Quân sử Việt Nam: Anh hùng bạt mạng 33
https://generalhieu.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang33.shtml
http://www.nguyenvanhieulibrary.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang33.shtml
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
TRẦN THY VÂN
TÁI BẢN LẦN THỨ TƯ
2010
Thương tặng
hiền thê HN Lê Hoa
đã giúp anh hoàn thành Anh Hùng Bạt Mạng
ttv
***
- Nhà văn nữ Bùi Bích Hà cho rằng bà không bao giờ tưởng mình có thể đến đây trình bày cảm nghĩ về một tác phẩm nói đến chiến cuộc vì tuổi đời còn nhỏ. Thuở thiếu thời chỉ nghe chương trình Dạ Lan, đã khóc với Kỷ Vật Cho Em và Người Ở Lại Charlie. Nay đọc ANH HÙNG BẠT MẠNG mới thấy sự tự hào về những đóng góp của bậc đàn anh nơi chiến trường.
* BÁO DÂN QUYỀN Oklahoma.
- Nhà báo Quách Y Lành: Các độc giả bên Cali ngỡ Hoạt và Quách Y Lành chưa nhận được sách nên mới gọi qua báo Dân Quyền Oklahoma cho biết về tác phẩm ANH HÙNG BẠT MẠNG, trong đó Tg Trần Thy Vân viết rất nhiều về hai ông anh của QYL.
Thú thật với anh, Y Lành viết bằng đầu óc tưởng tượng đôi khi một mình ngồi đọc lại cũng giọt ngắn giọt dài, huống chi đọc sách anh thấy chính tên tuổi của hai ông anh mình được trang trải trên từng trang giấy. Mặc dù đã hai mươi bốn năm qua, nhưng bao nỗi xúc động trong lòng đã không ngăn được những giòng nước mắt tuôn chảy, QYL đã khóc ròng khi đọc và nhớ lại người anh thứ (Quách Ẩn) kính thương đã hy sinh cho đất nước lúc tuổi đời còn non trẻ.
QYL chân thành cám ơn anh đã viết lên những sự thật...
* Nữ độc giả MG Charlottesville-Virginia.
Tác phẩm ANH HÙNG BẠT MẠNG làm tôi vô cùng xúc động. Tôi cố tình đọc quyển này thật chậm rãi để cảm nhận từng ý văn của tác giả. Tôi cũng đã đọc nhiều sách báo đủ các loại nhưng chưa thấy cuốn sách nào lại làm tôi xúc động mãnh liệt như cuốn này.
Đặc biệt anh có một lối viết vô cùng độc đáo, hấp dẫn, lôi cuốn hẳn được mọi độc giả vào trong cuộc. Lắm lúc tôi không dám thở mạnh vì sợ...địch nghe thấy làm lộ quân mình, có khi trái tim tôi đập loạn xà ngầu lúc máy bay đang bắn lầm lính nhà hoặc tôi cảm thấy nóng mặt khi đọc qua chương tên tướng cướp thủ đoạn tiếm công xương máu các anh hùng Biệt Động Quân. Thêm vào đó bố cục mạch lạc, lời văn chân thành trong sáng, không chải chuốt, không khách sáo độc giả thấy dễ hiểu, dễ cảm nhận được tâm tình của tác giả. Sau khi đọc AHBM tôi biết anh có trí nhớ phi thường. Mọi việc đã xảy ra trên 20 năm anh còn nhớ vanh vách tên từng người, từng chi tiết. Tôi rất khâm phục anh người quân tử không luồn cúi nịnh bợ. Tôi cũng công nhận anh một là sĩ quan can đảm, cấp chỉ huy công bằng, biết hòa đồng thông cảm lính.
Tác phẩm AHBM tạo được một sự thu hút đặc biệt làm tôi đã phải "lờ" luôn vụ Olympics, không muốn bị gián đoạn giữa câu chuyện này.
