Top 21 Vị tướng tài ba nhất trong lịch sử Việt Nam
https://generalhieu.info/daituongnguyenvanhieu/top-21-bac-tuong-gioi-nhat-viet-nam.html
Hiệu đính (08.04.2023): https://generalhieu.info
Xếp theo thứ tự năm tháng sinh trưởng, hành quân.
Trải qua hơn năm ngàn năm dựng nước và giữ nước, đất nước Việt Nam đã sản sinh ra nhiều vị tướng tài ba. Mỗi triều đại lịch sử, dân tộc ta đều tự hào vì có được các danh tướng đủ tài và đức để hướng dẫn quốc dân đánh bại hầu hết các cuộc xâm lược của giặc Tàu phương Bắc, bảo vệ thái bình cho dân tộc. Quý vị có biết ai là một trong số những vị tướng tài giỏi nhất của nước Việt chúng ta hay không?
Một bậc tướng lãnh tài giỏi ở đây cần phải có thêm yếu tố đức độ, không xem binh lính là những con cờ thí để thăng quan tiến chức. Cũng như họ đã chỉ huy hàng trăm, hàng ngàn binh sĩ dưới quyền và với sự chỉ huy tài giỏi đó đã tạo nên những chiến thắng rực rỡ nhất, huy hoàng nhất cho quân đội thuộc quyền cũng như cho nước nhà Việt tộc.
Hãy cùng Thư viện Tướng Nguyễn Văn Hiếu generalhieu.info để chung nhau tìm hiểu!
Sự đề cử, đề nghị của chúng tôi cũng chỉ là tượng trưng, tiêu biểu. Thực ra những bậc tướng lãnh tài giỏi trong lịch-sử Việt-Nam nhiều không thể nào đưa lên hết cho nỗi. Mong quý độc giả khắp nơi thông cảm.
Đa tạ.
Ngày 23.06.22 cập nhật ngày 08.04.2023 (Tưởng niệm 48 năm ngày Trung tướng Nguyễn-Văn-Hiếu tuẫn-quốc)
Thư viện tướng Hiếu (generalhieu.info)
Thứ nhất:
Phù Đổng Thiên Vương
Phù Đổng Thiên Vương, Thánh Gióng, Xung Thiên Thần vương. Giáng sinh khoảng năm 1766 Trước Tây lịch - Thăng thiên năm 1769 TTL
thuộc Hoàng Triều Hùng Vương. (Nguồn: Wikipedia, Lĩnh Nam chích quái, Việt Điện U Linh Tập)
Hùng Vương muốn giữ gìn sự độc lập nước nhà nên không màng đến việc triều cống nước Tàu phương Bắc.
Vua nhà Ân(1766 TCN - 1122 TCN) mượn cớ tuần thú sang xâm lược. Hùng Vương nghe tin, triệu tập quần thần hỏi kế công thủ. Có người phương sĩ tâu rằng: "Sao không cầu Long Vương đưa quân âm lên giúp!" Vua nghe lời, bèn lập đàn, bày vàng bạc lụa là lên trên, ăn chay, thắp hương, cầu đảo ba ngày. Trời nổi mưa to gió lớn, bỗng thấy một cụ già cao hơn chín thước, mặt vàng bụng lớn, mày râu bạc trắng, ngồi ở ngã ba đường mà cười nói ca múa. Những người trông thấy biết là kẻ phi thường, mới vào tâu vua. Vua thân hành ra vái chào, rước vào trong đàn. Cụ già không ăn uống cũng không nói năng. Vua nhân hỏi: "Nghe tin quân Bắc sang xâm lược, ta thua được thế nào, ngài có kiến văn xin bảo giúp". Cụ già ngồi im một lúc, rút thẻ ra bồi, bảo vua rằng: "Ba năm nữa giặc Bắc sẽ sang, phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ binh mà giữ nước, lại phải đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ, kẻ nào phá được giặc thì phân phong tước ấp, truyền hưởng lâu dài. Nếu được người giỏi, có thể dẹp được giặc vậy".
Dứt lời, bay lên không mà đi, mới biết đó là Long Quân. Ba năm sau, người biên giới cấp báo có giặc Ân tới. Vua làm theo lời cụ già dặn, sai sứ đi khắp các nơi cầu hiền tài. Tới làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, có một phú ông tuổi hơn sáu mươi, sinh được một người con trai vào giữa ngày mồng 7 tháng giêng, ba tuổi còn không biết nói, nằm ngửa không ngồi dậy được. Người mẹ nghe tin sứ giả tới mới nói dỡn rằng: "Sinh được thằng con trai này chỉ biết ăn, không biết đánh giặc để lấy thưởng của triều đình, báo đáp công bú mớm". Người con nghe thấy mẹ nói, đột nhiên bảo: "Mẹ gọi sứ giả tới đây". Người mẹ rất lấy làm kinh ngạc, kể lại với hàng xóm. Hàng xóm cả mừng, tức tốc gọi sứ giả tới. Sứ giả hỏi: "Mày là đứa trẻ mới biết nói, mời ta đến làm gì?".
Đứa trẻ nhỏm dậy bảo sứ giả rằng: "Mau về tâu với vua rèn một ngựa sắt cao mười tám thước, một thanh kiếm sắt dài bảy thước, một roi sắt và một nón sắt. Ta cưỡi ngựa đội nón ra đánh, giặc tất phải kinh bại, vua phải lo gì nữa?"
Sứ giả mừng rỡ vội về tâu vua. Vua vừa kinh vừa mừng nói rằng: "Ta không lo nữa".
Quần thần tâu: "Một người thì làm sao mà đánh bại được giặc?" Vua nổi giận nói: "Lời nói của Long Quân ngày trước không phải là ngoa, các quan chớ nghi ngờ gì nữa! Mau đi tìm năm mươi cân sắt luyện thành ngựa, kiếm, roi và nón".
Sứ giả tới gặp, người mẹ sợ hãi cho rằng tai họa đã đến, bèn bảo người con. Con cả cười bảo rằng: "Mẹ hãy đưa nhiều cơm rượu cho tôi ăn, việc đánh giặc mẹ chớ có lo". Người con lớn lên rất nhanh, ăn uống tốn rất nhiều, người mẹ cung đốn không đủ. Hàng xóm sửa soạn trâu rượu bánh quả rất nhiều mà người con ăn vẫn không no bụng. Vải lụa gấm vóc rất nhiều mà mặc vẫn không kín thân, phải đi lấy hoa lau buộc thêm vào cho kín người. Kíp đến lúc quân nhà Ân tới chân núi Trâu Sơn ở Vũ Ninh, người con duỗi chân đứng dậy cao hơn 10 thước (có chỗ nói là trượng), ngửa mũi hắt hơi liền hơn mười tiếng, rút kiếm thét lớn: "Ta là thiên tướng đây!" rồi đội nón cưỡi ngựa. Ngựa chồm lên, hí dài một tiếng mà phi như bay, nháy mắt đã tới trước quân vua, vỗ kiếm đi trước, quan quân đều theo sau, tiến sát đồn giặc. Quân giặc bỏ chạy, còn lại tên nào đều la bái kêu lạy Thiên tướng rồi cùng đến hàng phục. Ân vương bị chết ở trong trận.
Đi đến đất Sóc Sơn huyện Kim Hoa, Thiên tướng cởi áo cưỡi ngựa mà lên trời, hôm đó là ngày mồng 9 tháng 4, còn để vết tích ở hòn đá trên núi. Hùng Vương nhớ công ơn đó mới tôn là Phù Đổng Thiên vương, lập miếu thờ ở nhà cũ trong làng, lại ban cho một ngàn mẫu ruộng, sớm hôm hương lửa. Nhà Ân đời đời, 644 năm không dám ra quân.
Sau Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần vương, lập miếu ở làng Phù Đổng cạnh chùa Kiến Sơ, lại tạc tượng ở núi Vệ Linh, xuân thu hai mùa tế lễ.
Thứ hai:
Trưng Đại Đế
Trưng Đại Đế, Hai Bà Trưng. Sinh ngày 13 tháng 9 năm 14_ tuẫn-quốc ngày 5 tháng 3 năm 43 sau Tây lịch thuộc Hoàng Triều Hùng Vương. (Nguồn: Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Wikipedia; truclamyentu.info)
Hai Bà tuẫn tiết ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão năm 43 sau Tây lịch ) đây là tên gọi chung của Trưng Trắc (chữ Hán: 徵側) và Trưng Nhị (徵貳), hai Bà là hai chị em (nhiều nguồn tài liệu nói là sinh đôi) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tôn xưng Hai Bà là anh hùng của tộc Việt.
Hai Bà Trưng khởi binh chống lại quân Hán do Tô Định làm thái thú. Thu được 65 thành trì trong thời gian ngắn, Hai Bà lên ngôi vua và đóng đông ở Mê Linh. Nhà Hán phái Phục Ba Tướng Quân Mã Viện sang chiếm lại đất Việt. Hai Bà không kháng cự được trước lực lượng đông đảo của kẻ thù nên thua trận và đã nhảy xuống sông Hát tự tử. Hai Bà là vị nữ Vương đầu tiên của tộc Việt.
Olov Janse ed France Asie ghi nhận sự thất bại của Hai Bà Trưng cũng như sự tàn bạo của giặc Tầu trong như sau trong Việt Nam Carrefour de peuples et de civilisations các trang 1648-1651: "Dưới sự điều khiển của hai chị em bà Trưng, quân Hán đã bị đuổi ra khỏi biên giới. Để trả thù sự thất bại ấy, vua Tàu đã gởi vào năm 43 s.cn nhiều đội quân do tướng Mã Viện chỉ huy để chinh phục lại xứ này. Theo sử chép, một trong những đạo quân đã vượt xuống miền châu thổ Thanh Hóa, dọc theo lưu vực sông Mã, nơi vị trí của làng Đông Sơn. Chắc hẳn lúc ấy làng Đông Sơn đã bị cướp bóc và thiêu huỷ. Cuộc chém giết rất ghê tởm. Hàng ngàn người bị giết hay bị bắt làm nô lệ. Một vài lãnh tụ với một nhóm đồng ngũ cũng đã chạy thoát. Biến cố lịch sử ấy đã đánh một đòn rất nặng vào nền văn minh Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam… Nhưng nếu văn minh Đông Sơn đã bị suy sụp tại Bắc Việt vì cuộc xâm lăng của quân tàu, nó vẫn còn sống sót lại ở nơi khác trong khu vực Đông Nam Á, nhất là nơi các cư dân miền núi".
Hai bà nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu[1]. Người mẹ là bà Man Thiện, theo truyền thuyết và thần tích bà là người làng Nam Nguyễn (Ba Vì, Hà Tây), có tên là Trần Thị Đoan, chồng mất sớm. Bà có công dạy hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị giỏi võ, có tinh thần yêu nước, có chí lớn.
Trưng Trắc là vợ của Thi Sách con trai Lạc tướng huyện Chu Diên[2].
Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán, bà Man Thiện luôn luôn có mặt cùng các con bàn việc cơ mật. Bà mất trong thời gian chống Mã Viện. Nhân dân địa phương lập miếu thờ bà, gọi là Miếu Mèn, nay ở làng Nam Nguyễn, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây vẫn còn ngôi mộ cổ của bà. Nhân dân gọi đó là Mả Dạ (tiếng Việt cổ gọi các cụ bà là "dạ").
