Quân-sử sư-đoàn 3 Bộ-Binh
http://www.nguyenvanhieulibrary.info/military_history/quansuvietnam_sudoan3bobinhvnch.html
Là Chiến-Sĩ Việt-Nam Cộng-Hòa,
Điều 1: Tôi nguyện chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để chiến đấu bảo vệ cho sự sống còn của Tổ Quốc, của gia đình và của chính bản thân tôi.
Điều 2: Tôi tuyệt đối chấp hành các mệnh lệnh của cấp chỉ huy, đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu tuyên truyền chia rẽ của giặc cộng.
Điều 3: Tôi luôn kính già, thương trẻ, đứng đắn với phụ nữ và giúp đỡ đồng bào.
Điều 4: Tôi luôn tâm niệm hành động làm mất lòng dân là xua dân về phía giặc cộng, là tự sát.
Điều 5: Tôi luôn đối xử tử tế với tù hàng binh địch (VC), không ngược đãi đánh đập họ, không đụng đến của riêng họ, để thêm bạn bớt thù.
Điều 6: Thực hiện các điều trên là tôi tích cực xây dựng tự do cho đất nước, đem lại hạnh phúc cho toàn dân, tôi sẽ được đền bù bằng sự cảm mến và biết ơn của Đồng Bào.
---------------
Sư đoàn 3 Bộ Binh và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972
Nguồn: mekongrepublic.com
Quảng Trị
1/1968 - Tỉnh Quảng Trị nằm ngay địa đầu giới tuyến ngăn đôi đất nước, bởi con sông Bến Hải. Đây là một con sông nhỏ, phát nguyên từ dãy Trường Sơn, chảy ra Đông Hải tại cửa Tùng. Quảng Trị phía bắc giáp quận Vĩnh Linh (CSBV), phía tây giáp Lào, phía nam là tỉnh Thừa Thiên và phía đông là biển.
Rừng núi Trường Sơn chiếm 2/3 lãnh thổ tỉnh, chạy dài từ bắc tới nam. Tỉnh có ba con sông chính là Bến Hải, Thạch Hãn và Mỹ Chánh, trong các giai đoạn chiến tranh từng là giới tuyến phân tranh của hai miền Việt Nam. Tỉnh còn có hai Quốc lộ 1 và 9, cũng là hai chứng tích lịch sử, về việc đồng bào chiến nạn bị CSBV thảm sát.
Sau khi Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh QĐ 1 (Vùng 1 Chiến thuật), đặt tỉnh Quảng Trị trong tình trạng phòng thủ tối cao, ngày 28 tháng 1/1968 (29 Tết) lệnh thiết quân luật được ban bố toàn tỉnh và tất cả các đơn vị kể cả công chức đều phải cấm trại 100%. Súng đạn trong kho cũng được phát ra cho một số công chức, cán bộ. Khi lệnh hưu chiến vừa được bãi bỏ vào trưa 30 tháng 1/1968 (mồng một Tết), dân chúng tại Hải Lăng, Triệu Phong, Trí Bửu và La Vang ùn ùn tản cư về thành phố.
Bảo vệ thị xã Quảng Trị, trước ngày 30 tháng 1/1968, phía VNCH có các đơn vị sau đây:
- TĐ 2/1 BB và TĐ 3/1 BB của Trung đoàn 1 BB hành quân tại các vùng Triệu Phong và Hải Lăng.
- TĐ 9 ND từ Sài Gòn ra tăng viện, bố trí tại Hạnh Hoa Thôn - Trí Bửu, cách trung tâm thị xã Quảng Trị 1 km.
- Ở phía tây có sự hiện diện của Bộ Chỉ huy TRĐ 1 BB, gồm TĐ 1/1 BB với một chi đội Thiết giáp.
- Biệt đoàn Cảnh sát Dã chiến và Xây dựng Nông thôn trấn đóng gần thị xã Quảng Trị.
- Ở phi trường Ái Tử, mặt bắc thị xã, có một tiểu đoàn Công binh Hoa Kỳ trấn đóng, cũng là một lực lượng phòng thủ đáng kể.
4 giờ sáng 31 tháng 1/1968 (mồng hai Tết), Trung đoàn 812 CSBV pháo kích và tấn công mạnh vào Quảng Trị. Trung đoàn này mới xâm nhập từ Bắc vào trước đấy 6 ngày, theo ngã Triệu Phong tiến về Hạnh Hoa Thôn. Địch quân dùng chiến thuật biển người đánh tập trung vào một trung đội của Tiểu đoàn 9 ND đang đóng ở phường Đệ Tứ thuộc thôn Trí Bửu. Chúng cố vượt qua phòng tuyến của trung đội Nhảy Dù, để giải phá nhà tù tiểu khu nhưng không tiến nổi. Trong lúc đó, các cánh quân Cộng quân khác tấn công vào thành phố. Hai trung đội Đặc công lọt qua được các phòng tuyến vào trong thành phố nhưng đều bị các lực lượng Cảnh sát Dã chiến, Địa Phương Quân đẩy lui.
