Quân sử Việt Nam: Anh hùng bạt mạng 30
https://generalhieu.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang30.shtml
http://www.nguyenvanhieulibrary.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang30.shtml
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
TRẦN THY VÂN
TÁI BẢN LẦN THỨ TƯ
2010
Thương tặng
hiền thê HN Lê Hoa
đã giúp anh hoàn thành Anh Hùng Bạt Mạng
ttv
***
Công nhìn tôi:
- Các anh đánh hay quá!
- Nè, trong 10 người đó, ai tên Huỳnh văn Cao?
Công lắc đầu:
- Không có Cao!
- Giờ phút này anh còn dối tôi?
- Em biết mặt Cao mà! Dối anh làm gì? Chắc anh ấy trốn đâu đấy, bảo lính "con mèo" đi tìm...
Nghe Công trả lời, tôi ngạc nhiên, trố mắt nhìn nó:
- Anh nói lính "con mèo" nào?
Người tù binh không một chút ngần ngại, vừa lấy ngón trỏ chỉ vào cái phù hiệu có thêu đầu cọp trên cánh tay áo bên trái tôi vừa đáp:
- Lính các anh đây này.
Tôi vụt cười to:
- Ai bảo anh tụi tôi lính con mèo? Con mắt anh nhìn "nàm thao" mà cọp hóa ra mèo hả? Xem cho kỹ ông nội! Biệt Động Quân, cọp 13 răng người ta. Trời ơi, thằng Việt Cộng này chưa thuộc bài, dễ bị bắn bỏ quá à!
Bọn Hoàng Anh, Sơn Sư Tử và Xuân Bệt kéo tới:
- Gì vậy, Đại Bàng?
Tôi còn ôm bụng:
- Thằng Công nó dám cả gan gọi tụi mình là lính con mèo! Cọp mà nó nói mèo, dễ điên không?
Anh em hiểu chuyện nổi cười rần lên. Tôi gác qua vụ khẩu súng K54, cho lệnh Đại đội tiến gấp xuống đồi.
Dưới mắt tôi cụm núi có đường kính khoảng bốn năm mươi thước, chằng chịt bụi rậm, nhiều cây to xanh um, nằm sát bên cạnh đầm, cách ly mỏm đồi một vạt đất bằng phẳng. Quả thật, đây là "cây đa bến đò", nơi đêm trước đã xuất phát hằng chục chiếc ghe đưa hàng trăm "khách" sang sông để chuồn vô núi, nhưng vừa mới giữa vời thì bị tôi kêu pháo bắn chìm ráo.
Nhìn kỹ cụm núi có nhiều vết trầy trụa, xơ xác, là các hầm hố cá nhân chiến đấu được ngụy trang bằng các cành lá. Để ước lượng quân số địch bao nhiêu, tôi bảo Trung sĩ Thuận:
- Bây giờ mình quậy lên. Thuận khạc đại liên và câu M79 lai rai xuống. Làm đi!
Lính dàn hàng ngang, từ trên chĩa súng tác xạ loạn xị, cây Đại liên M60 Hạ sĩ Nguyễn Đợi cũng xoáy tròn chung quanh mục tiêu. Trong lúc đạn rải mù mịt thì có một tên Việt Cộng nhanh như sóc, vọt ra giơ hai tay đầu hàng. Sợ lính phơ ẩu, tôi nói lớn:
- Đừng bắn! Đừng bắn nó!...
Nhưng, tiếng la của tôi vừa dứt, tên địch đã ngã chúi dưới chân đồi, máu me phọt đỏ cả lưng. Tưởng đâu Binh nhì Trần văn Liên Trung đội 1 bắn, tức giận tôi lao tới toan đánh Liên một bá súng, thì Trung sĩ Thuận kịp can ngăn:
- Không phải Liên, Đại Bàng! Cấp chỉ huy Việt Cộng bắn thằng đó!
Quả đúng, người kế tiếp cũng vậy, đạn xâu từ sau ót, gục ngay tại bìa cụm núi.
Tôi nghĩ bụng: "Thấy mẹ, ai đầu hàng đều bị cán bộ giết, chứng tỏ chúng cương quyết tử thủ, mình sẽ gặp khó khăn". Trừ phi bất đắc dĩ chứ tôi không muốn tàn sát hết số địch còn trong mục tiêu, nên đổi chiến thuật. Tôi bảo Thiếu úy Đại đội phó đưa thằng Công tù binh tới đứng kế bên một tảng đá to ở mép đồi, gọi đồng đội buông súng. Công, tỏ vẻ sợ sệt, trù trừ, cuối cùng rống to cái họng, giọng run run như muốn khóc:
- Các đồng chí! Tôi là Nguyễn Thành Công, Phòng Không! Các đồng chí hãy ra hàng đi!... Ra hàng đi, các đồng chí!...