Các Lạc tướng Mê Linh và Chu Diên có ý chống lại sự cai trị tàn bạo của Thái thú Tô Định. Định bèn bắt giết Thi Sách để trấn áp tinh thần người Việt.
Tháng 2, năm Canh Tý (40), vì Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Tô Định giết chồng mình, Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị nổi binh đánh hãm trị sở ở châu.[4] Tô Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương.
Ngày 30 tháng 2 năm Tân Sửu (41), nhà Hán thấy bà xưng vương dấy quân đánh lấy các thành ấp, các quận biên thùy, nên hạ lệnh cho các quận Trường Sa, Hợp Phố và Giao Châu sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu đường, thông các núi khe, chứa thóc lương, cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu
Long làm phó sang xâm lược.
Lịch sử chống nhà Hán của Hai Bà Trưng
Tháng Giêng năm Nhâm Dần (42), Mã Viện tiến theo đường ven biển, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc (ở phía tây Tây Nhai của La Thành)[5] đánh nhau với vua. Hai bà thấy thế giặc mạnh lắm, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui quân về giữ Cấm Khê (sử chép là Kim Khê). Quân cũng cho vua là đàn bà, sợ không đánh nổi địch, bèn tan chạy.
Năm Quý Mão (43), Hai Bà Trưng chống cự lại với quân nhà Hán, thế cô, bị thua, đều tử trận[6]. Mã Viện đuổi theo đánh quân còn sót lại huyện Cư Phong thì tàn quân đầu hàng, Mã Viện bèn dựng cột đồng (tương truyền ở trên động Cổ Lâu châu Khâm)[7] làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán, và khắc lên đó dòng chữ thề: "Cột đồng gãy thì Giao Chỉ diệt" (Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt). Từ đây, nước Việt lại thuộc quyền kiểm soát của nhà Hán. Người dân đã dựng đền thờ Trưng Nữ Vương ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc (nay ở Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây), và ở đất cũ thành Phiên Ngung cũng có[8].
Sử gia Lê Văn Hưu viết:
Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy.
Sử gia Ngô Sĩ Liên viết:
Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa. Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư?
Hoàng đế Tự Đức viết trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục:
Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm ru!
Hai Bà Trưng được coi là anh hùng dân tộc của Việt Nam, và được thờ cúng tại nhiều đền thờ, trong đó lớn nhất là Đền Hai Bà Trưng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và đền Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội - quê hương của hai bà. Ngoài ra, tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) hiện nay vẫn còn miếu thờ Trưng Vương (miếu này đã được kiểm chứng bởi hai nhà nho đi sứ đó là Nguyễn Thực và Ngô Thì Nhậm) do những cừ súy bị bắt về đất Hán sau khi khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại lập ra để tưởng nhớ về quê hương và cũng là thể hiện tinh thần bất khuất của người Việt thời Hai Bà Trưng.
Ngày nay tại các tỉnh miền nam Trung Quốc vẫn có tục thờ vua Bà, một vị thần linh thiêng trong quan niệm của người dân địa phương. Vua bà có khả năng chính là Hai Bà Trưng, do thời gian quá lâu đã thất truyền nguồn gốc của những phong tục này.
Các danh xưng của hai bà (Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trưng Vương, Hai Bà Trưng) còn được đặt cho nhiều trường học, đường phố, quận... ở Việt Nam.
Các câu chuyện về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, và các nữ tướng khác được một số sử gia trích dẫn để làm bằng chứng cho luận điểm rằng xã hội Việt Nam trước khi bị Hán hóa là một xã hội mẫu hệ, trong đó phụ nữ có thể giữ vai trò lãnh đạo mà không gặp trở ngại.
Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn kể về cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng đã trở thành quen thuộc đối với người Việt:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành
Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là Bá Vương
Uy danh động tới Bắc Phương
Hán sai Mã Viện lên đường tấn công
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi địch với anh hùng được sao!
Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo
Hai Bà thất thế cùng liều với sông!
Trước là nghĩa, sau là trung
Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn.
Bộ tham mưu chống quân Tầu của Hai Bà Trưng
Theo nhiều nguồn tài liệu, thì hai bà có đến hơn bảy chục tướng lĩnh, trong đó có nhiều thủ lĩnh nghĩa quân địa phương, hiện còn nhiều đền thờ hoặc thành hoàng ở các làng miền Bắc. Đặc biệt, trong số này có nhiều nữ tướng lĩnh[9].
• Thánh Thiên - nữ tướng anh hùng: Khởi nghĩa Yên Dũng, Bắc Đái - Bắc Giang. Được Trưng Vương phong là Thánh Thiên Công chúa. Hiện có đền thờ ở Ngọc Lâm, Yên Dũng, Bắc Ninh.
• Lê Chân - nữ tướng miền biển: Khởi nghĩa ở An Biên, Hải Phòng, được Trưng Vương phong là Nữ tướng quân miền Biển. Hiện có đền Nghè, ở An Biên, Hải Phòng.
• Bát Nạn Đại tướng: Tên thực là Thục Nương, khởi nghĩa ở Tiên La (Thái Bình), được Trưng Vương phong là Bát Nạn Đại tướng, Trinh Thục công chúa. Hiện có đền thờ ở Phượng Lâu (Phù Ninh, Phú Thọ) và Tiên La (Hưng Hà, Thái Bình). Có chỗ gọi là Bát Nàn công chúa.
• Nàng Nội - Nữ tướng vùng Bạch Hạc: Khởi nghĩa ở xã Bạch Hạc (thành phố Việt Trì, Phú Thọ ngày nay) được Trưng Vương phong là Nhập Nội Bạch Hạc Thủy Công chúa. Hiện có đền thờ ở thành phố Việt Trì.
• Lê Thị Hoa - Nữ tướng anh hùng: Khởi nghĩa ở Nga Sơn (Thanh Hóa) được Trưng Vương phong là Nữ tướng quân. Hiện có đền thờ ở Nga Sơn.
• Hồ Đề - Phó Nguyên soái: Khởi nghĩa ở Động Lão Mai (Thái Nguyên), được Trưng Vương phong là Đề Nương công chúa lãnh chức Phó nguyên soái. Có thờ ở Đình Đông Cao, Yên Lập (Phú Thọ).
• Xuân Nương, Trưởng quản quân cơ: Khởi nghĩa ở Tam Nông (Phú Thọ), được Trưng Vương phong làm Đông Cung công chúa chức Nhập nội trưởng quản quân cơ nội các. Hiện có đền thờ ở Hưng Nha (Tam Nông), Phú Thọ.
• Nàng Quỳnh - Nàng Quế tiên phong phó tướng: Khởi nghĩa ở Châu Đại Man (Tuyên Quang), được Trưng Vương phong làm tiên phong phó tướng. Hiện ở Tuyên Quang còn miếu thờ hai vị nữ anh hùng này.
• Đàm Ngọc Nga - tiền đạo tả tướng: Khởi nghĩa ở Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, Phú Thọ được Trưng Vương phong là Nguyệt Điện Tế thế công chúa giữ chức Tiền đạo tả tướng quân.
• Thiều Hoa - Tiên phong nữ tướng: Khởi nghĩa ở Tam Thanh, Phú Thọ. Được Trưng Vương phong là Đông Cung công chúa giữ chức Tiên phong hữu tướng. Hiện ở xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ có miếu thờ.
• Quách A - Tiên phong tả tướng: Khởi nghĩa ở Bạch Hạc, Phú Thọ. Được Trưng Vương phong là Khâu Ni công chúa giữ chức tả tướng tiên phong. Hiện có đền thờ ở trang Nhật Chiêu (Phú Thọ).
• Vĩnh Hoa - nội thị tướng quân: Khởi nghĩa ở Tiên Nha (Phú Thọ). Được Trưng Vương phong là Vĩnh Hoa công chúa giữ chức nội thị tướng quân. Có đền thờ ở Đình Nghênh Tiên, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc Vĩnh Hoa.
• Lê Ngọc Trinh - Đại tướng: Khởi nghĩa ở Lũng Ngòi, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Được Trưng Vương phong là Ngọc Phượng công chúa giữ chức Đại tướng quân. Hiện có miếu thờ ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
• Lê Thị Lan - Tướng quân: Khởi nghĩa ở Đường Lâm - Sơn Tây. Được Trưng Vương phong là Nữ tướng quân. Hiện ở Hạ Hoà, Vĩnh Phúc có miếu thờ.
• Phật Nguyệt- Tả tướng thuỷ quân: Khởi nghĩa ở Thanh Ba, Phú Thọ. Được Trưng Vương phong là Phật Nguyệt công chúa giữ chức Thao Giang Thượng tả tướng thuỷ quân.
• Phương Dung - nữ tướng: Khởi nghĩa ở Lang Tài (Bắc Ninh). Được Trưng Vương phong là Phương Dung công chúa giữ chức nữ tướng quân.
• Trần Nang - Trưởng Lĩnh trung quân: Khởi nghĩa ở Thượng Hồng (Hải Dương). Được Trưng Vương phong là Hoàng công chúa giữ chức Trưởng lĩnh trung quân. Hiện có đền thờ ở Yên Lãng, Vĩnh Phúc.
• Nàng Quốc - Trung dũng đại tướng quân: Khởi nghĩa ở Gia Lâm - Hà Nội. Được Trưng Vương phong là Trung Dũng đại tướng quân. Hiện ở Hoàng Xá, Kiêu Kỵ, Gia Lâm thờ nàng Quốc.
• Tam Nương - Tả đạo tướng quân: Ba chị em Đạm Nương, Hồng Nương và Thanh Nương khởi nghĩa ở Quất Lưu, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Trưng Vương phong Đạm Nương làm Tả đạo tướng quân. Hồng Nương và Thanh Nương làm phó tướng. Đình Quất Lưu, Vĩnh Phúc thờ Tam Nương.
• Quý Lan – Nội thị tướng quân: Khởi nghĩa ở Lũng Động, Chí Linh (Hải Dương). Được Trưng Vương phong là An Bình công chúa giữ chức nội thị tướng quân. Hiện ở Liễu Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc có đền thờ Qúy Lan.
• Bà Chúa Bầu: Khởi nghĩa ở vùng Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Hiện ở Lập Thạch, Sơn Dương có đền thờ tưởng nhớ công lao của bà.
• Ngoài ra còn có thủ lĩnh của dân tộc Tày, Nùng, Choang (Quảng Tây) lãnh đạo người dân tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà.
Riêng về Bát Nàn công chúa bị thương đã rút về một ngôi chùa xã Tiên La đồng thời qua đời tại đây.
Trước khi qua đời vị nữ tướng này đã cùng với một số các nhà sư Phật giáo tìm cách ứng dụng vai trò của đạo Phật vào việc bảo vệ dân tộc chống lại chính sách Hán hóa dã man do Mã Viện áp đặt, trong bối cảnh này Lục Độ Tập Kinh được ra đời.
Lục Độ Tập Kinh là tổng hợp của nền văn hóa thời vua Hùng và tư tưởng Phật Giáo.
Ngày 27/02/1974 chính phủ Việt Nam Cộng Hòa phát hành bộ tem kỷ niệm Hai Bà Trưng, vị vua Bà đầu tiên của tộc Việt đã đánh bại đoàn quân xâm lược Tầu phương Bắc.
*/*/*
Hoa Thịnh Đốn: Lễ Tưởng Niệm Nhị vị Trưng Vương
Tuyết Mai
Lễ tưởng niệm Nhị vị Trưng Vương năm nay đưọc tổ chức vô cùng trang nghiêm và trọng thể, do Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức vào lúc 12giờ trưa ngày 27 Tháng 3, 2009 tại Jewish Center, Annandale, VA.
