Quân Sử Việt Nam Sư đoàn Nhảy Dù đồi 1062 Thường Đức 1
http://www.generalhieu.info/military_history/quansuvietnam_doi-1062-thuong-duc1.html
Là Chiến-Sĩ Việt-Nam Cộng-Hòa,
Điều 1: Tôi nguyện chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để chiến đấu bảo vệ cho sự sống còn của Tổ Quốc, của gia đình và của chính bản thân tôi.
Điều 2: Tôi tuyệt đối chấp hành các mệnh lệnh của cấp chỉ huy, đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu tuyên truyền chia rẽ của giặc cộng.
Điều 3: Tôi luôn kính già, thương trẻ, đứng đắn với phụ nữ và giúp đỡ đồng bào.
Điều 4: Tôi luôn tâm niệm hành động làm mất lòng dân là xua dân về phía giặc cộng, là tự sát.
Điều 5: Tôi luôn đối xử tử tế với tù hàng binh địch (VC), không ngược đãi đánh đập họ, không đụng đến của riêng họ, để thêm bạn bớt thù.
Điều 6: Thực hiện các điều trên là tôi tích cực xây dựng tự do cho đất nước, đem lại hạnh phúc cho toàn dân, tôi sẽ được đền bù bằng sự cảm mến và biết ơn của Đồng Bào.
---------------
Mũ Đỏ Trương-Dưỡng, Đội Đèn (Trung Sĩ Nhất Nguyễn-Văn-Đèn) và Phạm Huấn đồng tác giả.
Vào mùa thu năm 1974, áp lực địch tại vùng I Chiến Thuật gia tăng khủng khiếp; Bộ Tự Lệnh Quân Đoàn đã họp các Tư Lệnh quân, binh chủng bàn kế hoạch phòng thủ cuối cùng trên toàn Quân Khu I. Đặc biệt những điểm «Nóng» như Huế, Chu Lai, và Đà Nẳng, bản doanh của Quân Đoàn I.
Tại mặt trận Thường Đức, Sư Đoàn Dù đã chiến thắng vẻ vang trên ngọn đồi 1062. Nữ tướng Nguyễn Thị Định hiên ngang tuyên bố sẽ vào Đà Nẳng như chỗ không người. Lời tuyên bố ngạo mạn đó đã bị các chiến sĩ dũng cảm Nhảy Dù xóa sổ và niêm phong.
Viên tư lệnh lực lượng CSBV tại Thường Đức phải mất chức do bị thiệt hại nặng nề.
Trong suốt năm tháng miệt mài quần thảo với dân chơi Hồ Gươm BV, các chiến sĩ Nhảy Dù chưa từng thấy chiến trường nào mà quân Cộng sản lại làm hầm hố vô cùng kiên cố như mặt trận Thường Đức. Những hầm chữ A để chống bom được đào sâu như những giếng nước, hoặc làm dưới những khe suối được che chở bằng vách đá và cây rừng cổ thụ. Đường dây điện thoại chằng chịt như mạng lưới điện thoại ở thành phố Sài Gòn. Mọi sự liên lạc vô tuyến hạn chế để tránh bị ta phát giác. Tuy nhiên phòng Truyền Tin của Sư Đoàn Nhảy Dù cũng đã bắt được những mật điện quan trọng của chúng, và đã hóa giải một cách dễ dàng.
Nhờ vậy ta đã biết được kế hoạch điều quân của các lực lượng CSBV tham chiến tại Thường Đức.
Các chiến sĩ Nhảy Dù đã quần thảo với địch trên những đỉnh núi cao liên tục không giây phút ngừng nghỉ. Miền rừng núi trùng điệp, hiểm trở, và cao chất ngất không làm sờn lòng chiến đấu của những chiến sĩ trẻ Nhảy Dù. Tuổi đời đầy nhựa sống yêu đường, nhưng họ nào sá chi tấm thân nam nhi, từ bỏ những vui chơi nhộn nhịp, để một lòng bảo vệ non sông, cho đồng bào miền Nam được thở không khí Tự Do và Thanh Bình.
