Quân Sử Việt-Nam Cộng-Hòa Những điều vô lý trong trận Phước-Long
http://www.nguyenvanhieulibrary.info/military_history/quansuvietnam_phuoc-long-nhung-dieu-vo-ly.html
Là Chiến-Sĩ Việt-Nam Cộng-Hòa,
Điều 1: Tôi nguyện chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để chiến đấu bảo vệ cho sự sống còn của Tổ Quốc, của gia đình và của chính bản thân tôi.
Điều 2: Tôi tuyệt đối chấp hành các mệnh lệnh của cấp chỉ huy, đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu tuyên truyền chia rẽ của giặc cộng.
Điều 3: Tôi luôn kính già, thương trẻ, đứng đắn với phụ nữ và giúp đỡ đồng bào.
Điều 4: Tôi luôn tâm niệm hành động làm mất lòng dân là xua dân về phía giặc cộng, là tự sát.
Điều 5: Tôi luôn đối xử tử tế với tù hàng binh địch (VC), không ngược đãi đánh đập họ, không đụng đến của riêng họ, để thêm bạn bớt thù.
Điều 6: Thực hiện các điều trên là tôi tích cực xây dựng tự do cho đất nước, đem lại hạnh phúc cho toàn dân, tôi sẽ được đền bù bằng sự cảm mến và biết ơn của Đồng Bào.
---------------
Bùi Anh Trinh
*Tòa Bạch Ốc nói rằng : Tổng thống Pho không có ý vi phạm những điều cấm chỉ của Quốc hội về việc sử dụng lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam” ( Hồi ký của Tướng CSVN Hoàng Văn Thái trang 161). Tổng thống Mỹ Ford nói câu này sau khi Phước Long bị chiếm vào ngày 6-1-1975. Nghĩa là từ ngày này Mỹ sẽ phủi tay đối với công cuộc chiến đấu của Quân đội VNCH.
Ngay sau khi nhận được tin, Lê Duẩn chỉ thị cho Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái lên kế hoạch tiến chiếm miền Nam : “Một tháng sau chiến thắng Phước Long, ngày 5 tháng 2, anh Văn Tiến Dũng lên đường vào Tây Nguyên” ( Hoàng Văn Thái, trang 172).
*( Trích sách Giải Mã Những Bí Ẩn Của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh ).
Năm 1975, ngày 10-1, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đặt danh hiệu cho tỉnh Phước Long là “Phước Long Thương Khó”. ( Trước đó vào năm 1972 ông ta đặt tên cho Tỉnh Bình Long là “Bình Long Anh Dũng”, tỉnh Kontum là “Kontum Kiêu Hùng, Tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên là “Trị Thiên Vùng Dậy” ). Có nghĩa là Tổng thống Thiệu bỏ luôn tỉnh Phước Long chứ không có ý định tái chiếm trở lại như năm 1972. Đơn giản chỉ vì lúc đó ông ta đang toan tính bỏ luôn Vùng 1 và Vùng 2 nếu Tổng thống Ford quyết định không can thiệp sau khi Phước Long rơi vào tay quân Cọng sản.
* Chú giải : Mới đầu Tướng CSVN Lê Đức Anh sử dụng 2 trung đoàn của Sư đoàn 3 chiếm dễ dàng 2 quận Đức Phong và Bố Đức. Đây là hai trung đoàn chủ lực Miền của quân đội GPMN, tiếng là Sư đoàn 3 nhưng thực sự chỉ có 2 trung đoàn. Sau đó không thấy phía VNCH có phản ứng cho nên Hà Nội ra lệnh cho Quân đoàn 4 của Tướng Hoàng Cầm nhảy vào cuộc. ( Tự truyện của Tướng Lê Đức Anh do Khuất Biên Hòa ghi ).
Tướng Cầm đã điều động cả 3 sư đoàn và 1 trung đoàn đặc công ( tổng cộng 27 tiểu đoàn ) để đạt được chiến thắng. Trong khi đó lực lượng phòng thủ của Phước Long chỉ có 5 tiểu đoàn Địa phương quân, mà đã có 2 tiểu đoàn tự tan rã ngay ngày đầu và 1 tiểu đoàn tan rã trong ngày thứ hai.
