General Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện
- Home
- Nguyễn Văn Hiếu binh thư
- Thư Viện Lịch Sử Quân Sử VN
Tướng Hiếu, Một Tướng Tài Ba
http://www.generalhieu.info/nguyenvanhieubinhthu/tuong-hieu-mot-tuong-tai-ba.html
Trung tướng Nguyễn Văn Hiếu (Tư lịnh phó Hành Quân Quân đoàn 3 Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa);
Thái Độ Dè Dặt.
Khi nhắc đến tên Tướng Hiếu là người ta liên tưởng ngay tới một Tướng thanh liêm, chứ không mấy ai nghĩ tới một Tướng đánh giặc giỏi. Thật vậy, báo chí thời đó cũng như thời nay chỉ nêu tên những vị Tướng Lãnh khác: Đôn, Đính, Trí, Thanh, Viên, Cao, Thi (Nguyễn Chánh), Lữ Lan, Vĩnh Lộc, Thi (Lâm Quang), Thơ, Thịnh, Đống, Thuần, Giai, Trưởng, Phú, Toàn, Nghi, Nam, Hưng, Hai, Vỹ, Đảo, Bá, v.v... Tuyệt nhiên không thấy bóng dáng Hiếu.
Tuy là em Tướng Hiếu, tôi cũng lầm tưởng như nhiều người và cho là anh mình chỉ là một Tướng không xuất sắc mấy vì có bao giờ thấy báo chí khen là Tướng đánh giặc giỏi đâu. Bẵng đi nhiều năm, từ 1975 đến bây giờ 1999, tôi mới ý thức được anh mình là một Tướng đánh giặc cừ khôi. Sự khám phá này là kết quả của một quá trình tiệm tiến. Từ khi tra tay vào tìm tòi về quá khứ anh mình vào tháng 8 năm 1998, với mớ tài liệu của các cố vấn Mỹ lưu trữ ở Văn Khố Quốc Gia, tôi dần dà khám phá ra tài lãnh đạo quân sự của Tướng Hiếu, khởi sự với bài Dũng Tướng Nguyễn Văn Hiếu. Đó là tháng 9/1998. Bây giờ là tháng 4/1999, tôi nhận thức không những Tướng Hiếu là một dũng Tướng mà còn là một Tướng thao lược và tác chiến kiệt xuất. Tôi muốn chia xẻ với mọi người về khám phá này, nhưng lại ngại bị chê cười là "con hát, mẹ khen hay" - trong trường hợp này "anh hát, em khen hay"! Tôi còn nhớ, một Chuẩn Tướng nọ, sau khi đọc bài Anh Tôi, Tướng Hiếu, phê bình với tôi là trước nhất em không nên đề cao anh mình, thứ đến nói là tướng giỏi thì phải chưng bằng cớ ra. Lý luận sắc bén của Chuẩn Tướng đó đã làm tôi nhất thời cụt hứng, vì lúc đó tôi chưa có những tài liệu quân sự liên quan đến anh tôi. Lúc này, trong tay đã nắm được "bằng cớ" rồi, tôi lại cảm thấy ngại ngùng khi viết về tài ba của anh mình. Tôi có dọ hỏi hai, ba người viết lách giỏi dụ họ viết về đề tài này thì ai cũng thoái thác. Sau cùng một người khuyên tôi cứ viết đi, với lời khuyến khích: viết có bằng cớ thì có gì mà ngại!
Vậy đây tôi lấy hết can đảm bình sinh để viết bài này, với thái độ hết sức dè dặt cố tránh sa vào hố chủ quan và luôn đề cao cảnh giác chỉ nêu lên sự kiện khách quan mà thôi. Phần độc giả thì cũng xin có thái độ dè dặt và thận trọng đừng quá cả tin, đồng thời cũng xin châm chước cho là "anh hát, em khen hay".
Sinh Vi Tướng.
Khi Tạo Hóa sinh ra một nhân vật với một sứ mạng đặc biệt, Ngài đánh dấu nhãn hiệu ngay từ bẩm sinh. Chẳng vậy mà không cứ gì phải là nhà tướng số mới nhận ra được cái oai Tướng Lãnh nơi diện mạo của Tướng Hiếu. Chỉ việc nhìn ngắm các hình ảnh tướng của Tướng Hiếu là không ngần ngại xác quyết sự kiện hiển nhiên Tướng Hiếu có vẻ "Tướng" hơn mọi Tướng Lãnh khác thuộc QLVNCH hay bất cứ một Quân Lực nào khác cổ cũng như kim.
Ngoài tướng mạo, Tạo Hóa cũng phú cho Tướng Hiếu những đặc tính của một vị Tướng Lãnh. Trước hết là một trí nhớ xuất chúng. Tướng Hiếu chỉ nhìn hay nghe thấy bất cứ điều gì hay cái gì chỉ một lần là ghim ngay vào trong ký ức luôn không bao giờ quên. Khi còn ở một lớp tiểu học, một cô giáo lấy làm lạ sao không thấy trò Hiếu học hành gì mà sao lần nào kêu lên khảo bài là vẫn cứ trả bài cách răm rắp không bỏ sót một chữ nào. Một hôm tình cờ cô giáo gọi trò Hiếu lên trả bài trước tiên thì trò ta câm như hến không xướng lên được chữ nào. Cô giáo bèn phạt quỳ qua bên lấy sách ra học, rồi gọi một trò khác lên. Vừa ngay sau khi trò thứ hai này trả xong bài, trò Hiếu bèn giơ tay xin trả bài lại. Và lần này cũng như thường lệ bài trả được xướng lên cách hoàn toàn! Thế là cô giáo lật được tẩy của trò Hiếu: nghe học lóm cách tài tình.
Thứ đến là trí thông minh thực tiễn vượt bực. Đối với Tướng Hiếu, học hỏi là một động tác hết sức tự nhiên và thoải mái: chỉ cần được chỉ dẫn một là hiểu biết mười. Ông cụ thân sinh so sánh Trung, con trưởng và Hiếu, con thứ: Trung lúc nào cũng thấy cậm cụi học, nhưng Hiếu thì cứ thấy nhởn nhơ, vậy mà vẫn được xếp hạng cao hơn anh mình. Còn các huấn luyện viên của Đại Học Chỉ Huy Cao Cấp và Tham Mưu Quân Lực Hoa Kỳ thì nhận xét: "Thông minh, hiếu kỳ, với một bộ óc phân tích nhanh nhẹn, Thiếu Tá Hiếu lập được một thành tích học vấn rất tốt, chứng tỏ thông suốt các nguyên tắc học hỏi tại Đại Học này." Cộng thêm vào tính chất thực tiễn, trí thông minh của Tướng Hiếu mang tính chất phổ quát, có thể thu thập hội nhập nhiều lãnh vực chứ không chỉ chuyên chú một lãnh vực nào. Một bác sĩ y khoa kể lại: "khi tôi còn là một y sĩ quân y với cấp bậc Trung Tá, Tướng Hiếu là một Thiếu Tướng. Trong một buổi hàn huyên, tôi đã phải thán phục ngồi nghe Tướng Hiếu luận về một đề tài y khoa như thể tôi là một sinh viên y khoa ngồi nghe một giáo sư uyên bác giảng bài tại một đại học y khoa."