Từ chân núi nhìn lên đỉnh cao vời vợi, người chiến sĩ Dù nghĩ đến sự tiếp vận khó khăn của địch và ta, một bịch gạo, một băng đạn, được chuyển vận thật là cả một vấn đề, thật gay go, gian nan, và khổ cực (phải dùng dây kéo lên). Nhất là nước đâu để có thể nấu ăn trên những rặng núi cao ngất từng mây.
Những khó khăn về địa hình địa vật cho trận chiến, tuy nhiên, đã có bài toán giải đáp do thiên nhiên tạo ra. Thật thơ mộng, thật trữ tình, những thác nước cuồn cuộc ngày đêm như dâng hiến cho người chiến sĩ Dù trầùm mình thoải mái sau những phen đụng độ nẩy lửa với quân thù. Họ đã ngồi lại từng giờ để thả hồn theo bọt nước bắn tung lên không gian, như những hạt kim cương đang vờn giỡn với lính chiến hoa Dù. Thiên nhiên đã giàu sang hóa đời người chiến sĩ. Họ có cả một vũ trụ bên mình!
Năm 1973, sau khi Hiệp Định Đình Chiến được ký kết tại Paris; Chiến cuộc Việt Nam tạm ngưng. Hai Sư đoàn Tổng trừ bị (Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến) vẫn còn lưu giữ tại Quân Khu I.
Lấy QL1 làm ranh giới ; SĐND trấn giữ phía Tây, dọc theo hành lang dãy Trường Sơn, và trách nhiệm luôn phần bảo vệ an ninh QL1, từ cây số 17 ra tới bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Sư đoàn TQLC trấn giữ phía Đông, từ QL1 ra đến bờ biển, đến tận Cổ Thành Quảng Trị ở phía Bắc.
Các đơn vị thuộc SĐND chiếm những cao địa, tiến sâu vào dãy Trường Sơn gần các căn cứ Ann (Động Ông Do), Barbara (đã giành lại được trong cuộc tổng phản công tái chiếm Quảng Trị). Đây là 2 căn cứ chiến thuật chế ngự toàn vùng hành quân.
Từ Nam cây số 17 (căn cứ Hiệp Khánh, BTL/SĐND) là trách nhiệm của các đơn vị cơ hữu thuộc QĐI: Sư đoàn 1 Bộ Binh trấn đóng ở phía Bắc đèo Hải Vân; phía Nam là trách nhiệm của Sư Đoàn 3 Bộ Binh và SĐ2BB. Cả hai khu vực Bắc và Nam Hải Vân đều có các đơn vị Biệt Động Quân, Địa Phương Quân, và Nghĩa Quân.
Đối diện với SĐND là Sư đoàn 325 Trị Thiên. Gọi là Sư đoàn Trị Thiên thực sự ra bộ đội của sư đoàn này rất trẻ và nói toàn giọng Bắc. Tình hình tổng quát tại quân khu I lúc này tương đối yên tĩnh.Vào những tháng cuối năm 1974, sau khi trao đổi tù binh với Mỹ xong, Việt cộng bắt đầu vi phạm mạnh Hiệp Định Ba Lê 27/1/1973, thực hiện ý đồ xâm lăng thôn tính miền Nam bằng võ lực.
Qua các cuộc trắc nghiệm xem phản ứng của Hoa Kỳ bằng cách vi phạm Hiệp Ước, Vc đánh chiếm thị trấn Phước Long (cuối năm 1974), và một số thị trấn khác thuộc QKIII…Thấy Hoa Kỳ không có phản ứng gì, Vc bắt đầu tung các đơn vị chủ lực vào cuộc xâm lược Miền Nam Việt Nam (VNCH). Bộ Binh, Pháo Binh, Cơ Giới…địch ngang nhiên di chuyển hàng hàng lớp lớp giữa ban ngày, không cần ngụy trang ẩn nấp như xưa.