Chiều 31 tháng 1, sau khi chiếm được thôn Trí Bửu, Cộng quân dùng đó làm bàn đạp để uy hiếp bắn trực xạ vào cơ quan MACV, sân bay trực thăng và các cơ sở hành chánh như Ty Thông tin, Đoàn Xây dựng Nông thôn. Ngày hôm sau, dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của Không quân, QLVNCH tái chiếm Trí Bửu. Trong thời gian chiếm cứ thôn Trí Bửu, Cộng quân bắt trói tất cả đàn ông tại các ổ súng phòng không. Do đó, khi phi cơ đến oanh tạc những người này đã bị thiệt mạng. Những ngày kế tiếp, binh sĩ VNCH lục soát các khu phố truy lùng tàn quân của địch. Tình hình thị xã Quảng Trị được xem như tạm yên.
Nói tóm lại, trong trận tổng công kích 1968, Quảng Trị là một tỉnh địa đầu đáng lẽ phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề, nhưng nhờ chuẩn bị trước nên Quảng Trị đã đứng vững được trước những đợt tấn công của CSBV.
4/1972 - Mùa hè năm 1972, Quảng Trị được tăng phái thêm LĐ 147 TQLC của Trung tá Nguyễn Năng Bảo, đóng tại căn cứ Mai Lộc phía tây tỉnh Quảng Trị, với trách nhiệm phòng thủ các căn cứ Ba Hô, Sarge, Holcomb và Pedro (Phượng Hoàng). Riêng TRD 56 BB đóng tại căn cứ Carrol (Tân Lâm), do Trung tá Phạm văn Đính chỉ huy, trách nhiệm hổ trợ các căn cứ Fuller, Khe Gió tiếp cận với Lữ đoàn 147 TQLC. TRĐ 2 BB đóng tại khu vực căn cứ A-4 (Cồn Thiên) và TRĐ 57 BB có trách nhiệm khu vực căn cứ C-1 (Gio Linh), dọc Quốc lộ 1 từ cầu Hiền Lương tới căn cứ Ái Tử, cách thị xã Quảng Trị khoảng 5 km đường chim bay. Phía đông Quốc lộ 1 tới biển, do lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân tỉnh Quảng Trị bảo vệ.
Thiết Kỵ Việt Nam Cộng Hòa Trong Mặt Trận Quàng Trị 1972
Trước áp lực quá nặng của hơn 40 ngàn Cộng quân, sau khi căn cứ Carrol thất thủ và một số cứ điểm ở tây bắc Quảng Trị phải rút bỏ, các đơn vị VNCH tại Quảng Trị đã phải thu hẹp tuyến phòng thủ. Ngày 2 tháng 4/1972, Đông Hà rơi vào tay Cộng quân.
Tính đến ngày 5 tháng 4/1972, hiện diện tại chiến trường Quảng Trị có hai Trung đoàn 2 và 57 BB của SĐ 3 BB, hai Lữ đoàn LĐ 258 TQLC và LĐ 369 TQLC, hai Thiết đoàn TĐ 17 KB và TĐ 20 KB, LD 1 BĐQ, 24 tiểu đoàn ĐPQ-NQ và 8 tiểu đoàn Pháo binh. Do tình hình khẩn cấp và nguy ngập tại mặt trận giới tuyến, Bộ Tổng Tham mưu đã điều động hai Liên đoàn LĐ 4 BĐQ và L 5 BDQ ở miền đông Nam phần tiếp ứng cho S 3 BB. Theo ghi nhận của Trung tướng Ngô Quang Trưởng thì đã có sự khác biệt ý kiến giữa vị Tư lệnh Quân Đoàn 1 - Quân Khu 1 lúc bấy giờ là Trung tướng Hoàng Xuân Lãm và Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, Tư lệnh SĐ 3 BB cũng là Tư lệnh Chiến trường Quảng Trị, về việc sử dụng và phối trí các đơn vị BĐQ tiếp ứng. Tướng Lãm đặt ưu tiên kế hoạch phản công tái chiếm các khu vực bị mất, trong khi đó Tướng Giai cho rằng trong tình hình nghiêm trọng như thế tổ chức hệ thống phòng thủ là việc cần làm.
Khi ra lệnh nghiên cứu tiến hành kế hoạch phản công, Tướng Lãm tin tưởng ở tiềm lực chiến đấu của các lực lượng tăng cường gồm ba liên đoàn Biệt Động Quân cùng với ba lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Ông cho rằng Quân Đoàn 1 sẽ không những giữ vững tỉnh Quảng Trị mà còn có thể tái chiếm các khu vực đã bị Cộng quân đánh chiếm trong một thời gian ngắn.