Người tù binh dễ thương ấy, cựu sinh viên năm thứ hai Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, mới kêu có mấy tiếng và chưa dứt, thì một tràng thượng liên từ dưới cụm núi xanh bắn nhào lên, đạn tua tủa xẹt ngang tai của Công, chạm đá nẻ lửa. Thấy bất ổn, lại ngại người bộ đội trẻ này chết oan nghiệt, tôi cho lui ra sau để đích thân Trung sĩ Thuận gọi và hẹn chúng mười phút, nếu không giơ tay thì sẽ bị diệt.
Đúng là dân chịu chơi, chẳng mống nào nhúc nhích.
Thời gian ân huệ đã qua, Thuận đâm quạu:
- Mần thịt phứt cho rồi, Đại Bàng!
Tôi cười:
- Mần thì dễ thôi! Hãy xịt thêm ít quả M72 nữa coi.
Các đầu phóng tiễn tuy nhỏ "con" đã đủ bung đất đá. Ngay lập tức, bốn tên ùa ra một lượt, lại gục hai, còn hai lao nhanh lên khu đồi Biệt Động. Thuận lại nhảy tới thộp cổ áo một tên làm thằng nhóc xanh mặt:
- Tại sao chờ nổ súng rồi mới đầu hàng, hả?
Hai ranh con bộ đội run rẩy:
- Dạ... dạ... chúng em sợ cán bộ bắn...
- Còn bao nhiêu thằng dưới đó?
- Dạ, khoảng trên mười thằng...
Tôi nghĩ, địch còn ít, dù chúng đang quyết thủ tại một mục tiêu cô lập, chung quanh là đồng trống và bờ đầm Nước Mặn thế này thì cũng dễ bị diệt. Nhưng nếu tôi dùng số đông phang ngang từ đây có thể mình thiệt hại nhiều, nên chơi cách khác, chỉ cần ba tay súng cừ khôi. Tôi chợt nhớ bọn Sơn, Xuân Bệt và Hoàng Anh toán Thám Báo, thằng nào cũng gan dạ. Đặc biệt Nguyễn Sơn, hỗn danh Sơn Sư Tử hay Sơn Râu, vì bộ râu quai nón với cặp lông mày rậm tạo thành khuôn mặt của nó giống đầu con sư tử dữ dằn. Lại nữa, tính Sơn khi bị khích bác, trời cũng không thoát khỏi tay nó. Sơn Râu khét danh du đãng từ vùng 3 ra vùng 1, thuộc loại đâm thuê giết mướn, dĩ nhiên ăn giựt đ... chạy số một. Trong binh chủng Biệt Động Quân đố ai cầm cương nó nổi. Sau lần bị nhốt vào nhà lao trở lại do tội vượt ngục Côn Đảo, mãn tù Sơn về phục vụ Đại đội 4/21 Biệt Động, rồi chứng nào tật đó, Đại đội trưởng Đỗ văn Nai không trị được. Tháng 3/1972, nhân Đại đội 1 BĐQ này thiếu quân số trầm trọng, lúc còn Trung úy Hà Tự Tánh chỉ huy thất trận ở tây nam Quảng Trị, Đỗ văn Nai tống Sơn Sư Tử qua bổ sung cho khuất mắt. Khi Hà Tự Tánh mất chức, tôi lên thay thế làm Đại đội trưởng. Ngày đầu tiên vừa thấy mặt và biết rõ lai lịch hung thần ấy, tôi phải quậy lại cái máu chuyên diệt du đãng thời niên thiếu đã lắng đọng, để thách thức nó chơi bạo, mà tôi không cần dùng đến quyền hạn của cấp chỉ huy trực tiếp. Kết quả tôi đã khắc phục được Sơn Sư Tử, từ một tay đâm cha giết chú thành người hiền, biết yêu gia đình, quý mến đồng đội và tuân hành thượng cấp để chung lưng chiến đấu. Đôi khi Sơn lại bốc hứng ba gai, lối ba gai bình thường của người lính sống nay chết mai, mà vẫn giữ tình anh em cùng đơn vị. Sơn từng nói với đồng đội: "Giờ đây tôi mới gặp được một cấp chỉ huy thực sự là Đại Bàng Việt Quốc".
