Quân Sử Việt Nam Sư đoàn Nhảy Dù đồi 1062 Thường Đức 2
http://www.generalhieu.info/military_history/quansuvietnam_doi-1062-thuong-duc2.html
Là Chiến-Sĩ Việt-Nam Cộng-Hòa,
Điều 1: Tôi nguyện chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để chiến đấu bảo vệ cho sự sống còn của Tổ Quốc, của gia đình và của chính bản thân tôi.
Điều 2: Tôi tuyệt đối chấp hành các mệnh lệnh của cấp chỉ huy, đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu tuyên truyền chia rẽ của giặc cộng.
Điều 3: Tôi luôn kính già, thương trẻ, đứng đắn với phụ nữ và giúp đỡ đồng bào.
Điều 4: Tôi luôn tâm niệm hành động làm mất lòng dân là xua dân về phía giặc cộng, là tự sát.
Điều 5: Tôi luôn đối xử tử tế với tù hàng binh địch (VC), không ngược đãi đánh đập họ, không đụng đến của riêng họ, để thêm bạn bớt thù.
Điều 6: Thực hiện các điều trên là tôi tích cực xây dựng tự do cho đất nước, đem lại hạnh phúc cho toàn dân, tôi sẽ được đền bù bằng sự cảm mến và biết ơn của Đồng Bào.
---------------
Mũ Đỏ Trương-Dưỡng, Đội Đèn (Trung Sĩ Nhất Nguyễn-Văn-Đèn) và Phạm Huấn đồng tác giả.
...
Giai đoạn đầu, đội hình tấn công của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù như sau: Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù (TĐ9ND) giữ trục chính ở giữa; TĐ8ND đi cánh trái, dọc theo trục lộ sát bờ sông Vu Gia, tiến chiếm làng Hà Nha 1 và Hà Nhai 2 ở phía Đông đồn ĐPQ cũ (trên cao điểm 52), một mục tiêu của giai đoạn 1; TĐ1ND đi cánh phải, tiến chiếm cao điểm Đông Lâm (mục tiêu A), rồi theo đỉnh dãy Sơn Gà tiến tới 1062.
TĐ9ND giữ trục chính, đi dọc theo cánh đồng rộng phía Bắc sông Vu Gia, chiếm lĩnh dãy đồi thấp có rừng chồi che phủ. Từ dãy đồi thấp phía Nam dãy Sơn Gà, Trung úy Nhơn, ĐT/ĐĐ92, cùng Đại đội 93 của Đại Úy Tửu muốn đến đồi 383 để tiến sát tới đỉnh 1062, họ còn phải băng qua 1 cánh rừng tràm nữa, các chiến sĩ của TĐ9 không sao đến được bìa rừng dưới chân núi Đông Lâm, vì hỏa lực từ cứ điểm B trên sườn núi chế ngự. Cứ điểm này vô cùng kiên cố, vừa ở cao, vừa được che chở bởi các tảng đá lớn chồng lên nhau, TĐ9 đã dùng rất nhiều phi pháo những vẫn không tiêu diệt được! Đại úy Tửu bị thương chân nên Đại úy Tường từ ĐĐ90 ra thay thế.
TĐ1ND do Thiếu tá Ngô Tùng Châu, K18ĐL, chỉ huy, từ Hội An được lệnh di chuyển đến bàn giao với Sư đoàn 3 Bộ Binh tại một đồi thấp ở phía Nam Đông Lâm khoảng 3 cây số, TĐ1 đi cánh phải của Lữ đoàn, mục tiêu đầu là đỉnh Đông Lâm.
Đây là đồn bót cũ (căn cứ cũ), địa thế xung quanh trống trải, dọc dài xuống tận chân núi. Các đại đội tiến quân dưới cơn mưa pháo của địch, họ phải xung phong thần tốc bám sát và đánh cận chiến để địch không sử dụng được các bãi pháo mà họ đã chuẩn bị sẵn.