Chính với sự lạc quan này, Trung tướng Lãm đã liên tiếp bác bỏ yêu cầu của Tướng Giai xin tăng cường các liên đoàn BDQ cho kế hoạch củng cố hệ thống bố phòng tỉnh Quảng Trị dù rằng Tướng Giai đã giải thích cho Tướng Lãm thấy được nguy cơ rất bi thảm sẽ xảy ra nếu không có đủ lực lượng phòng thủ vòng đai Quảng Trị. Cuối cùng vị Tư lệnh QĐ 1 đã miễn cưỡng tăng phái cho Sư đoàn 3 BB một liên đoàn BĐQ, sau đó thêm một liên đoàn BĐQ thứ hai. Đến giữa tháng 4/1972, khi tình hình quá nguy kịch, Tướng Lãm mới tăng cường tiếp cho Sư đoàn 3 BB thêm một liên đoàn BDQ thứ tư. Tuy nhiên vào ngày 20 tháng 4/1972 khi LĐ 6 BĐQ vừa khai triển khu vực hoạt động thì được lệnh di chuyển lên Dakto để thay cho LĐ 2 ND.
4/1972 - Với ba liên đoàn BĐQ cùng hai trung đoàn Bộ binh, Chuẩn tướng Vũ Văn Giai đã tái phối trí lực lượng phòng thủ. Theo đó, khu vực phía tây do các đơn vị TQLC đảm trách, các đơn vị khác được phối trí như sau:
- TRĐ 2 BB trách nhiệm phòng thủ khu vực phía nam căn cứ Ái Tử đến bờ bắc sông Thạch Hãn với ba tiểu đoàn tạo thế liên hoàn phòng ngự để ngăn chận Cộng quân đánh chiếm Quốc lộ 1 đoạn Quảng Trị-Ái Tử.
- LĐ 1 BDQ phòng thủ phía nam sông Thạch Hãn, giữ mặt tây Quảng Trị. Một đơn vị của liên đoàn án ngữ khu vực La Vang.
- TRĐ 57 BB cùng với hai Liên đoàn 4 và 5 BDQ phòng thủ tuyến Đông Hà và mặt đông căn cứ Ái Tử.
Ngày 8 tháng 4/1972, sau mấy ngày bị tổn thất vì mưa pháo, TĐ 3 TQLC phải hoán chuyển về Ái Tử và một đơn vị BĐQ ra thay thế giữ bờ nam Đông Hà. Tại căn cứ Pedro (Phượng Hoàng), CSBV đã thảm bại khi trực chiến với TĐ 6 TQLC, thiệt hại hơn một trung đoàn, 21 chiến xa T54 bị cháy, phần lớn do Không quân VNCH oanh kích. Hai chiếc T54 khác bị bắt sống đem về thành phố Quảng Trị. Nhưng sau đó, TĐ 6 TQLC cũng được lệnh bỏ căn cứ Phượng Hoàng vào ngày 12 tháng 4.
Ngày 14 tháng 4/1972, một cuộc hành quân đại qui mô mang tên Quang Trung 729, do Trung tướng Hoàng Xuân Lãm chỉ huy, khai diễn với mục đích tái chiếm các căn cứ ở phía tây Quảng Trị. Cùng lúc, CSBV mở ba cuộc tấn công lớn vào các căn cứ Ái Tử, Đông Hà và Anne ở phía nam, đối diện với quận Hải Lăng, mục đích là cắt đứt con đường huyết mạch từ Quảng Trị về Huế.
Bản đồ khu phi quân sự 1972
Để chống lại âm mưu trên, Tướng Giai chia các lực lượng đang tham chiến tại đây thành 5 Chiến đoàn Đặc nhiệm:
- Trung đoàn 57 BB giữ bờ nam sông Đông Hà.
- Các đơn vị Thiết đoàn 17 và 20 KB, Liên đoàn 4 và 5 BĐQ do Đại tá Chỉ huy trưởng LĐ 1 KB chỉ huy, tái chiếm căn cứ Carroll.
- Lữ đoàn 258 TQLC từ Ái Tử, tái chiếm căn cứ Mai Lộc.
- Trung đoàn 2 BB giữ mặt trận từ Ba Lòng tới bờ tây sông Thạch Hãn, ngăn không cho Cộng quân tấn công thành phố.
- Cuối cùng là Liên đoàn 1 BĐQ, gồm các TĐ 21 BĐQ, TĐ 37 BĐQ và TĐ 77 BDQ, giữ con đường huyết mạch từ Quảng Trị tới quận Hải Lăng.
Chiến cuộc thật sự bùng nổ lớn khi tất cả các Chiến đoàn đều chạm địch và bị pháo kích nặng nề. Trong số này, nguy kịch nhất là cánh quân của LĐ 5 BĐQ và Thiết đoàn 20 KB. Tuy nhiên tính đến ngày 18 tháng 4/1972, các đơn vị của QLVNCH vẫn còn giữ vững được các vị trí trách nhiệm.