Tiếp đến là tính ngăn nắp thứ tự lớp lang. Tướng Hiếu làm việc rất mực thước bài bản, không khi nào hành động theo ngẫu hứng. Mọi việc lớn nhỏ đều được tiên liệu dự trù trước. Đại Tá John Hayes, Cố Vấn Trưởng Mỹ của Sư Đoàn 5, nhận xét trong tờ trình lượng giá ngày 7/2/1970: "Tướng Hiếu cẩn trọng mực thước nhưng khi lấy quyết định thì sắc bén."
Trên đây chỉ xin nêu lên ba đặc tính - trong số những đặc tính thiên phú khác - khiến Tướng Hiếu có đủ hành trang để sau này trở nên một Tham Mưu Trưởng uyên thâm và một Tư Lệnh chỉ huy tài tình cấp sư đoàn và quân đoàn.
Thời Gian Chuẩn Bị.
Song hành với bản chất sẵn có, Tướng Hiếu còn được hoàn cảnh tạo cơ hội phát triển những khả năng cần thiết cho thiên chức Tướng Lãnh ưu tú sau này. So với các Tướng Lãnh khác, Tướng Hiếu có một trình độ văn hóa cao hơn. Sự kiện này cũng dễ hiểu vì thanh niên thời bấy giờ bị chính sách thực dân Pháp cố ý duy trì ở một mức dân trí thấp hầu dễ cai trị. Trong khi đó, Tướng Hiếu lại sinh trưởng và lớn lên bên Trung Hoa nên được may mắn đậu bằng tú tài II Pháp ban toán và học đến năm thứ nhất ban Kỹ Thuật, đại học Aurore của dòng Tên Pháp ở Thượng Hải trước khi hồi hương. Thành thử khi gia nhập Khóa 3 Trường Võ Bị Đà Lạt, SVSQ Hiếu hầu như có vốn liếng văn hóa cao hơn cả trong số các sinh viên khóa sinh đồng khóa, nhất là đối với các khóa sinh gốc hạ sĩ quan hiện dịch trong quân đội Pháp có học lực thấp, được Tướng De Lattre đôn lên cho gia nhập Trường Võ Bị Đà Lạt mà không phải qua chặng thi cử như những thanh niên dân sự. Trong số các SVSQ gốc dân sự , chỉ có hai người có tú tài I Pháp. SVSQ Nguyễn Văn Toàn nhận xét :"Các anh em SVSQ cùng khóa tất cả đều mến anh Hiếu, vì tánh tình hòa nhã và rất khiêm nhượng của anh, mặc dầu anh là một thanh niên có văn hóa cao." Trong kỳ thi tổng kết cuối khóa, đề thi gồm có 80 bài toán hóc búa, phần đông SVSQ ngồi cắn bút, trong khi đó SVSQ Hiếu phăng phăng giải các bài toán như trở bàn tay.
Ngoài khía cạnh học vấn tổng quát, Tướng Hiếu còn được chuẩn bị với hành trang sinh ngữ. Vì được học hỏi và tiếp xúc với người Anh, Pháp, Mỹ ngay từ nhỏ, nên Tướng Hiếu thành thạo Anh và Pháp ngữ còn hơn tiếng mẹ đẻ. Khi mới hồi hương, chàng trai Hiếu còn nói tiếng Việt không thạo với một giọng lơ lớ như Tây con. Vốn liếng Anh ngữ đã giúp Tướng Hiếu đối đáp trơn tru với các Tướng Lãnh Mỹ trong những cuộc hành quân phối hợp. Khi còn là Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 2, Đại Tá Hiếu đã phối hợp hành quân với Tướng Kinnard của SĐ1 Không Kỵ HK trong các trận đánh Pleime và Ia Drang năm 1965. Khi là Tư Lệnh SĐ22, Tướng Hiếu lại thường phối hợp hành quân với Tướng Kinnard, Tướng Norton, Tướng Tolson III và Tướng Forsythe của SĐ1 Không Kỵ năm 1966-69, điển hình là trận đánh Đại Bàng 800 do Đại Tá Trịnh Tiếu kể lại. Khi là Tư Lệnh SĐ5, Tướng Hiếu đã phối hợp hành quân vượt biên qua Cam Bốt cùng các Tướng Roberts, Casey, Burton và Putnam của SĐ1 Không Kỵ HK, cũng như với Tướng Milloy và Tướng Herrion của SĐ1 Bộ Binh HK năm 1969-71.
Trường Võ Bị Đà Lạt đã thành công trong việc đào tạo người trai trẻ tên Hiếu thành một sĩ quan ưu tú về cả hai mặt thể xác lẫn tinh thần. SVSQ Đinh Văn Chung nhận xét: "Quân Trường đã tôi luyện anh thành một sĩ quan đúng với tên của nó cả về thể xác lẫn tinh thần [...] Anh rất chăm học, lúc nào nhìn qua cửa sổ cũng thấy anh ngồi bàn học hành viết lách." SVSQ Lữ Lan còn nhớ SVSQ Hiếu rất giỏi về mọi môn điền kinh, đặc biệt là môn chạy nước rút. Ngày thứ bảy cuối tuần trước ngày mãn khóa, Tướng Lữ Lan kể lại, mấy anh em đi chơi phố về bị mắc mưa, SVSQ Hiếu bị cảm lạnh ho sặc sụa liên hồi (đây là lý do khiến Tướng Hiếu mắc bệnh lao). Vậy mà sáng thứ hai kế tiếp SVSQ Hiếu vẫn tham dự vào giai đoạn chung kết của môn chạy nước rút 100 thước (dưới 12 giây), sau đó là ngã quỵ luôn phải chở băng ca đưa vào bệnh xá. Tuy nhiên, ngay đến cả bệnh lao hiểm nghèo này cũng không quật ngã được Tướng Hiếu; Thiếu Úy Hiếu đã dùng ý chí khuất phục được tai họa tưởng như phá đổ mộng tang bồng hồ thỉ của người trai trẻ SVSQ. Thật vậy, sau hai năm nằm dưỡng bệnh, Thiếu Úy Hiếu đã không tìm cách giải ngũ, trái lại đã trở lại Quân Đội với lon Trung Úy, trong khi các bạn đồng khóa ai nấy cũng đều đã là Đại Úy nhờ tham dự vào các trận đánh của thời kỳ sôi động trước đại chiến Điện Biên Phủ...