Cộng sản Bắc Việt mở mặt trận lớn đầu tiên tại vùng I Chiến Thuật, với ý đồ cầm chân các đơn vị thiện chiến Tổng trừ bị của ta.
Hai sư đoàn chủ lực 304 và 324, cùng các Trung đoàn Pháo, chiến xa của địch bất thần đánh chiếm quân Thường Đức thuộc tỉnh Quảng Nam.
Là một điểm chiến lược vì địa thế núi rừng hiểm trở dễ thủ khó công. Thường Đức ở phía Tây Nam Đà Nẳng khoảng 50 cây số, và phía Tây giáp với Lào, nơi có đường mòn Hồ Chí Minh, phát xuất từ Nghệ Tỉnh, dọc theo biên giới Hạ Lào, chia nhánh rẽ qua Lao Bảo, khe Sanh, thung lũng Ba Lòng, Ashau, Thường Đức, Kontum…Chạy dài theo QL 14 xuống Nam tới Bình Long, Tây Ninh. Cộng quân ngày đêm chuyển vận quân dụng tiếp tế cho mặt trận Thường Đức nầy.
Trong vòng 2 năm, sau Hiệp Định Ba Lê, địch đã không ngừng tu bổ đường mòn và biến thành «Xa lộ không đèn», bề rộng mặt đường hơn 10 thước, xe chạy hai chiều. Ngoài ra cộng quân còn lập hệ thống dẫn dầu từ Bắc vào đến tận Lộc Ninh. Địch cũng đã tăng cường chuyển vận bộ đội chính quy, vũ khí, và chiến cụ vào miền Nam gấp nhiều lần so với lúc trước. Tình hình QK I đổi khác ngay vào cuối năm 1974; áp lực địch gia tăng mạnh mẽ ở phía Nam đèo Hải Vân.
Áp lực địch nặng nề đến nỗi dân quận Đại Lộc đã phải bồng bế, gồng gánh chạy ra thị xã Đà Nẵng. Đức Tổng Giám Mục Phạm Ngọc Chi đã có lầøn tâm sự với chiến sĩ Nhảy Dù như sau: «Tình hình tại đây làm Cha lo quá, mất quận, mất xã, mất đồn lũy hầu như xảy ra hằng ngày và còn bị pháo ngay cả vào Đà Nẵng nữa. Giống như ki xưa cha ở Bùi Chu (Bắc Việt), chuẩn bị dìu dắt con dân di cư vào Nam. Chỉ khác một điều, khi xưa đất nước mình còn có miền Nam để vào, bây giờ chạy đâu?
Chúng tôi xin được phép quay lại Bắc Hải Vân với Sư Đoàn Nhảy Dù. Vào thời gian 73-74, khi biết là không còn trừ bị để phản ứng khi cần, Tướng Lê Quang Lưỡng tâm sự: «Lực lượng của mình bị cầm chân trên kia. Bây giờ nếu địch tấn công, cọc thủng phòng tuyến, tràn theo hành lang sông An Lỗ vào đồng bằng Trị Thiên, anh em mình chắc chỉ còn đường ra biển».
Mối lo không có lực lượng trừ bị là một dằn vặt thường trực với ông Tu Lệnh trẻ tuổi này của Sư Đoàn Nhảy Dù. Quả Vậy, đấy là chỉ nói việc địch tấn công vào khu vực trách nhiệm của Sư Đoàn Nhảy Dù mà thôi. Giả thử địch không tấn công vào khu Nhảy Dù, mà thọc sâu, cắt đứt khu Hải Vân, làm Nam, Bắc Hải Vân không còn liên lạc được với nhau nữa, sẽ ra đây?