Tham dự trong buổi lễ này có sự hiện diện của hầu hết các hội đoàn trong vùng HTĐ cùng với đoàn Nữ Hướng Đạo Trưng Vương. Ban Nữ Tế Quan gồm 25 phụ nữ trong lễ phục áo dài gấm xanh và đỏ dưới sự hướng dẫn của Giáo Sư Kim Oanh. Người điều hợp chuơng trình là Cô Lý Kim Hà (Cựu nữ sinh Gia Long).
Kiệu hai Bà được đoàn Nữ Hướng đạo Trưng Vương trang trọng rước vào, đặt trên lễ đài, hai bên có cờ lộng ngũ sắc. Đoàn Nữ Hướng Đạo Trưng Vương đứng hai bên bàn thờ theo hình cữ V. Sau nghi lễ chào Quốc Kỳ Mỹ Việt, đoàn Nữ Hướng Đạo Trưng Vương hát bài “Trưng Nữ Vương”. Các em hưóng đạo sinh bé nhỏ được sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ, nhưng các em hát tiếng Việt bài này rất hay, lời ca rõ ràng, giọng hát trầm hùng vang dội, đã làm cho không khí Lể Tưởng niệm hai Bà thêm phần sinh động và cảm động. Những bậc phụ huynh, ông bà hiện diện vô cùng vui mừng, hạnh phúc khi thấy các cháu bé hát bản nhạc này rất truyền cảm, khán giả đã gởi đến các cháu những tràng pháo tay vang dội.
Sau đó Ông Nguyễn Đình Kỳ, Chủ Tịch Hội Người Việt Cao Niên đã đọc diễn văn chào mừng quan khách . Ông cảm tạ quan khách đến tham dự Lễ tưởng niệm Nhị vị Trưng Vương do Hội Cao Niên/HTĐ cộng tác với hai Hội Ái Hữu Nữ Trung Học Gia Long và Sương Nguyệt Ánh tổ chức.
Ông Kỳ kể lại tiểu sử của hai Bà Trưng. Ông nói, năm 40, thế kỷ thứ nhất, sau Công Lịch. Nước Giao Chỉ ta đã bị quân Tàu đô hộ lần thứ ba, kéo dài 150 năm. Lúc đó, Bà Trưng Trắc kết duyên cùng Ông Thi Sách, là con của một quan Lạc tướng ở Châu Diên. Cả hai ông bà cùng em là Trưng Nhị đã âm mưu hoạt động để lật đổ chế độ Nhà Hán. Biết được âm mưu này Tô Định đã cho quân bắt và giết Tô Định. Bà Trưng Trắc liền cùng em là Trưng Nhị chỉ huy lực lượng quân dân đánh đuổi quân thù, thiết lập bản doanh tại Hát Môn. Chẳng bao lâu toàn bộ Giao Chỉ thuộc quyền kiểm soát của hai Bà. Tô Định và bè lũ xâm lăng chạy thoát thân về Nam Hải.
Nền độc lập được thu hồi năm Canh Tý đến năm Quý Mão, sau Tây Lịch 40-43. Tháng 1, năm 42, Vua Hán cử Mã Viện, phong là Phục Ba Tướng Quân cầm đầu cuộc viễn chinh, đem hơn một vạn quân cùng thủy quân xâm nhập nội địa của nước ta. Quân ta phải rút về Cảm Khê, thuộc tỉnh Vĩnh Yên ngày nay. Sử của ta ghi hai Bà tự trầm tại Hát Giang. Lúc đó hai vị nữ anh thư của dân tộc Việt mới 29 tuổi. Nhị vị Trưng Nữ Vương tuy đem lại nền độc lập cho dân tộc Việt chỉ được 3 năm nhưng ý chí quật cưòng, tinh thần dũng cảm, lòng yêu nước của hai bà là tấm gương sáng cho muôn đời sau.
Ông Kỳ nói tiếp, tiếc thay! Tổ tiên anh hùng, dũng cảm, bất khuất như vậy mà nhà cầm quyền Cộng sản hiện tại trong nước lại hèn hạ, đốn mạt, nhục nhã, nỡ sai phường chèo đóng vai Ông Thi Sách, hai Bà và các vị nữ tướng phụ tá của hai bà đến dự Lễ Tế Mã Viện tại đền của hắn tại thị trần Đông Hương, bên kia biên giới Việt Nam. Thật là đáng giận, đáng khinh!
Sau đó Ông Đỗ Hồng Anh, Chủ Tịch CĐ/Washignton, D.C., MD&VA được mời lên phát biểu. Ông Anh nói, CSVN trong nước đã cho một đoàn văn công qua Tàu, đóng vai Thi Sách, hai Bà Trưng lạy trước bàn thờ của Mã Viện. Đó là một điều nhục nhã, thể hiện tinh thần nô lệ ngoại bang. Rất may chúng ta vẫn còn những anh thư như là LS Lê Thị Công Nhân, Nhà Văn Trần Khải Thanh Tgủy, Cô Phạm Thanh Nghiên … đã tiếp tục đấu tranh để có được tự do, dân chủ và đánh đuổi ngoại xâm, dành lại độc lập.
Ông Anh nhấn mạnh, muốn thành công chúng ta phải đoàn kết để lật đổ chế độ CS thối nát, khiếp nhược. Chúng quỳ lạy trước kẻ ngoại xâm, trong khi đó chúng đán áp dân chúng dã man. Chế độ đó không thể nào tồn tại được. Chúng ta phải đoàn kết để lật đổ chế độ đó và đầy lui ngoại xâm theo tinh thần dũng cảm của hai Bà Trưng.
Sau đó, Giáo sư Kim Oanh hướng dẫn Ban Nữ Tế Quan, gồm 25 phụ nữ trong lễ phục lộng lẫy, áo dài gấm xanh đỏ và khăn vành, lần lượt lên đứng hai bên lễ đài. Đặc biệt Cụ Bà Cát ngoài 80 tuổi nhưng cụ cũng cố dự lễ và xướng tế. Giọng Cụ trong và thanh cao. Theo lời của Cụ Cát, hương , hoa, trà, rượu được các vị trong Ban Nữ Tế Quan lần lượt dâng lên bàn thờ trong tiếng nhạc lễ rất trang nghiêm. Theo sau là văn tế. Khi nghi thức tế lễ chấm dứt thì đồng hương được mời đứng tại chỗ chấp tay lễ bái và khấn nguyện hai bà.
Cô Lý Kim Hà, Cựu Nữ sinh Gia Long, phát biểu, kỷ niệm 1970 năm ngày giỗ Nhị vị Trưng nữ Vương năm nay có ý nghĩa vô cùng trọng đại về mặt lịch sử; vì năm 2010 là năm đánh dấu một ngàn năm xây dựng Thăng Long thành.Sự hy sinh cao cả của hai vị liệt nữ 1970 năm về trước đã chứng tỏ hùng hồn rằng dân Việt đã đoàn kết tranh đấu tới cùng cho những mục tiêu xứng đáng và người Việt sẽ luôn tiếp tục tinh thần hy sinh cao cả của Nhị Vị Trưng Nữ Vương.
Ngày hôm nay trước một quốc nạn vô cùng nghiệt ngã: đó là sự bành trướng lãnh thổ của Trung quốc đã khiến cho đất nước của Việt Nam bị thu hẹp; chúng ta thử tự hỏi chúng ta đã, đang và sẽ làm gì với nỗi đau mất nước canh cánh trong lòng người dân Việt? Có lẽ nào chúng ta cứ tự hào huyễn hoặc qua những bài phát biểu hùng hồn, nẩy lửa rồi mặc kệ ngày mai nổi trôi?? Chúng ta thật chẳng xứng đáng để tự hào với Tổ Tiên nếu toàn dân Việt trong cũng như ngoài nước chưa quyết tâm giành lại quyền tự quyết, quyền bãi miễn những người lãnh đạo bất tài bất xứng; chưa cương quyết chống lại lòng tham lam, ích kỷ vô độ ở phương Bắc, luôn nuôi tham vọng xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải của nước Việt.
Chúng ta có mặt tại đây hôm nay đã xác nhận lòng quyết tâm duy trì truyền thống đấu tranh cao đẹp của dân tộc Việt. Công đức hai Bà đã nhắc nhở thế hệ kế tiếp, tuổi trẻ Việt Nam, ghi khắc là công cuộc dựng nước và giữ nước, cả hai -song đôi- đều thật muôn vàn khó khăn mà ông cha chúng ta đã đổ bao xương máu mới có được non sông liền một dảy từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau.
Vậy thì, bằng đấu tranh bất bạo động, bằng tất cả các hình thức, chúng ta phải đòi hỏi cho đuợc dân chủ và khuyến khích Quân Đội hãy bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ dân mình một cách chính đáng song hành việc loại khỏi hàng ngũ lãnh đạo những người phản bội Tổ Quốc, phản bội nhân dân.
Như thế Tổ tiên Lạc Hồng, anh linh của nhị vị Trưng Nữ Vương và nhất là hồn thiêng sông núi, anh linh của bao anh hùng, liệt nữ vô danh mới an lòng với những phẩm vật đúng nghĩa mà thế hệ con cháu Hai Bà dâng lên Ngày Tưởng Niệm.
Tiếp theo là chương trình văn nghệ. Đoàn hướng đạo Trưng Vương trình diễn màn hoạt cảnh “Đêm Mê Linh”. Trang sử oai hùng của dân tộc Việt , hai Bà Trưng uy nghiêm, hùng dũng, điều binh khiển tướng, đánh đuổi quân Tàu xâm lăng ra khỏi bờ cõi, giành lại độc lập nước nhà, đưọc các em nữ hư ớng đạo bé nhỏ làm sống lại trên sân khấu qua những màn múa kiếm, biểu diễn võ thuật, thể hiện tinh thần của người phụ nữ VN, vô cùng hấp dẫn, sống động, được khán giả vô tay tán tưởng nhiệt liệt.
Có nhìn tận mắt màn trình diễn “Đêm Mê Linh” của các em nữ Hướng Đạo Trưng Vương, không riêng gì phụ huynh của các em, không riêng gì những huynh trưởng đoàn hướng đạo này, mà tất cả những bậc phụ huynh, những ông bà, những ai hằng quan tâm tới thế hệ trẻ đều cảm thấy thật vui mừng, thật hạnh phúc khi thấy khí phách hùng anh, tinh thần dũng cảm của hai bà đã được truyền dạy, đã được gieo vào đầu các trẻ em thế hệ mai sau.
Chương trình được tiếp nối với Cô Mai Nguyễn biểu diễn Tài Chi với kiếm và quạt rất đẹp mắt. Kế đến Ông Đỗ Hồng Anh trình diễn “Xuân Này Con Không Về”, Tuyết Mai trong một màn thi nhạc giao duyên “Dòng Sông Hát”, Kiều Nga trong “Mẹ VN ơi! Con Vẫn Còn Đây!” Tuyết Ngọc trong nhạc phầm “Em Lê thị Công Nhân”, Giáo sư Kim Oanh trong dân ca ba miền cùng nhiều màn trình diễn khác…
Quan khách vừa thưởng thức chương trình văn nghệ vừa thọ lộc trong một không khí thật ấm cúng, vui tươi. Đây là một ngày lễ trọng đại của dân tộc VN. Ước mong các chị em phụ nữ không coi đây là một dịp để vui chơi, mà là một dịp để tưởng nhớ, để hun đúc tinh thần dấn thân phục vụ cho đất nưóc cho quê hương.