4/1972 - Ngày 22 tháng 4/1972, LĐ 147 TQLC sau khi bổ sung và tái trang bị được lệnh trở ra Quảng Trị thay thế LD 258 TQLC phòng thủ căn cứ Ái Tử. Đêm cùng ngày, CSBV pháo kích vào kho tiếp liệu của SD 3 BB tại La Vang, trong đó có kho xăng dầu và cả một đoàn xe tiếp tế quân trang dụng của Bộ Chỉ huy 1 Tiếp vận từ Đà Nẳng tới. Ngày 23 tháng 4, bất chấp sự thiệt hại to lớn, CSBV vẫn điên cuồng tấn công biển người, pháo kích bừa bãi khắp nơi bất chấp sinh mạng con người của cả hai phía, trong đó phần lớn là đồng bào chạy lánh nạn. Gần một tháng, người lính VNCH các cấp, từ TQLC, BĐQ, Thiết giáp, Bộ binh, ĐPQ-NQ... ngày đêm thiếu ăn mất ngủ, đứng dưới giao thông hào, chịu pháo, chịu đạn giữa trời mưa gió. Quảng Trị đã thật sự trở thành địa ngục trần gian thứ hai sau An Lộc.
Chiến trường Quảng Trị năm 1972
Ngày 27 tháng 4/1972, tất cả đại pháo CSBV đều tập trung vào tỉnh lỵ Quảng Trị, căn cứ Ái Tử, các quận Mai Lĩnh và Hải Lăng. Đoàn người tị nạn thay vì tập trung tại Quảng Trị, lại tiếp tục bỏ chạy về Huế, gây cảnh hỗn loạn trên Quốc lộ 1. Một số binh sĩ tự động di tản theo vợ con chạy lánh nạn. Do đó, Bộ Tư lệnh SĐ 3 BB mất liên lạc với một số lớn đơn vị trực thuộc. Đúng lúc, kho đạn lớn trong căn cứ Ái Tử lại phát nổ.
Ngày 28 tháng 4, trước áp lực của địch, cánh quân của LĐ 5 BĐQ và TĐ 20 KB rút về phía bên kia cầu Vĩnh Phước nhưng bị pháo 130 ly của Cộng quân bắn sập cầu, khiến nhiều xe M48 và đại bác 105, 155 ly bỏ lại bên bờ bắc. Cũng từ phút đó, các cánh quân còn lại của LĐ 4 BĐQ, LĐ 1 TK và TRĐ 57 BB, phải lui về phòng thủ căn cứ Ái Tử và thành phố Quảng Trị.
Ngày 29 tháng 4, lúc 2 giờ sáng, CSBV tấn công TRĐ 2 BB và TĐ 17 KB tại căn cứ ở phía tây thành phố, trong lúc đó về phía bờ biển, bộ binh CSBV có chiến xa PT76, tấn công các tiểu đoàn ĐPQ-NQ của Tiểu khu Quảng Trị. Tình trạng hỗn loạn khắp nơi khiến Tướng Giai phải quyết định bỏ căn cứ Ái Tử, rút hết về bờ phía nam sông Thạch Hãn để tái lập tuyến phòng thủ mới. Lúc đó TRĐ 57 BB coi như tan hàng, vì hầu hết binh sĩ đã rã ngũ chạy theo gia đình di tản về Huế.
Trong ngày 29 tháng 4/1972, thế trận phòng ngự của lực lượng VNCH tại Quảng Trị đã trở nên nguy ngập khi Cộng quân thay đổi các hướng tấn công tạo ra các mặt trận mới. Các đơn vị trưởng Sư đoàn 3 BB và đơn vị tăng phái vô cùng lo lắng đến vấn đề tiếp tế và tiếp liệu đạn dược, đang ở trong tình trạng thiếu hụt. Một số đại bác đã bị phá hủy sau khi bắn đi tất cả đạn dược. Cùng với những nỗ lực ngăn chận Cộng quân, Bộ Tư lệnh SĐ 3 BB đã điều động lực lượng giải tỏa áp lực địch trên Quốc lộ 1. Thế nhưng kế hoạch giải tỏa đã tiến hành chậm chạp vì thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị. Trong những ngày cuối tháng 4/1972, lực lượng phòng ngự tại tuyến Quảng Trị được tiếp tế bằng trực thăng với nhiều rủi ro nguy hiểm đặc biệt là đoạn đường dọc theo Quốc lộ 1.