Cuộc tấn công sắp tới của địch sẽ giống như mùa Hè 72, tức tấn công theo trục Bắc-Nam hay sao mà Quân Đoàn I dồn nỗ lực đào hầm, đặt chướng ngại vật chống chiến xa ở bờ Nam sông Mỹ Chánh? Chuẩn bị cho cuộc tấn công cơ giới từ Bắc xuống Nam rất chu đáo.
Ông Lưỡng và chúng tôi không đồng ý như vậy, cuộc tấn công lần này của địch không mắc mỗ, hao tổn sức lực như hồi 72, mà chúng chỉ cần thọc lẹ và đủ mạnh từ Tây sang Đông, cắt Quân Khu I làm hai ở Bắc hoặc Nam Hải Vân thì đã là một «Coup de Grâce» rất đẹp và gọn rồi. Như vậy là lực lượng trừ bị lại càng là một nhu cầu cấp bách, cũng được xử dụng đủ lẹ và đủ mạnh để bẻ gãy ngay từ đầu đòn thọc Tây-Đông của địch.
***
Một hôm gặp tôi, Tướng Lưỡng nói: «Đội Đèn ơi! Để tôi vẽ quân cho anh xem !». Thế rồi cả Sư đoàn Dù, quân số hậu cứ giảm, quân số văn phòng giảm, các đơn vị hành chánh, yểm trợ giảm, các trung tâm huấn luyện cũng giảm bớt để dồn ra hành quân ngay tại khu vực hành quân các Tiểu đoàn cũng giảm bớt quân số của từng Đại Đội, kể cả tác chiến và chỉ huy.
Quân số này được tập trung và chia thành Đại Đội (thành phần quân số bao gồm cả cán bộ sĩ quan, hạ sĩ quan v.v…)
Bộ chỉ huy/Lữ đoàn 2 của Đại tá Nguyễn Thu Lương được ủy nhiệm huấn luyện những Đại Đội này. Việc huấn luyện bao gồm từ kỹ thuật tác chiến vô quy ước đến quy ước chiến. Kỹ thuật đặc công của Việt cộng cũng được áp dụng huấn luyện.
Cứ như vậy dần dần những Đại Đội này trở thành các Đại Đội Đa Năng.
Bây giờ vấn đề của các đơn vị Đa Năng này là được các ông trong Tòa Đại Sứ Mỹ quan tâm, thắc mắc nhiều! Các phái đoàn Tùy Viên Quân Lực của các Tòa Đại Sứ Mỹ, Anh, Úc, Gia Nã Đại v.v… tới thăm Sư Đoàn Nhảy Dù ở vùng hành quân hỏi về đơn vị Đa Năng (Poly Units)?
- Ngân sách nào cung ứng để thành lập?
- Lập các đơn vị này để làm gì?
- Có bao nhiêu đơn vị Đa Năng trong Sư Đoàn?
- Ở cấp nào ? Đại Đội? Tiểu Đoàn?
- Tại sao gọi là Đa Năng? v.v… và v.v… «Ngu»
Tới lúc này Tướng Lưỡng lại nói: «Anh cứ cho họ biết, chính phủ và quân đội chúng ta không mất một đồng xu nào để có được những đơn vị này. Tất cả đều nằm trong Phương Trình x=a+b+c và nay có thêm 12 Đại Đội Đa Năng trong Sư Đoàn Nhảy Dù. Nếu gọi những đơn vị này «d» thì chỉ chứng minh a+b+c cũng vẫn =x mà thôi.
Thế là vào cuối 73, Tướng Tư Lệnh, Lê Quang Lưỡng đã có trong tay 12 Đại Đội làm trừ bị. Lúc cần, lập thành Tiểu Đoàn Trừ Bị Chiến Thuật sẽ có ba Tiểu Đoàn hay một Lữ Đoàn.
