Quân sử Việt Nam: Anh hùng bạt mạng 10
https://generalhieu.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang10.shtml
http://www.nguyenvanhieulibrary.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang10.shtml
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
TRẦN THY VÂN
TÁI BẢN LẦN THỨ TƯ
2010
Thương tặng
hiền thê HN Lê Hoa
đã giúp anh hoàn thành Anh Hùng Bạt Mạng
ttv
***
Tôi ra dấu cho toán Thám Báo của Trung sĩ Nhật dẫn đầu đi chậm lại trước tiệm tạp hóa chị Hiển mới hé cửa. Thấy tôi chị nhận ra ngay người khách hôm nào cùng Nhị ghé đây mua hàng. Chị vồn vã:
- Kính chào Trung úy Vân năm mới! Nhị đâu?
Tôi mỉm cười:
- Nhị trong nhà, thưa chị!
- Sao không dẫn cô nàng theo? Mời các anh vô chơi...
Chị vừa nói tới đó vừa nhìn ra hàng quân dài lê thê với vũ khí cầm tay đang đi ngoài đường, như chợt hiểu chị nheo mắt:
- Ủa... bộ hành quân, hả Trung úy?
- Dạ, nhân dịp năm mới, kính chúc chị và gia đình làm ăn phát đạt. Xin lỗi, bây giờ đơn vị phải vào Đức Phổ gấp.
Tôi vừa quay lưng, tiếng chị vọng theo:
- Khi nào Vân Nhị làm đám cưới, tin tôi hay!...
Tôi vờ không nghe, cắm đầu đi thẳng. Lời mong muốn của chị khiến tôi thêm bối rối. Buồn ơi là buồn. Tự nhiên, tôi đâm ghét và mỉa mai chính tôi quá lăng nhăng, rước khổ vào thân.
Tôi gặp lại hai trung đội đầu trong một con xóm. Thiếu úy Thiều đang đứng đợi trước sân của một căn nhà, đưa tay chào tôi rồi chỉ về hướng nam:
- Trung úy nghe đó, hai bên đã choảng nhau cả tiếng!
Tôi trấn an người sĩ quan trẻ:
- Đừng ngại! Nếu cần, mình sẽ róc chúng dễ dàng để clear lộ trình. Bây giờ Đại đội tạm dừng và bố trí quanh đây, Thám Báo thì rải cặp quốc lộ bố trí phía tây.
Thiều chạy lo công việc, tôi ngồi bệt xuống thềm nhà, giở bản đồ đo từ điểm đứng đến phố Đức Phổ. Theo lằn chỉ đỏ, tỷ lệ khoảng cách tương ứng với ngoài địa thế hơn mười cây số, tôi ngao ngán cho lính. Bình thường thì chẳng ăn nhằm gì. Kỹ thuật đi bộ, trèo núi vượt sông của anh em rất chuyên nghiệp, đã được đào tạo tại Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân, nơi mà ai đã trải qua rồi thì thà chết chứ không dám trở lại lần thứ hai. Cái quân trường độc đáo, hắc ám ấy còn có ác danh là "Lò Luyện Thép", khét tiếng Đông Nam Á Châu, nằm giữa vùng rừng núi lam sơn chướng khí Dục Mỹ, Khánh Hòa. Nơi đó dùng để "trui" thêm một nước cho thành đồng đen các sinh viên sĩ quan bao năm hóng mát Đà Lạt trước khi mãn khóa. Dĩ nhiên, chốn ấy cũng là địa ngục kinh hồn đối với các đấng cấp úy hạng bựa từ các quân binh chủng bốn vùng chiến thuật gởi về nằm gai nếm mật.
Thế nhưng, chuyến đi này tôi linh tính có nhiều điều đáng ngại. Không hiểu sao chính tôi có sự mâu thuẫn, lúc hăng hái, khi thì chồn chân trên đường ra trận.
Tất cả anh em hy vọng dừng quân thêm một ngày nữa để ăn Tết cùng các đại đội kia. Tối hôm qua hậu cứ cho hay một số vợ con lính từ Phú Lộc sẽ vào thăm chồng. Tôi chẳng ngạc nhiên vì chuyện thường xảy ra trong các quân binh chủng tác chiến. Dù nơi đâu, chân trời hay góc biển, trừ khi đơn vị đang di chuyển, các bà vẫn mon men tìm đến, nhất là ở các đồn bót Địa Phương Quân, Biệt Động Quân Biên Phòng, họ đều hiện diện. Lắm lúc bị pháo kích các bà cũng chết thê thảm. Nhiều trường hợp vợ con lính trở thành anh hùng bất đắc dĩ, hy sinh mạng sống cứu chồng, cứu cha. Khi bị địch tấn công, đám thê nhi can đảm lâm trận, người bắn súng kẻ tải thương, tiếp đạn, rồi cũng hào hùng cùng chung số phận thịt nát xương tan...