4/1972 - Trước tình hình chiến sự ngày càng nguy kịch, sáng ngày 30 tháng 4/1972, Tướng Giai cho triệu tập các sĩ quan đơn vị trưởng trực thuộc và tăng phái về họp tại Bộ Tư lệnh Hành quân Sư đoàn 3 BB trong Cổ Thành (trại Đinh Công Tráng). Trong buổi họp này, Tướng Giai trực tiếp trình bày kế hoạch triệt thoái về phía nam sông Thạch Hãn. Theo đó, LĐ 147 TQLC từ Ái Tử sẽ rút về cố thủ vòng đai thị xã Quảng Trị. Một tuyến phòng thủ mới sẽ được thiết lập dọc theo bờ nam sông Thạch Hãn bởi Bộ binh và Biệt Động Quân với sự yểm trợ của một nửa lực lượng Thiết giáp. Thành phần Thiết giáp còn lại sẽ phối hợp với một đơn vị Bộ binh nỗ lực giải tỏa Quốc lộ 1 về hướng nam. Tất cả các đơn vị sẽ thực hiện kế hoạch di chuyển vào ngày hôm sau, 1 tháng 5/1972. Riêng LĐ 147 TQLC sẽ rời Ái Tử trưa ngày hôm đó.
Chiến trường Quảng Trị năm 1972 - Chiến tích tàn sát dân lành của Quân đội Nhân dân Việt cộng
Cuộc chuyển quân của LĐ 147 TQLC đã xảy ra không như ý muốn. Khi Lữ đoàn này về đến bờ bắc sông Thạch Hãn trưa ngày 30 tháng 4/1972 thì cả hai cầu bắc ngang sông Thạch Hãn đã bị giật sập. Cầu Ván do Cộng quân giật sập đêm 28, còn cầu Sắt thì do thiếu phối hợp, toán Công binh đã đặt chất nổ phá cầu trước khi đoàn quân xa của TĐ 2 PB/TQLC và ba tiểu đoàn TĐ 1 TQLC, TĐ 4 TQLC và TĐ 8 TQLC đi qua. Đoàn xe và súng đại bác đã được phá hủy tại chỗ, còn các tiểu đoàn TQLC thì tự vượt sông Thạch Hãn để chiếm giữ các vị trí trọng yếu quanh thị xã.
Lúc đó LĐ 369 TQLC với nhiệm vụ tăng cường giữ mặt tây từ sông Ô Khê tới đầu cầu Mỹ Chánh, ranh giới hai tỉnh Thừa Thiên-Quảng Trị, đồng thời giải tỏa Quốc lộ 1, đoạn từ Hải Lăng về Mỹ Chánh đang bị Cộng quân đóng chốt nhiều đoạn, nhất là tại cầu sông Nhung. Vì TĐ 7 TQLC di chuyển ra phòng thủ căn cứ Ái Tử, Quốc lộ 1 bị bỏ ngõ. Đoàn xe di tản của dân quân tỉnh Quảng Trị dài hơn ba cây số đã là mục tiêu cho đủ loại súng lớn nhỏ của quân CSBV. Hàng trăm xe dân sự, cũng như quân xa, với những xác chết cháy thảm thương nằm la liệt khắp đường. Chỉ những kẻ may mắn sống sót được, bơi qua sông Nhung về đến Mỹ Chánh. Chín cây số trên Quốc lộ 1 từ Hải Lăng về Mỹ Chánh, đã trở thành Đại lộ Kinh hoàng hay là mồ chôn tập thể đồng bào chạy nạn tỉnh Quảng Trị.
4/1972 - Ngày 30 tháng 4/1972, Sư đoàn 3 Bộ binh chỉ còn lại TRĐ 2 BB và một tiểu đoàn của TRĐ 57 BB. Vị Trung đoàn trưởng TRĐ 57 BB đã không liên lạc được với hai tiểu đoàn trực thuộc, ông chỉ còn bên mình một trung đội Trinh sát để bảo vệ Bộ Chỉ huy Trung đoàn. Còn TRĐ 56 BB, sau khi tan rã ở căn cứ Tân Lâm, đã được tái bổ sung quân số và tập trung ở căn cứ Nancy gần Mỹ Chánh, phía nam Quảng Trị. Trung đoàn này đang trong giai đoạn tái chỉnh trang nên chưa tham chiến được.
Theo ghi nhận của một sĩ quan đơn vị trưởng thuộc SĐ 3 BB, thì sau sự kiện TRĐ 56 BB thất thủ, tinh thần chiến đấu của binh sĩ các đơn vị thuộc hai TRĐ 2 và 57 BB đã bị giao động mạnh. Riêng Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, Tư lệnh SĐ 3 BB, ông vẫn còn tin cậy vào TRD 2 BB, một trong những trung đoàn kỳ cựu nhất của QLVNCH, một trung đoàn mà chính ông đã chỉ huy hơn 3 năm trước khi được bổ nhiệm làm Tư lệnh phó SD 1 BB vào tháng 9/1969.