Với các đơn vị này, vùng đóng quân của các Bộ Chỉ Huy và cả bản doanh Sư Đoàn đã có thêm an ninh, dẹp yên những quấy phá của địch tại hậu phương. Nói một cách tổng quát, tình hình Hải Vân yên tĩnh ở thời điểm giữa 74, trong Nam hải Vân thật sôi động, nguy ngập.
***
Thượng tuần tháng 7/74, Sư Đoàn Nhảy Dù được lệnh khẩn cấp từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I: «Đưa ngay lực lượng Nhảy Dù vào Đà Nẵng, nhưng phải để một Lữ Đoàn tăng cường (Lữ đoàn+) tại Bắc Hải Vân cho lòng dân khỏi xáo động, nao núng.
Thi hành lệnh, Tướng Lưỡng đưa Sư Đoàn Nhảy Dù (-) vào Đà Nẵng mà lòng vẫn ấm ức vì chỉ được đánh giặc với một tay bị trói chặt.
Trước khi vào Đà Nẵng, ông Lưỡng nói với tôi: «Mình sẽ vào Đại Lộc. Chiếm xong Thường Đức, địch sẽ đánh thẳng ra Đà Nẵng đây.
Chỉ vào bản đồ, Tướng Lưỡng tiếp: «Sau khi các bộ phận của mình đã ở tuyến xuất phát, tôi sẽ cho nỗ lực chính tiến theo đường đỉnh dãy núi Đại Lộc trực chỉ Thượng Đức, kiểm soát sườn phải của trục tiến quân. Trong khi đó song song với nỗ lực chính, nỗ lực phụ là một thành phần của Lữ Đoàn 3, kiểm soát thung lũng Đại Lộc, bảo vệ sườn trái cho nỗ lực chính v.v… và v.v…Cũng xin nhắc lại là lực lượng địch đánh và đoạt Thường Đức là các bộ phận của Sư Đoàn 324.
Thế rồi, Sư Đoàn Nhảy Dù vào Đà Nẵng, để lại Lữ Đoàn 2 với một Tiểu Đoàn Đa Năng ở Bắc Hải Vân. Tới Đà Nẵng, sắp xếp công chuyện xong, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù được lệnh vào Đại Lộc.
Trên phương diện tình báo, khi các cánh quân Dù tới tuyến xuất phát, kiểm qua Đài Vô Tuyến Điện Báo của Sư Đoàn Dù, bắt đúng tần số liên lạc địch. Địch báo cáo với nhau: «Ngụy Dù đang ở Đông Đại Lộc, Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù tại Xã…Làng…đang làm…, Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù đang di chuyển từ A sang B…tìm chỗ ngừng quân, Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù đang ở Xã…v.v…Báo cáo của đối phương rất chính xác về trận liệt Sư Đoàn Dù.
Đại Úy Phước, ngoài các đức tính siêng năng, cần mẫn, anh lại có một đam mê là thích dò tần số liên lạc địch, khi những báo cáo của chúng tự nhiên im lặng, anh lại rà máy tìm ra một tần số khác và tiếp tục được nghe báo cáo của chúng về Dù.
Biết được như vậy, Tướng Lưỡng sửa đổi kế hoạch đôi chút, ông ra lệnh cho Lữ Đoàn 1 tạm để các Tiểu đoàn chính ở những chỗ mà địch đã liên lạc với nhau, tung Đa Năng 31-19-27 tấn chiếm các cao điểm…, di chuyển về trái, tiến sâu về phải v.v…và v.v…Cứ liên tục hoán chuyển như vậy cho tới khi sát Thượng Đức.
Những báo cáo của địch về Ngụy Dù sau này cho thấy có sự bỡ ngỡ, hoang mang. Các Đa Năng là gì? Của Dù hay của nơi khác đưa tới?
Hết lệnh cho Đa Năng 21-19-27 lại đến lệnh cho Đa Năng 1,2,3 tung quân lục soát nhiều hướng!