Tin họ vô thăm tôi không cản, vì chưa nhận lệnh xuất phát. Bây giờ lính bực tức, mất cơ hội gặp mặt vợ con dù ngắn ngủi sau một năm xa cách, từ những ngày đầu Quảng Trị đẫm máu đến nay. Hôm về hậu cứ một đêm thì bị cấm trại. Từ hối tiếc, cụt hứng đưa đến bất mãn không xa, làm họ mất hết nhuệ khí chiến đấu.
Qua bảy năm chỉ huy các cấp trung đội, đại đội, kể cả hai năm Trung đội trưởng Trung đội Viễn Thám Biệt Động Quân, nhảy toán cho Tiểu đoàn 1 Thám Báo, Sư đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến, Hoa Kỳ, khắp vùng rừng núi địa đầu và biên giới Lào Việt, là các chức vụ tôi từng trực tiếp sống chết với lính. Ngần đó đã đủ để tôi kinh nghiệm khi lính bất mãn thì thường hay làm điều xằng bậy. Cấp chỉ huy phải có trách nhiệm can ngăn, tìm cách giải tỏa kịp thời những ấm ức tiềm tàng trong hàng ngũ chiến đấu.
Một trường hợp điển hình, tháng 5/72, sau ngày Quảng Trị mất, vì thiệt hại nặng Tiểu đoàn 21 BĐQ vào Văn Thánh, kế chùa Linh Mụ Huế, tái huấn luyện và bổ sung quân số. Lúc ấy có khóa học truyền tin cấp C2 sáu tháng tại Vũng Tàu, tôi cử một người lính xuất sắc tên Nguyễn văn Châu về tham dự. Trước khi lên đường, Châu được phát thêm hai bộ đồ hoa, một đôi giày da, tấm poncho, nhưng Châu trở chứng đem bán sạch ngoài chợ Đông Ba lấy tiền mua rượu nhậu chơi, bỏ khóa học. Trung đội trưởng rầy thì Châu sừng sộ, chửi thề. Nghe báo, tôi gọi Châu lên phạt đòn, đét vào mông cả chục cây thanh ngang giường bố, gục tại chỗ. Đến mười giờ tối, tôi vẫn còn tức giận về cái xấc xược, vô kỷ luật, hỗn láo với cấp chỉ huy, sai lính xốc Châu dậy định đập thêm một trận nữa, thì hắn phều phào lạy dài xin tha.
Tôi chỉ mặt:
- Tao biết mày đã bất mãn, muốn bắn tao thì súng đây cứ bắn, khỏi cần bắn lén...
Dứt lời, tôi lấy cây M16, lên đạn rồi ném vào ngực hắn:
- Bắn đi!
Châu ôm ngang khẩu súng, đứng khóc:
- Em không dám, Đại Bàng! Em không dám!...
- Nếu mày không dám chơi thì phải làm việc đàng hoàng, còn muốn đào ngũ cứ việc tùy tiện. Ngày mai, 7 giờ sáng, lên trình diện, nói thật cần đào ngũ, tao hứa trước mặt Đại đội là không những không ngăn cản, mà còn cho 500 đồng và đích thân tao lái xe Jeep đưa mày qua khỏi trạm kiểm soát Phú Bài Huế để được an toàn mà về Đà Nẵng, nghe rõ chưa?
Hôm sau, tôi không thấy Châu hó hé gì hết, nó vui vẻ ra đi với đơn vị vào sân bay dã chiến Thành Nội Huế để trực thăng vận đổ xuống Hương Điền, mở đầu cuộc tái chiếm Quảng Trị. Ngày đó, Trung cao bồi trao lại tôi một lá thư của Châu viết, mà tôi còn nhớ mãi một câu: "...Em thề sẽ không bao giờ rời bỏ Đại đội Biệt Động Quân này, Đại Bàng đâu em đó cho tới khi một trong hai thầy trò mình chết". Đọc mấy dòng chữ tôi muốn bật khóc.
Ở quân đội, nhất là các binh chủng tác chiến, luôn luôn có một số lính ba gai thuộc cỡ nặng do hoàn cảnh tạo ra, chưa kể thành phần xuất thân từ các băng đãng dân sự, coi trời như lá mạ. Dù loại nào đi nữa cũng đều sợ chết. Chắc chắn vậy, nên khi đụng trận, tôi thí chốt mấy tay anh chị đó trước. Nếu may mắn thoát chết, chúng sẽ trở nên hiền khô. Lối giáo dục của tôi là cưỡng bách hạng người đâm cha giết chú phải biết đổ máu ngoài chiến trường, để đời được cao quý hơn chết nhục ở đầu đường xó chợ. Biện pháp này có vẻ bất nhân nhưng tránh nhiều hiểm họa.