* Sinh viên NGUYỄN HIẾU Phoenix-Arizona.
Cháu sanh ra sau cuộc chiến, không biết về thời đó, nhưng chân thành cám ơn bác đã dùng ngòi bút kể lại thật là cặn kẽ làm cháu hiểu nhiều các anh hùng dân tộc. Cháu nghĩ, lúc ấy đất nước xuất hiện thêm anh hùng như bác, thì đâu có ngày nay hàng triệu đồng bào đâu có cảnh lưu lạc người trong nước nhớ thương người ngoài nước và có biết bao nhiêu mạng sống làm mồi cho cá chỉ vì chạy trốn Cộng Sản. Hy vọng tương lai có nhiều bậc anh hùng như bác để thay đổi số phận đất nước.
* Trung tướng NGUYỄN CHÁNH THI Lancaster-Philadelphia.
ANH HÙNG BẠT MẠNG quả là quyển sách của một chiến sĩ, chiến đấu cho quê hương dân tộc. Tôi thành thật khen anh, con yêu của Trần Cao Vân, Thái Phiên xứ Quảng. Tôi rất thích chương "Sau Trận Thánh Chiến". Tôi biết tên tướng bỏ sư đoàn chạy ra cù lao Ré, vào Phanrang xin một máy bay nói là đi thám thính lại để chuồn.
* Đại tá TRẦN KIM ĐẠI Anaheim-California.
Liên đoàn trưởng LĐ1BĐQ-danh hiệu Phong Châu, thường gọi là Sơn Linh trong AHBM. "Sách được lắm nhưng viết còn thiếu 2 điều trí trá của ông tướng đó". Trang 8.
* Trung tá HOÀNG PHỔ Tyler-Texas.
Liên đoàn phó LĐ1BĐQ -danh hiệu Thái Sơn trong AHBM.
"Tiếp tục vạch mặt, đất nước mất do bọn vô tài, xôi thịt đó".
(...Tôi chưa trình bày hết ý, Hoàng Phổ đã nổi cười khà khà, nghe dễ nóng: "Hay ha, phe ta bắn phe mình". Tức giận người hùng Khe Sanh khen kiểu móc họng, tôi cúp máy, trả ống liên hợp lại Hạ sĩ Hiệp, rồi buồn buồn ngồi chửi đổng: "Đời mà! ĐM... Tình nhà binh như tình nhà thổ"). Trang 136.
* Trung tá QUÁCH THƯỞNG Anaheim-California.
Tiểu đoàn trưởng 21BĐQ - danh hiệu Trùng Dương trong AHBM.
Bạn học cũ của Tác giả những năm cuối thập niên 50: "Tao đọc tao buồn quá!". Vẫn như ngày nào ở trận chiến Sa Huỳnh (Giọng Thưởng dồn dập, nói như muốn khóc: "Hộ tống tao ra Đức Phổ gấp! Thằng Ẩn chết rồi!"). Trang 114.
* Đại uý Bác sĩ NGUYỄN TRUNG TÍN Mississauga-Canada.
Y sĩ trưởng BCH Liên Đoàn 1BĐQ - danh hiệu Thần Tài
"Cuốn AHBM lại đầy kỷ niệm của tôi. Bao xúc động, thương tiếc những người lính đã bỏ xương máu nằm xuống cho dân tộc sống còn, để rồi phải buông súng đầu hàng tức tưởi. Thật cảm động với bao hình ảnh hào hùng của anh em như đang hiện ra trước mắt tôi".
(Tác giả khó quên ngày tác giả bị mìn, gãy hai chân, Bác sĩ Nguyễn Trung Tín tới săn sóc ngay tại mặt trận. Bối cảnh này được nhắc lại trong Tiếng Hờn Chân Mây đã phát hành).
* Đại uý Dương Xuân Michigan.
Đại đội trưởng 2/21BĐQ - danh hiệu Xích Bích trong AHBM.