Đây là dịp để chúng ta tự hỏi mình có thừa hưởng, có hấp thụ phần nào cái gia tài quý giá, cái truyền thống tốt đẹp mà hai bà đã để lại cho chúng ta, và chúng ta có truyền đạt lại cho con cháu mình cái truyền thống tốt đẹp mà hai bà đã để lại.
***
Hai Bà Trưng và bài học “ việc nước trước việc nhà ”
Hai Bà Trưng khởi nghĩa (Tranh dân gian Đông Hồ - DR)
Phất cờ nương tử
Triệu Đà là tướng nhà Tần, nhân bên Trung Quốc loạn lạc mà nổi lên lập nghiệp ở vùng Quảng Đông-Quảng Tây. Năm 207 trước Công Nguyên (TCN), Triệu Đà đem binh thôn tính Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương. Nếu dựa theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, thì Triệu Đà chiếm Âu Lạc vào năm 179 TCN. Thế nhưng, dù năm 207 hay 179 thì việc Triệu Đà đánh chiếm Âu Lạc cũng đã bắt đầu thời kỳ con cháu Hùng Vương bị ngoại bang đô hộ: Thời Bắc Thuộc.
Nước Nam Việt của Triệu Đà tồn tại đến năm 111 TCN thì mất vào tay nhà Tây Hán. Sau đó, nhà Hán đổi Nam Việt thành Giao Chỉ Bộ gồm 9 quận : Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Đam Nhĩ. Trị sở quận Giao Chỉ thời Đông Hán (23-220 Công Nguyên-CN) đặt ở huyện Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ (Mê Linh sau này còn gọi là Phong Châu mà theo cách đọc của người Việt là Châu Phong). Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quận Giao Chỉ tương đương với vùng Bắc Bộ hiện tại.
Nhà Hán đặt chức Thái Thú để cai trị mỗi quận, trên Thái Thú có quan Thứ Sử là người Trung Quốc có trách nhiệm giám sát các quận. Các Lạc hầu (văn quan), Lạc tướng (võ quan) dưới quyền Thái Thú coi việc trị dân như cũ. Họ vẫn giữ quyền thế tập và chỉ phải mỗi năm nộp thuế cống cho Thái Thú.
Hai bà Trưng là con của lạc tướng huyện Mê Linh (tức Châu Phong) thuộc quận Giao Chỉ. Trưng Trắc là chị, kết hôn với Thi Sách-con trai của lạc tướng huyện Châu Diên cũng thuộc quận Giao Chỉ. Năm 34 CN, nhà Đông Hán cử Tô Định sang làm Thái Thú quận Giao Chỉ. Tô Định là người bạo ngược, cai trị hà khắc, khiến dân tình ta thán. Vợ chồng Thi Sách muốn dấy binh khởi nghĩa để đánh đuổi ngoại xâm, nhưng chưa kịp khởi binh thì Tô Định đã đánh chiếm Châu Diên và giết chết Thi Sách vào năm 40 CN. Trưng Trắc thay chồng " phất cờ nương tử ", lãnh đạo nghĩa quân tiếp tục cuộc kháng chiến. Nhiều quận khác như Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cũng theo về dưới lá cờ Hai Bà Trưng. Quân Hai Bà Trưng nhanh chóng chiếm được nhiều thành trì. Tô Định bỏ chạy về nước và bị triều đình Đông Hán giáng chức. Còn Trưng Trắc thì lập tức xưng vương dựng triều Lĩnh Nam đóng đô ở Mê Linh.
Năm 41 CN, nhà Hán phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân mang quân tiến đánh Hai Bà Trưng. Quân hai bà bị thua phải rút về giữ đất Cấm Khê (phía tây nam huyện Mê Linh). Cầm cự được 2 năm, đến năm 43 CN, quân Hai Bà Trưng bị Mã Viện tấn công phải chạy đến xã Hát Môn huyên Phúc Lộc (Phúc Thọ, Sơn Tây). Đường cùng, hai bà gieo mình xuống sông Hát Giang tự tận vào ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (43 CN).
Một số điểm cần khảo cứu thêm
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tuy rằng sách sử nào cũng đề cập, nhưng hầu hết đều rất đại khái, thiếu chi tiết và còn nhiều điểm chưa rõ. Chẳng hạn như số lượng thành trì mà hai bà chiếm được khi khởi nghĩa, sách Đại Việt Sử Lược khuyết danh và An Nam Chí Lược của Lê Tắc hồi đầu thế kỷ 14, Đại Việt Sử ký Toàn Thư nhà Hậu Lê được biên soạn hồi thế kỷ 17, Khâm Đinh Việt Sử Thông Giám Cương Mục nhà Nguyễn thế kỷ 19, đều ghi là quân Hai Bà Trưng chiếm được 65 thành. Thế nhưng sách Việt Sử U Linh (Tập truyện về cõi u linh của nước Việt) của Lý Tế Xuyên thế kỷ 14 thì lại chép là 60 thành, Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sĩ hồi thế kỷ 18 ghi là 50 thành.
Tên họ của Trưng Trắc cũng có điểm cần khảo cứu thêm. Đại Việt Sử Lược chép: “Có Trưng Trắc người huyện Mê Linh (làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên) là con gái của quan Lạc tướng”. Đại Việt Sử ký Toàn Thư thì ghi : “Tên húy là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên”. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục thì chép: “Vương vốn họ Lạc, lại có một tên họ nữa là Trưng. Là con gái quan lạc tướng huyện Mê Linh”. Hay như Thi Sách, thì đa số sách chép họThi tên Sách, nhưng cũng có sách cho rằng tên ông là Thi. Sử gia Phạm Văn Sơn trong cuốn Việt Sử Toàn Thư còn cho rằng Thi Sách tên đầy đủ là Đặng Thi Sách, tức cho rằng ông mang họ Đặng.
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng: Vì nhà hay vì nước?
Bàn về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, có một chi tiết tối trọng cần làm rõ, nếu không thì ất hẳn ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa này ít nhiều sẽ bị giảm sút. Chi tiết đó là: Nguyên nhân khởi nghĩa là gì: Vì thù nhà hay nợ nước ?
Sách Đại Việt sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lê chép về nguyên nhân khởi nghĩa của Trưng Trắc như sau: “Xưa kia chồng bà Trắc bị Tô Định giết chết. Bà Trắc căm thù Tô Định, lại khổ vì nỗi Tô Định lấy pháp luật ràng buộc dân, bà bèn cùng em gái là bà Nhị khởi binh đánh”.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục nhà Nguyễn ghi: “Lúc bấy giờ Thái Thú Tô Định cai trị tham lam và tàn bạo, giết mất chồng bà. Bà bèn cùng với em gái là Trưng Nhị dấy quân”.
Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát hồi thế kỷ 19 cho biết :
“Bà Trưng quê ở châu Phong,
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân ”.
Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim hồi đầu thế kỷ 20 cho biết: “Năm Canh Tý (40), người ấy (Tô Định) lại giết chết Thi Sách…Vợ Thi Sách là Trưng Trắc, con gái quan lạc tướng ở huyện Mê Linh cùng với em là Trưng Nhị nổi lên đem quân đánh Tô Định”.
Đọc qua các đoạn trên ta có cảm giác rằng, Bà Trưng khởi binh đánh Tô Định trước hết là để trả thù Tô Định đã giết chồng bà là Thi Sách, tức mục đích chính của cuộc khởi nghĩa là vì trả thù nhà. Nếu quả thật như vậy, thì cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mất đi ý nghĩa thật sự của nó !
Việc nước trước việc nhà
Để hiểu chính xác nguyên nhân chính của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thiết nghĩ cần đi vào bối cảnh lịch sử của cuộc khởi nghĩa. Hồi ấy, chính sách cai trị của nhà Hán đối với Giao Chỉ vốn nổi tiếng hà khắc, cái cảnh bị ngoại bang đô hộ thì ngàn đời nay vẫn lắm nhọc nhằn. Sử cũ còn chép, nhiều văn thần võ tướng của nhà Hán khi loạn lạc chạy sang tỵ nạn ở nước ra để được yên ổn, rồi bọn người di cư này được thay thế dần quan lại bản xứ. Họ lại chiếm cả một số ruộng đất ở đây, dựa vào thế họ là người của "Thiên triều". Bị xâm lăng về quyền hành, lại bị đẽo gọt cả về kinh tế, quý tộc cũng như nhân dân Giao Chỉ rất lấy làm căm phẫn.
Trước khi Tô Định đến trấn nhậm Giao Chỉ, thái thú quận Giao Chỉ là Tích Quang. Người này có đường lối cai trị mềm dẻo, biết vỗ về dân, du nhập phong tục phương Bắc dạy cho dân bản địa. Thái Thú quận Cửu Chân là Nhâm Diên dạy dân trồng lúa bởi trước đó dân Việt chỉ biết chài lưới và săn bắt. Sử cũ cho biết, Nhâm Diên còn trợ cấp tiền cho trai gái đến tuổi cặp kê làm lễ cưới, nhờ đó mà lúc bấy giờ có tới hơn hai nghìn người được lấy nhau.
Chính sách của Tích Quang và Nhâm Diên xoa dịu phần nào nỗi đau khổ của dân chúng. Nhưng đây chỉ là những hạt mưa hiếm hoi trên một cánh đồng bị hạn hán lâu ngày. Sự kiện này chỉ trì hoãn được cuộc nổi loạn nhất thời mà thôi bởi Giao Chỉ bộ khi ấy như một thùng thuốc nổ chỉ đợi người ta ném xuống một chiếc que diêm là phát nổ ngay lập tức.
Huống chi câu chuyện về lòng tốt của hai vị Thái Thú nói trên chưa chắc có thật như lời nhận xét của vua Tự Đức trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục: “Triệu Đà vốn là người Trung Quốc, làm vua trên nước Nam Việt và truyền nối đã ngót trăm năm. Xem bức thư trả lời Văn Đế nhà Hán thì Triệu Đà vốn là người có học thức; có lẽ nào lại chưa biết dạy dân phép cấy cày và lễ giá thú mà phải đợi bắt đầu từ hai Thái Thú ấy? Huống chi, lại bảo đồng thời có tới hơn hai nghìn người lấy nhau. Xem thế đủ thấy rõ rằng ghi chép thất thực, không đủ tin”.
Năm 34 CN, Tô Định được nhà Đông Hán phái làm Thái Thú quận Giao Chỉ. Sách sử Việt Nam tất cả đều thừa nhận một điểm: Tô Định là người tàn bạo. Đại Việt Sử ký Toàn Thư đánh giá : “Thái Thú Giao Chỉ là Tô Định chính sự tham lam tàn bạo”, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng cho rằng: “Thái Thú Tô Định cai trị tham lam và tàn bạo”, Lĩnh Nam Chích Quái chép: “Tô Định ở Giao Châu rất tham bạo”, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca nhận định: “Đến như Tô Định là người chí hung”, Việt Nam Sử Lược bàn: “Tô Định là người bạo ngược, chính trị tàn ác, người Giao Chỉ đã có lòng oán hận lắm”.
Qua đó mới thấy, người Việt lúc bấy giờ oán hận Tô Định lắm, bởi thế họ mới đứng lên khởi nghĩa dưới ngọn cờ của vợ chồng Thi Sách để đánh đuổi ngoại bang. Chủ tướng của họ là Thi Sách lại bị Tô Định giết. Thù càng thêm sâu, hận càng thêm lớn, bởi vậy họ chiến đấu càng anh dũng và thiện chiến, và đã đạt được thắng lợi khi giành được độc lập cho dân tộc ngót 3 năm.