Lê Duẩn và Tướng CSVN Trần Văn Trà chưng hửng
Theo Tướng Cao Văn Viên trong The Final Collapse : Để đối phó với lực lượng tấn công hơn 3 sư đoàn của CSVN, Bộ Tổng tham mưu và BTL Quân đoàn 3 VNCH chỉ gởi vào chiến trường 1 tiểu đoàn bộ binh vào ngày thứ hai của trận chiến. Và đến ngày thứ 25, sau khi quân CSVN dùng xe tăng tấn công vào thị xã Phước Long thì Bộ TTM gởi thêm 2 đại đội Biệt kích dù.
Đây là một điều hoàn toàn không hiểu nổi đối với các nhà quân sự học. Ngoại trừ ngay từ đầu Tướng Thiệu và Tướng Viên đã quyết định bỏ thí Phước Long.
Về phía CSVN lại càng khó hiểu hơn : Để đối phó với lực lượng gồm 1 tiểu đoàn bộ binh và 2 tiểu đoàn ĐPQ của VNCH mà hơn 3 sư đoàn quân CSVN phải đánh suốt 25 ngày đêm mới giành được chiến thắng…? Đây cũng là một điều vô lý nhưng sau này được Tướng CSVN Trần Văn Trà giải thích trong hồi ký “Kết Thúc Cuộc Chiến Trận 30 năm” :
Bổng một hôm trong lúc đang họp, một đồng chí trong Cục tác chiến đưa đến và đọc một bức điện từ chiến trường báo cáo rằng “ Vì địch đã tăng viện được Lữ 81 Biệt kích dù vào thị xã, chúng đã cố thủ nên chúng tôi tạm cho dẫn bộ đội ra chấn chỉnh để nghiên cứu đánh lại”
Tôi sửng sốt, không tin. Tôi ngồi gần như đối diện với anh Ba ( Lê Duẩn ), khi nghe đọc xong, anh nhìn thẳng vào tôi có ý hỏi tại sao vậy. Trước đây, khi xin được đánh Phước Long và được sử dụng một ít pháo lớn và xe tăng, tôi đã khẳng định với anh Ba rằng ta đánh chắc thắng và địch không thể tăng viện được. Nay nếu đánh không nổi tỉnh lỵ Phước Long thì mọi việc đánh giá khác của tôi sẽ khó mà tin được là đúng. Trình độ tác chiến của quân chủ lực ta ở Miền Đông rõ ràng chứng tỏ còn thấp kém ( trang 189 ).
Thực ra lực lượng tăng viện của Biệt cách 81 không phải là một lữ đoàn ( 16 đại đội ) mà chỉ có hai đại đội khoảng 250 người ( Tài liệu The Final Collapse của Tướng Cao Văn Viên ). Hai đại đội đủ khiến cho 3 sư đoàn CSVN phải rút ra ngoài. Vậy thì chỉ cần 4 đại đội hay 6 đại đội là dư sức giữ được Phước Long với sự yểm trợ tối đa của Pháo binh và Không quân.
Trước đó hồi ký của tướng CSVN Trần Văn Trà cho thấy chủ trương của Trung ương cục vào cuối năm 1974 : “Năm 1975 không đánh lớn, chỉ lo phá bình định ở đồng bằng sông Cửu Long. Ở Miền Đông, chủ lực không đánh lớn, B.2 định đánh Đồng Xoài, Phước Long nhưng Bộ không đồng ý”.
Sau đó Trần Văn Trà cùng Phạm Hùng ra Hà Nội để gặp Lê Duẫn để bàn kế hoạch trong năm 1975. Trong khi Hùng và Trà đang còn ở Hà Nội thì ở trong Nam Lê Đức Anh cho quân chiếm hai quận Đôn Luân và Bố Đức mà không tốn hao công sức ( thực ra là do hai tiểu đoàn người Thượng làm phản ).
Nghe được tin đó Trà thuyết phục Duẩn cho phép đánh Phước Long với toàn bộ lực lượng của Quân đoàn 4 CSVN. Không ngờ chỉ cần 2 đại đội Biệt cách mà 3 sư đoàn của Tướng Hoàng Cầm suýt thất bại ( Quân số 1 sư đoàn khoảng từ 8.000 đến 10.000 người trong khi 1 đại đội khoảng trên dưới 100 người ).