Thiếu tá Tiểu đoàn phó chỉ huy 2 đại đội thanh toán các tổ cảm tử quân Việt cộng đang đóng chốt trên những điểm cao, những hốc đá cheo leo dọc theo dãy Sơn Gà. Một trở lực lớn là quá nhiều mìn bẵy (thuộc loại «mìn hơi» làm bằng nhựa nhỏ cỡ họp thịt ba lát). Loại mìn nầy có thể làm hủy diệt 2 chân nếu dẫm phải. Tại đây ĐĐ11 bị tổn thất 2 chiến sĩ vì mìn hơi nầy.
Lữ đoàn phải tăng phái toán rà mìn của Đại đội 1 Công Binh Dù để mở đường. Mục tiêu Đông Lâm được chiếm lĩnh dễ dàng không có lực lượng phòng ngự của địch. Tuy nhiên các chiến sĩ Dù hoàn toàn thụ động trước những tấn công lẻ tẻ bằng súng đại bác không giật từ những đỉnh đá.
Một điều quan trọng là tiền quân của Tiểu đoàn 1 của Đại úy Trần Văn Thể, ĐĐT/ĐĐ11 đã tìm được toán Tiền Sát Viên Pháo binh của địch gồm 2 người đã chết (cụt chân do mìn hơi) và một người còn sống với đầy đủ máy truyền tin, bản đồ, và địa bàn. Từ đó các lực lượng bạn không còn bị pháo kích chính xác nữa.
ĐU Thể tốt nghiệp khóa 24 Đà Lạt, anh là một sĩ quan tài giỏi, lập nhiều chiến công lừng lẫy nên được thăng cấp Đại úy đặc cách mặt trận rất sớm. Đáng lý theo dự tính, Đông Lâm là điểm hẹn giữa ĐĐ11 của Thể và ĐĐ14 của Trung úy Vệ đi với Thiếu tá Quý; nhưng vì không chạm địch nên hai đại đội nầy trực chỉ tới mục tiêu B.
Từ đỉnh Đông Lâm, TĐ1 (lợi thế hơn 2 cánh quân bạn) tiến quân trên đường đỉnh dãy Sơn Gà; địa thế đủ rộng cho hai đại đội, và tốc độ tiến quân cũng nhanh hơn. Do đó TĐ1ND từ cao điểm đã bảo vệ hữu hiệu sườn phải cho Lữ đoàn. Quả thật vậy, qua sự phối hợp hàng ngang với TĐ9ND, TĐ1ND đã cho lệnh ĐĐ11 «Đạp» xuống cứ điểm B, nơi địch đang cầm chân tiền quân của TĐ9ND.
Xuyên qua thung lũng, Đại úy Thể dẫn quân đến B một cách bất ngờ, và ở ngay sau lưng dịch. Đối diện với cộng quân là TĐ9ND đang bị cầm chân ở tại hốc đá. Nhờ lợi thế cao, ĐĐ11 để lại một Trung đội ở B để đóng chốt và giữ ba lô cho các trung đội khác. Thành phần còn lại tập trung hỏa lực, xung phong đánh thần tốc và tràn ngập cứ điểm B1.
Địch quân hốt hoảng xả chốt chạy tán loạn, chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, ĐĐ11 đã kiểm soát hoàn toàn các đỉnh đá ở phía Nam của B. Chốt B1 được giải tỏa dễ dàng với chiến lợi phẩm là 1 súng cối 61 ly, 1 thượng liên, 7 AK, 4 B-40, 1 điện thoại, một số đạn 72 ly nhưng không tìm được súng. (Sau nầy TĐ11ND của Trung tá Lê Văn Mễ dùng nơi đây làm chỗ đóng quân tạm thời cho BCH/TĐ). Trời đã chạng vạng tối, chờ bắt tay mãi với TĐ9 không được, ĐĐ11 phải tạm đóng quân đêm tại B và B1. Một biến cố xảy ra đêm đó, đặc công địch bò trở lại đột kích B1 bằng B-40 rồi bỏ chạy, và Chuẩn úy Tuyến đã hy sinh đêm đó!