Dụng nhân như dụng mộc. Nghĩ tới ngón nghề của mấy tay bạt mạng Thám Báo, tôi mừng, liền cắt đặt Sơn làm trưởng tổ chỉ huy Xuân Bệt, Hoàng Anh. Hai thằng này cũng thuộc loại voi lung, thường giở chứng, chỉ có thằng nài Sơn trị được thôi. Tôi mời luôn các thẩm quyền Trung đội đến nghe kế hoạch:
- Bộ ba Sơn Râu, Hoàng Anh, Xuân Bệt kín đáo đi về phía nam vài trăm thước, chỗ bụi rậm đầu kia rồi tụt dốc, bò ngược lại đột kích cụm núi xanh này. Toán Thám Báo của Nhật còn bảy người ứng chiến, sẵn sàng tiếp tay. Trung đội 1 Thuận cứ bắn lai rai, khi tốp thằng Sơn Râu bắt đầu xung phong thì cho làm tối đa, chuyển dần làn đạn về phải mục tiêu. Trung đội 2 Hơn kéo qua triền đồi mé bắc, dàn ngang nhấp nhá như muốn tấn công, để địch khỏi chú ý đến tổ Sơn đột kích. Tôi sẽ đích thân hướng dẫn yểm trợ. Sơn Râu đừng sợ lạc đạn. Nếu rủi bị một đứa thôi thì Trung sĩ Hơn cho lính tắp xuống tấn công mặt bắc mục tiêu ngay. Nhớ lệnh tôi, không còn thời giờ nhắc lại nữa. OK, Sơn Râu cố gắng mở màn cuộc đột kích ngoạn mục này. Đây là điểm cuối cùng Cộng quân tại trận địa Sa Huỳnh đang chờ chết. Tất cả thi hành!
Sơn Râu, Hoàng Anh, Xuân Bệt, ba người không một chút nao núng, liền cởi bỏ ba lô tại chỗ, chỉ còn súng đạn lủi nhanh về phía nam. Hai trung đội cũng bắt đầu làm nhiệm vụ giao phó. Hạ sĩ Đợi quạt Đại liên M60 từng tràng. Một lát, tốp Sơn xuất hiện, lom khom giữa các lùm cây hoang dại dọc theo bờ đầm Nước Mặn ngược về hướng bắc, Trung đội 2 bên phải vội đánh nhá. Các tiếng súng nổ vang, cụm núi xanh bị đạn xoáy, cây cối ngã đổ tung tóe. Chắc địch lầm tưởng nên chúng chỉ lưu ý Biệt Động Quân trên đồi cao này tấn xuống.
Rồi thình lình ba anh hùng Thám Báo dựng đứng người lên, hàng ngang hô xung phong, lao thẳng vào bờ tuyến địch, dồn dập ném lựu đạn. Các căn hầm địch đối diện lần lượt nổ bung, trong lúc các mũi hỏa lực của hai trung đội xé banh nửa phần mục tiêu phía bắc. Những kẻ tử thủ vội dốc hết tàn lực bắn ra, đạn đôi bên mù mịt. Tôi phải nói, Cộng quân cũng can trường không kém, họ chiến đấu chống trả, giành sự sống, một cách mãnh liệt. Nhưng than ôi! Các dũng sĩ phương Bắc như ngọn đèn dầu chợt sáng lên rồi tắt ngấm trước sức tấn công vũ bão, hiểm hóc của các anh hùng Biệt Động miền Nam.
- Việt Cộng chạy ra...
- Tụi nó đầu hàng, Đại Bàng!
Chung quanh, lính gọi nhau ơi ới, ý muốn thi hành lệnh bắt sống hơn bắn chết. Nhưng mọi sự đã muộn, giờ phút cận chiến của bọn cảm tử Mũ Nâu, Đại đội đang xung thiên thịnh nộ, tôi không thể ra lịnh ngưng bắn kịp nữa. Những kẻ xâm lăng chạy ra bao nhiêu gục ngã bấy nhiêu. Tôi đứng dậy nhìn trận địa, tuy nhỏ nhưng có tính cách quyết định chiến trường của người mang chí lớn.
Tôi cố hét lên dù biết vô hiệu quả giữa vùng trời òa vỡ âm thanh ghê rợn:
- Sơn! Nhào vô, nhào vô!...
Đột nhiên bọn Sơn Sư Tử mất dạng trong chòm cây. Tưởng đâu cả ba đã bị nuốt trửng, tôi vội tống hết bảy tay súng toán Thám Báo còn lại nhảy tiếp vào "cụm núi xanh". Một số địch sống sót, quýnh quáng tuôn vội xuống bờ đầm toan chạy sảng về hướng bắc, cũng bị Trung đội 2 bắn gục lia chia...
Thấy Xuân xuất hiện đang dí súng sau lưng hai tên, tôi cho lệnh cả Trung đội 2 tràn ngập mục tiêu ngừa bất trắc.
Sơn Râu rống to:
- Trình Đại Bàng, địch chết dưới hầm 9, ngoài tuyến 8, bắt sống 2, thu 15 súng cá nhân và một thượng liên...
Tôi vui vô cùng:
- Hay lắm, Sơn! Coi đề phòng mìn bẫy của chúng.
