Quân-sử sư-đoàn 7 Bộ-Binh Việt-Nam Cộng-Hòa - 55 năm thành lập
http://www.nguyenvanhieulibrary.info/military_history/quansuvietnam_sudoan7bobinhvnch.html
Là Chiến-Sĩ Việt-Nam Cộng-Hòa,
Điều 1: Tôi nguyện chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để chiến đấu bảo vệ cho sự sống còn của Tổ Quốc, của gia đình và của chính bản thân tôi.
Điều 2: Tôi tuyệt đối chấp hành các mệnh lệnh của cấp chỉ huy, đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu tuyên truyền chia rẽ của giặc cộng.
Điều 3: Tôi luôn kính già, thương trẻ, đứng đắn với phụ nữ và giúp đỡ đồng bào.
Điều 4: Tôi luôn tâm niệm hành động làm mất lòng dân là xua dân về phía giặc cộng, là tự sát.
Điều 5: Tôi luôn đối xử tử tế với tù hàng binh địch (VC), không ngược đãi đánh đập họ, không đụng đến của riêng họ, để thêm bạn bớt thù.
Điều 6: Thực hiện các điều trên là tôi tích cực xây dựng tự do cho đất nước, đem lại hạnh phúc cho toàn dân, tôi sẽ được đền bù bằng sự cảm mến và biết ơn của Đồng Bào.
---------------
Nghi thức chào cờ trong buổi hội ngộ do chiến hữu Sĩ Hiền điều khiển – ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông
WESTMINSTER - Một trong những Sư Đoàn Bộ Binh nổi tiếng nhất của Quân Lực VNCH là Sư Đoàn 7 Bộ Binh, trấn giữ vựa lúa của miền Nam Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long đến giờ phút cuối cùng của cuộc chiến. Sau biến cố 1975, một số chiến sĩ Sư Đoàn 7 Bộ Binh đã sang định cư tại Nam California, và 5 năm trước đây họ đã thành lập Hội Ái hữu Sư Đoàn 7 BB, để tìm về với nhau như bầy chim lạc đàn tìm về tổ ấm, và vào ngày cuối cùng của tháng 10-2010 vừa qua, một buổi họp mặt hết sức thân tình đã được tổ chức tại nhà hàng Seafood Palace, thành phố Westminster, để kỷ niệm 55 ngày thành lập Sư Đoàn và 5 năm lập Hội.
Ra đời tại vùng Bùi Chu Bắc Việt trước cuộc di cư 1954 với danh xưng là Trung đoàn 31 Biệt Lập gồm 3 Tiểu Đoàn 701, 702, và 703, do Đại úy Nguyễn Hữu Có (sau này là Trung tướng) chỉ huy. Sau khi ký hiệp định Geneve, Trung Đoàn di chuyển vào Quảng Ngãi và cải danh thành Trung đoàn 10 Biệt Lập và trực tiếp tham chiến từ miền Trung đến miền Đông Nam Bộ. Sau đó, với sự phát triển của Quân Đội dưới thời Đệ I Cộng Hòa, Trung đoàn 10 được bổ sung quân số và nâng lên thành Sư Đoàn với danh xưng “Sư Đoàn 4 Dã Chiến” gồm 3 Trung đoàn: 10-11 và 12. Bộ Chỉ Huy đóng tại Vườn Mít – Biên Hòa và do các sĩ quan Tôn Thất Xứng – Ngô Dzu và Hùynh Văn Cao thay nhau làm Tư Lệnh Sư Đoàn.
Sau khi đặt chân khắp vùng III chiến thuật, Sư Đoàn nhận lệnh về miền Tây vùng IV chiến thuật hoạt động và một lần nữa, Sư Đoàn được cải danh thành Sư Đoàn 7 Bộ Binh, và danh xưng này được giữ cho đến khi Tổng thống Dương Văn Minh buộc phải buông súng.