Chúng hỏi nhau, sao các chỗ khác không có Đa Năng mà chỉ có ở ngụy Dù?
Độ hiểu biết về trận liệt Dù không còn chính xác như trước nữa.
Khi các bộ phận chủ lực của Lữ Đoàn 1 tới sát trận tuyến Thượng Đức-Đại Lộc, chiếm lĩnh 1062 và các dãy cao địa kế cận dọc phòng tuyến, có những đụng độ nhỏ đến trung bình với Sư đoàn 324, song Sư đoàn Nhảy Dù đã hoàn toàn kiểm soát trận tuyến. Địch ngưng. Không Đông tiến nữa.
Sư đoàn 324 đóng các chốt trên chiến tuyến, chúng cố chiếm 1062 (cao điểm chế ngự toàn vùng) song không thành công.
Các Đại Đội Đa Năng sau đó, lại trở về vị trí trừ bị chiến thuật cho Lữ Đoàn 1.
***
Ngay trước khi Dù tới đây, quận Đại Lộc bị pháo mạnh. Đồng bằng Quảng Đà và phi trường Đà Nẵng cũng bị pháo. Dân Đại Lộc đang bồng bế, dắt díu nhau chạy ra thị xã Đà Nẵng. Nhưng khi vừa thấy từ xa những bộ phận của Dù đang hướng vào Đại Lộc.
Đồng bào nhìn thấy rõ là Dù, bèn tươi cười, hớn hở, la to lên với nhau: Nhảy Dù tới bà con ơi! Nhảy Dù tới! Không chạy nữa.
Không chạy nữa.
...Quay lại, Quay lại! Làm ăn như cũ, không phải sợ gì nữa!
Cứ thế và cứ thế, đồng bào lũ lượt trở lại, cảnh buôn bán tấp nập như xưa. Lòng tin tưởng của đồng bào với đoàn quân Mũ Đỏ đến như vậy thì không còn lời nào nói thêm được nữa.
Và…chỉ sau hai tiếng đồng hồ vượt tuyến xuất phát, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù báo cáo: « Nỗ lực chính chạm nhẹ».
Kết quả:- Địch 6 chết ; - Tịch thu 6 súng cá nhân, 1 địa bàn, 1 viễn vọng kính, 1 điện đài. Dĩ nhiên đây là thành phần Tiền Sát Pháo thuộc 324. Cũng kể từ giờ này, ngày này : Đồng bào Quảng Đà, phi trường Đà Nẵng và các bản doanh lớn không bị pháo. Đại Lộc không bị pháo và Quảng Đà Nam Ngãi yên tĩnh toàn diện cho tới khi Sư Đoàn Nhảy Dù được rút vào Sài Gòn vào thượng tuần tháng 3/1975.
***
Trên phòng tuyến Dù và 324, hai bên vẫn ghì nhau, các chốt đối diện nhau canh phòng cẩn mật, cứ anh nào lên là bắn. Liên lạc vô tuyến gần như im lặng. Cho tới khoảng cuối tháng 8/74, bỗng dưng dàn vô tuyến điện báo có tiếng nói: «Sông Hồng lên thay các anh. Chuẩn bị bàn giao».
À đây rồi! Một địch thủ có hạng của Bắc Việt ra mặt. Chúng tôi lên gặp Tướng Lưỡng, cho ông biết Sư đoàn Điện Biên 304 sẽ lên thay 324 và đi vào chi tiết như sau: «Sư đoàn 304, cộng sản vinh danh là Sư đoàn Điện Biên, còn được gọi là Sư đoàn Thép. Sư đoàn này có ba Trung đoàn lấy tên Sông: Sông Hồng-Sông Lô-Sông Thao. Trung đoàn Sông Hồng xuất sắc nhất.