Sáng hôm sau, địch pháo kích mạnh mẽ bằng 122 ly vào B và B1 nhưng không chính xác nên không bị tổn thất. Khoảng 11 giờ trưa, Thiếu tá Quý và ĐĐ14 bắt tay với ĐĐ11, đồng thời TĐ9 cũng xuất hiện và đóng chốt tại B2.
Có lẽ cứ điểm C (mục tiêu C) mới thật là tiền đồn mạnh mẽ cũa địch. Đại đội 14 đi đầu và chạm địch trược khi tới C. Thiếu tá Nguyễn Văn Quý, K17 Thủ Đức, đi với cánh quân bọc hậu là ĐĐ11 của Đại úy Thể. Một phần vì địa thế hiểm trở (một yên ngựa độc đáo trống trải), thêm vào đó yếu tố bất ngời không còn nữa. Địch đã chuẩn bị sẵn sàng với hầm hố kiên cố để đón ĐĐ14. Công sự phòng thủ của địch thật vô cùng kiên cố, lại thêm rừng cây cổ thụ cao lớn; ta sử dụng pháo binh rất khó, vì sợ đạn chạm ngọn cây nổ từ cao gây thương tích cho quân bạn (hầm địch có nấp che).
Suốt 3 ngày chiến đấu, ĐĐ14 không thể tiến lên được đành phải án binh tại chỗ. Thiếu tá Quý đẩy ĐĐ11 thọc sâu về phía Tây rồi từ đó tiếnđánh C bằng hướng Nam. Địch trên cao ta dưới thấp, nhưng nhờ hốc đá nên 11 bám sát tiến lần vào bằng cách C khoảng 200 thước, và phải dừng lại vị sợ lọt vào tầm lựu đạn. Nhờ địch tưởng ta tấn công mặt Nam, nên TĐ1 sử dụng đại bác 57 ly và súng cối 81 ly để có thể bắn chính xác vào mục tiêu. Thiếu tá Quý tập trung 5 khẩu đại liên M60, chờ bắn hơi cay cho địch chạy ra khỏi hầm trú ẩn, thì tập trung hỏa lực mạnh mẽ bắn phủ đầu địch.
ĐĐ14 bất thần xuyên nhanh qua yên ngựa để chiếm C, từng tổ 3 người bò dưới hỏa lực tiến vào mục tiêu dùng lựu đạn ném vào phòng tuyến địch, rồi lập tức xung phong chiếm hầm hố địch làm đầu cầu; kế đó họ bung rộng ra đánh chiếm từng hầm một. Thừa thắng Thiếu tá Quý đẩy 14 qua thẳng 1062, nhưng mọi dự tính không xảy ra như mong muốn, và cũng từ đó ĐĐ11 và ĐĐ14 phải trả giá rất đắt cho đỉnh 1062.
Sau khi địch tháo chạy vì sự tấn công quá dũng mãnh của các chiến sĩ thiện chiến TĐ1ND, hai ĐĐ11 và 14 chia nhau thiết lập vị trí phòng thủ sơ khởi để ngăn ngừa địch phản công. Một trận mưa cối sơn pháo 120 ly của địch quân bủa xuống, tiếng nổ vang khắp rừng gìa, khói phủ mù mịt trận địa! Nhờ bung rộng và hầm hố kiên cố của địch để lại, nên binh sĩ ta tránh được thiệt hại nặng nề bởi trận mưa pháo tập trung và chính xác nầy!
Càng tiến gần về 1062, địa thế càng hiểm trở: rừng rậm hơn, cây to nhiều hơn, sườn càng dốc đứng hơn. Từ cứ điểm C nhìn lên mục tiêu, ở cao hơn 2 vòng cao độ (theo bản đồ quân sự tương đương 20 thước). Các xa chừng 150 thước, ta thấy rõ địch đang lố nhố chạy tới chạy lui tăng cường phòng thủ. Thiếu tá Quý gọi xin pháo binh bắn «Cấm chỉ» lên mục tiêu đó ngày và đêm. Đây được gọi là mục tiêu D, một trong 5 đỉnh của 1062. Giữa C và D là một thung lũng (eo yên ngựa) sâu khoảng hơn 20 thước. Như vậy quân ta nếu tấn công mục tiêu D, ít nhất phải vượt lên một dốc đứng cao tới hơn 40 thước! Từ D, địch thỉnh thoảng bắn trực xạ bằng đại bác và thượng liên xuống mục tiêu C, nhưng không gây thiệt hại đáng kể nào cho quân bạn.