Chung chung, lính chỉ kính nể, phục tùng người chỉ huy gan dạ, thưởng phạt công minh, khi hung dữ, nhưng lắm lúc lại dịu hiền tình nghĩa. Nếu cấp trên yếu kém, chứa chấp tham ô, bất công, lạm quyền bắt nạt hà hiếp kẻ dưới, thì sớm muộn gì đơn vị cũng bệ rạc. Gặp giặc lính sẵn sàng bỏ chạy, đôi khi họ còn trở súng bắn lại nữa. Chuyện đã xảy ra ở Đại đội 4 BĐQ vào mấy ngày cuối cùng Quảng Trị thất thủ mùa hè 72. Một hạ sĩ quan lúc sinh thời như một hung thần, rồi bị thương nặng trong trận đánh tại tây nam La Vang nằm kêu cứu ơi ới, lính nhận ra tên và cấp bực, nhưng ai cũng nhớ lại sự tàn nhẫn của hắn khi còn làm việc ở hậu cứ, nên chẳng màng thương xót, tình đồng đội, đã đạp nghiến lên thân xác hắn trên đường rút lui.
Tôi suy nghĩ lung tung, chắc phải có phần bất ổn trong đơn vị, nên mời Thiếu úy Thiều đến hỏi:
- Với tư cách Đại đội phó, Sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị, anh thấy tình trạng lính thế nào?
Thiều đáp:
- Thưa Đại Bàng, anh em uể oải lắm!
Tôi nhăn mặt:
- Uể oải nói làm gì! Anh không biết thật à? Mình hãy tâm sự với tụi nó một chút.
- Nếu Đại Bàng muốn tôi tập họp hết sau vườn, chỉ cử bốn người gác quanh.
Tôi gật đầu. Một lát Thượng sĩ Nguyễn Thiệp vào mời tôi ra. Tôi mở lời rất nhanh:
- Tất cả ôm súng ngồi xuống, như hình chữ "U", được phép hút thuốc thoải mái...
Sau vài phút Đại đội đã làm theo lệnh. Nhiều người, nhất là các hạ sĩ quan, tỏ vẻ ngạc nhiên về cuộc họp thình lình này, rất hiếm xảy ra trong lúc di chuyển, lại có tiếng súng lác đác phía trước. Anh em mau chóng im lặng, chăm chú nghe:
- Hỏi thật các anh, ai buồn phiền gì không?
Chuẩn úy Hạnh giơ tay:
- Thưa Trung úy, Binh nhất Nguyễn Mẫn Trung đội 2 cần trình xin bốn ngày phép đặc biệt vợ sanh.
Tôi nhìn Mẫn ngồi giữa hàng quân:
- Điện tín nhận hồi nào, Mẫn?
- Dạ, Trung sĩ Nguyễn Đựng báo vợ em sanh ba ngày rồi.
Trước nhu cầu khẩn cấp của người lính khinh binh hai năm phục vụ đơn vị, tôi áy náy vô cùng:
- Tôi hứa cho, Mẫn ráng ít hôm nữa xem sao, chứ bây giờ mình đang di chuyển. Ngồi xuống, Mẫn!
Tôi muốn trình bày các anh một điều mà lúc sáng tập họp không tiện nói. Hôm nay đầu năm, đơn vị tiến vào Sa Huỳnh lắm gian nguy. Chuyến đi khiến chúng ta mất vui mà tôi lại là người bất mãn nhất. Mới bảy năm quân đội, từ tháng 3/1966, tôi đã bị cháy hết năm cái Tết ngoài chiến trường. Đầu tiên tôi phục vụ Tiểu đoàn 11 Biệt Động Quân, Vùng II. Vào giờ giao thừa Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng xâm nhập sâu giữa thành phố Pleiku, cả hậu cứ Tiểu đoàn ở Biển Hồ. Lúc ấy lính tráng đang rong chơi trong trại gia binh gần đó, vội ùn ùn xách súng vào đánh đuổi địch, xong rồi tức tốc lên xe đi giải tỏa ty Cảnh Sát Quốc Gia, Bưu Điện, Quân Cụ...suốt hai ngày Một và Hai Tết. Mùng Ba thì đơn vị lại đáp máy bay vận tải C130 qua Đà Lạt, để phản công, tái chiếm một vùng rộng lớn, mà tâm điểm là khu số 4, từ tu viện Domaine De Marie đến nhà thờ Chúa Cứu Thế trên một ngọn núi cao hướng tây.