Song điện báo là: «Sông Hồng lên thay các anh», như vậy 304 chỉ cho một Trung đoàn tham chiến mà thôi. Tướng Lưỡng gật đầu nói: «Nó cho một Trung đoàn lên, tức không phải thay thế toàn bộ 304, chúng lựa một điểm để Trung đoèn này dứt mà thôi. Nếu chạm súng trên toàn chiến tuyến, đó là Diện – Còn Điểm, chắc chắn phải là 1062.
***
Ra bộ Tư Lệnh/Quân Đoàn I, chúng tôi được Trưởng phòng 2/Quân Đoàn báo động: có tin 304 Bắc Việt sẽ đối diện các anh đó.
- Vâng, nếu có thể, quý Anh cho bọn nó biết giùm, Nhảy Dù thách Thép 304 thượng đài đó.
Trở về bản doanh Sư đoàn Dù tại Non Nước đã thấy cụ Lưỡng lệnh Lữ đoàn 1, nhấn mạnh những điểm trọng yếu và ý niệm điều quân 1062. Hôm sau, dàn điện báo lại lên tiếng: «Sông Hồng đã sẵn sàng».
Thế là ngay tối hôm đó, chạm súng đều trên khắp trận tuyến. Riêng 1062 và các cao điểm kế cận của Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù, Tiểu đoàn trưởng là Đào Thiện Tuyển, tương đối không đến nỗi nổ rền như các nơi khác. Một chỉ dấu cho việc thọc mạnh vào 1062, khoảng 1 giờ sáng, Lữ đoàn 1 báo cáo: Tiểu đoàn 8 bị tấn kích thật nặng. Sau cường độ khốc liệt của pháo, sông Hồng xung phong ồ ạt. Tiểu đoàn 8 được ưu tiên hỏa lực yểm trợ, toàn thể Tiểu đoàn giữ vững phòng tuyến. Tới khoảng 4 giờ chiều, sông Hồng tung thêm Tiểu đoàn chót vào trận, ba tiểu đoàn sông Hồng đánh một Tiểu đoàn Dù.
Chi tiết về trận đánh như sau: Trận đánh đẫm máu giữa ta và địch kể từ khi có Hiệp Định ngưng bắn 27/1/1973, khi Lữ đoàn 1 Nhảy Dù và đơn vị tăng cường xuất trận vào thay thế Trung đoàn 2 của Sư đoàn 3 Bộ Binh.
Ngay khi đoàn xe chở quân vừa tới làng Hà Nha 1 ở dưới chân núi cách Thường Đức 10 cây số về hướng Đông, Cộng quân đã pháo kích “chào mừng” bằng nhiều loạt đạn khác nhau. Một số dân chúng chạy theo lính Địa Phương Quân, thấy Nhảy Dù đến liền ngừng lại. Một niềm tin mãnh liệt chợt bừng lên đối với những người dân khốn khổ sống trong vùng rừng núi hoang vu này. Đi đâu thì cũng «Đất cày lên sỏi đá!». Họ chỉ có hy vọng nhỏ nhoi là trở lại sinh sống trong những căn nhà tranh với những luống ngô khoai bên triền núi cao, mà họ đã đổ mồ hôi canh tác trong nhiều tháng qua!
Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh, Khoá 15 Đà Lạt, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, một sĩ quan trẻ tuổi tài ba; ông từng lập nhiều chiến tích trong SĐND, trận Đại Bàng 800, trận Mậu Thân, trận Hạ Lào, hành quân tái chiếm Quảng Trị…Nhất là trận Bình Long An Lộc, ông đã chỉ huy Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù đổ bộ trực thăng vào Đồi Gió, sau đó đã mở đường máu từ Tân Khai, Xa Trạch, lên Xa Cam bắt tay với Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù trong thị xã An Lộc.