Hai yếu tố trên - trình độ đại học và vốn liếng sinh ngữ - đã cho phép Tướng Hiếu hội nhập được cách thấu triệt kiến thức quân sự cao đẳng khi Thiếu Tá Hiếu thụ huấn tại Đại Học Chỉ Huy Cao Cấp và Tham Mưu Quân Đội Mỹ tại Fort Leavenworth tại Kansas năm 1963.
Gốc toán học và kỹ thuật cũng giúp Tướng Hiếu am tường và tận dụng các khí cụ tân kỳ nặng tính chất kỹ thuật mà quân đội Mỹ cung cấp cho các binh chủng QLVNCH, đặc biệt là thiết giáp, pháo binh, truyền tin, không quân, tình báo và công binh. Vì vậy khi đề cập tới bất cứ loại súng lớn nhỏ nào, bất cứ loại máy bay nào, loại máy truyền tin nào, loại xe tăng nào, ngay cả những máy đĩa hát hay máy chụp hình polaroid mới phát minh thời đó - Tướng Hiếu đều có thể chỉ vẽ tường tận cho người nghe mọi ưu, khuyết điểm kỹ thuật của từng loại một.
Tướng Hiếu ăn nói thông thái và lưu loát bằng Anh ngữ, khiến trong giới Mỹ, theo Phó Tổng Lãnh Sự Biên Hòa Charles Lahiguera, có lời đồn đãi là Tướng Hiếu tốt nghiệp Đại Học Harvard bên Mỹ.
Điều Động Đại Đơn Vị.
Ngay từ khi tốt nghiệp Đại Học Chỉ Huy Cao Cấp và Tham Mưu Mỹ về tháng 6 năm 1963, Thiếu Tá Hiếu được Tướng Trí, lúc đó là Tư Lệnh Sư Đoàn 1 kiêm Tư Lệnh Quân Đoàn 1 (thay thế Tướng Lê Văn Nghiêm) thăng cấp Trung Tá và giao cho chức vụ Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 1. Sau vụ đảo chánh Tổng Thống Diệm, Tướng Trí được chính thức nắm Quân Đoàn 1 và giao cho Đại Tá Hiếu chức Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 1, rồi Đại Tá Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 2, đầu tháng 01 năm 1964. Trong chức vụ này, Tướng Hiếu có cơ hội điều động Đại Đơn Vị cấp Quân Đoàn vì được Tướng Trí tin dùng và thường giao cho đóng vai trò của một Tư Lệnh Phó với quyền quyết định hơn là chỉ thừa hành phận vụ thông thường của một Tham Mưu Trưởng. Trong thời kỳ này Tướng Trí - với Đại Tá Hiếu núp bóng đàng sau - đã gây tiếng vang qua trận đánh thẳng vào mật khu Đỗ Xá của Việt cộng, nằm ở giáp ranh ba tỉnh Kontum, Quảng Ngãi và Quảng Tín.
Rồi đến năm 1965, khi Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ đổ quân ào ạt lên Vùng 2 Chiến Thuật và áp dụng chiến thuật không vận linh động bằng trực thăng, Đại Tá Hiếu có dịp thiết kế hành quân phối hợp với Ban Tham Mưu của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ đi lùng ba Trung Đoàn 32, 33 và 66 Bắc Việt. Tháng 10 năm 1965, Đại Úy Nguyên thuộc lực lượng đặc biệt kể lại là một đêm nọ ông bước vào hầm bộ chỉ huy của một trại lực lượng đặc biệt Mỹ thì thấy Đại Tá Hiếu đang ngồi trực một mình tại bàn đặt hệ thống truyền tin điều động quân thời kỳ Việt cộng tấn công lực lượng đặc biệt ở Pleime. Còn binh sĩ Mỹ tên Ron thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ, nhớ là thấy Đại Tá Hiếu tới gặp Tướng Kinnard, Tư Lệnh SĐ 1 KKHK ngày 11/11/1965. Và trận đánh khốc liệt tại thung lũng Ia Drang xảy ra ngày 14, 15, 16 và 17 tháng 11... (xem Ý Kiến Bạn Đọc số 27).
Khi về làm Tư Lệnh Sư Đoàn 22 trong những năm 1966-1969, Tướng Hiếu thường hành quân phối hợp chặt chẽ không những với SĐ1 KKHK mà cả với SĐ Mãnh Hổ Đại Hàn. Giai đoạn này được Đại Tá Trịnh Tiếu thuật lại trong bài Chân Dung một Tướng Lãnh Tài Đức Vẹn Toàn. Đại Tá Trịnh Tiếu đã nêu lên sự khâm phục và nể vì của các Tướng Lãnh Đồng Minh Mỹ Hàn đối với tài lãnh đạo quân sự của Tướng Tư Lệnh Hiếu. Riêng Tướng John Tolson có viết trong cuốn Airmobility 1965-1971 là trong khuôn khổ thời gian một năm của các cuộc hành quân Pershing, Đại Tá Hiếu đã thực hiện trên 29 cuộc hành quân phối hợp giữa Sư Đoàn 22 Bộ Binh VN và Sư Đoàn 1 Không Kỵ HK.
Hình như Tướng Hiếu có cơ duyên với SĐ1 KKHK, chẳng vậy mà khi được Tướng Trí mời về Quân Đoàn 3 với trọng trách cải tiến khả năng tác chiến của Sư Đoàn 5, Tướng Hiếu lại được dịp phối hợp hành quân với SĐ1 KKHK trong các cuộc hành quân vượt biên qua Cam Bốt năm 1970. Đặc biệt là Tướng Hiếu đã phối hợp thiết kế và chỉ huy cùng với Tướng Tư Lệnh Casey trong cuộc hành quân Toàn Thắng 46 (tháng 5 đến tháng 7 năm 1970). Trong trận này, Trung Đoàn 9 thuộc SĐ5BB và Trung Đoàn 11 Thiết Kỵ HK đánh thẳng vào hậu cứ của SĐ5BV gồm có Trung Đoàn 174 và Trung Đoàn 275.
Chỉ Huy 3 Chiến Đoàn
Tuy nhiên Tướng Hiếu được dịp thi thố tài chỉ huy Đại Đơn Vị khi được Tướng Trí giao cho SĐ 5 đơn phương thiết kế và điều động cuộc hành quân Toàn Thắng 8/B/5 (23/10 đến 10/11/1970) với một lực lượng gồm 3 Chiến Đoàn:
Chiến Đoàn 1 gồm có: BCH/CĐ1 - TĐ1/THĐ1/KB - TĐ2/THĐ1/KB - TĐ3/THĐ1/KB - TĐ1/7BB - TĐ2/7BB - ĐĐ Phá Hủy/5CB - Tiểu Đội CTCT.