Tôi báo gấp BCH Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân trên đỉnh 94 cửa khẩu, đang theo dõi:
- Trùng Dương! Trùng Dương! Việt Quốc đã chẻ tre!
Thiếu tá Quách Thưởng:
- Kết quả sao?
- Ít thôi, giết 17, bắt sống thêm 2, súng chưa đếm hết, chắc khoảng 15 khẩu, kể cả một thượng liên...
Thưởng dường như đang nhảy đổng:
- Chiến thắng, đại chiến thắng! Xong xuôi Việt Quốc giựt lui lên cao phòng thủ. Đồng thời tập trung các thứ lại, báo cáo các con số thu đạt được trong ngày, để trình Sơn Linh gấp!
- Trùng Dương chờ!
Đại đội kéo lui, bao quanh khu vực đá, nơi khởi đầu chạm súng. Buổi trưa trời nắng gắt tôi bảo lính châm lửa đốt các vạt tranh săng cho quang đãng. Bất ngờ thêm 9 tên Việt Cộng còn ẩn núp, bị nóng vụt trồi dậy chạy dạt qua mỏm đồi hải đăng kế cửa khẩu, hướng nam. Biệt Động Quân rượt theo bắn chết 5, túm cổ được mấy tên nữa. Không hiểu anh em lính tra khảo bằng cách nào mà biết trong bốn người sống sót lại có Huỳnh văn Cao. Tụi nó nói "gặng hỏi" lắm tên Cao mới chịu nhận là chủ cây K54, và nhặt 7 AK49 giữa lớp tro tàn của tranh săng.
Thiếu úy Thiều tổng kết mọi thứ xong, tôi báo Thưởng:
- Vừa bắn chết thêm 5, bắt sống 4, thu 7 súng. Cộng chung ngày nay giết tất cả 70, tù binh 18, nếu kể luôn thằng Nguyễn Thành Công là 19 tên. Súng: 2 thượng liên, 16 B40, 46 AK, cả thảy 64 khẩu, chưa kể đồ lỉnh kỉnh. Riêng 2 khẩu K54 để tặng Trùng Dương và Giông Tố.
Thưởng nghiêm giọng:
- Việt Quốc, từ lúc ra trường tôi chưa thấy đơn vị nào xuất sắc, thắng lớn như Đại đội 1 Việt Quốc. Tôi sẽ trình mọi diễn tiến với kết quả tuyệt vời này lên Sơn Linh.
- Cảm ơn Trùng Dương. Bây giờ điều khẩn cấp nhất là tải thương, giải giao tù binh và chiến lợi phẩm...
- Lo rồi, Việt Quốc!...
Chung quanh, súng chỉ còn nổ lẹt đẹt, nhưng đột nhiên có nhiều tiếng quát tháo, chửi thề. Tôi nghe rõ các lời văng tục, cả tiếng bình bịch như tiếng bá súng, gót giày dộng vào lưng hay bụng tù binh rất dữ dằn, để tra hỏi vũ khí cất giấu. Dường như anh em trút hết nỗi căm hờn xuống đầu kẻ thù đang điêu tàn, thảm bại. Điều này làm tôi nhớ cuộc hành quân vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1969 ở Cẩm Lệ, Hòa Vang Quảng Nam. Đơn vị bắt được một du kích, đích thân vị Đại đội trưởng Đại đội 2/21 BĐQ tra khảo. Tên Việt Cộng khai trước hắn làm thợ máy tại hãng sửa xe Bảo Vân ở Đà Nẵng, theo địch dịp Tết Mậu Thân 1968. Nghe vậy, vốn ghét những kẻ ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản, nối giáo cho giặc, vị Đại đội trưởng 2/21 tức giận, đánh thằng nọ đến hộc máu.
Chuyện đập trào cơm lòi cuống họng mấy tên ngu xuẩn đó không nói làm gì, nhưng hình ảnh mà tôi nhớ mãi đến bây giờ là một cú đá dơ, dirty kick, của người chiến thắng. Đánh nhừ tử xong vị sĩ quan giả vờ quay lưng đi, kẻ chiến bại trong giây phút đau đớn ấy hẳn lóe lên một tia hy vọng là được tha thứ, chấm dứt trận đòn thù. Nhưng không, bỗng nhiên ông dừng lại rồi vụt nhảy nhổm lên đá quặt lui một cái thật mạnh, như trời giáng, vào mặt tên du kích đang ngồi với hai tay trói chặt phía sau. Hãy tưởng tượng cái gót giày sắc cạnh của botte de saut chắn ngay nhân trung, chỗ giữa môi trên và mũi, kẻ trúng đòn bật ngửa, toàn thân phát co giật như điện chạm.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
generalhieu.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2021 - 2022 - 2023 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:generalhieu.info;
Images | website template by ARaynorDesign