Tình thế hiện tại thật bất lợi:
1/ TĐ8 và TĐ9 còn cách quá xa 1062, chỉ có TĐ1ND là gần và đang ở cao địa, không ai bảo vệ cạnh sườn để tiếp ứng kịp thời
2/ Địa thế hiểm trở dễ thủ khó công (địch ở cao, ta dưới thấp).
3/ Địch chuẩn bị chiến trường đợi ta (với những trận địa pháo và hầm hố kiên cố).
Lúc bấy giờ ta chưa biết là có 5 đỉnh nhỏ trên 1062, vì bản đồ chỉ có một dấu chữ thập bên cạnh số 1062. Năm đỉnh nhỏ nầy nằm theo thế liên hoàn, yểm trợ cho nhau bằng hỏa lực dễ dàng. Diện tích rộng khoảng 2 đại đội mới bao phủ nổi.
Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù quyết định đột kích đêm và lợi dụng gió Đông làm một trận hỏa công. Lực lượng cảm tử gồm 2 Trung đội: Thiếu úy Lê Văn Bá chỉ huy 1 Trung đội thuộc ĐĐ14 của Trung úy Vệ và Thiếu úy Trần Thanh Quang chỉ huy 1 Trung đội củ ĐĐ11. Đây là 2 sĩ quan xuất sắc đã từng lập nhiều thành tích chiến thắng cho tiểu đoàn. ĐĐ11(-) làm thành phần trừ bị sẵn sàng tiếp ứng kịp thời cho lực lượng tấn công. Tần số liên lạc thuộc nội bộ của ĐĐ11 do Thiếu tá Quý trực tiếp chỉ huy. Hỏa lực yểm trợ gồm súng cối 60 ly và 81 ly đã được chuẩn bị yếu tố tác xạ sẵn sàng.
Sáu giờ chiều, ánh sáng mặt trời trong rừng già đã tắt hẳn, 2 Trung đội bắt đầu xuất phát; Thiếu úy Quang dẫn Trung đội đi bên trái, Trung đội Thiếu úy Bá bên phải. Họ giữ đội hình đi song song và cách nhau khoảng từ 30 đến 40 thước. Pháo binh 105 ly của ta vẫn đều đều vấm chỉ trên mục tiêu để địch trốn trong hầm, không ngóc đầu lên quan sát quân ta đang di chuyển. Một giờ, hai giờ, rồi ba giờ trôi qua…tình hình vẫn yên tỉnh, một thứ im lặng ngộp thở, vì mọi người đều lo cho số phận của đồng đội của mình. Hệ thống liên lạc vẫn tốt, Thiếu úy Quang thì thầm trong máy: - Rất gần địch, tiếng chửi thề của chúng nó nghe rõ mồn một, đích thân!
- Được! Cẩn thận nghe Quang! Thiếu tá Quý trả lời nho nhỏ trong máy với giọng Huế chay.
Bỗng nghe một loạt đạn nổ bên phải rồi im lặng. Pháo binh ngưng tác xạ, 2 cánh quân vừa bắn vừa hô xung phong vang rền cả núi rừng hoang vu. Lửa bắt đầu cháy trên mục tiêu, nhiều nhất là bên cánh Thiếu úy Quang. BCH Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù xin pháo binh chuyển xạ về hướng tây để bắn chận quân địch. Tiếng của Quang vang trong máy:
- Chiếm được đỉnh rồi đích thân! Hầm quá nhiều và kiên cố, làm toàn bằng cây to. Mấy đứa con đang bung rộng chờ cánh quân bên phải!