Trong giai đoạn 1, Trung tá Đỉnh ra lệnh cho Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù dọc theo tỉnh lộ 4 chiếm làng Hà Nha và bảo vệ cánh trái. Đại đội 83 của Đại úy Hiệu được lệnh đánh chiếm 2 làng Hà Nha 1, Hà Nha 2 để giải tỏa đồn ĐPQ, cứ điểm cuối cùng của lực lượng phòng thủ trong quận Đại Lộc này. Khi vừa gần tới bờ làng thì gặp sự kháng cự mạnh mẽ của địch. Đại úy Hiệu thấy đơn vị mới xuống xe, binh sĩ chưa ăn uống. Bên kia sông địch lại đặt đại bác không giật bắn vào chiến sĩ Dù (một chiếc xe vừa chạy gần tới Đại Đội 83 thì bị bắn cháy).
Đại úy Hiệu đề nghị rút lui cho Pháo Binh dập, nhưng Thiếu tá Vân sợ dân làng bị liên lụy, nên thúc Đại úy Hiệu cứ tấn công vào.
Chấp hành lệnh, Hiệu dàn cả Trung đội xung phong thần tốc, địch hốt hoảng bỏ chạy. Ta chiếm được làng Hà Nha với một giá rất đắt: Hai Trung đội trưởng tài giỏi nhất của Hiệu là Thiếu úy Tiến và Thiêùu úy Thành bị hy sinh. Đại úy Hiệu hoàn thành nhiệm vụ nhưng lòng rất xót xa!
TĐ1ND chiếm đỉnh cao Đông Lâm trên dãy Sơn Gà để bảo vệ sườn phải; TĐ9ND đi trục chính đánh chiếm rừng tràm, hướng về mục tiêu: đồi 1062.
Giai đoạn II, Tiểu đoàn 8 làm nỗ lực chính, chia quân hai cánh, cánh phải do Thiếu tá Trần Toán làm chỉ huy tiến về hướng điểm C thay thế TĐ1ND trên đỉnh Sơn Gà, mục tiêu là đồi 1062.
Thiếu tá Vân, Xử Lý Thường Vụ Tiểu đoàn trưởng TĐ8ND, cho lệnh Đại đội 81 của Đại úy Võ Thế Hùng đi đầu; bọc hậu có Đại đội 82 của Trung úy Trần Văn Nam. Tiểu đoàn trừ do Thiếu tá Trần Toán, K18ĐL, chỉ huy, anh cho Đại đội 83 của Đại úy Phạm Văn Hiệu, K23ĐL, đi chính diện, và Đại úy Đồng Văn Minh dẫn Đại đội 84 đi sườn phải, tiến lên hướng 1062.
Thành phần nỗ lực chính của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù bắt đầu xung trận, khi các đơn vị vừa vượt tuyến xuất phát khoảng 1 cây số, thì chạm địch mạnh với quân số áp đảo, họ phải giành giựt từ ngôi nhà, từng gốc cây trên con đường độc đạo dẫn vào quận Thường Đức.
Đoạn đường dài hơn 5 cây số, bên trái là sông Vu Gia, bên phải là những triền núi thuộc dãy Sơn Già. Chiến xa và pháo binh địch bố trí bên kia sông có lẽ để giữ bộ chỉ huy hành quân. Chủ lực quân của địch tập trung trên các đỉnh cao phía sa quận Thường Đức; Cộng quân đang chiếm giữ các đỉnh 1062, điểm cao 1235, 383, 293, 126, và đóng chốt dọc theo các sườn núi.
Đoạn đường 5 cây số vô cùng gian nan hiểm trở, với nhiều bẫy và pháo tập gài sẵn của địch. Đây quả thật là một thử thách, đo lường sự can đảm, kinh nghiệm và kỹ thuật chiến đấu của các chiến sĩ Dù trước khi họ thực sự tham dự một trận đánh để đời quanh ngọn đồi đẫm máu 1062.
generalhieu.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2023 - 2024 - 2025 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:nguyenvanhieulibrary.info;
Images | website template by ARaynorDesign