Như vậy ta hiểu rằng, nếu Thi Sách không bị giết thì cuộc khởi nghĩa sớm muộn gì cũng vẫn nổ ra, việc Tô Định giết Thi Sách đã thúc đẩy cuộc khởi nghĩa tiến gấp mà thôi và khiến cho lòng thù hận của người Việt càng lớn, đến mức mà dù thua thiệt mọi bề so với kẻ thù nhưng quân Hai Bà Trưng vẫn giành được chiến thắng.
Ngoài ra, nên nhớ rằng, nếu lòng người không thù ghét Tô Định và phản đối sự đô hộ của nhà Hán, và nếu sự thù ghét không lớn, thì ai lại có thể vì cuộc báo thù của một cá nhân mà nổi lên như giông bão như vậy? Dân Giao Chỉ, Cửu Chân nổi lên ủng hộ Hai Bà Trưng thì còn có thể cho rằng họ làm thế vì họ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của quí tộc quận Giao Chỉ, chứ còn dân Nhật Nam, Hợp Phố là những dân ở xa ảnh hưởng của quý tộc Giao Chỉ mà còn nổi lên ủng hộ Hai Bà Trưng, đủ thấy mục tiêu của họ không phải để giúp một người trả thù cá nhân, mà là vì nghĩa lớn của dân tộc.
Tóm lại, khi mà toàn dân nổi lên chiến đấu thì cuộc chiến đấu phải là vì nghĩa lớn của cả dân tộc, chứ không bao giờ vì quyền lợi của một cá nhân, dù cá nhân đó có nhiều uy vọng đến đâu !
Hào khí nhất trời, danh truyền thanh sử !
Đọc kỹ Đại Nam quốc sử diễn ca ta thấy có đoạn:
“ Đến như Tô Định là người chí hung.
Bà Trưng quê ở châu Phong,
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.”
Theo đó ta thấy rằng, nguyên nhân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là “Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên”, tức có hai nguyên nhân: “Giận người tham bạo” và “Thù chồng ”. Trong hai nguyên nhân đó, ta lại thấy việc “Giận người tham bạo” được đặt trước “Thù chồng”, tức “việc nước trước việc nhà”. Tức đánh đuổi kẻ cai trị bạo ngược đúng như mục đích mà vợ chồng Trưng Trắc đồng lòng đặt ra cho cuộc khởi nghĩa, nhưng khi chồng bà bị giết, thì ngọn lửa thù hận càng trở nên mãnh liệt hơn.
Thiên Nam Ngữ Lục ghi rằng, trước khi xuất binh đánh Tô Định Trưng Trắc đã đăng đàn khấn thiên địa như sau :
“ Tôi là con gái phụ nhân,
Thời loạn ơn chúng lập thân trợ đời "
Qua lời tế cáo trời đất trên ta thấy rõ ràng cái chí của bà Trưng là « Trợ đời », giúp nước trong thời loạn. Ta thấy toát lên một hào khí anh hùng nào thua kém đấng mày râu : " Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông ".
Việt Sử Tiêu Án và một số sách sử khác còn ghi nhận một chi tiết : Khi Trưng Trắc ra quân, chưa hết tang chồng, bà ăn mặc quần áo đẹp, các tướng hỏi, bà trả lời rằng: " Việc binh phải tòng quyền, nếu giữ lễ làm dung nhan xấu xí, thì tự làm giảm nhuệ khí, nên ta mặc đẹp để làm cho thế quân hùng tráng; vả lại lũ kia thấy thế, tâm động, nhụt bớt chí khí tranh đấu, thì ta có dễ phần thắng " . Qua đó ta càng thấy rõ chí khí đặt việc quốc gia lên trên hết của Bà Trưng. Nếu là một nhi nữ thường tình, bị chuyện chồng con kìm hãm thì làm sao có được dũng mưu và cách ứng xử như vậy.
Chí khí anh hùng của hai bà Trưng được các sử gia không tiếc lời ca tụng. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lê Văn Hưu nói: “ Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao ? ”.
Vua Tự Đức phê trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục như sau: “ Hai bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng cũng mặt dày thẹn chết lắm dư ! ”.
Sử gia Nguyễn Nghiễm đời Hậu Lê bàn rằng: “ Bà Trưng Vương nổi giận, khích lệ đồng bào, nghĩa binh đi đến đâu, gần xa đều hưởng ứng, 50 thành Ngũ Lĩnh đều khôi phục được hết, dân sự đang khổ sở đắng cay, lại được trông thấy mặt trời. Bà quả là bậc anh hùng hơn người nhiều lắm, tuy rằng một đám quân mới tập hợp, mới nhóm lên đã tan vỡ, nhưng cũng hả được lòng phẫn uất của thần, nhân ”.
Sử gia Trần Trọng Kim cũng không tiếc lời ca ngợi: “ Hai bà Trưng làm vua được ba năm, lấy cái tài trí người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng là đủ để cái tiếng thơm về muôn đời ”.
Rõ ràng, nếu Trưng Trắc khởi binh chỉ vì trả thù chồng hoặc chủ yếu vì trả thù chồng, thì sử gia các thế hệ và ngay cả vị hoàng đế trí thức nhất triều Nguyễn là Tự Đức đã không phải tốn lời ca tụng đến thế !
Vai trò Hai Bà Trưng trong lịch sử
Bàn về vai trò của Hai Bà Trưng trong lịch sử Bắc Thuộc nói riêng và trong lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, phó giáo sư-tiến sĩ sử học Hà Minh Hồng, trưởng Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân văn Sài Gòn cho rằng :
“ Đối với lịch sử thời Bắc Thuộc nói riêng, thì ta thấy khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 nổ ra và thắng lợi mới chỉ kết thúc hơn một thế kỷ đầu của thời kỳ Bắc Thuộc, tức từ năm 179 TCN cho đến năm 40 mà thôi. Nhưng thắng lợi này có vai trò mở đường cho 10 thế kỷ sau đó, tức từ thế kỷ thứ Nhất đến thế kỷ thứ Mười. Dân tộc Việt Nam liên tục nổi dậy khởi nghĩa, cho đến khi giành được quyền làm chủ và thoát hẳn ra khỏi chế độ Bắc Thuộc ấy ".
Hơn 1 000 năm, từ năm 179 TCN cho đến năm 907, các đế chế phương Bắc muốn áp đặt một chế độ cai trị áp bức, và hơn thế nữa, họ thực hiện một sự thủ tiêu nền văn hóa Văn Lang-Âu Lạc, đồng hóa văn hóa dân tộc, xóa bỏ quốc gia dân tộc này như là họ từng xóa bỏ Bách Việt vậy. Nhưng người Việt từ Hai Bà Trưng và sau Hai Bà Trưng đã dùng biện pháp bạo lực để chống lại bạo lực, chống lại ách đô hộ ngoại bang, chống lại đồng hóa, kết hợp với nhiều biện pháp khác để mà chống lại sự đô hộ tàn bạo của phương Bắc. Có vậy thì mới kết thúc được chế độ Bắc Thuộc, chứng tỏ là đất Việt, người Việt đến đầu Công Nguyên đã hoàn toàn đủ sức để dựng nghiệp bá vương không thua gì phương Bắc.
Chống ngoại xâm là một trong những dòng chảy mạnh mẽ nhất của suối nguồn lịch sử dân tộc
Còn trong lịch sử dân tộc hàng ngàn năm, tính từ thời Hùng Vương, chúng ta thấy rằng, chống ngoại xâm là một trong những dòng chảy mạnh mẽ nhất của suối nguồn lịch sử dân tộc. Trong dòng chảy mạnh mẽ ấy có mặt mọi người Việt, và trong cái mọi người Việt ấy có cả những phụ nữ chân yếu tay mềm dám đứng lên làm nữ tướng. Trưng Trắc và Trưng Nhị là những nữ tướng mở đầu cho những nữ tướng Việt. Từ đầu Công Nguyên thì những nữ tướng này đã quyết tâm đền nợ nước trả thù nhà. Về sau thì còn có những nữ tướng khác như Bà Triệu thế kỷ 3, Bùi Thị Xuân thế kỷ 18… Tất cả đều vì lý lẽ đền nợ nước trả thù nhà cả.
Hai Bà Trưng là hình ảnh thật chứ không phải là hình tượng văn học. Bà Triệu, Bùi Thị Xuân… cũng là những hình ảnh thực như thế. Những hình ảnh thực ấy của các nữ tướng lại có tính tượng trưng cho các giới trong xã hội-quốc gia, biểu tượng cho tinh thần của cả dân tộc, buộc phải đứng lên chống ngoại xâm, chống ách đô hộ tàn bạo của ngoại bang. Họ không phải là không biết phận chân yếu tay mềm, nhưng họ đã tỏ rõ cho tất cả mọi người thấy được một lẽ tự nhiên là, dù chân yếu tay mềm cũng có thể làm được việc lớn là đền nợ nước trả thù nhà. Họ đã làm được, cùng với các tầng lớp khác, cùng với toàn dân Việt, không chịu sống quỳ, không chấp nhận sự bảo hộ.
Cho nên dù phương Bắc hay phương Tây, dù thời thượng cổ hay thời trung đại, thời cận đại hay hiện đại, dù xa xưa hay ngày nay cũng đều vậy thôi: những người chân yếu tay mềm, những dân tộc như thế, không chấp nhận việc áp đặt cho dân tộc Việt Nam một nền cai trị áp bức dân tộc được.
Hai bài học lịch sử
Sử gia Hà Minh Hồng rút ra hai bài học lịch sử từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng như sau :
“ Bài học đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là bài học “đền nợ nước trả thù nhà”. Bài học này được toát lên trong lý do mà hai chị em Trưng Trắc-Trưng Nhị đã tuyên bố khi phất cờ nương tử :
“ Một xin rửa sạch nước thù,
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ hùng.
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẻn vẹn sử công lênh này ".
Ở đây, một, hai, ba, bốn không phải chỉ là việc xếp đặt 1,2,3,4 để gieo vần, mà là muốn nói phải biết xếp nợ nước trên thù nhà, quốc gia trên dòng họ. Chỉ có như vậy mới thu được ba quân của 65 thành trì của Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố. Chỉ có như vậy thì mới nổi dậy lật đổ ách thống trị tàn bạo của giặc Hán được.
Bên cạnh đó, cũng nên thấy một bài học nữa dưới cờ nương tử của năm 40 ấy, đó là bài học về sự đoàn kết, cố kết vì “nghiệp xưa họ Hùng”. Chỉ có sức mạnh đoàn kết ấy để nhứt hộ vạn ứng thì mới có thể “Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thùy”. Và sau đó là xưng vương, lập triều Lĩnh Nam đóng đô ở Mê Linh. Như vậy là sức mạnh đoàn kết từ trong nhà ra ngoài. Từ trong nhà tức là từ chị em Trưng Trắc-Trưng Nhị, và các chị em ở trong dòng họ, ở quê hương ấy, rồi ra đến bên ngoài, đến cả nước như thế, cả 65 thành trì như thế, cả Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố. Như vậy thì mới đủ sức để chống chọi với kẻ thống trị tàn bạo và dựng nghiệp bá vương sánh cùng phương Bắc.
