Quân sử Việt Nam: Anh hùng bạt mạng 3
https://generalhieu.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang3.shtml
http://www.nguyenvanhieulibrary.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang3.shtml
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
TRẦN THY VÂN
TÁI BẢN LẦN THỨ TƯ
2010
Thương tặng
hiền thê HN Lê Hoa
đã giúp anh hoàn thành Anh Hùng Bạt Mạng
ttv
***
Tiểu đoàn 21 BĐQ trước ở Pleiku, hậu cứ tại Biển Hồ, lập được nhiều chiến công khắp vùng rừng núi cao nguyên. Năm 1966, đơn vị chuyển về Đà Nẵng, hoán đổi Tiểu đoàn 11 Biệt Động Quân phạm kỷ luật, vì yểm trợ các cuộc biểu tình liên tục của Phật giáo chống lại các thành phần lãnh đạo chính phủ quân nhân Sài Gòn. Dù mục tiêu tranh đấu chánh đáng nhưng quá rối ren như các tín đồ đem bàn thờ Phật xuống đường cản trở lưu thông, tạo cơ hội cho Cộng Sản giật dây quấy nhiễu, khiến chiến trường miền Trung càng trở nên sôi động, ác liệt đến ngày nay.
Mặc dù đã trải qua những tháng năm quê hương đổ lửa, bể dâu đổi dời, lớp chết lớp bị thương không thể nào kể xiết, đơn vị vẫn hùng mạnh, lần lượt dưới sự chỉ huy của các tiểu đoàn trưởng tài danh: Trung tá Võ Vàng và đương nhiệm Thiếu tá Quách Thưởng. Các đại đội trưởng cũng nổi bật: Nguyễn văn Khá, Hồ văn Phúc, Trần Quang Giảng, Trần Thy Vân, Đỗ văn Nai, Quách Ẩn và Dương Xuân... là những tên tuổi quen thuộc của dân chúng năm tỉnh địa đầu giới tuyến.
Tiểu đoàn 21, thuộc Liên đoàn 1 Biệt Động Quân, đã được tặng thưởng biểu chương màu Tam Hợp, hạng Bảo Quốc, của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với một huy chương của Tổng Thống Hoa Kỳ, thời Richard M. Nixon -The Presidential Unit Citation- Quyết Định số 23 ban hành ngày 16-4-1969. Là một đơn vị mũ nâu, sắc áo hoa rừng, lừng lẫy, với chiến thuật tấn công như vũ bão, thần tốc, đã gây bao kinh hồn bạt vía cho kẻ thù qua khắp các chiến trường vang danh Pleime, Đức Cơ, Tết Mậu Thân, Quảng Trị, Hạ Lào đều long trời lở đất. Họ xuống đông đông tĩnh, rồi mai đây lên đoài đoài sẽ yên...
TÌNH YÊU LÃNG TỬ
Hôm nay, quận ly. Mộ Đức, phía nam Quảng Ngãi, trở nên nhộn nhịp khác thường, nhất là nơi khu phố chính cặp hai bên Quốc lộ 1, và các thôn làng phụ cận. Sự nhộn nhịp không phải do dân chúng chuẩn bị các nghi lễ cổ truyền vào mấy ngày rơi rớt cuối năm, để tống cựu nghinh tân chào đón xuân về, mà vì toàn bộ Liên đoàn 1 Biệt Động Quân vừa mới đến. Lực lượng hùng hậu rực màu áo chiến hoa rừng này xuất hiện nhằm mục đích ngăn chặn bước tiến của Cộng quân từ Đức Phổ, và sẽ tái chiếm Sa Huỳnh nay mai.
Tất cả tạm rải ra nhiều vị trí trong quận. Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân đóng chung quanh chân đồi Chi Khu Mộ Đức, Đại đội 1/21, tôi, Đại đội trưởng, trách nhiệm trấn giữ một con xóm ở phía bắc, đông đúc dân cư.
Sau khi cử một toán đi tuần tiểu trong khu vực thì trời tối. Để mặc anh em thuộc BCH Đại đội tha hồ đùa giỡn trước sân, tôi vào buồng thay quần áo. Vừa tới cửa, qua ánh đèn dầu lờ mờ, tôi thấy Lý nằm dài trên giường, hai tay khoanh ngực, đầu gối lên bộ đồ hoa của tôi. Điều ngạc nhiên là cô gái mới quen chưa đầy một buổi đã tỏ ra thân mật. Hay bà Luyến chủ nhà quên nói Lý biết căn buồng này dành riêng cho tôi mượn để nghỉ ngơi thời gian đơn vị dừng quân nơi Mộ Đức này. Không hiểu Lý vô đây lúc nào. Tôi định quay ra rầy thằng Trung cận vệ quá sơ hở, chẳng xem xét trong ngoài gì cả, nhưng thôi, ba chuyện không đáng.