Chiến Đoàn 9 gồm có: BCH/CĐ9 - ĐĐ9/TS - TĐ1/9BB - TĐ2/9BB - TĐ4/9BB - TĐ73/BĐQ - ĐĐ(-)5/CB - ĐĐ30/CB - 3A, 3C/50 PB (4 khẩu 155 ly) - A/53 PB (6 khẩu 105 ly).
Chiến Đoàn 333 gồm có: BCH/CĐ333 - ĐĐ3/TS/BĐQ - THĐ18/KB - TĐ31/BĐQ - TĐ34/BĐQ - TĐ36/BĐQ - ĐĐ30/CB tác chiến - C/61 PB (6 khẩu 105 ly) - A/46 PB (6 Khẩu 155 ly).
Lực lượng chiến xa của Thiết Kỵ 1 và Thiết Kỵ 18 thật là hùng hậu. Mỗi thiết đoàn gồm có: 30 chiếc xe tăng M41A3 - 62 chiếc thiết vận xa M113 - 8 chiếc thiết vận xa bộ chỉ huy M577A - 7 chiếc thiết vận xa vận tải 6 tấn M548 - 8 chiếc thiết vận xa chở súng cối 81 ly M125A - 2 chiếc thiết vận xa phun lửa M132 - 2 chiếc xe tăng nhẹ có cần trục M578 - và 1 chiếc xe tăng an ninh hộ tống XM706.
Ở đây ta chỉ cần theo dõi cuộc điều động 3 Chiến Đoàn trong giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn rút quân sẽ nhận thức được mức độ phức tạp khi điều động một lúc 3 chiến đoàn.
Ngày 23/10, hai ngày trước ngày phát động cuộc vượt biên, tức ngày N-2, các đơn vị của 3 chiến đoàn khởi sự tập trung tại vùng giữa An Lộc và Lộc Ninh dọc theo QL 13. Ngày 24/10 (N-1), cả ba Chiến Đoàn tiến tới sát biên giới: CĐ1 tập trung dọc theo QL13, vùng cây số 5 Tây Bắc Lộc Ninh; CĐ9 và CĐ333 tập trung tại vùng cây số 7 và 10 Tây Bắc Lộc Ninh. Trong khi đó Bộ Chỉ Huy Hành Quân SĐ5 được thiết lập tại Căn Cứ TĐ/BĐQ ở Lộc Ninh. Đúng 6g30 sáng ngày 25/10, 3 Chiến Đoàn đồng loạt tấn công qua lãnh thổ Cam Bốt...
Đến giai đoạn rút quân, ngày 9/11 lúc 7g50 sáng CĐ333 rời Snoul và rút ra khỏi Snoul và án binh tại vị trí được ấn định sẵn. Lúc 2g00 chiều, CĐ9 rời khỏi Cam Bốt và bảo vệ vùng quanh khu vực 901. CĐ1 bảo vệ an ninh cho CĐ333 và CĐ9 trên đường triệt thoái. CĐ333 tiến thẳng về căn cứ. CĐ9 ngưng lại bảo vệ cho CĐ1 rút quân vào lúc 2g30 chiều và để CĐ1 đi qua vị trí của mình trở về Lai Khê. Bộ Tư Lệnh Tiền Phương SĐ5 nhổ trại rời Lộc Ninh trở về Lai Khê khởi sự lúc 5g30 chiều ngày 10/11. Tiếp sau đó, CĐ9 rút về căn cứ.
Điều Động 3 Sư Đoàn.
Trong cuộc hành quân Toàn Thắng 02/71/5/B/NB (tháng 3 - tháng 6 năm 1971), Tướng Trí đã cho phép Tướng Hiếu trù liệu dùng một Trung Đoàn (TĐ8) nhử địch quân sa vào bẫy đặt ở Snoul và chuẩn bị sẵn có thể xử dụng từ 1 Sư Đoàn (SĐ5) đến 3 Sư Đoàn của Quân Đoàn 3 (SĐ5, SĐ18 và SĐ25), nếu SĐ5 BV dám tung vào 2 Trung Đoàn 174 và Trung Đoàn 275. Nhưng rồi cơ hội không đến khi Tướng Minh thay Tướng Trí bị tử nạn trực thăng vào tháng 2/1971, và phá bĩnh công lao của hai Tướng Trí/Hiếu.
Mãi cho tới năm 1974, với tư cách Tư Lệnh Phó Hành Quân Quân Đoàn 3, phụ tá cho Tướng Thuần, Tướng Hiếu thật sự mới có cơ may trổ hết tài điều động một lúc 3 Sư Đoàn thuộc Quân Đoàn 3 trong trận đánh Svay Riêng (27 tháng 4 đến 02 tháng 5 năm 1974). Tướng Hiếu, núp bóng sau Tướng Thuần, dốc toàn bộ 20 tiểu đoàn bộ binh và biệt động quân cùng 3 chi đoàn thiết kỵ vây khốn SĐ5 BV ở vùng Mỏ Vẹt và đánh thẳng vào bản doanh bộ chỉ huy của SĐ5 BV đặt ở Svay Riêng sâu trong nội địa Cam Bốt và gặt hái thành quả thật to lớn với địch hơn 1000 chết trong khi các đơn vị bạn chỉ tổn hại dưới 100 người.
Trên phương diện chỉ huy Đại Đơn vị này, Tướng Hiếu may mắn hơn các Tướng Lãnh thuộc QLVNCH khác vì có cơ hội dụng võ trên chiến trường rộng lớn của Cam Bốt thay vì bị gò bó bởi chiến trường hạn hẹp của nước ta. Tướng Vĩnh Lộc đã đưa ra nhận xét sau đây trong cuốn "Thư Gửi Cho Người Bạn Mỹ", trang 71:
Địa thế và vị trí của nước ta trong phương vị hành quân tìm địch để tảo thanh không tạo được cơ hội để dàn trận một lúc đồng thời cả ba Trung Đoàn cùng các đơn vị yểm trợ. Xét lại từ khi thành lập Sư Đoàn cho đến ngày thất thủ Vùng Cao Nguyên, chưa thấy Khu Chiến Thuật nào hành quân sử dụng toàn thể Sư Đoàn, nghĩa là cả 3 Trung Đoàn Bộ Binh, Tiểu Đoàn Pháo Binh, Công Binh và Thiết Giáp, v.v. Dù muốn cũng không có môi trường để dàn ra cả Sư Đoàn nếu không muốn nói đến hiếm hoi sĩ quan chỉ huy được huấn luyện nghiêm túc điều khiển Đại Đơn Vị."
Nhị Thức Bộ Binh Thiết Giáp.