Trời tối đen như mực; vẫn chưa liên lạc được Thiếu úy Bá. Mười lăm phút sau, Thiếu tá Quý đứng dưới mục tiêu thấy trên D có từng cụm lửa toé lên chen lẫn trận địa pháo bằng cối sơn pháo 120 lý của địch. Tiếng của Quang vang lên trong máy: - Chúng pháo dữ quá đích thân, nhưng hầm hố kiên cố, không sao!
Rồi hàng loạt tiếng đạn AK47 kêu rít, tiếng Quang hét trong máy:- Chúng nó phản công, đông lắm! Cho pháo binh bắn trên đầu tôi, tụi nó đông như kiến! Mau lên! Pháo! Pháo mau lên!
Ban đêm trời tối, ĐĐ11 trừ bị cho Quang và Bá thì không liên lạc được ngay từ loạt đạn đầu, sau nầy mới biết được Bá và 4 binh sĩ đã hy sinh vì mìn claymore (lấy của SĐ3BB) ngay từ lúc đó!
Châu bảo Quý:
- Nếu thấy không được thì bảo Quang rút về, đừng hy sinh nhiều, ta sẽ tìm cách khác!
Nhưng Quang không nghe lệnh (hoặc không thể nghe lệnh). Sau nầy mới biết là Quang đã tập trung đạn của các binh sĩ bị thương, bảo họ rút, còn Quang ở lại bắn tới hết đạn và anh dũng hy sinh trên mục tiêu D! Đáng phục thay một chiến sĩ can trường, biết hy sinh bảo vệ thuộc cấp và làm tròn bổn phận với núi sông!
Các chiến sĩ 2 Trung đội đột kích của TĐ11ND đã gặp sự phản công quá mãnh liệt, quân số địch rất đông. Địch định lấy thịt đè người; từ đỉnh cao, khe núi, và các địa đạo trong rừng cây ùa ra như đàn ong vỡ tổ! Binh sĩ Dù ria bắn không nghĩ tay. Trước khi gần hết đạn, Quang có gọi Thiếu tá Quý phải kêu pháo binh bắn đạn nổ chụp ngay trên đầu thí quân, quyết liều sống chết với quân Vc một phen; vì ta và địch lẫn lộn, không còn cách lựa chọn nào khác. Các đạn pháo CVT đã sát hại 10 phần địch và 3 phần quân bạn! Nhờ vậy các chiến sĩ ĐĐ11 được giải tỏa, xác địch và ta nằm ngổn ngang trên đỉnh đồi 1062.
ĐĐ14 của Trung úy Vệ bị kẹt cứng ở yên ngựa nhỏ hẹp giữa mục tiêu C và mục tiêu D, hỏa lực địch phủ kín từ D và 1062. ĐĐ14 tổn thất mỗi ngày mà không tiến được bước nào. Pháo binh Dù được sử dụng tối đa nhưng địa thế núi cao cây rậm. Bản đồ ghi rõ đỉnh 1062, nhưng D1 và D2 ở phía Bắc và Đông Bắc trong thực tế còn cao hơn 1062. Vì thế pháo binh phải bắn góc độ cao mới «Gõ» vào 1062 được, nhưng với độ chính xác thật ít.
Thiếu tá Quý lại dùng kế cũ (dương Đông kích tây, đẩy ĐĐ11 về Tây để tấn công 1062 từ chính Nam nhằm giải tỏa áp lực ĐĐ14 như trường hợp đánh mục tiêu C. Nhưng lần này sự việc không như lần trước, ĐĐ11 vừa mới đến triền núi phía Nam của 1062 thì địch dùng 82 ly từ góc đồi phía Tây bắn trực xạ một cách dữ dội, ĐĐ11 bị hy sinh một Tiền sát viên và 4 binh sĩ chưa kể một số bị thương.
Rạng sáng, sau khi Vc sử dụng pháo binh và súng cối 81 ly tối đa, ĐĐ11ND dàn 3 Trung đội tấn công 1062 từ chính Nam. Hai bên quần thảo gần 6 tiếng đồng hồ, cuối cùng ĐĐ11 chiếm được đỉnh 1062. Nhưng chưa đầy 10 phút, địch đã từ D1 và D2 đồng loạt khai hỏa bằng đủ loại vũ khí phủ trùm 1062. May nhờ hệ thống giao thông hào của địch để lại nên cũng giảm bớt phần nào tổn thất.