Nếu lúc đó người chỉ huy chiến trường là Tướng Phạm Quốc Thuần thì 3 sư đoàn của Tướng Trà sẽ bị đánh tan như năm 1972 mà chỉ cần điều tới Phước Long 1 thiết đoàn chiến xa. Mặc dầu 1975 VNCH không còn B.52, nhưng phía CSVN cũng không khá gì hơn, họ không còn đạn đại bác, không còn vũ khí chống tăng và chống máy bay ( Hồi ký của tướng CSVN Hoàng Văn Thái ). Tướng Thuần sẽ điều ít nhất 10 tiểu đoàn trong số 33 tiểu đoàn chủ lực của Quân đoàn 3, hoặc tệ lắm thì cũng là 16 đại đội của Liên đoàn Biệt cách 81.
Thái độ khó hiểu của Tướng Cao Văn Viên
Phản ứng của Tướng Dư Quốc Đống và Tướng Cao Văn Viên đã khiến cho Tướng CSVN Lê Đức Anh có một quyết định làm thay đổi hẳn số phận của VNCH : “ Sau 4 ngày chiến đấu… … Thấy quân địch không có phản ứng gì lớn, ông Anh hội ý trong Bộ chỉ huy Miền, quyết định tấn công đợt 3, tiêu diệt khu vực phòng thủ cuối cùng, giải phóng Phước Long ( Khuất Biên Hòa, Đại tướng Lê Đức Anh, trang 136 ).
Ngày nay lục lại hồ sơ trận Phước Long thì rõ ràng Phước Long thất thủ do Tướng Dư Quốc Đống và Tướng Cao văn Viên đã án binh bất động cho quân CSVN tha hồ tiến chiếm. Và rồi kết quả mất Phước long đã khiến Hà Nội quyết định đánh Ban Mê Thuột.
Theo như hồi ký của Tướng Cao Văn Viên thì Tướng Đống quá tệ; ông ta xin thêm Sư đoàn Dù, chứng tỏ ông chẳng biết gì về tầm quan trọng của sư đoàn dù đang trấn ải ngoài vùng giới tuyến. Sau khi bị từ chối Sư đoàn Dù thì ông đòi 1 sư đoàn bộ binh nào khác, nếu không có thì ông từ chức. Trong khi đó ông chớ hề điều động được 3 sư đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn chiến xa và 3 liên đoàn BĐQ mà ông đang nắm trong tay, ông chỉ ngắt ra được mỗi một tiểu đoàn trong số 33 tiểu đoàn chính quy của Quân đoàn.
Sự thực không thể như vậy, đặt giả dụ Tướng Đống không có khả năng nhưng dưới ông còn có Tướng Tư lệnh phó Nguyễn Văn Hiếu và ban tham mưu Quân đoàn. Nhưng tướng Hiếu là một ông tướng xuất sắc, chính ông là người làm nên chiến thắng Pleime năm 1965, lúc đó ông là Đại tá Tham mưu trưởng Quân Khu 2.
Ngoài ra còn có Tướng Cao Văn Viên và Bộ Tổng tham mưu đang đứng đằng sau. ( Theo hồi ký của Đại tá Phạm Bá Hoa thì Tướng Đống là đàn em thân tín của Tướng Viên, chắc chắn Tướng Đống đã có cầu cứu với Tướng Viên nhưng Tướng Viên làm lơ ). Chỉ có một cách giải thích duy nhất là Tướng Thiệu và Tướng Viên muốn bỏ Phước Long cho nên chẳng những không giúp đỡ Tướng Đống mà thậm chí còn tỏ thái độ lơ là khiến cho ông đòi từ chức.
Việc Tướng Thiệu không chấp nhận cho Tướng Đống từ chức chứng tỏ rằng lỗi không phải nơi Tướng Đống. Chẳng qua là Tướng Đống không hiểu ý của Tướng Thiệu và Tướng Viên mà thôi. Có như vậy mới thấy Đại sứ Martin đẩy tướng Thuần ra khỏi vị trí Tư lệnh Quân đoàn 3 là có âm mưu.
Nếu là Tướng Thuần thì Tướng Thiệu và Tướng Viên không qua mắt được ông ta. Dĩ nhiên là 2 trung đoàn CSVN của Tướng Lê Đức Anh sẽ bị đánh tan tại Bù Na và Bù Đăng. Lúc đó Hà Nội sẽ không chỉ thị Quân đoàn 4 CSVN của Tướng Hoàng Cầm nhảy vào cuộc. Và như thế Phước Long sẽ không mất và trận Ban Mê Thuột sẽ không xảy ra.