Cùng với tác giả giáng xuống đầu địch nhiều đòn chí tử.
"Sách viết hay, bạn bè đọc đều nói vậy. Nếu còn chỗ nào anh quên thì hỏi tôi".
(Tao đoán địch chừng một trung đội đang làm nút chặn để quân nó tháo chạy qua đầm. Xuân than: "Hầm hố chằng chịt, lính không thấy đường, đã chết hai rồi còn nằm dưới. Anh đánh giúp tôi bên phải, từ chớn nước vô."). Trang 160.
* Trung uý TRẦN THƯỢNG QUẢNG Brumundal-Norway.
Chỉ huy trưởng hậu cứ Tiểu đoàn 21BĐQ.
" Nhận được ANH HÙNG BẠT MẠNG, chưa đọc chữ nào, cái tựa đề đã làm tôi thích thú, nó làm sống lại hình ảnh BĐQ Trần Thy Vân trong trí tôi, nước da đen đen, gương mặt khắc khổ, ngang tàng đếch sợ thằng tây nào. Nhưng đó chỉ là bề ngoài của một sĩ quan chiến đấu cao, lúc nào cũng tình cảm với anh em".
Khánh (phu nhân của Trần Thượng Qủang): "Tôi đã thức gần trọn hai đêm để đọc, hôm sau đi làm uể oải mà vui. Ngày xưa, tôi là con của lính, sau làm vợ lính nên ít nhiều cũng biết được thế nào là lo sợ, vui mừng của đời lính. Đọc đến đâu tôi cũng thấy cảm động, không thể ngưng được".
* Đại uý PHẠM XẾP Brooklyn Park-Minnesota.
Pháo đội trưởng PB/SĐ2BB -yểm trợ hỏa lực mặt trận Sa Huỳnh.
"Trên 42 năm mới được tin tức bạn bè, mình vừa mừng vừa xót xa đau buồn vì sự mất mát của Vân, do các bạn cùng khóa phone cho biết. Đâu có ngờ những năm 1970-75, hai đứa cùng chung vùng trách nhiệm, Vân bên Biệt Động Quân, đơn vị mà Pháo đội mình đã từng bắn yểm trợ nhiều lần vùng I.
Đọc 2 cuốn sách mình cũng không ngờ bạn mình "bạt mạng" đến thế. Rõ đây là hồi ký đúng hơn tập truyện. Cảm ơn Vân đã cho mình, bạn bè, độc giả, những ấn tượng sâu sắc về cuộc đời quân ngũ, nhất là một cấp chỉ huy có trách nhiệm. Đọc ANH HÙNG BẠT MẠNG, có cái ấn tượng sâu đậm nhất là vì không những mình là bạn Vân, mà các nơi xảy ra những cuộc đụng độ khốc liệt, rủi ro cho cá nhân cũng như đơn vị Vân lại chính ngay tại địa phương mình. Quê mình ở Đức Thuận, tức Đức Phong sau này. "Quán Hồng" Vân đề cập trong truyện, Quán Hồng Cà Phê Máu, là một địa danh của xã nhà-Đức Phong! Còn Đức Lương quê vợ mình. Cho nên Trần Thy Vân viết đến những địa danh đó, mình có cảm giác đang lâm trận với Vân.".
* Nữ độc giả PT KIM LIÊN Maryland.
"Đọc ANH HÙNG BẠT MẠNG mà như được người anh kể chuyện chiến trường cho các em nghe, vừa hồi hộp, lo sợ cho phe ta, vừa tức mình vì đồng minh hay "phe ta bắn phe mình", và sĩ quan cao cấp lại cướp công lao xương máu của các cấp dưới. Anh cho người đọc thấy sự gian truân, can đảm, tài giỏi của các chiến sĩ QLVNCH. Tình thương của người chỉ huy đối với các binh sĩ như anh em một nhà, anh quả là người thông minh nhạy bén. Đánh giặc thì thần tốc, chính xác, còn khéo léo đối xử với người dân chân tình giúp đỡ nhau như gia đình chi. Nhị...