Trở lại với quyết định của Tướng Giai trong kế hoạch triệt thoái lực lượng từ phía bắc sông Thạch Hãn rút về phía nam. Trước khi ban quân lệnh cho các đơn vị thực hiện, vị Tư lệnh SĐ 3 BB đã báo cáo cho Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh QĐ 1. Theo lời của cựu Trung tướng Ngô Quang Trưởng, thì khi nhận được kế hoạch di tản chiến thuật của Tướng Giai, Tướng Lãm đã lặng thinh. Trong cương vị Tư lệnh Quân Đoàn, Tướng Lãm không muốn đưa ra bất cứ một chỉ thị triệt thoái hay cố thủ nào cho vị Tư lệnh SD 3 BB. Tướng Giai gần như cô đơn tại mặt trận Quảng Trị. Một số binh đoàn tăng phái không thực hiện đúng các quân lệnh của ông mà thường nhận lệnh trực tiếp từ Tướng Lãm và cũng không báo lại cho ông. Lệnh chỉ huy không thống nhất, giữa hai Tướng Lãm và Giai khiến cho tình thế đã không được ổn định, mà càng gây thêm rắc rối trên khắp các mặt trận.
Ngày 1 tháng 5/1972, Tướng Giai tuyên bố bỏ ngỏ thành phố Quảng Trị khiến mười bảy triệu dân miền Nam đau xót bùi ngùi.
Trong khi các đơn vị đang khai triển kế hoạch của Tướng Giai, thì Tướng Lãm dùng hệ thống đường giây đặc biệt gọi cho vị Tư lệnh SĐ 3 BB và nhấn mạnh rằng ông không chấp thuận kế hoạch tái phối trí. Vị Tư lệnh QĐ 1 ra lệnh cho Tướng Giai giữ nguyên sự phối trí lực lượng hiện tại. Theo đó, tất các đơn vị tiếp tục cố thủ với bất cứ giá nào. Tướng Lãm cũng nói với Tướng Giai là không có một đơn vị nào được quyền tự động triệt thoái trừ khi Tư lệnh Quân Đoàn đích thân cho phép. Từ khi Tướng Lãm nhận báo cáo của Tướng Giai cho đến khi ông ra lệnh cho vị Tư lệnh SĐ 3 BB hủy bỏ kế hoạch triệt thoái, vỏn vẹn có 11 giờ. Theo lời của Trung tướng Ngô Quang Trưởng thì sự hồi lệnh của Tướng Lãm chỉ là sự lập lại các chỉ thị của Tổng thống mà vị Tư lệnh QĐ 1 vừa nhận được từ Sài Gòn, chính sự hồi lệnh này đã khiến cho Tướng Giai bối rối.
5/1972 - Ghi lại sự kiện này Trung tướng Trưởng đã phân tích như sau: Tướng Giai đã không có đủ thời gian để thu hồi các quân lệnh của mình mới được phổ biến cho các cấp chỉ huy trực thuộc qua hàng loạt cuộc điện đàm qua máy truyền tin. Hơn thế nữa, các sĩ quan chỉ huy lữ đoàn, trung đoàn cũng đang ở trong vị thế không thuận lợi cho việc truyền đạt các quân lệnh. Một vài đơn vị trưởng báo cáo là đơn vị của họ đã di chuyển đến vị trí mới theo kế hoạch phổ biến ngày 30 tháng 4/1972. Một vài cấp chỉ huy các đơn vị tăng phái lỗ mãng khước từ quân lệnh mới do bởi đơn vị họ đã khởi động chuyển quân. Trong hoàn cảnh như thế, Tướng Giai kiên trì thuyết phục các sĩ quan chỉ huy đơn vị trưởng nên tuân theo quân lệnh mới từ Bộ Tư lệnh QĐ 1. Tướng Giai cũng hủy bỏ quân lệnh cũ về việc di chuyển Bộ Tư lệnh SĐ 3 BB và ra lệnh cho tất cả các bộ phận Tham mưu ở lại Cổ Thành.
Về diễn tiến sáng ngày 1 tháng 5/1972, theo tài liệu của Trung tá Trần Văn Hiển, Trưởng phòng 3 Bộ Tư lệnh SĐ TQLC, có một chi tiết đặc biệt như sau. Sáng ngày 1 tháng 5, Bộ Tư lệnh SĐ 3 BB thông báo cho các đơn vị trú phòng nguồn tin 5 giờ chiều địch sẽ mở trận địa pháo vào thị xã Quảng Trị và cho lệnh lui quân khỏi thành phố. Chi tiết này không ghi rõ là lệnh đó ban ra trước hay sau khi có quân lệnh của Trung tướng Hoàng Xuân Lãm. Theo lời một số sĩ quan Trung tâm Hành quân SĐ 3 BB kể lại, thì lệnh đó nhằm báo động cho các đơn vị chuẩn bị tránh pháo bằng cách rút ra khỏi trung tâm thị xã, và tiếp tục phòng ngự ở tuyến vòng đai thị xã, chứ không phải là quân lệnh cho triệt thoái.