Năm sau, Xuân Kỷ Dậu 1969, tôi đổi về Tiểu đoàn 21 này thì gặp ngay các cuộc giải tỏa địch chiếm hãng dệt Sicovina ở Cẩm Lệ, rồi Hòa Cầm, và thôn Quang Châu, thuộc quận Hòa Vang, phía nam thành phố Đà Nẵng. Kế tiếp, năm Canh Tuất, tôi dự các chiến dịch hắc ám nhất, như Dương Sơn 3, Vũ Ninh 8, 9 tại Phong Thử, Quảng Nam. Đến năm Hợi, cái gì Hợi đó, cũng heo thôi, bị chuyến đi Lam Sơn 719 Hạ Lào, lên đường đúng ngày đầu năm. Đời lính tôi muốn banh luôn!
Đặc biệt cuộc hành quân Lam Sơn 719 quá gian nguy. Đầu năm, Liên đoàn 1 BĐQ di chuyển ra Quảng Trị, vào tận Khe Sanh, Cà Lu biên giới. Nơi đó, Tiểu đoàn 21 BĐQ tiên phong trực thăng vận qua Hạ Lào và chạm địch ngay khi nhảy xuống kế đầu sông Sésamou, cực bắc Tchépone, tỉnh Savannakhet. Nên biết, trước khi Tiểu đoàn ta đổ quân đã có trung đội viễn thám mà tôi từng làm trung đội trưởng, rồi giao Thiếu úy Trần văn Thanh chỉ huy nhảy xuống, dùng mìn khai quang làm bãi đáp. Tôi nhớ rõ Tiểu đoàn 21 lúc ấy đơn thương độc mã ở một cõi xa lạ, hy sinh nhiều sinh mạng mới chiếm được ngọn đồi cao 300 mét, cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh tại cọc số DC16, làm nhiệm vụ án ngữ, là căn cứ đầu tiên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trên lãnh thổ Vương Quốc Ai Lao.
Ba hôm sau, Tiểu đoàn 39 Biệt Động Quân nhảy vào, phía đông bắc, cách Tiểu đoàn 21 hai cây số đường chim bay, cũng lâm trận tơi bời. Sau một tuần tang thương, chống trả địch vây hãm, Tiểu đoàn 39 BĐQ thất thế phải di tản trước chiến thuật tràn ngập biển người của một trung đoàn địch, là đơn vị cuối cùng Cộng Sản Bắc Việt đẩy qua Lào. Tất cả anh em thương binh 39 Biệt Động Quân đều bị bỏ lại. Tôi nói rõ, kẻ chết đã đành, hàng chục thương binh cũng bị bỏ lại để rồi phải thịt nát xương tan dưới trận mưa bom B52 ngay sau đó.
Tôi không quên vụ Đại úy Đỗ Đức Chiến, Tiểu đoàn phó 39 BĐQ, cùng vị sĩ quan Ban 3, lên một chiếc UH-1B Hoa Kỳ di tản, lại bị phòng không 37 ly địch quân bắn cháy sau đuôi, xoay tròn trên bầu trời, rồi rơi xuống khu đồi căn cứ của Tiểu đoàn 21 chúng ta. Chiếc trực thăng trước khi nổ tung, viên xạ thủ Mỹ đã kịp thời lôi Chiến ra ngoài. Thấy sự việc diễn tiến như vậy và nghĩ tình ông là cựu Đại đội trưởng lúc tôi mới về đáo nhậm đơn vị, tôi vội kéo hai Biệt Động Quân nữa, cùng lao tới trong cơn mưa đại pháo 130 ly của đối phương để cứu Chiến đang nằm giẫy giụa giữa vũng máu bên sườn đồi. May, người sĩ quan khóa 20 Võ Bị Đà Lạt ấy chỉ gãy một tay, được khiêng vào hầm BCH Đại đội 2 BĐQ của tôi. Căn hầm vừa đủ ba người trú ẩn, gồm Thiếu úy Trần Quang Giảng, xử lý Đại đội trưởng, tôi Đại đội phó và một Hạ sĩ quan truyền tin. Lúc bấy giờ có thêm Chiến nên quá chật, phần máu me nhầy nhụa chảy ướt cả tấm poncho trải dưới, với tiếng rên la vì đau đớn, làm Thiếu úy Giảng mất ngủ đâm quạu. Qua đêm thứ ba, trực thăng vẫn chưa đến tải thương Đại úy Chiến, vì căn cứ bị địch vây đánh lẫn pháo kích liên miên, Trần Quang Giảng chịu hết nổi tiếng la hét và máu me tanh ói, liền rút khẩu Colt 45 dí vô đầu toan bắn Đỗ Đức Chiến. Cũng may, nhờ không ngủ được, ngồi dựa vách hầm, mắt hé mở, tôi mới thấy thái độ kỳ lạ đó, nên vội chụp cây M16 bên cạnh chĩa ngay mặt Giảng, quát to:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
generalhieu.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2021 - 2022 - 2023 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:generalhieu.info;
Images | website template by ARaynorDesign