Tôi cho rằng, những bài học từ mùa xuân năm 40 ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị ”.
Hai ngàn năm giở lại trang sử cũ, ta thấy rằng trong cái mà người ta thường nói “ Trăm năm đô hộ giặc Tây, ngàn năm đô hộ giặc Tàu ”, thì trong cái “ Ngàn năm đô hộ giặc Tàu ” đó, cuộc khởi nghĩa thắng lợi giành lại độc lập dân tộc đầu tiên lại do phụ nữ lãnh đạo. Thế mới biết cái tài của phụ nữ Việt Nam, thế mới hiểu được vai trò của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Hai ngàn năm giở lại trang sử cũ, qua câu chuyện Hai Bà Trưng, ta lại được thêm một lần ôn về hai truyền thống quí báu của dân tộc Việt Nam là tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm và truyền thống “ việc nước trước việc nhà ”, đặt lợi ích cộng đồng dân tộc lên trên hết. Đó cũng chính là hai sức mạnh phi thường của dân tộc Việt Nam, đã giúp dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao bão táp ngoại xâm để giữ vững nền tự do độc lập.
Lê-Phước RFI
***
Tưởng Niệm Hai Bà Trưng - Thơ Nhất Hùng
Hai Bà nữ kiệt cõi trời đông
Làm rạng danh nòi giống Lạc Hồng
Nợ nước vùng lên bài bị trị
Thù nhà nổi dậy phá xiềng gông
Trung trinh dũng cảm dầu thân bại
Tiết liệt anh hùng dẫu mạng vong
Quốc tổ dày công gìn xã tắc
Chúng ta phải gắng giữ non sông
Chúng ta phải gắng giữ non sông
Đừng bán rẻ xương máu tổ tông
Luôn cảnh giác nguy cơ lệ thuộc
Phải đề phòng thảm họa nô vong
Lấy đoàn kết phá quân thù lớn
Dựa quyết tâm đương lũ giặc đông
Hào khí hai Bà luôn tạc dạ
Sống cho xứng cháu Lạc con Rồng
Sống cho xứng cháu Lạc con Rồng
Chớ nhẹ dạ tin tưởng viển vông
Lời “tốt”, Hán che tâm xảo trá
Chữ “vàng”, Tàu giấu dạ cuồng ngông
Cộng đang nhượng biển hòng gầy điểm
Đảng lại hiến rừng cốt lập công
Nối chí hai Bà mau nổi dậy
Đập tan lũ phản bội cha ông
Đập tan lũ phản bội cha ông
Làm ố danh con cháu Lạc Long
Bán nước cầu vinh loài “sáu mặt”*
Buôn dân trục lợi thứ “hai lòng”
Lom khom sợ giặc rồi tàn mạng
Khúm núm lạy thù tất bại vong
Nhi nữ ngàn xưa còn đảm lược
Nam nhi nay há kém quần hồng
Nhất Hùng
*Con Xí Ngầu có sáu mặt
***
Thứ ba:
Bà Triệu Trinh Nương, Nhụy Kiều Tướng Quân
Bà Triệu Trinh Nương, Nhụy Kiều Tướng Quân. Sinh ngày 8 tháng 11 năm 226 _ tuẫn-quốc ngày 4 tháng 4 năm 248 sau Tây lịch. (Nguồn: Internet; Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, truclamyentu.info)
Nhụy-Kiều Tướng-Quân Triệu-Thị-Trinh
Cửu Chân có Triệu Nhụy Kiều
Là người chất phác, tài kiêu hơn người
Thương tâm vì nỗi giống nòi...
Mang thân bồ liễu chống loài soái lang!
Đầu voi phất ngọn cờ vàng,
Đánh dư trăm trận, chiến tràng xông pha.
Phấn son tô điểm sơn hà (1)
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam...
Trần Phạm Vũ biên khảo (Nguồn: Phụ Nữ Diễn Đàn)
Trên đây là đoạn thơ lục bát mà cụ Cử Ngẫu Trì Trịnh Đình Rư đã dùng để mở đầu, tại hội quán hội Trí Tri tỉnh Hải Dương năm 1936, buổi thuyết trình về thân thế và sự nghiệp bà Triệu Thị Trinh, vị anh thư đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lần thứ hai của dân tộc Việt Nam trong thời Bắc thuộc. Đoạn thơ văn này không do vị Cử nhân Hán học đó sáng tác. Tiên sinh chỉ trích mấy câu từ ca dao, mấy câu từ sách Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca và sửa đi mấy chữ rồi ghép lại thành một bài khả dĩ dùng để giới thiệu sơ lược vị anh hùng cứu quốc họ Triệu.
Sở dĩ phải sửa đổi mấy chữ vì trong đoạn ấy hai vị tác giả của Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca đã để xót một khuyết điểm rất khó bỏ qua là giữ nguyên cách gọi láo xược của sử gia người Tầu. Hoặc vì căm thù quá đỗi hoặc vì muốn miệt thị vị nữ anh hùng đã đánh cho quân tướng nước họ thất điên bát đảo. Sử gia người Tầu đời sau nhất trí dùng chữ Ẩu thay cho tên, họ không chép là Lệ Hải Bà Vương...danh hiệu do chính bại quân Đông Ngô dùng để tôn vinh người đánh thắng họ...hay Nhụy Kiều Tướng Quân, hay Triệu Thị Trinh mà chỉ chép là Triệu Ẩu mỗi khi viết về cuộc khởi nghĩa do nhân vật ấy lãnh đạo. Ẩu là chữ Hán, nghĩa là bà già, nhưng cũng có thể hiểu l mụ già hay con mụ nếu chữ ấy được dùng chỉ một ngưòi còn trẻ tuổi với cái ý nghĩa châm biếm, mỉa mai. Anh hùng cứu quốc Triệu Thị Trinh hy sinh vì đại nghĩa khi mới được 23 tuổi tên chữ Ẩu mà sử gia người Tầu đặt sau họ Triệu không thể được hiểu theo các nghĩa đứng đắn là bà già. Cho đến năm 1945, hết thẩy mọi người Việt Nam chép sử nước mình đều am tường chữ Hán nên không một vị nào là không hiểu cái dụng ý láo xược lộ liễu đến như thế; chúng tôi quả thật không hiểu nỗi vì lý nào mà hết thẩy các vị đó cứ điềm nhiên chép theo người Tầu là Triệu Ẩu, tức...con mụ họ Triệu.
Trịnh Đình Rủ tiên sinh muốn tránh cách gọi hỗn xược ấy nên đã sửa lại mấy chữ và trong đoạn thơ chắp nối trên đây chúng ta thấy tiên sinh gọi vị nữ anh hùng cứu quốc ấy là Triệu Nhụy Kiều. Tính danh ấy cũng là kết quả một sự chắp nối: Triệu là họ. Nhụy Kiều là tước hiệu của bà khi cầm quân đánh giặc Đông Ngô.
Sau cuộc khởi nghĩa không thành đó, nước ta còn bị người Tầu đô hộ thêm 700 năm nữa nên sách sử do tiền nhân để lại thì cũng bị chúng hủy diệt bằng hết đặng dễ bề thực hiện mưu đồ đồng hóa dân bị trị. Hậu quả là sử gia người Việt Nam ở các đời sau muốn chép sử nước mình trong thời Bắc thuộc hay các thời đại về trước nữa là chỉ còn hai cách, hoặc chép theo tục truyền, hoặc căn cứ ngay vào những gì do người Tầu chép trong sử nước họ về nước ta. Từ cả hai nguồn cung cấp đó, hậu nhân đều không sưu tầm được tài liệu nào nói đích xác là vị anh thư lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại bạo quyền áp đặt bởi nhà Đông Ngô (Tầu) quê quán ở đâu và ra đời năm nào. Người ta chỉ biết rất đại khái là bà họ Triệu, khuê danh là Trinh, người quận Cửu Chân và dựng cờ khởi nghĩa năm Mậu Thìn 248 rồi tuẫn tiết vào khoảng 6 tháng sau đó, tức là ngay trong năm ấy hay trong nửa đầu năm tiếp theo. Phần đất thời ấy gọi là quận Cửu Chân về sau thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Căn cứ vào chi tiết nói rằng họ Triệu tuẫn tiết khi mới được 23 tuổi và chỉ vào khoảng 6 tháng sau ngày cùng anh khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Ngô. Chúng ta có thể ước đoán rằng bà ra đời năm Tị 225 hay năm Bính ngọ 226.
Về thân thế sự nghiệp của bà, các sách Đại Việt Sử Ký và Cương Mục đều nói giống như nhau và cũng rất vắn tắt như nhau, chúng tôi nghĩ rằng có thể tóm lược như sau:
Triệu Thị Trinh ra đời vào năm Ất tị 225 hay Bính Ngọ 226 tại một vùng sơn thôn nay thuộc địa phận huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa. Mồ côi sớm, cô gái nông thôn sống với người anh Triệu Quốc Đạt, một hào mục khá giàu có. Vợ Triệu Quốc Đạt bản tính ác nghiệt nên người em chồng không được đối xử tử tế và giữa hai chị em đã có nhiều vụ xô xát từ khi Triệu Thị Trinh bắt đầu khôn lớn để tự vệ. Cô gái lớn lên tại một vùng bìa rừng hẻo lánh để không có điều kiện học hành chu đáo nhưng được đền bù bằng sự thông minh và sức lực thiên bẩm nên mới được 17, 18 tuổi đã nổi tiếng khắp vùng là có mưu lược và bản lãnh hơn người. Do thế người thôn nữ chưa tìm cách xuất đầu lộ diện mà đã có uy tín đáng kể tại địa phương.
Đến năm 20 tuổi, Triệu Thị Trinh lỡ tay đánh chết người chị dâu nên phải chạy trốn vào rừng, ý định lúc đầu chỉ là lánh mặt anh và tính kế sống tự lập để khỏi lệ thuộc vào người anh nữa. Nhưng một phần nhờ ở sẵn có nhiều người mến phục và phần khác nhờ ở tình hình địa phương mà trong thời gian rất ngắn người thanh nữ bôn đào đã thu hút được cả ngàn trai tráng chạy theo mình vào rừng sâu, để nghiễm nhiên trở thành người điều khiển một lực lượng võ trang khả dĩ đương đầu với quân Đông Ngô và vùng vẫy ở địa phương ấy.
Thời đó, nước Tầu đang ở trong tình trạng bị chia cắt: nhà Hán đã mất ngôi vua và lãnh thổ Trung Hoa phân làm 3 phần không đều nhau, phần phía Bắc thuộc về họ Tào và gọi là Bắc Ngụy; người họ xa của vua nhà Hán chiếm được miền Ba Thục ở phía Tây; phía Đông do họ Tôn hùng cứ và trở thành nước Đông Ngô. Nước ta từ sau ngày bị Mã Viện tái chiếm lại bị người Tầu đô hộ, khi Đông Ngô thay nhà Hán cai trị phần phía Đông Hoa Lục thì họ cũng tiếp thu luôn lãnh thổ nước ta từ tay con cháu Thứ sử Sĩ Nhiếp. Kể từ năm Bính Ngọ 226, nước ta trở thành một vùng thuộc địa của Đông Ngô, vua nước Ngô cải tên thành Giao Châu và phong Lữ Đại làm Thứ sử. Lữ Đại tiến đánh nốt quận Cửu Chân và đạt thắng lợi nên được vua Ngô gia phong làm Giao Châu Mục. Nhưng những hành động tàn ác của đạo quân chinh phục đã khơi sâu căm thù trong lòng người dân quận Cửu Chân, sau đó chính sách hà khắc của bọn quan lại Tầu càng thúc đẩy dân Cửu Chân vùng lên chống lại. Đó là lý do đã khiến cho cả ngàn thanh niên vùng lân cận ồ ạt kéo vào rừng quy phục người lãnh đạo tương lai của cuộc khởi nghĩa sẽ bùng nổ 2 năm sau.