Thượng liên Cộng quân bắn liên hồi từ nhiều vị trí, và đáng ngại nhất là 61 ly của địch. Ngay đợt pháo đầu Thiếu úy Huệ đã bị thương! Đỉnh 1062 trước đó đã bị phi pháo quần nát từ rậm rạp nay chỉ còn lại một đồi trọc với đất cát vàng cày xới tung tóe. ĐĐ11 không chịu nổi phải rút về triền núi phía Nam, Thiếu úy Huệ kéo được xác của Thiếu úy Quang đã bị cháy thành than.
Tổn thất của Đại đội 11: - Thiếu úy Quang và 15 binh sĩ hy sinh ; - 37 bị thương trong đó có Thiếu úy Huệ và Thiếu úy Quách An (K26ĐL).
Trong khi đó bên ĐĐ14 cũng cố gắng xuyên thủng chốt địch trên hốc đá ở yên ngựa để lên 1062 bắt tay với ĐĐ11, nhưng mọi dự tính không thành. Trung úy Vệ bị thương, Trung úy Bằng, ĐĐP/ĐĐ11 qua thay, hai ngày sau cũng tử thương vì lựu đạn địch!! Eo yên ngựa giống như khúc xương kẹt ngay cổ họng, thật khó nuốt vô cùng!!!
Riêng ĐĐ12 của Trung úy Thọ (K25ĐL) và ĐĐ15 của Đại úy Lộc (Khóa 23ĐL) đi với Thiếu tá TĐT Ngô Tùng Châu vẫn lục soát và làm thành phần trừ bị ở Đông Lâm. Trung úy Thọ bị thương do pháo kích, Trung úy Khánh (Truyền tin) ra thay cũng bị thương. Vài hôm sau, TĐ8 của Thiếu tá Đào Thiện Tuyển do Thiếu tá Nguyẽn Quang Vân (XLTV/TĐ) vào thay; TĐ1ND rút về Hà Nha dưỡng quân và bổ sung quân số.
Bước tiến quân của TĐ1ND trong giai đoạn đầu đến sát chân đồi 1062, bảo vệ sườn cho TĐ9ND. Sau đó Thiếu tá Phú «Đen» đến thay thế làm Tiểu đoàn phó, Thiếu tá Quý về đơn vị cũ làm Tiểu đoàn phó TĐ7ND.
Nghiêm lệnh của Tướng Lê Quang Lưỡng với TĐ8ND là: «Các anh phải chiếm các cao điểm và đánh bật địch ra khỏi khu vực này (đồi 1062); muốn như vậy các anh phải đánh địch từ đàng sau lưng, hoặc bọc ngang hông để cắt đứt đường tiếp tế và viện binh». Đây là lần đầu tiên các sĩ quan cấp Trung đội , Đại đội được nghe lệnh trực tiếp từ vị Tư Lệnh, mọi người đều hiểu rằng cuộc hành quân nầy thật quan trọng và đầy cam go.
Khoảng 17g30 chiều cùng ngày, ĐĐ83 của Đại úy Phạm Văn Hiệu, K23ĐL, được lệnh đánh chiếm Hà Nha, ĐĐ84 của Đại úy Đồng Văn Minh đi cánh phải chiếm ngọn đồi nhỏ ở phía Bắc Hà Nha.
Đại úy Hiệu cho lệnh Trung đội 1 của Thiếu úy Nguyễn Văn Tiến (tự Tiến Trâu) dẫn đầu, cho tổ khinh binh dọc theo bờ sông di chuyển theo đội hình chân vẹt yểm trợ cho nhau tiến vào làng. Trung đội 2 của Thiếu úy Nguyễn Văn Thành (con trai bác sĩ trong BCH) đi cánh phải kẹp theo tỉnh lộ 4 tới dàn quân tại gò mả, sẵn sàng yểm trợ Trung đội 1.