Trong thời gian cộng tác với Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ từ năm 1965 ở Pleiku, năm 1966 ở Qui Nhơn, và năm 1970 ở Bình Dương, Tướng Hiếu quan sát và học hỏi chiến thuật mới, dùng trực thăng để đạt được năng động tính cho bộ binh. Tướng Hiếu nhận chân được ưu điểm của chiến thuật tân kỳ này và tận dụng khi hành quân phối hợp với Sư Đoàn Mỹ này. Nhưng Tướng Hiếu biết là với ngân sách nghèo nàn của QLVNCH, mình sẽ chẳng thể áp dụng được lợi khí có tính cách xa xỉ phẩm này. Hơn nữa, Tướng Hiếu nhận thấy chiến thuật kiểu Đại Bàng Xà Xuống bắt mồi chỉ hữu hiệu nếu con mồi là con cừu con chậm chạp, nhưng lại không công hiệu trong trường hợp những con cáo già Việt cộng nhanh chân lủi trốn trong các bụi rậm. Tướng Hiếu nghiệm thấy nhị thức Bộ Binh-Thiết Giáp thích hợp cho trận chiến Việt Nam hơn, công hiệu hơn để lùa chận đánh mấy đàn cáo già Việt cộng chuyên lủi trốn . Vì vậy khi vừa về nắm Sư Đoàn 5, Tướng Hiếu, theo lời thẩm định của Đại Tá Cố Vấn Trưởng Mỹ John Hayes, liền biến Trung Đoàn Thiết Kỵ từ vai trò thụ động "Ngự Lâm Lính Kiểng" thành công cụ tấn công mãnh liệt. Trong thời gian trước khi đem Tướng Hiếu về Sư Đoàn 5, Tướng Trí, vốn gốc Dù, chuyên dùng chiến thuật "Xà Điểu" bốc thả chớp nhoáng các toán lính Dù khắp cùng Vùng 3 Chiến Thuật, gây nên được nhiều chiến tích, nhưng không mấy to lớn. Thoạt đầu chiến thuật này có vẻ thành công, nhưng không mấy chốc bị mấy con cáo già địch quân vô hiệu hóa, khi chúng học khôn nhanh chân lủi trốn trước khi trực thăng vừa xuất hiện tại chân trời. Do đó Tướng Trí đã ngả theo sáng kiến của Tướng Hiếu và chuyển sang áp dụng chiến thuật "bủa vây", dùng nhị thức Bộ Binh-Thiết Giáp nhiều hơn, nhất là trong các cuộc hành quân vượt biên. Do đó, Tướng Trí để Tướng Hiếu xử dụng một lúc 2 Thiết Đoàn Kỵ Binh 1 và 18 trong cuộc hành quân vượt biên Toàn Thắng 8/B/5 kể ở đoạn trên. Kế đó, Tướng Trí nghe theo Tướng Hiếu và nới rộng Lữ Đoàn Kỵ Binh của Quân Đoàn 3 thành Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn 3 vào tháng 11/1970 dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi.
Một cách âm thầm không kèn không trống, Tướng Hiếu đã áp dụng nhị thức Bộ Binh-Thiết Giáp đến độ tuyệt diệu. Thật vậy, Tướng Hiếu đã chứng tỏ khả năng kiệt xuất đó bằng sự kiện sau đây: Tướng Hiếu là Tướng QLVNCH duy nhất xử dụng đến chiến thuật "Blitzkrieg" (Chiến Tranh Chớp Nhoáng) bằng Chiến Xa - thường được gắn liền với tên Tướng Erwin Rommel của Quân Lực Đức - trong trận đánh Svay Riêng vào tháng 4/1974.
Khái niệm chiến thuật "Blitzkrieg", theo bài bản, được mô tả gồm các yếu tố sau đây:
1. Không lực tấn công các vị trí chiến đấu và hậu cần yểm trợ và tiếp vận của địch. Đồng thời bộ binh đánh phá hỏa mù tại các địa điểm khác nhau dọc theo tuyến phòng của địch để đánh lạc hướng khiến địch không định được chủ lực quân sẽ tấn công tại địa điểm nào.
2. Các đơn vị cơ khí tập trung chọc thủng các tuyến phòng thủ chính của địch với các đơn vị bộ binh tiếp tục đánh phá hỏa mù địch quân.
3. Bộ binh và các đơn vị yểm trợ tấn kích các tuyến ngang hông của địch ngõ hầu giao nối với các nhóm đơn vị khác.
4. Các chi đoàn chiến xa đâm thủng qua phòng tuyến địch và tiến sâu vào hậu tuyến địch rồi tỏa rộng tấn công và tê liệt hóa hậu tuyến địch.
5. Các chủ lực giao nối với các đơn vị khác vây bọc và thu vén diệt địch.
Ta hãy phân tích xem Tướng Hiếu đã áp dụng nguyên tắc trên ra sao trong trận đánh Svay Riêng (xem bản đồ):
1. Cuối tháng 4/74, 20 tiểu đoàn thuộc Quân Đoàn 3 di động bao quanh vùng Mỏ Vẹt, quyết tâm đánh bại quân Bắc Việt trước mùa mưa sắp tới.
2. Ngày 27/4, Trung Đoàn 49 Bộ Binh và Liên Đoàn 7 BĐQ tấn kích qua vùng đồng lầy quanh Đức Huệ tiến tới biên giới Cam Bốt. Đồng thời Không Quân dội bom bắn phá các vị trí của các đơn vị SĐ5 Bắc Việt.
3. Trong khi đó, 2 Tiểu Đoàn ĐPQ từ Mộc Hóa tấn lên phía Bắc, thiết lập những nút chận mạn Đông Nam của vùng tập trung quân và khu tiếp vận của SĐ5 BV.
4. Ngày 29/4, 3 Chi Đoàn Thiết Giáp chọc thủng qua biên giới Cam Bốt từ phía Tây Gò Dầu Hạ, nhắm hướng bản doanh bộ tư lệnh của SĐ5 BV mà xông tới.
5. Cùng lúc, một cánh quân thứ hai gồm các đơn vị Bộ Binh và Thiết Giáp xuất phát từ Mộc Hóa tiến qua biên giới vào vùng Cẳng Chân Voi, đe dọa đường rút lui của Trung Đoàn 275 BV.
6. Ba Chi Đoàn Thiết Giáp thuộc cánh quân thứ nhất tiếp tục xông tới, tiến sâu đến 16 cây số vào lãnh thổ Cam Bốt trước khi chuyển bánh lái về phía Nam hướng về tỉnh lỵ Hậu Nghĩa. Đồng thời các trực thăng đổ quân bất ngờ xuống các vị trí địch quân.