Triệu Quốc Đại khi ấy còn chủ trương cầu an nên đã tìm vào đến tận sơn trại khuyên em trở về với kiếp sống khuê nữ. Triệu Thị Trinh ôn tồn phân giải "Em muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá trành kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta".
Chí lớn của người khuê nữ quyết chọn cung kiếm làm phương tiện cứu nước đã được minh định, nhưng dường như vì biết mình biết người nên nàng còn trì hoãn ngày động binh để có thêm thời giờ chỉnh bị lực lượng.
Nhưng Triệu Quốc Đạt lại náo nức vì bị kích thích cao độ bởi những lời lẽ hào hùng của người em gái. Ít lâu sau, tình hình lại đột biến vì vua Đông Ngô cử Lục Dân, một người có tài dùng binh và là anh em thúc bá của danh tướng Đông Ngô Lục Tốn, sang làm Thứ sử Giao Châu. Phó nhậm năm Mậu Thìn 248 tức là năm Xích Ô thứ 11 nhà Đông Ngô. Lục Dân thay thế nhất loạt các quan lại địa phương và những tên mới đến quận Cửu Chân còn tàn ác gấp bội bọn tiền nhiệm khiến dân chúng oán than thấu trời. Vừa phẫn nộ vừa tưởng rằng thời cơ đã thuận lợi, Triệu Quốc Đạt đột ngộ mang quân đánh quận lỵ quận Cửu Chân.
Bị đột biến này dồn vào thế không thể trì hoãn được nữa. Triêu Thị Trinh đành mang quân đi giúp anh. Triệu Quốc Đạt vẫn tự biết không bằng em, quân sĩ dưới cờ ông lại khâm phục người thanh nữ có tài đại tướng, mọi người liền nhất trí suy tôn Triệu Thị Trinh làm Tổng chỉ huy lực lượng khởi nghĩa. Với tư cách đó, người thôn nữ mới ngoài 20 tuổi đã sớm chứng tỏ là không phụ công còn mặt gởi vàng. Bà đánh đâu thắng đó, chỉ trong vòng một tháng trời là lực lượng khởi nghĩa tiêu diệt hay bức rút được hết quân Tầu trên toàn bộ lãnh thổ quận Cửu Chân. Phần vì sợ phép dùng binh sấm sét, phần vì cảm phục độ lượng của người nữ tướng trẻ tuổi, bại binh Tầu nhất trí tôn bà lên là Lệ Hải Bà Vương. Nhưng Triệu Thị Trinh không hề nuôi mộng tranh bá đồ vương. Chỉ vì yêu nước và thương xót đồng bào mà người thôn nữ phải đánh đổi nong tầm, lưỡi hái lây kiếm cung, phải dấn thân gái ra nơi chiến trận. Khi cầm quân đánh giặc Tầu, bà luôn luôn tiến trước mọi người, lẫm liệt trên mình voi trắng, cờ vàng, mũ vàng, giáp vàng, toàn thân như chiếc nhụy vàng của đóa sen trắng khổng lồ. Dường như rất đắc ý với cái hình ảnh lẫm liệt nhưng đẹp mắt như thế nên nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống phá quân Đông Ngô đã tự xưng là Nhụy Kiều Tướng Quân, ngụ ý không quên phận mình phận gái nhưng lại hạ quyết tâm làm nên sự nghiệp hào hùng của một Tướng quân.
Nhưng lực lượng đơn lẻ của một quận Cửu Chân...chỉ là một phần nhỏ của cả xứ Giao Chỉ dưới quyền đô hộ của Đông Ngô...dĩ nhiên không thể nào đủ dùng cho vị nữ anh hùng cứu quốc đánh thắng Lục Dân mà làm thành hiện thực điều mình hằng ước nguyện. Thứ sử Giao Châu dốc toàn lực vào quận Cửu Chân. Nhụy Kiều Tướng Quân chống phá kịch liệt và hữu hiệu nhưng vẫn không tránh được kết quả đương nhiên của một cuộc đấu sức với phương tiện quá chênh lệch. Lực lượng khởi nghĩa bị tiêu hao gần hết. Triệu Thị Trinh rút về xã Bồ Điền (về sau là làng Phú Điền, tổng Phú Điền, huyện Mỹ Hóa, tỉnh Thanh Hóa) rồi tự sát sau khi giải tán tân binh để tránh sự hy sinh đã trở thành vô ích cho đại cuộc. Dân địa phương lập đền thờ, về sau vua Tiền Lý Nam Đế (544-548) xuất công quỹ cho địa phương trùng tu đền thờ và sắc phong là Bất Chinh Anh Liệt Hùng Tài Trịnh Nhất Phu Nhân. Cho đến năm 1945, trước khi cộng sản lên cầm quyền ở vùng Thanh Nghệ đền thờ vị nữ anh hùng cứu quốc vẫn nghi ngút khói hương ở làng Phú Điền, tỉnh Thanh Hóa.
Chú thích: Trúc Lâm Nguyễn Việt Phúc Lộc xin phép cụ Cử Ngẫu Trì Trịnh Đình Rư sửa câu "Vú dài ba thước" khi đề cập đến Bà Triệu Trinh Nương thành "Là người chất phác. Do bởi bà xuất thân là nông gia " . Bài thơ trên đã được sửa chữ hai lần.
***
Thứ Tư:
Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng, Lý Thân (Hiệu đính 17/09/23: generalhieu.info)
Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng, Lý Thân(Sinh sống vào đời Hùng Duệ Vương, Hùng Vương thứ 18, đầu thời An Dương Vương), (Nguồn: Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án, Việt điện u linh, tienamphu.com)
Lý Ông Trọng (李翁仲), tên khác là Lý Thân, không rõ năm sinh năm mất, là một nhân vật truyền thuyết hư cấu được ghi nhận trong một số sách của Việt Nam và Trung Quốc. Theo truyền thuyết Việt Nam, ông sống vào cuối đời Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18), đầu thời An Dương Vương, gốc làng Chèm. Còn theo truyền thuyết Trung Quốc, ông tên là Nguyễn Ông Trọng (阮翁仲), người vùng Nam Hải, thời Tần Thủy Hoàng
Truyện kể
Truyền thuyết Việt Nam
Vào thời Hùng Vương thứ 18, Ông Trọng giữ một chức nhỏ ở huyện ấp, đời sau truyền rằng ông cao hai trượng ba thước.
Với bản tính cương trực, trung hậu, thương dân nên có lần thấy một tên lính huyện ác ôn đánh đập dân phu dã man, ông đã nổi giận đánh chết tên lính đó và bị triều đình khép tội chết. Nhưng vua thấy ông là người có tài đức, khỏe mạnh nên không nỡ giết. Sau đó ông bỏ chức, đi cầu học phương xa. Đến thời An Dương Vương, ông là một tướng giỏi giúp vua và được cử đi sứ nước Tần.
Bấy giờ nhà Tần hay có nạn giặc Hung Nô đánh phá phía Bắc. Tuy Tần Thủy Hoàng đã cho đắp Vạn Lý Trường Thành nhưng vẫn không yên. Nhân có tướng tài của nước Âu Lạc là Lý Ông Trọng sang sứ nên vua Tần ngỏ ý mời ông giúp Tần trừ giặc Hung Nô, phong ông làm Vạn Tín hầu. Ông Trọng cầm quân ra giữ đất Lâm Thao (vùng Cam Túc, Trung Quốc hiện nay), hễ quân Hung Nô kéo đến bao nhiêu là bị đập tan bấy nhiêu. Giặc Hung Nô kinh sợ và từ đó không dám xâm phạm biên ải nhà Tần nữa. Vua Tần hết sức khâm phục, phong tước cao, thưởng hậu và gả cả công chúa cho Lý Ông Trọng, muốn lưu ông ở lại Tần lâu dài. Sau đó một thời gian, Lý Ông Trọng nhớ quê hương xin vua Tần cho về nước nghỉ ngơi.
Khi biết tin Lý Ông Trọng đã về nước, quân Hung Nô lại kéo sang đánh Tần. Vua Tần lại sai sứ sang Âu Lạc mời Ông Trọng. Ông Trọng không muốn đi nên vua Thục nói rằng ông đã mất. Vua Tần bất đắc dĩ phải đúc một pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng (bên trong rỗng, chứa được mấy chục người, có máy giật để cử động chân tay như thật) đặt ở cửa Kim Mã, kinh thành Hàm Dương. Giặc Hung Nô ngỡ là ông lại sang Tần nên không dám xâm phạm nước này. Từ đó người phương Bắc thường gọi những pho tượng lớn là "Ông Trọng".
Năm 860, Cao Biền cho sửa sang lại đền thờ ở xã Thụy Hương, huyện Từ Liêm (làng Chèm ngày nay), tạc tượng gỗ, tôn xưng cho ông danh hiệu Lý hiệu úy[1].
Tư lệ Hiệu úy (tức Lý Ông Trọng) được phong tặng là Uy mãnh Oanh liệt Phụ tín Đại vương (威猛英烈輔信大王).
Văn Lang thành cổ sơn trung điệp
Ông Trọng từ thâm vân đạm nùng
(Văn Lang thành cổ non trung điệp
Ông Trọng đền thiêng mây nhạt nồng)
Phạm Sư Mạnh
Theo sách Trung Quốc
Sách Từ Nguyên Trung Quốc ghi: "Nguyễn Ông Trọng đời Tần, người Nam Hải, thân dài một trượng ba thước, khí chất đoan dũng, khác với người thường. Vua Thủy Hoàng sai cầm quân giữ đất Lâm Thao, thanh thế chấn động Hung Nô. Ông Trọng chết. Vua sai đúc tượng đồng để ở cửa Tư Mã, coi giữ cung Hàm Dương".
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư
Năm 221 TCN (năm thứ 26 triều Tần Thủy Hoàng), nước Tần thôn tính cả sáu nước vùng Trung Nguyên và xưng Hoàng đế. Bấy giờ có người ở Từ Liêm, Giao Chỉ là Lý Ông Trọng người cao 2 trượng 3 thước, lúc ít tuổi đến hương ấp làm lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần, làm quan đến chức Tư lệ Hiệu úy. Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, bèn sai ông đem quân đóng giữ đất Lâm Thao (một huyện thuộc tỉnh Cam Túc ngày nay), uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già về làng rồi chết.
Thủy Hoàng cho ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng để ở cửa Tư Mã ở Hàm Dương, bụng tượng chứa được mấy chục người, ngầm lay thì chuyển động được, Hung Nô tưởng đó là Hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm.
Theo Việt điện u linh
Vương họ Lý tên Ông Trọng, người huyện Từ Liêm, mình cao hai trượng ba thước, khí chất đoan dũng khác người thường. Thiếu thời làm quan ở huyện ấp, bị quan Đô đốc đánh đòn, Vương than rằng:
Tráng chi của đời người nên như chim Loan chim Phụng, nhất cử vạn lý, đâu mà để cho người thóa mạ, làm nô lệ cho người?