Theo lời kể của một số sĩ quan Tham mưu SĐ 3 BB, dù đã được Tướng Giai nhắc là phải thi hành quân lệnh mới, nhiều đơn vị đã không thi hành đúng. Các đơn vị cơ giới và pháo binh từ hướng bắc khi rút về đến cầu Quảng Trị bắc qua sông Thạch Hãn thì khựng lại vì cầu đã bị phá hủy. Sau khi bỏ lại chiến cụ, xe cộ, các binh sĩ đã lội qua sông Thạch Hãn qua bờ phía nam. Khi qua bờ, một số đơn vị thấy các chi đoàn thiết giáp lui về hướng nam, cũng tự động rời tuyến chiến đấu để di chuyển theo. Tuy nhiên các chiến xa lần lượt bị cạn nhiên liệu, từng chiếc một bị bỏ lại dọc đường từ Quảng Trị vào đến gần Huế. Chỉ có LĐ 147 TQLC, lực lượng đang chịu trách nhiệm phòng thủ thị xã, là đơn vị còn đầy đủ và duy trì được được đội hình chiến đấu và là đơn vị cuối cùng rút khỏi thành phố vào lúc 2 giờ 30 ngày 1 tháng 5/1972. Sau đó, LĐ 147 TQLC, LĐ 1 BDQ và các đơn vị còn lại tại Quảng Trị của SĐ 3 BB, vừa bảo vệ dân chúng di tản, vừa mở đường máu thoát về Huế.
5/1972 - Cũng theo ghi nhận của Trung tướng Ngô Quang Trưởng, khi tình hình nguy kịch và vô vọng, vị Lữ đoàn trưởng LĐ 147 TQLC đã phải tự quyết định cho lệnh các đơn vị rời khỏi phòng tuyến thị xã Quảng Trị, lúc đó Tướng Giai và Bộ Tham mưu mới rời Cổ Thành. Ông và các sĩ quan cộng sự đã lên ba chiếc thiết vận xa M113 ứng chiến tại Bộ Tư lệnh cố gắng đuổi theo các đơn vị của SĐ 3 BB đang trên đường triệt thoái. Tướng Giai đã từ chối đề nghị của Cố vấn trưởng Sư đoàn là đợi trực thăng đến đón. Ông muốn có mặt trong đoàn quân của mình. Nhưng cố gắng của Tướng Giai đã không cứu vãn được tình thế. Quốc lộ 1 tràn ngập dân chạy loạn và quân sĩ thất lạc đơn vị, trong khi đó Cộng quân pháo đuổi theo. Đi được hơn 10 km, thiết vận xa chở Tướng Giai đã không thể nào vượt qua được đoàn xe và đoàn người đi trước.
Cuối cùng Tướng Giai phải trở lại Cổ Thành và sau đó, Cố vấn trưởng SĐ 3 BB đã hướng dẫn trực thăng đến bốc Tướng Giai và một số sĩ quan Tham mưu. Khi trực thăng cuối cùng cất cánh lúc 16 giờ 55 với Tướng Giai và viên Cố vấn trưởng, máy bay đã bị CSBV bắn hàng loạt đạn bằng súng AK. Trong khi đó, các toán tiền quân của CSBV đã đột nhập vào Cổ Thành và thị xã Quảng Trị đã lọt vào tay Cộng quân. Từ trên trực thăng, Tướng Giai nhìn lại Cổ Thành lần cuối, nơi mà ông và Bộ Tham mưu SĐ 3 BB đã trải qua gần một tháng chịu đựng với hàng chục ngàn quả pháo của Cộng quân. Trực thăng hạ xuống căn cứ Evans nằm dọc theo quốc lộ 1, gần địa giới Quảng Trị-Thừa Thiên, Tướng Giai đã được các sĩ quan Hoa Kỳ tại căn cứ này dàn chào theo nghi thức quân cách khi ông từ trực thăng bước xuống. Tối hôm đó, các đơn vị còn lại của SĐ 3 BB đã tìm đường đến chung quanh căn cứ Evans. Với một ý chí không đầu hàng hoàn cảnh, Tướng Giai muốn tái lập Bộ Tham mưu và tổ chức lại các đơn vị SĐ 3 BB, nhưng ông đã không còn điều kiện để thực hiện mong ước của mình: Ngày hôm sau, ông đã bị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu giải nhiệm.
Như vậy tính đến ngày 2 tháng 5/1972, tỉnh Quảng Trị coi như hoàn toàn bị CSBV cưởng chiếm. Nhờ LĐ 369 TQLC do Đại tá Phạm Văn Chung chỉ huy làm chậm bước tiến của địch bên bờ bắc sông Mỹ Chánh nên Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 1 sau đó đã có đủ thì giờ chỉnh đốn lại các đơn vị và mở cuộc tấn công tái chiếm Quảng Trị.
Trong trận chiến mùa Hè 1972, ngoài SĐ 3 BB tan hàng tại Quảng Trị, QLVNCH còn có một sư đoàn bộ binh khác bị tan hàng, đó là SĐ 22 BB ở Tân Cảnh, Kon Tum. Tại Kontum, lúc 2 giờ sáng ngày 24 tháng 4/1972, Cộng quân tràn ngập căn cứ Tân Cảnh, Đại tá Lê Đức Đạt, Tư lệnh SĐ 22 BB, đã từ chối lời mời của Đại tá Cố vấn Mỹ Kaplan, lên trực thăng cấp cứu của Cố vấn QĐ 2. Ông cũng không cầu cứu với Tướng Ngô Du, Tư lệnh Quân Đoàn 2, ở lại căn cứ để cùng chết với binh sĩ của SĐ 22 BB.