AHBM không những làm rơi lệ mà có khi còn bật cười".
* Nhà thơ NGUYỄN ĐÔNG GIANG San Jose-California.
Tác giả thi phẩm "Vô Lượng Tình Sầu". Cựu SVSQ/VB Đà Lạt, cùng khóa 19 với Thiếu tá Nguyễn văn Gio Tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân.
Tôi và Trần Thy Vân bạn thân thiết từ quê hương An Hải: "Bên ni sông Hàn nước xanh như tàu lá, bên kia Đà Nẵng phố xá nghênh ngang". Thời niên thiếu đọng lại trong lòng nhau những kỷ niệm buồn vui như rủ nhau đi tắm biển Mỹ Khê, bơi ra Cồn Khoai đá bóng. Những ngày mưa nắng đứng đợi bến phà, chờ đò đi học lo xa đường về. Lớn lên lưu lạc... rồi chiến tranh bùng nổ khắp miền Tổ Quốc. Tôi vào Võ Bị Đà Lạt năm 1962. Trần Thy Vân thì tình nguyện K22 SQ Thủ Đức 1966.
Đọc ANH HÙNG BẠT MẠNG như sống lại một thời kỳ lịch sử chiến tranh VN với chiến thuật tấn công vũ bão, thần tốc...vang danh lừng lẫy làm địch quân kinh hồn bởi những chiến sĩ QLVNCH trong đó có Đại đội 1/21 BĐQ do Trung úy Trần Thy Vân Đại đội trưởng. Từ khi cha sinh mẹ đẻ đã có màu da đồng đen rất thuận lợi cho chiến tranh, lúc cận chiến, anh lì lợm, một dạng Lý Tiểu Long ăn đòn, chịu đòn, và tung những đòn chết bỏ. dứt điểm triệt hạ kẻ thù. Như những trận "Sa Huỳnh Biển Lửa" và "Chọc Thủng Bức Tường Thép" anh với 50 tay súng BĐQ còn lại đã đánh tan một trung đoàn Cộng quân Bắc Việt. Anh và đồng đội là những tay sát thủ lành nghề.
ANH HÙNG BẠT MẠNG là một trong những thiên anh hùng ca của những nhà văn quân đội VNCH trước 1975. Những trận đánh được anh kể lại như phơi bày trước mắt ta, những chiến sĩ Biệt Động Quân mũ nâu Đại đội 1 Tiểu đoàn 21 gan dạ, anh hùng, dẫn dắt người đọc theo dõi, say mê như truyện trinh thám, hồi hộp, như: "Đại đội kỳ dị, ma quái.", "cảnh vật chung quanh bỗng dưng im lặng, nghẹt thở, sự sống như muốn ngưng hẳn nơi một góc Trường Sơn hùng vĩ" (trang 130).
Đời lính dường như ngắn hơn đời người, nên tình yêu của anh cũng rất bạo, như trong "Tình Yêu Lãng Tử".
ANH HÙNG BẠT MẠNG là một tác phẩm hồi ký chiến tranh không hư cấu, không cường điệu. Ngôn ngữ anh dùng mộc mạc, dễ hiểu. Anh viết văn như kể chuyện, bộc trực, thật lòng, không quan trọng hóa vấn đề. Văn phong gọn gàng, dứt điểm, không dài dòng, cũng không phóng bút lộng ngôn, vung vãi...
Hai tác phẩm ANH HÙNG BẠT MẠNG/TIẾNG HỜN CHÂN MÂY của Trần Thy Vân đã thành công từ nội dung lẫn hình thức.
* TRẦN VĂN ĐÁ San Diego-California.
Cùng khóa 22 Sĩ Quan Thủ Đức với tác giả.