Vương bèn chăm học, ngày tháng dùi mài, phát minh kinh sử, vào làm quan nhà Tần, làm chức Tư lệ hiệu úy. Đến lúc Tần Thủy Hoàng thôn tính thiên hạ, sai Vương đem binh trấn thủ Lâm Thao thì thanh danh chấn động Hung Nô. Thủy Hoàng lấy làm điềm tốt. Đến sau, Vương già cả về làng. Thủy Hoàng đúc tượng đồng, đặt ở ngoài cửa Tư mã Hàm cung; trong ruột tượng chứa được vài mươi người, mỗi khi sứ bốn phương đến, thầm khiến người vào trong ruột lay động pho tượng; Hung Nô thấy thế kinh sợ cho là Hiệu úy còn sống, bảo nhau không dám xâm phạm biên giới.
Đời Đức Tông nhà Đường, niên hiệu Trinh Nguyên năm đầu, Triệu Xương qua làm Đô hộ nước An Nam ta thường qua chơi làng Vương, đêm mộng thấy cùng Vương nói chuyện trị dân, và giảng luận sách Xuân Thu tả truyện, nhân đó Triệu Xương mới hỏi thăm nhà cũ của Vương hồi xưa, thì chỉ thấy mù khói ngang trời, sông nước mênh mông, rêu phong đường đá, xanh rời cụm hoang, một mảnh nhàn vân phất phơ trên đám cỏ thôn hoa rụng. Ông mới lập lại đền thờ, xưởng cao lầu lớn, rồi chuẩn bị lễ vật đem đến tế vương. Đến lúc Cao Biền đánh phá nước Nam Chiếu, Vương thường hiển linh trợ thuận. Cao Biền lấy làm kinh dị, sai thợ trùng tu từ vũ tráng lệ hơn xưa, và chạm khắc tượng gỗ son thếp giống như thực mà đem lễ vật đến tế, từ đó, hương hỏa không khi nào hết. Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu [1285, Trần Nhân Tông], sắc phong Anh Liệt Vương, đến bốn năm sau gia phong hai chữ Dũng Mãnh, năm Hưng Long thứ hai mươi [1312, Trần Anh Tông] gia phong Phụ Tín Đại Vương.
Lời bình trong truyện
Tính xác thực
Trong Việt sử tiêu án, nhà sử học Ngô Thì Sĩ có chép lại và đánh giá truyền thuyết Lý Ông Trọng như sau:
Ông Trọng thân hình cao to, cùng việc đầu đuôi làm quan với nhà Tần, chưa chắc là đúng.
Nhà Tần đúc 12 người vàng, tuyệt đối không có danh hiệu gì. Vua Ngụy muốn rời người vàng ấy đến đất Nghiệp nhưng nặng không mang đi được, nhân lấy đồng đúc 3 người gọi là Ông Trọng, bày ra ở ngoài cửa Tư Mã, lại bàn ở đàn miếu Thiên thu đình (ở bài chú Kinh Băng, Tiến Thủy) có hai Ông Trọng bằng đá đối nhau, thì cái tên Ông Trọng cũng giống như tên vì sao Phi Liêm, người đời sau đặt ra chuyện Ông Trọng thiêng liêng, để cho câu chuyện thần kỳ đó thôi.
Theo các phân tích Trung Quốc, tiểu sử của Nguyễn Ông Trọng (tên trong sách Trung Quốc) không được chính sử Trung Quốc ghi lại và các sách khác trước thời nhà Minh cũng hiếm khi nhắc đến, dù với chức vị và chiến công của ông thì lẽ ra phải được ghi chép rất cụ thể (giống như Vương Tiễn, Bạch Khởi, Mông Điềm...). Hơn nữa, câu truyện về Ông Trọng có nhiều chi tiết phi lý: Quận Lâm Thao (Cam Túc) khi đó chưa từng bị Hung Nô xâm phạm nên không thể có chuyện Ông Trọng giao chiến với Hung Nô tại đây. Chức vụ "Tư lệ hiệu úy" không có vào thời nhà Tần mà chỉ được thiết lập vào thời nhà Hán, và đây là chức quan văn chứ không phải quan võ. Vì thế, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng đây chỉ là truyền thuyết hư cấu do dân gian lưu truyền, nhằm giải thích một sự kiện có thật là Tần Thủy Hoàng đã cho đúc 12 bức tượng đồng khổng lồ có tên là "Ông Trọng" và đặt ở bên ngoài cổng Tư Mã của cung Hàm Dương[2]. Câu chuyện dân gian đã được lan truyền khắp nơi và lan sang Việt Nam, và sau nhiều thế kỷ (nhất là thời Bắc thuộc), nó đã được truyền bá rộng trong nhân dân Việt Nam và được đưa vào sách Lĩnh Nam chích quái[3].
Đền thờ
Truyền thuyết Việt Nam kể rằng: vua Tần sai lập đền thờ ông, nay là di tích Đình Chèm, được nhân dân trong vùng xưng tôn là Đức Thánh Chèm.
Thực ra, đền thờ Lý Ông Trọng gọi là Đình Chèm chỉ được xây dựng từ thời Bắc thuộc (từ năm 603 đến năm 938) ở Thị Điềm, Thụy Phương (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ngày nay). Trong Đình có các bia đá ghi chép lại lịch sử và nhân vật, đồng thời thờ 2 pho tượng đồng lớn: một là của Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng, pho tượng còn lại là của bà vợ, hiệu Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung (con gái của Tần Thủy Hoàng). Di tích Đình còn nguyên vẹn, kiến trúc rất đẹp.
Để tưởng nhớ Lý Ông Trọng, hằng năm ba làng: Thụy Phương, Hoàng Mạc và Liên Mạc tổ chức lễ hội đền Chèm từ 14 đến 16 tháng 5 âm lịch.
Chú thích
Thứ Năm:
Bố cái đại vương Phùng Hưng
Bố cái đại vương Phùng Hưng. Sinh 1 tháng 10, 746/759_mất 31 tháng 12, 789 / 10 tháng 8, 791 / 12 tháng 11,802. (Nguồn: Việt điện u linh tập, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục)
Thứ Sáu:
Ngô Vương Quyền
Ngô Vương Quyền. Sinh 12 tháng 3 năm 898 _mất 14 tháng 2 năm 944 thuộc Hoàng triều Ngô Vương. (Nguồn: Đại Việt Sử ký Toàn thư, vanchuongphuongnam.vn)
Thứ Bảy:
Đinh Bộ Lĩnh
Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Tiên Hoàng. Sinh 22 tháng 3 năm 924_mất tháng 10 năm 979 thuộc Hoàng triều Đại Cồ Việt. (Nguồn: Đại Việt Sử ký Toàn thư)
Thứ Tám:
Hoàng đế Lê Đại Hành, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn
Hoàng đế Lê Đại Hành, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Sinh năm 941 mất ngày 18 tháng 4 năm 1005 thuộc Hoàng Triều Đại Cồ Việt. (Nguồn: Đại Việt Sử ký Toàn thư, toihoclichsu.com)
Thứ Chín:
Đại tướng quân, nguyên soái Lý Thường Kiệt
Đại tướng quân, nguyên soái Lý Thường Kiệt. Sinh năm 1019 mất năm 1105 thuộc Hoàng Triều Đại Việt. (Nguồn: Đại Việt Sử ký Toàn thư, Internet)
Thứ Mười:
Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tháp Trúc Lâm. Đản sanh ngày 11 tháng 11 năm Mậu ngọ (1258), niên hiệu Nguyên Phong thứ 8 (1258) thị tịch ngày 16 tháng 12 năm 1308 thuộc Hoàng Triều Đại Việt. (Nguồn: Đại Việt Sử ký Toàn thư, truclamyentu.info, Internet)
Thứ Mười Một:
Hưng Đạo Đại Vương
Tượng Trần Hưng Đạo của Điêu khắc gia Phạm Thông dựng vào giữa thập niên 1960 tại công trường Mê Linh, Sài Gòn; Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương sinh năm 1231 mất ngày 3 tháng 10, 1300 (68–69 tuổi) thuộc Hoàng Triều Đại Việt. (Nguồn: Đại Việt Sử ký Toàn thư, truclamyentu.info)
Thứ Mười Hai:
Tướng quân Trần Quốc Toản
Tướng quân Trần Quốc Toản. Sinh năm 1267 mất năm 1285 thuộc Hoàng Triều Đại Việt. (Nguồn: daivietkynhan.com)
Thứ Mười Ba:
Tướng quân Trần Nguyên Hãn
Tướng quân Trần Nguyên Hãn sinh năm 1390 mất năm 1429 thuộc Hoàng Triều Đại Việt. (Nguồn: Hình ảnh thủ đô Sài Gòn)
Thứ Mười Bốn:
Tướng quân Phạm Ngũ Lão
Tướng quân Phạm Ngũ Lão sinh năm 1255 mất năm 1320 thuộc Hoàng Triều Đại Việt. (Nguồn: sachgiai.com)
Thứ Mười Lăm:
Quang Trung Hoàng Đế Tây Sơn Thái Tổ Nguyễn Huệ
Quang Trung Hoàng Đế Tây Sơn Thái Tổ Nguyễn Huệ sinh năm 1753 mất ngày 16 tháng 9, 1792 (38–39 tuổi) thuộc Hoàng Triều Đại Việt Tây-Sơn. (Nguồn: Đại Việt Sử ký Toàn thư, truclamyentu.info, Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa)
Thứ Mười Sáu:
Tướng quân Trần Quang Diệu
Tướng quân Trần Quang Diệu 17 tháng 10 năm 1760 (9 tháng 9 năm Canh Thìn) mất năm 1802 thuộc Hoàng Triều Đại Việt Tây-Sơn. (Nguồn: Đại Việt Sử ký Toàn thư, Wikipedia.com)
Thứ Mười Bảy:
Nữ Đô Đốc Bùi Thị Xuân
Nữ Đô Đốc Bùi Thị Xuân (Hoàng Triều Đại Việt Tây-Sơn) (Sources: daivietkynhan.com); Nữ Đô Đốc Bùi Thị Xuân khi bị Nguyễn Gia Long hành hình (Sources: trithuccuocsong.vn)
Thứ Mười Tám:
Thiếu tướng Trương-Quang-Ân (Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa)
Thiếu tướng Trương Quang Ân (Chính thể Việt-Nam Cộng-Hòa_Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) (Nguồn: truclamyentu.info, daubinhlua.blogspot.com; langa20xuanphuoc.blogspot.com)
Thứ Mười Chín:
Đại tướng Đỗ-Cao-Trí (Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa)
Đại tướng Đỗ-Cao-Trí (Chính thể Việt-Nam Cộng-Hòa_Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) (Nguồn: truclamyentu.info)
Thứ Hai Mươi:
Trung tướng Nguyễn-Viết-Thanh (Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa)
Trung tướng Nguyễn-Viết-Thanh (Chính thể Việt-Nam Cộng-Hòa_Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) (Nguồn: truclamyentu.info, daubinhlua.blogspot.com)
Thứ Hai Mươi Mốt:
Trung tướng Nguyễn-Văn-Hiếu (Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa)
Trung tướng Nguyễn-Văn-Hiếu (Chính thể Việt-Nam Cộng-Hòa_Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) (Nguồn: truclamyentu.info, generalhieu.info, generalhieu.com)
Images | website template by ARaynorDesign
Xhtml Valid | CSS Valid | Thư viện tướng Nguyễn Văn Hiếu | generalhieu.info @ 2022 - 2023 - 2024 ; Liên-lạc: generalhieu.info