Tôi đứng nhìn và sau đôi phút ngần ngừ, ngại làm tan biến giấc mộng hồn nhiên của cô gái đang độ xuân thì, tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, tôi khe khẽ bước đến ngồi xuống cạnh giường cởi giày. Lý vẫn ngủ say...
Nhớ hồi trưa nay, thấy Lý lăng xăng giúp các chú lính làm việc lặt vặt, miệng chúm chím cười luôn, tôi hỏi đùa:
- Này Lý, em có thích theo anh về Đà Lạt không?
Lý chớp chớp đôi mắt:
- Về Đà Lạt làm chi?
- Thì... ở chơi với bà già anh.
Lý vừa pha tôi ly nước vừa đáp:
- Thôi, em sợ vợ anh ghen lắm!
Câu nói như ẩn ý dọ dẫm, mà tôi thường nghe các cô tinh đời đối đáp mấy chàng dê xồm tán tỉnh. Tôi nghĩ Lý còn ngây thơ, nói cho có nói thôi, chứ chắc gì nàng đã chứng kiến cảnh lấy nhầm chồng của các bà sư tử Hà Đông. Lý cũng chẳng sợ chuyện nào khác, ngoài cái chết dễ dàng bởi bom đạn hằng ngày trút xuống Đức Lương, ngôi làng nhỏ bé của nàng, phía đông Mộ Đức. Lý nói các chú Biệt Động, Đức Lương mất an ninh trăm phần trăm lâu rồi. Đúng vậy, nơi đó tôi biết rõ vì đã hành quân qua nhiều lần. Mấy năm sau này, chiến tranh quá ác liệt, Đức Lương nối liền với Đức Quang, hai xã kề biển đều xơ xác giữa rừng cây dương liễu, và chằng chịt bom mìn gieo chết chóc tang thương khủng khiếp. Trong làng, trai trẻ không dám ở, nên có kẻ theo Việt Cộng, người thì tự nguyện đi lính Quốc Gia, hay đổ về các thành thị kiếm ăn, chỉ còn ông già bà cả và trẻ em sống đói rách, loi nhoi dưới những căn hầm bẩn thỉu, mà lòng đầy căm hờn cả đôi bên chiến tuyến.
Quê hương đau khổ của Lý như vậy làm sao có những đêm trăng tình tự với nam thanh nữ tú hẹn hò, mộng mơ.
Hoàn cảnh Lý thật đáng thương. Tôi vuốt nhẹ mái tóc túm đuôi ngựa của nàng:
- Lý giống em Huệ anh lắm! Giống y chang, cũng ôm ốm, da ngăm ngăm...
Chỉ vậy thôi, mà bây giờ Lý quá tự nhiên, còn hơn là tình nhà binh nữa. Lý nằm có vẻ thoải mái, chẳng biết gì đến cảnh thực u trầm này. Tôi nghe rất rõ từng nhịp tim, tiếng thở mạnh phảng phất mùi da thịt lẫn mùi hăng hắc từ mái tóc nắng cháy nơi người thôn nữ. Tất cả cho tôi một cảm giác là lạ, mà thích thú hơn những mùi hương son phấn của các cô gái thị thành.
Lý cựa mình rồi bẽn lẽn ngồi dậy. Tôi hỏi nhỏ:
- Sao nằm đây?
Giọng Lý khàn khàn:
- Em bị cảm.
Tôi vặn cao ngọn đèn trên bàn bên đầu giường để nhìn Lý rõ hơn, căn buồng vừa vụt sáng thì bất ngờ một thiếu nữ mặc áo trắng xồng xộc bước vô. Thấy tôi người ấy bỗng ngỡ ngàng khựng lại, định quay lui. Tôi chặn hỏi:
- Này, cô đi đâu vậy?
Người thiếu nữ vẫn còn sửng sốt, nhìn tôi với đôi mắt tròn to, long lanh dưới ánh đèn, dễ chết lòng người:
- Xin lỗi, nhà dì Luyến tôi thường qua đây. Vì trong buồng mờ tối tôi tưởng có mình Lý, không biết ông trong này...
Cô gái lạ nói một hơi dài móc méo, như tràng đại liên bắn rẽ quạt từ trái sang phải, tôi cùng Lý đều trúng đạn.
Dứt lời, nàng vội bước ra khỏi cửa buồng đứng vọng vào:
- À Lý, mai dậy sớm đi quơ củi chụm tết, nghen!
Lý uể oải:
- Mệt lắm! Em bệnh, chi. Nhị à!
- Bệnh gì?... Bệnh ốm nghén, phải hôn?
Sau câu nói chanh chua chuối chát, người thiếu nữ tên Nhị còn bồi thêm một tiếng "hứ" cao vút, rồi mới chịu bỏ đi. Ghê thiệt!
Tôi lấy một điếu Capstan đốt hút:
- Em và cô Nhị đó liên hệ thế nào, Lý?
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
generalhieu.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2021 - 2022 - 2023 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:generalhieu.info;
Images | website template by ARaynorDesign