Trấn đóng vùng Tiền Giang gồm ba tỉnh Định Tường, Kiến Hòa và Gò Công, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh đặt tại Mỹ Tho tỉnh Định Tường, sau dời về Căn cứ Đồng Tâm cũng thuộc Mỹ Tho. Lần lượt Sư Đoàn đặt dưới sự chỉ huy của các tướng Huỳnh Văn Cao – Nguyễn Bảo Trị – Huỳnh Văn Tồn – Nguyễn Viết Thanh – Bùi Đình Đạm – Lâm Văn Phát – Nguyễn Thanh Hoàng – Nguyễn Khoa Nam và Trần Văn Hai; trong số những vị tướng trên, tướng Nguyễn Viết Thanh nổi danh là một vị tướng “trong sạch và thanh liêm” nhất trong số tướng lãnh QL/VNCH. Hai danh tướng Nguyễn Khoa Nam và Trần Văn Hai lưu danh muôn đời vì đã tuẫn tiết, quyết không để rơi vào tay giặc trong ngày 30-4-1975. Trong buổi họp mặt kể trên, niên trưởng Nguyễn Trọng Đức đã tuyên đọc tiểu sử Sư Đoàn 7 BB và kính cẩn nhắc đến vị Tư Lệnh yêu quí nhất của Sư Đoàn, Tướng Nguyễn Khoa Nam.
Hậu duệ Sư Đoàn 7 BB diễn lại trận chiến – ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông
Ngay trong giờ phút đầu của buổi hội ngộ, ban tổ chức đã cho chiếu trên màn ảnh những trận chiến ác liệt do các chiến sĩ Sư Đoàn 7 Bộ Binh đảm trách, đặc biệt trận đánh tại Ấp Bắc đã làm cho cộng quân bạt vía kinh hồn, và Sư Đoàn 7 Bộ Binh đã trở thành Sư Đoàn mà khi nghe danh, cộng quân tìm cách tránh né hơn là đối đầu. Với 4 lần được tưởng thưởng Anh Dũng Bội Tinh Cấp Sư Đoàn, Sư Đoàn 7 đã được mang dây biểu chương và khăn quàng màu Anh Dũng Bội Tinh. (Một chiến hữu có mặt trong buổi họp mặt Sư Đoàn 7 cho phóng viên Viễn Đông biết, một số anh em quân nhân ngoài Sư Đoàn 7 không am hiểu, nên hôm Đại Nhạc Hội Cứu Trợ Thương Phế Binh Quân Lực VNCH mới đây, khi thấy anh em Sư Đoàn 7 mang khăn màu đỏ đã vội hiểu lầm là mang khăn màu Việt cộng).
Qua những trận đánh được chiếu trên màn hình, người xem được thấy miền Tây Việt Nam chằng chịt sông ngòi, do đó những chiến sĩ tham chiến tại lãnh thổ Quân Đoàn IV, Quân Khu IV phải vất vả, cực khổ như thế nào, có khi phải ngâm mình hàng giờ dưới sình lầy đầy muỗi mòng và lạnh lẽo. Người bình thường, lội qua sông đã khó, người chiến sĩ Quân Đoàn IV, với bộ quân phục và vũ khí, đạn dược nặng nề vẫn phải cố gắng vượt qua sông, ngòi để truy kích địch, mới thấy nỗi khổ và sự hy sinh của họ lớn lao như thế nào.
Trong buổi lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Sư Đoàn 7 BB và 5 năm Hội Ái Hữu Sư Đoàn 7 ra đời, chiến hữu Sĩ Hiền, thay mặt Ban tổ chức đã điều khiển chương trình một cách khéo léo, ngoài những lời chào mừng thân thiết của Hội Trưởng, chương trình, cũng dành những giây phút trang trọng tưởng niệm vị anh cả đáng kính của Sư Đoàn 7 và Quân Đoàn IV cùng các chiến sĩ đã vị quốc vong thân.
Điểm đặc biệt khác làm quan khách và thân hữu chú ý là màn diễn lại trận chiến do các anh em hậu duệ Sư Đoàn 7 nối bước cha anh thực hiện. Tiếng vỗ tay không ngớt khi hào khí của Sư Đoàn 7 được diễn lại, bằng những người trẻ mang quân phục, phù hiệu Sư Đoàn 7, Quân Đoàn 4 và vũ khí thật, tiểu liên, phóng lựu M2, trung liên Bar, lựu đạn mini và máy truyền tin đeo trên vai. Tiếng hô của người chỉ huy, tiếng bước chân rầm rập hướng mũi súng tới trước là những kỷ niệm khó quên sau 55 năm chiến đấu và hãnh diện mang phù hiệu có con số 7 trên vai áo của những chiến sĩ Sư Đoàn 7 Bộ Binh anh hùng.
vnmilitaryhistory.info
***
nguyenvanhieulibrary.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2021 - 2022 - 2023 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:nguyenvanhieulibrary.info;
Images | website template by ARaynorDesign