"Đọc ANH HÙNG BẠT MẠNG rất xúc động, càng đọc tôi càng thấy thấm thía. Mặc dù khác binh chủng, nhưng tôi cùng khóa 22, nên biết tính tình anh từ lúc còn học ở quân trường Võ Khoa Thủ Đức. Đủ điều kiện được về làm việc nơi quê nhà an nhàn mà không chịu, anh lại quyết tâm xông pha chiến trường, chỉ vì cái máu bạt mạng của Biệt Động Quân Trần Thy Vân. Tiếc một điều, đánh giặc như vậy, nào Hạ Lào, Quảng Trị, nhất là Sa Huỳnh Quảng Ngãi, anh thắng vinh quang mà không được thăng cấp. Cuối cùng, 3/74, anh bỏ lại chiến trường đôi chân. Dù gì cũng đem lại vinh dự cho QLVNCH là Đại đội anh đánh tan Trung đoàn 141/2 CSBV tại Sa Huỳnh.
Vì cảm khái cái dũng của anh, đặc biệt chị Nhị đã can đảm sang đầm Nước Mặn dưới trời "Mây" đang còn xác thù, để vào thăm anh, Tình Cũng Bạt Mạng, tôi tặng bốn câu thơ:
Mây trắng ngang trời, mây trắng bay
Sông buồn nhẹ lướt bóng thuyền ai
Bâng khuâng có kẻ nhìn mây nước
Rồi mấy tơ vương vạn dặm dài. (TVĐ)
* Nhà thơ PHAN KHÂM Maryland
Tôi, Phan Khâm và Trần Thy Vân liên lạc được với nhau là nhờ những người bạn cùng khóa 22 Pháo Binh có tâm huyết, muốn nối vòng tay lại với nhau ở tuổi hoàng hôn của cuộc đời. Giữa tháng 5/2008, tôi nhận được hai tác phẩm truyện dài của Trần Thy Vân gửi tặng: ANH HÙNG BẠT MẠNG và TIẾNG HỜN CHÂN MÂY. Tôi liền gửi tặng lại bạn tôi 2 thi phẩm Bên Dòng Thạch Hãn & Dòng Sông Thao Thức cùng một CD Ước Mơ (thơ phổ nhạc) để đáp lễ với bạn mình.
Tôi chọn TIẾNG HỜN CHÂN MÂY đọc trước, tôi có gọi điện thoại cho Trần Thy Vân nói tôi đọc trước tác phẩm nầy vì tựa đề có vẻ như thơ, tôi say mê đọc từ trang nầy qua trang khác, nhiều đoạn đọc tới đọc lui hai ba lần và tôi đã đọc tiếp ANH HÙNG BẠT MẠNG. Mặc dầu tác phẩm nói về thời chiến chinh dầu sôi lửa bỏng đã trôi qua nhưng Trần Thy Vân có một khối óc tuyệt vời và một bộ nhớ không kém gì computer tối tân ngày nay, Trần Thy Vân tả cảnh, tả tình, tả các trận đánh như đang diễn tiến trước mắt chúng ta, nhớ từng tên, từng người, từng cử chỉ, nhân dáng, nhớ, nhớ phi thường. Tôi hỏi Trần Thy Vân sao nhớ giỏi thế, Trần Thy Vân bảo cái gì xảy ra càng khốc liệt bao nhiêu, càng đau đớn bao nhiêu thì lại càng nhớ dai bấy nhiêu. Tự nhiên tôi có suy nghĩ, Thy Vân làm Đại đội trưởng Biệt Động Quân mới đúng con người của Trần Thy Vân hơn làm Pháo Đội Trưởng Pháo Binh. Nhờ thế bây giờ chúng ta mới thấy được, mới đọc được văn phong của Trần Thy Vân.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
generalhieu.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2021 - 2022 - 2023 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:generalhieu.info;
Images | website template by ARaynorDesign