7. Các đơn vị khác phát động những cuộc hành quân đánh chớp nhoáng vào vùng giữa Đức Huệ và Gò Dầu Hạ.
Ngày 10/5, khi đơn vị cuối cùng của Quân Đoàn 3 trở về căn cứ, các hệ thống truyền tin và tiếp vận của Cộng quân trong Vùng bị phá vỡ trầm trọng. Cộng quân thiệt hại hơn 1,200 chết, 65 bị bắt, và hàng trăm khí cụ bị tịch thu. Nhờ vào các yếu tố thần tốc, bí mật và phối trí của một hành quân đa diện, Quân Đoàn 3 chỉ bị chết không tới 100 quân lính.
Với chiến tích "quỷ khốc thần sầu" trên, Tướng Hiếu đáng được liệt vào hàng Danh Tướng tầm vóc quốc tế, cùng với Rommel của Đức, Patton của Mỹ, Montgomery của Anh và Leclerc của Pháp, những Tướng Lãnh thời Đại Chiến Thế Giới 2 chuyên dùng chiến thuật "Blitzkrieg".
Chiến Thuật Dụ Và Diệt Địch.
Vào năm 1965, Tướng Westmoreland, Tổng Tư Lệnh QLHK tham chiến tại chiến trường Việt Nam và Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng ra chỉ thị cho mọi đơn vị phải thi hành triệt để chiến thuật "Lùng và Diệt Địch" (Search and Destroy the Enemy). Sau khi áp dụng chiến thuật này một thời gian, Tướng Hiếu nhận thấy cần phải áp dụng nó một cách linh động. Giai đoạn "lùng" không phải vai trò của toàn bộ lực lượng của đơn vị hành quân, mà là phận vụ của các toán trinh sát, thám báo. Chính vì các đơn vị Mỹ lúc nào cũng lùng địch cách ồ ạt nên lấy làm ngạc nhiên thấy địch quân cứ biến đâu mất hết.
Tướng Hiếu còn tiến một bước xa hơn nữa và thường đổi chiến thuật "Lùng và Diệt Địch" thành "Dụ và Diệt Địch". Trong một cuộc thảo luận với Chuẩn Tướng McAuliffe, Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn 3, Tướng Hiếu nêu lên hình ảnh quả nắm tay thọc vào bình cá: "Thoạt tiên cá dang cả ra, và tránh xa khi nào nắm tay còn nằm trong lọ; tuy nhiên, ngay sau khi rút nắm tay ra, cá lại trở về vị trí cũ". Thay vì đưa cả nắm tay vào lọ cá, Tướng Hiếu thả sợi chỉ giây có cột lưỡi câu gắn mồi vào lọ cá và đợi cá bu lại đớp, chỉ việc lấy lưới thu vén vớt cá lên bỏ vào rọ. Đại Tá Trịnh Tiếu đã kể Tướng Hiếu áp dụng chiến thuật cổ xưa "Ðiệu Hổ Ly Sơn" này ra sao khi còn là Tư Lệnh Sư Đoàn 22 trong trận đánh Đại Bàng 800. Trong cuộc hành quân phối hợp Mỹ-Hàn-Việt này, Sư Đoàn 1 Không Kỵ HK xuất quân trước tiên, lùng kiếm địch ròng rã ba ngày không thấy bóng dáng Sư Đoàn 3 Sao Vàng Bắc Việt đâu cả. Đến lượt Tướng Hiếu ra chiêu. Tướng Hiếu phái vào vùng hành quân một Trung Đoàn (-) làm con mồi nhử, căn dặn Trung Đoàn Trưởng khơi khơi đưa binh sĩ trực chỉ đến nơi đóng quân, đào hầm hố cá nhân cho thật kiên cố, nấu nướng khói um mùi ăn thơm phức dọn ăn cơm chiều, rồi nằm xuống chờ địch cắn mồi. Trong khi đó Tướng Hiếu âm thầm ém nhẹm một Chi Đoàn Thiết Vận Xa và một Tiểu Đoàn Bộ Binh cách đó 10 cây số ngoài tầm mắt rình rập của các đội toán trinh sát và du kích quân địch. Thấy con mồi ngon quá, đúng 2 giờ sáng một Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 3 Sao Vàng Bắc Việt nhảy bổ vào định làm thịt con mồi. Giây động, Tướng Hiếu liền ra lệnh Chi Đoàn Thiết Giáp và Tiểu Đoàn tiếp viện thần tốc xông tới chận đường rút lui về rừng của mãnh hổ và giáng cho nó một cú thôi sơn. Kết quả là địch bỏ lại hơn 300 xác chết.
Khi về nắm Sư Đoàn 5, Tướng Hiếu chủ tâm dùng chiến thuật "Ðiệu Hổ Ly Sơn" để diệt hai Trung Đoàn 174 và 275 của Sư Đoàn 5 Bắc Việt lủi trốn sâu trong lãnh thổ Cam Bốt. Tướng Hiếu với sự hưởng ứng của Tướng Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn 3, thiết kế chuẩn bị cuộc hành quân Snoul này từ tháng 11/1970. Đến tháng 1/1971, bẫy sập được đặt tại Snoul với Trung Đoàn 8 làm con mồi. Rình rập mãi đến tháng 5/1971, hổ mới chịu ló dạng. Tướng Hiếu yêu cầu Tướng Minh phái Sư Đoàn 18 và Sư Đoàn 25 trừ bị xông tới vây chận địch, theo như kế hoạch đã dự tính. Nhưng khốn thay, Tướng Minh, tân Tư Lệnh Quân Đoàn 3, lại đổi ý ngang xương. Thế là Tướng Hiếu phải lo cứu mạng Trung Đoàn 8 trong cuộc hành quân Triệt Thoái Snoul.
Tài Nghệ Triệt Thoái Quân Binh.
Trong giới am tường quân sự, ai cũng biết việc rút quân là động tác khó khăn nhất trong một chiến trận, nhất là khi phải rút lui trong vị thế yếu và cấp bách khi đã bị địch vây hãm. Trong thế tấn công, ta ở thế chủ động: mọi sự đã được tiên liệu, sắp xếp trước, các động tác phối hợp giữa các đơn vị đã được điều nghiên kỹ càng, những mục tiêu tấn công đã được vạch ra rõ ràng, các hỏa lực yểm trợ cần thiết đã được phối trí chu đáo, yếu tố thời gian đã được chẩn đoán kỹ lưỡng, trận tuyến thường nằm trước mặt, nhắm thấy địch dễ dàng, tinh thần quân lính hứng khởi hăng say và đằng đằng sát khí...Trong thế rút quân, ta ở trong thế bị động: mọi sự đều bất trắc, bất định, các động tác phối hợp giữa các đơn vị phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố biến động, các hỏa lực yểm trợ thường bất khả dụng vì quân địch bám sát, yếu tố thời gian thì không lường được và rất là eo hẹp, trận tuyến thường là tứ phía, địch ẩn núp đâu không thấy, tinh thần quân lính bị giao động hoang mang và nhụt khí... Phải là một Tướng thật cừ khôi mới khuất phục được các yếu tố tiêu cực vừa nêu để giữ vững lòng tin và duy trì chí phấn đấu của binh lính.
