồng cô ta không?
-Đúng rồi! Vợ chồng phải thờ bên nhau cho có đôi.
Tôi nhìn hình người đàn ông, thấy ngờ ngợ như gặp ở đâu? Nghĩ mãi một lúc, quay nhìn anh ta... hóa ra là hình của chính anh.
-Ủa, anh chưa chết mà sao lại thờ, hay là hình người khác?
- Hình của tôi đó! Cô ta là vợ tôi. Khi cô ấy mất, tôi về đây phụng dưỡng cha mẹ vợ.
- Nhưng sao anh lại thờ chính mình?
Anh cười buồn, đôi mắt xa xăm.
- Khi học tập cải tạo, cán bộ bảo rằng nước Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa. Tối đó, tôi nằm khóc suốt một đêm. Tôi biết, thế là hết. Đất nước tôi, quê hương, bản quán của tôi đã bị người ta chiếm mất rồi! Cán bộ nói rõ là chúng tôi đáng tội chết, chúng tôi không còn là người dân nước Việt Nam nữa. Chúng tôi sẽ bị kiểm soát, theo dõi như những người tù.
Bạn bè, đồng đội, đứa nào cũng buồn, không muốn gặp mặt nhau! Tôi như người lính duy nhất còn sống sót, lang thang giữa một vùng quen thuộc nhưng không còn nơi để trở về. Cảm tưởng rõ rệt nhất là khi tôi đứng trước quận hành chánh nhìn vào. Quận đường vẫn nguyên vẹn, vọng gác trước cổng, nơi tôi thường ngồi gác vẫn còn đó, nhưng tôi không còn quyền yêu thương nơi đó nữa. Tôi đã bị xua đuổi khỏi quê hương tôi.
Tôi sống một mình ở đây nhưng lại cảm thấy được gần gũi với bao người thân yêu chung quanh. Thỉnh thoảng tôi ra ngồi tâm sự với vợ con tôi ở gò mả ngoài kia. Khi thì tôi qua bên kia đồi, cạnh các ngôi mộ, chuyện trò với đồng đội nằm dưới đó. Tôi nghe được, hiểu được những gì các bạn nói với tôi. Tôi nghe cả tiếng cười đùa của họ, nghe cả tiếng lách cách của súng đạn va chạm nhau, ngửi được cái mùi lính, mùi quen thuộc của mồ hôi thấm vào áo trận. Tôi ngồi đó để cảm thấy được an toàn đồng đội như những lúc hành quân, những ngày đóng chốt cũng như khi đụng độ với giặc.
Tôi ngồi đó để tưởng nhớ nước Việt Nam Cộng Hòa thân yêu của tôi.
Tôi để hình tôi trên bàn thờ là coi như mình đã chết theo với nước Việt Nam Cộng Hòa của tôi. Tôi chỉ sống lây lất, lo nhang khói cho đồng đội, cho cha mẹ, vợ con. Khi nào thực sự nhắm mắt thì tôi đã có sẵn cái huyệt mộ, gần vợ con tôi, ngoài kia.
Phạm Thành Châu
generalhieu.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2022 - 2023 - 2024 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:generalhieu.info;
Images | website template by ARaynorDesign