Suốt trong 32 ngày tính từ sáng ngày 30 tháng 3/1972 khi CSBV tung 40 ngàn quân tấn công cường tập vào vị trí phòng ngự của các đơn vị Sư đoàn 3 BB và các lực lượng tăng phái gồm Lữ đoàn 147, 258 TQLC, Lữ đoàn 1 KB, Liên đoàn 1, 4 và 5 BĐQ, đến chiều ngày 1 tháng 5/1972 khi người lính VNCH cuối cùng triệt thoái khỏi Quảng Trị, các lực lượng VNCH cũng đã loại ngoài vòng chiến ba trung đoàn chủ lực CSBV tại các phòng tuyến Đông Hà, Ái Tử, căn cứ Phượng Hoàng, bắc Thạch Hãn...
5/1972 - Ngày 2 tháng 5/1972, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mời Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh QD 4 - QK 4, từ miền Tây về Dinh Độc Lập trình diện và đề cử ông thay thế Trung tướng Hoàng Xuân Lãm trong chức vụ Tư lệnh QĐ 1 - QK 1.
Ba giờ chiều cùng ngày, một phi cơ U12 từ Cần Thơ đưa Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Chuẩn tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư lệnh phó QD 4 - QK 4, và một số cộng sự viên mà Tướng Trưởng tuyển chọn ở Quân Đoàn 4 ra thẳng phi trường Phú Bài gần Huế. Từ đây, hai chiếc trực thăng chở Tướng Trưởng và các cộng sự viên vào trại Mang Cá, bản doanh Bộ Chỉ huy Tiền phương Quân Đoàn 1. Lễ bàn giao diễn ra rất giản dị. Tướng Hinh được Tướng Trưởng chỉ định làm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hành quân Quân Đoàn.
Về trường hợp của Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, sau khi bị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu giải nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh, ông bị tạm giam ở Đà Nẵng. Trong thời gian chờ đợi tuyển chọn vị Tư lệnh mới cho SĐ 3 BB, Trung tướng Trưởng đã cử Đại tá Ngô Văn Chung, Tư lệnh phó, xử lý thường vụ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn. Bộ Tư lệnh Sư đoàn tạm đóng tại Phú Bài, các tiểu đoàn của hai Trung đoàn 56 và 57 BB lần lượt được gửi vào Trung tâm Huấn luyện Đống Đa để được tái huấn luyện.
Nhận định về sự việc Tướng Giai bị giam giữ, Tướng Trưởng đã ghi lại như sau: “Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, không còn quyền chỉ huy, đã bị tạm giữ trong ngày 5 tháng 5/1972 tại Đà Nẵng. Thật là một điều bất công, nhưng phải thi hành theo quân luật".
Vào khoảng 1 giờ trưa ngày 5 tháng 5/1972, Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tân Tư lệnh Quân Đoàn 1, đáp trực thăng bất ngờ thăm viếng Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 369 TQLC của Đại tá Phạm Văn Chung tại quận lỵ Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
Ngoài sự thay đổi Tư lệnh Quân Đoàn 1 vào tháng 5/1972, Đại tá Bùi Thế Lân thăng cấp Chuẩn tướng thay Trung tướng Lê Nguyên Khang, Tư lệnh Sư đoàn TQLC. Đại tá Nguyễn Thành Trí thay Đại tá Lân làm Tư lệnh phó Sư đoàn TQLC, Trung tá Nguyễn Thế Lương sau thăng cấp Đại tá được chỉ định Lữ đoàn trưởng LĐ 369 TQLC thay Đại tá Phạm Văn Chung giữ nhiệm vụ Tham mưu trưởng Hành quân Sư đoàn. Tháng 6/1972, Đại tá Lê Quang Lưỡng được đề cử chức vụ Phụ tá Hành quân cho Trung tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù.
Tướng Trưởng chỉ định Đại tá Lê Văn Thân làm Trưởng ban Thiết kế Kế hoạch tái chiếm Quảng Trị gồm:
- Quân Đoàn 1: Đại tá Phạm Văn Nghìn Trưởng phòng 3, Đại tá Phạm Văn Phô Trưởng phòng 2.
- Sư đoàn ND: Đại tá Lê Văn Ngọc, Đại tá Lê Văn Phát.
- Sư đoàn TQLC: Đại tá Phạm Văn Chung, Trung tá Đỗ Kỳ (sau thăng cấp Đại tá).
vnmilitaryhistory.info
***
nguyenvanhieulibrary.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2021 - 2022 - 2023 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:nguyenvanhieulibrary.info;
Images | website template by ARaynorDesign