Nhưng giữa Tướng Thiệu và tướng Viên thì ai là người chủ trương bỏ thí Phước Long? Hồi ký của Tướng Viên cho thấy Tướng Thiệu quyết định không tiếp ứng cho Phước Long sau khi nghe thuyết giải của Tướng Viên trong buổi họp tại dinh Độc Lập vào ngày 2-1-1975, tức là ngày thứ 22 sau khi trận đánh xảy ra và chỉ còn 4 ngày nữa là kết thúc.
Như vậy có thể hiểu là ngay từ đầu cho tới ngày thứ 22 mọi tin tức về tình hình Phước Long đến tai Tổng thống Thiệu như hằng ngàn trận lẻ tẻ khác trên toàn quốc cho nên ông không để ý. Chỉ đến khi xe tăng CSVN xuất hiện và tràn vào thành phố, báo chí loan tin từng giờ thì Tổng thống Thiệu mới hay.
Nhưng khi ông hay được thì Tướng Cao Văn Viên cho ông biết là : (1) Quân trừ bị của Bộ TTM không còn ( Tướng Viên quên mất là ông còn Liên đoàn 81 Biệt cách nhảy dù và Liên đoàn 7 BĐQ ). (2) Hai sư đoàn trực thuộc Quân đoàn 3 là Sư đoàn 18 và Sư đoàn 25 Bộ binh mắc phòng thủ Tây Ninh ( Tướng Viên quên mất là Tướng Đống còn Sư đoàn 5 Bộ binh và 1 Liên đoàn Biệt Động quân trừ bị ). (3) Không còn trực thăng chở quân và đại bác. (4) Nếu điều động máy bay không vận cho Phước Long thì sẽ bị tổn thất, làm giảm khả năng vận chuyển của Không quân VNCH về sau này ( Bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong trang 107-108 ).
Sự lý giải của Tướng Viên vô tình cho thấy chỉ có một mình ông quyết định bỏ Phước Long chứ không phải là do Tướng Thiệu. Tướng Thiệu chỉ hay biết sau khi tình hình không còn cứu vãn được nữa.
Thái độ im lặng của Tướng Nguyễn Văn Hiếu
Trong khi đó có một người thấy rõ những điều lý giải của Tướng Viên là vô lý. Đó là Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư lệnh phó Quân đoàn 3; ông biết rõ Tướng Đống dư sức ngắt bớt quân đang phòng thủ Tây Ninh ( 2 sư đoàn ) để kéo sang Phước Long, ông biết rõ Quân đoàn 3 đang còn 1 Liên đoàn BĐQ trừ bị và Bộ TTM còn 1 Liên đoàn Biệt cách làm trừ bị, ông cũng biết rõ máy bay tiếp tế cho Phước Long có nhiều điểm tiếp tế an toàn và nhiều cách thả dù tiếp tế an toàn, chuyện tổn thất lực lượng phi cơ vận chuyển là điều chưa chắc sẽ xảy ra, nghĩa là chưa thử mà đã co vòi.
*( Tướng Hiếu nổi danh từ khi ông còn làm Tham mưu trưởng Quân khu 2 với chiến thắng Pleime. Năm 1973 ông với tướng Phạm Quốc Thuần được Tướng Thiệu cắt cử làm trụ chống nhà của Quân đoàn 3 nhưng tháng 11 năm 1974 Đại sứ HK Martin buộc Tướng Thiệu đổi tướng Thuần đi khỏi Quân đoàn 3 để đưa tướng Đống là đàn em thân cận của tướng Viên vào thế. ( CIA and The Generals ).
Cuốn sách “Why Pleime” của Tướng Hiếu là một bằng chứng cho thấy ông là một tướng tài, Ông nổi tiếng thông minh, thanh liêm và trực tính. Cho nên ông không thể nào gục đầu im lặng trước những lệnh điều động trái khoáy, phi lý của Tướng Viên. Sau này em trai Tướng Hiếu cho rằng cái chết của Tướng Hiếu có nhiều “bí ẩn”. Vậy nếu Tướng Hiếu chết vì quốc gia đại sự thì chuyện không tán đồng lệnh lui binh của Bộ TTM, hoặc lên tiếng báo động dịch làm phản của cựu Biệt kích Thượng là những giả thuyết đáng lưu ý ).
BÙI ANH TRINH
http://vuottuonglua.co/2015/04/17/nhung-dieu-vo-ly-trong-tran-phuoc-long/
nguyenvanhieulibrary.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2021 - 2022 - 2023 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:nguyenvanhieulibrary.info;
Images | website template by ARaynorDesign