Trong cuộc triệt thoái Snoul, Tướng Hiếu đã chứng tỏ là một Tướng kiệt xuất: tấn thủ đều giỏi dang. Tuy bị Tướng Minh phá bĩnh kế hoạch hành quân Snoul, Tướng Hiếu cũng thiết kế kịp thời kế hoạch rút quân, duy trì được lòng tin của quân binh Trung Đoàn 8 không nao núng bấn loạn khi bị địch vây hãm nguy khốn, rồi đồng loạt tuần tự rút lui trong trật tự, kẻ đi trước phóng lao tiến tới, kẻ bọc hậu lấy khiên chống đỡ, thay phiên nhau lúc là lao phóng lúc là mộc đỡ. Thành thử dù địch đã chuẩn bị đặt những nút chận suốt dọc con đường rút lui duy nhất dọc theo Quốc Lộ 13 từ Snoul về tới Lộc Ninh, Trung Đoàn 8 cũng an toàn về tới căn cứ Lộc Ninh, chỉ thiệt hại có 1/3 quân số. Ta có thể lường được mức độ tài giỏi của Tướng Hiếu khi đem so sánh cuộc rút quân thành công này với các cuộc rút quân thảm bại xảy ra sau này trong các cuộc rút quân Quảng Trị tháng 5/1972, Pleiku và Huế tháng 3/1975.
Chứng Từ.
Tướng Hiếu dứt tiếng hát, hội trường im phăng phắc, không thấy ai vỗ tay, tôi bèn rụt rè khởi xướng vỗ tay nhẹ khen tặng, không ngờ dần dần được các khán thính giả khác hưởng ứng nhiệt liệt vỗ tay theo, chẳng vậy mà không mấy chốc đã có hơn 10,000 người, từ khắp bốn phương, tuôn vào ghé thăm Trang Nhà Tướng Hiếu trong vòng không đầy 6 tháng. Tiếp đây, tôi xin trích dẫn một số biểu đồng tình của các độc giả đã đọc Trang Nhà Tướng Hiếu được đăng tải trong phần Ý Kiến Bạn Đọc, bàn về tài đánh giặc của Tướng Hiếu.
Trần Hoài Thư (#12):
Mới hôm qua, tôi và cựu đại đội trưởng cũ của tôi (đại đội 405 Thám Kích Sư Đoàn 22BB) đã nói chuyện với nhau qua điện thoại, tôi có hỏi ý kiến của anh về một Tướng nào anh phục nhất. Anh trả lời không ngần ngại: Tướng Hiếu.
Bob Gibreault (#25):
Tướng Hiếu là một tướng vĩ đại và một người ái quốc vĩ đại.
Ulf Ron Heller (#26):
Giá mà có nhiều người giống Tướng Hiếu hơn thì có lẽ cục diện đã xoay theo chiều hướng khác.
Howard Daniel III (#30):
Có nhiều người phục vụ nước một cách đáng ngợi khen như Tướng Hiếu, nhưng họ không được sự chú ý của số đông người Mỹ. Tôi rất lấy làm sung sướng thấy trang nhà mạng lưới này quảng bá danh thơm của một trong những người trội vượt hơn cả.
Sherman Breeden (#31):
Anh ông là một vĩ nhân và ông có thể mạnh dạn hãnh diện về điểm này.
Thanh Vân (#35):
Tướng Hiếu ngôi sao sáng trong QLVNCH về tài đức song toàn đã đi vào lịch sử và mọi người đều mang ơn ông.
Mike Wunder (#37):
Tôi cảm thấy nếu có nhiều người như anh ông, sự việc đã không xảy ra như ta chứng kiến. Tôi rất kính trọng anh ông.
Arthur Eppley (#38):
Anh ông quả là một chiến binh và một nhà ái quốc vĩ đại của Việt Nam.
Alexander Kandic (#40):
Tôi chỉ tiếc một điều là hình như không có lấy đủ quân lính và giới lãnh đạo Việt Nam tầm cỡ Tướng Hiếu khả dĩ thay đổi cục diện cuộc chiến Việt Nam.
Nguyễn Văn Trí (#41):
Những trận đánh Svay Riêng, An Điền này là những nét chấm phá cho toàn bộ bức tranh: chúng là những chứng tích cho khả năng điều động quân binh cấp Quân Đoàn của Tướng Hiếu, như lời một trong những Tướng Hoa Kỳ đã nói, chứ không phải chỉ ở cấp Sư Đoàn mà thôi.
Tony Shaw (#42):
Tôi nghĩ là phải làm một cuốn phim về Tướng Hiếu...Ông ta quả thật gồ ghề...Thật là phải ồ à xuýt xoa...
Stela (#47):
Uààà! rất ư là Anh Dũng!!! Tướng Hiếu thật là Hết Sẩy!
George Nunnemacher (#52):
Anh ông là một vị tướng vĩ đại và anh hùng thứ thiệt của nước ông. Sự dấn thân và việc làm của những người như Tướng Hiếu đã bị che lấp bao phủ bởi những câu chuyện về những sĩ quan kém can đảm và kém sĩ diện hơn, nhưng tiếc thay lại trở nên những khuôn sáo của giới lãnh đạo của QLVNCH.
Phạm Khiết (#54):
Quân Lực VNCH có nhiều sĩ quan tài ba từ cấp trung đoàn trở xuống, nhưng từ cấp sư đoàn trở lên nhiều tướng không đủ khả năng chỉ huy. Chỉ huy cấp sư đoàn và quân đoàn cần phải giỏi về tham mưu, tài thao lược bày binh bố trận. Nhiều cấp tướng chỉ biết húc, kém tham mưu (chẳng hạn: HQ Lam Sơn 719, triệt thoái cao nguyên của QĐII). Tôi rất cảm phục tài ba và đức độ của tướng Hiếu, người đủ khả năng chỉ huy và tham mưu cấp sư đoàn trở lên.
Huỳnh Văn Châu (#66):
Tướng tài của QLVNCH đếm trên đầu ngón tay. Tướng Hiếu là một trong những vị Tướng đó.
H.T.Đang (#69):
Nay tôi biết là có những chiến sĩ danh giá trong hàng ngũ QLVNCH. Tiếc là số còn lại không giống như những anh hùng đó. Tôi lấy làm vinh dự bước theo bóng của Tướng Hiếu, của Trần Hưng Đạo, của Ngô Quyền, của Lê Lợi, Lê Lai.
John Spizzirri (#70):
Anh ông có vẻ vừa là một chiến sĩ vĩ đại vừa là một con người vĩ đại.
Nguyễn Mạnh Cường (#72):
Tướng Hiếu là một niềm hãnh diện cho QLVNCH.