Trung đội 3 của Thiếu úy Lý Mộ Sức và Trung đội 4 của Chuẩn úy Thạch Huôn làm trừ bị. Lúc mới xuống xe, Hiệu gặp một Tiểu đoàn thuộc SĐ3BB vừa từ Thường Đức đi ra, trong đó có một Đại đội trưởng là Trung úy Nguyễn Văn Nghĩa, K25ĐL. Hai bạn cùng trường gặp nhau mừng mừng lo lo, Nghĩa bảo Hiệu: - Niên trưởng phải cẩn thận, địch đông lắm, chúng bám sát tụi tôi, chúc «Chiến thắng»!
Trước khi vào mục tiêu, Hiệu nghe máy gọi:
- Đa Hiệu đây 808 (danh hiệu của Thiếu tá TĐT NQVân), trả lời!
- Đa Hiệu (danh hiệu truyền tin của Đại úy Phan Văn Hiệu) tôi nghe đích thân.
- Lệnh trên bảo anh phải thanh toán mục tiêu ngay bây giờ, anh là «Cử nhân binh bị» (Võ bị 4 năm tương đương bằng cử nhân) không thể chậm trễ làm mất mặt nghe!
Khi Trung đội 1 vào gần tới bờ làng thì địch đồng thời khai hỏa; các chiến sĩ Dù bắn trả mãnh liệt. Trung đội 2 vừa bắn vừa hô xung phong vang rền làm địch hoảng hốt bỏ chạy. Nhờ đó tổ khinh binh của Tiến nhảy vào chiếm được bờ làng, Đại úy Hiệu bảo Thành ngưng tác xạ, và Tiến dẫn toàn bộ Trung đội vào mục tiêu và bung rộng về phía Tây bờ làng.
Sau 40 phút giao tranh, ĐĐ83 hoàn toàn làm chủ làng Hà Nha. Hiệu cho bố trí và làm hầm hố phòng địch phản công. Kết quả tịch thu vài súng cá nhân vì quân số địch cỡ một trung đội, cộng quân chỉ chống trả yếu vì thấy các chiến sĩ Dù đánh giặc hăng hái và bị nhiều mặt tấn công. Địch tức giận thua trận nên dùng đại bác không giật từ các cao điểm bên kia bờ sông bắn thẳng vào làng Hà Nha. Xạ trường quan sát của địch thật là chính xác, một xe GMC của SĐ3BB chạy lộn chiều ngang qua Đ83, lập tức bị bắn cháy, tài xế may mắn thoát khỏi không việc gì.
Trong khi binh sĩ ĐĐ83 đào hầm hố, gài mìn claymore, mìn chiếu sáng, đặt lính gác giặc, Đại Úy Hiệu điều chỉnh hỏa tập cận phòng với sĩ quan tiền sát, anh cận vệ dọn cơm cho Hiệu ăn ở cái bàn nhỏ trước ngôi nhà tranh. Hiệu thấy trời sáng trăng, sợ địch ở đỉnh cao bên kia sông trông thấy, n ên bảo dọn vào nhà. Vừa ăn được nửa chén cơm thì nghe «Đùng» một tiếng, cái bàn gỗ trước nhà bị nguyên một trái SKZ 57 ly (lấy của SĐ3BB) không giật. Đại úy Hiệu giật mình! Nếu sớm chừng 5 phút thì nguyển tổ chỉ huy của ĐĐ83 đã bị tan tành!
Sau đó địch khai hỏa tứ phía, sơn pháo trực xạ từ các đỉnh núi bên kia sông, hỏa tiễn 122 ly, đại bác 130 ly liên tục pháo kích vào làng Hà Nha. Dứt tiếng pháo thì cả tiểu đoàn địch đồng loạt tấn công biển người vào Đại đội 83.
Nhờ có hố chiến đấu vững chắc, các chiến sĩ Dù đã bắn trả mãnh liệt. Đại úy Hiệu cho súng cối 60 ly bắn yểm trợ sơ khởi, Sĩ Quan Tiền Sát gọi bắn các hỏa tập cận phòng. Thiếu úy Tiến và Thành ra lệnh bấm mìn claymore, hàng loạt địch ngã gục, súng đại liên M60 và AR15 bắn tới tấp. Hết lớp này đến lớp khác, địch cứ nhào tới định lấy thịt đè người tràn ngập mục tiêu làng Hà Nha. Tiến và Thành thật can đảm, hai anh ra ngay tuyến ngoài đốc thúc binh sĩ chống cự. Nhưng những loạt đạn vô tình đã kết liễu đời 2 người hùng của ĐĐ83.
Đại úy Hiệu điều động Trung đội 3 của Thiếu úy Lý Mộ Sức qua trám lỗ hiổng, nhưng Sức cũng bị thương nặng (phải di tản). Chỉ còn Chuẩn úy Thạch Huôn và Đại Úy Hiệu đốc thúc các chiến sĩ Dù cố thủ. Cầm cự đến trời sáng thì địch rút lui để lại rất nhiều vũ khí và một số ít tù binh.
Cũng nên nhắc lại làng Hà Nha 1 và 2 là những làng rất nghèo nàn, có khoảng 20 căn nhà (nói là nhà thật ra đó chỉ là những túp lều tranh nhỏ bé), địa thế trống trải, nên xạ trường quan sát của địch rất tốt, chúng bắn trực xạ bằng đại bác rất chính xác. Chính sĩ quan và một số binh sĩ ta đã bị tôn thất vì loại súng trực xạ nầy!
Ở làng Hà Nha khoảng 4 ngày, ĐĐ83 được bổ sung hai sĩ quan và một số binh sĩ mới (trong đó có Thiếu úy Tiến, Hạ Sĩ Hải, và Binh Nhất Châu Văn Lê hiện còn sống cư ngụ ở Hoa Kỳ gần nhà tác giả Trương Dưỡng) để chuẩn bị làm nổ lực chính tấn chiếm đỉnh 1062 tiếp theo đây:
Theo kế hoạch TĐ8ND được điều động thay thế TĐ1ND để tiếp tục đánh chiếm 1062. Đại úy Hùng vừa đi học khóa Đại đội trưởng ra tăng cường hành quân. Đại úy Hùng xuất thân từ Thiếu Sinh Quân, anh rất gan dạ đã sát cánh cùng các ĐU Minh, Hiệu và Trung úy Nam từng lập nhiều chiến tích ở các cuộc hành quân Hạ Lào, Campuchia, và An Lộc, Bình Long.
Thiếu tá Nguyễn Quang Vân, K13TĐ, cho ĐĐ84 của Minh và 83 của Hiệu làm 2 mũi dùi tấn công sưòn phải phía Đông 1062. Chờ phi pháo dập nát đỉnh đồi, rồi trời vừa chợp sáng Thiếu tá Vân dẫn Đại đội 81 của Võ Thế Hùng và 82 của Trần Văn Nam, xuất phát từ chân đèo Thường Đức leo lên dọc theo đường đỉnh về phía Bắc, mục tiêu là đồi 1062.
Các chiến sĩ TĐ8ND leo dốc đứng (độ nghiêng 70 !) đồng loạt tiến về mục tiêu là đỉnh đồi 1062. Đứng trên 1062, ta thấy có 5 đỉnh nhỏ nằm gần nhau, làm thành hình tròn theo thế liên hoàn; mặt hướng về Tỉnh lộ 4 thì dốc thẳng đứng rất khó leo. Cộng quân thường dùng giàn thung ném một lần hàng chục quả lựu đạn xuống mỗi khi quân ta tấn công vào mặt nầy; còn các hướng khác thì có 4 đỉnh nhỏ che chở nên 1062 quả là một địa thế dễ thủ khó công! Từ Tỉnh lộ 4 muốn leo lên 1062 phải qua những đỉnh nhỏ 126, 383…xuyên qua những yên ngựa chập chùng như sóng gợn!
generalhieu.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2023 - 2024 - 2025 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:nguyenvanhieulibrary.info;
Images | website template by ARaynorDesign