Lê Thiên Sĩ (#76):
Tướng Nguyễn Văn Hiếu đã ra đi nhưng chiến tích và công việc của ông phải được nói lên, phải đưþc tuyên dương trong quân sử QLVNCH.
Julian Duy Trần (#79):
Tôi hãnh diện có được nơi Tướng Hiếu một người để giơ cho con cái tôi xem như là một vị anh hùng và một mẫu mực đáng noi theo.
Travis Cofe (#85):
Tôi mừng mà biết những người như anh ông đã khiến sự hy sinh của các con cái Mỹ đã không uổng phí.
Nick Quigley (#86):
Anh ông quả thật có một đời binh nghiệp huy hoàng trong QLVNCH.
W. Dale DeBord (#98):
Ít nhất có một Tướng Lãnh thuộc QLVNCH có can đảm, tài ba và dấn thân để giữ nước mình tự do, và thi hành trọng trách theo hết khả năng của mình, một cách hiển nhiên tới mức độ tuyệt hảo và bao quát.
Dan Bayes (#100):
Có lẽ nếu có thêm nhiều Tướng Lãnh cả đôi bên như Tướng Hiếu, cục diện cuộc chiến có thể đi theo chiều hướng khác.
Glen Scarborough (#103):
Coi bộ Tướng Hiếu tài ba nhất.
Claude Stevens (#109):
Khi tôi nhìn thấy hình Tướng Hiếu ở trang nhà này, tôi nhớ lần tôi gặp ông ở Cam Bốt. Thật sự tôi không nói chuyện với ông ta, nhưng viên sĩ quan cao cấp đi cùng với tôi nói là nếu Việt Nam được chỉ huy bởi viên Tướng Lãnh này thì chúng ta đã đẩy lui quân Bắc Việt trở về nguyên quán chúng...Tôi ước gì tôi đã gặp được Tướng Hiếu chỉ một lần thôi, chỉ để quen biết một chiến binh thứ thiệt. Bây giờ đây, chuyện đời ông sẽ được tôi truyền tụng khắp cùng.
Raymond E. D 'Addario (#121):
Tôi được vinh dự quen biết anh ông. Anh ông là một con người tuyệt diệu và can đảm...Tôi phục vụ với tư cách sĩ quan An Ninh Cá Nhân cho Tướng Creighton Abrams. Tôi có thể nói lại với ông là Tướng Abrams rất kính trọng anh ông và luôn đề cao tính thanh liêm, tiết khí và quả cảm của Tướng Hiếu.
Phạm Phong Dinh (#124):
Công việc anh làm để vinh danh một trong những Tướng tài đức và văn võ song toàn là cố Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, thật đáng khâm phục...Càng đọc tiểu sử, những chiến công cùng những tâm tư của người Tướng cần mẫn, liêm khiết và đầy thao lược ấy, tôi càng cúi đầu khâm phục ông. Chỉ tiếc là ông, một Tướng chiến lược hiếm quí của Việt Nam Cộng Hòa lại không có dịp được dùng đến đúng mức. Nếu tất cả những Tướng tài ba nhất của QLVNCH đều ở được vị trí xứng đáng với tài năng và tầm vóc, thì biết đâu trang sử Việt Nam Cộng Hòa đã được viết khác. Bằng những dòng chữ chói lọi hơn.
Một Người Mỹ gốc Da Đỏ (#125):
Đã đến lúc có người nhận chân Tướng Hiếu là một con người đáng kính phục và can đảm.
Paul Marquis (#134):
Trang nhà rất đẹp, tôi tiếc là đã không có diễm phúc biết anh ông. Với thời gian, anh ông sẽ là một thành phần của lịch sử, cũng như Tướng Robert E. Lee, Tướng Grant, thời nội chiến Hoa Kỳ. Do đó việc ông đang làm rất là quan trọng, đối với gia đình ông và quan trọng hơn, đối với lịch sử Việt Nam. Có thể ông sẽ không sống để chứng kiến phần thưởng của công việc mình, nhưng 100 năm sau kể từ ngày hôm nay, sẽ có một người ham mộ nội chiến Việt Nam, tại Việt Nam sẽ sử dụng rất nhiều tới những điều ông viết bây giờ. Cũng có thể các trung học, đại học quân sự đòi buộc học viên phải đọc điều ông viết. Ông cũng có thể đi vào lịch sử vì những gì ông viết bây giờ.
Kết Luận
Sau khi nghe được những tràng vỗ tay dồn dập tán thưởng tài Tướng Hiếu ghi trên, tôi mới cảm thấy hai lời khen mà trước đây tôi chỉ cho là lời khen suông của hai vị Tướng Lãnh, một Mỹ nói với tôi trong một buổi tiếp tân (Tướng Charles J. Timmes, nếu tôi không nhầm) trước ngày mất nước năm 1975: "Chỉ có Tướng Hiếu mới thật sự có khả năng và bản lãnh điều động binh cấp Quân Đoàn, các Tướng khác chỉ có thể đến cấp Sư Đoàn", một Việt (Tướng Trần Văn Đôn) năm 1978 tại Nữu Uớc: "Nếu QLVNCH có nhiều sĩ quan tầm cỡ Tướng Hiếu thì nước Việt Nam đã không mất", mới thật là thấm thía.
Và mới đây, Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng của Tướng Hiếu ở Sư Đoàn 22 những năm 1966-1969, một Tham Mưu Trưởng ưu tú của QLVNCH, đã đậu nhất Khóa Cao Đẳng Quân Sự của Bộ Quốc Phòng VNCH, từng làm Tham Mưu Trưởng cho nhiều Tướng - Tôn Thất Xứng SĐ1, Lâm Quang Thi QĐ1 Tiền Phương, Ngô Quang Trưởng QĐ1, Phạm Văn Phú QÐ2, ngoài ra cũng đã từng giữ chức Tỉnh Trưởng và Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân tại Vùng 2 Chiến Thuật, đã tâm sự với tôi: "Tôi phục hai Tướng nhất: một là Tướng Đỗ Cao Trí, vì ông rất gan dạ, ra trận không sợ chết và cho rằng nếu đạn trúng mình thì mình là anh hùng mà đạn tránh mình thì mình cũng vẫn là anh hùng; thứ nhì là Tướng Hiếu, là Tướng Tư Lệnh đánh giặc đúng theo sách vở và kiến thức thâm thúy nhất."
Nguyễn Văn Tín
Ngày 16/04/1999
Cập nhật ngày 10.08.2004
Tướng Hiếu, Một Thiên Tài Quân Sự?
Tướng Nguyễn Văn Hiếu, một Tướng Tuyệt Giỏi của QLVNCH
Các Tướng Lãnh QLVNCH
generalhieu
generalhieu.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2022 - 2023 - 2024 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:generalhieu.info;
Images | website template by ARaynorDesign