Quân sử Việt Nam: Anh hùng bạt mạng 17
https://generalhieu.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang17.shtml
http://www.nguyenvanhieulibrary.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang17.shtml
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
TRẦN THY VÂN
TÁI BẢN LẦN THỨ TƯ
2010
Thương tặng
hiền thê HN Lê Hoa
đã giúp anh hoàn thành Anh Hùng Bạt Mạng
ttv
***
Nhận tin buồn, tôi vội bảo Đại đội rút hết ra phía biển, bố trí dọc theo chân nổng. Hòa chết thật. Y tá nói viên đạn Trung liên Đông Đức luồn từ háng lên bọng đái. Tôi vuốt mắt Hòa, khuôn mặt người bạn hiền thản nhiên, không chút hận thù, chỉ những kẻ còn sống mới đủ lý lẽ tiếp tục cuộc chiến đấu. Tôi chưa bao giờ chảy nước mắt như hôm ấy, khi nhìn Hòa được gói poncho, nằm im lìm trên bờ biển, cạnh những ngọn sóng bạc đầu cuồn cuộn, âm ba gào thét dấy động cả lòng tôi.
Người lính cận vê. Huỳnh văn Trung đến nói:
- Cái nhẫn cưới và đôi kiếng mát Rayban, cặp lon nữa, em đang giữ đây. Trước khi chết Trung úy bảo tháo đưa Đại Bàng để về trao lại cho vợ Trung úy...
Cầm cặp lon bằng đồng của Hòa chỉ có hai bông mai, còn một cặp nữa mới đủ bộ, bỗng nhiên tôi nhớ rất rõ cái nguyên nhân tại sao nó thiếu. Ba tháng trước, Tiểu đoàn 21 hành quân ở tây nam La Vang, những ngày thành phố Quảng Trị sắp thất thủ, tôi cùng Hòa vừa tròn hai năm, tự động mang lon trung úy (Chiến công nhiều mà vẫn tự động, vì cái khốn nạn của cựu Đại đội trưởng 2/21 Hồ Dơn và Hiệp lùn Tiểu đoàn trưởng).
Nhân dịp tôi được Trung tá Liên đoàn trưởng trực tiếp bổ nhậm làm Đại đội trưởng chính thức Đại đội 1 BĐQ này ngay tại mặt trận, Thưởng điện về hậu cứ ở Đà Nẵng bảo mua bốn cặp lon trung úy, tức hai bộ, để gắn cho tôi và Hòa. Hôm đó, trời chiều đã nhá nhem, Thưởng gọi hai đứa tôi lên BCH Tiểu đoàn 21, đang dừng quân trong một con xóm nhỏ gần nhà thờ La Vang. Giờ phút ấy, có sự hiện diện của Đại úy Tiểu đoàn phó Nguyễn văn Do với ba vị trung úy là Trần Thương Quãng, Trần văn Quy và Hà Tự Tánh người chỉ huy thất trận bàn giao Đại đội 1 bệ rạc này qua tôi. Quách Thưởng gắn lon tôi trước, ông cầm lon bia tưới lên ướt hết hai bên cổ áo, nước bia tuôn ra kêu ộc ộc, chảy dài xuống bụng rồi tới tuốt dưới háng tôi:
- Tao rửa lon cho mày. Chúc mừng! Chúc mừng!...
Từ hồi nào giờ, đã hai lần cứ đủ năm đủ tháng tự động lên cấp, chứ chưa có vinh hạnh được ai đề nghị thăng với thưởng, mà biết cách rửa lon, nên tôi chửi thầm trong bụng:
- Đm, rửa kiểu gì như tắm bia, thằng nhỏ cũng rít rịt luôn, làm sao ngủ?
Đến lượt Hòa, lạ quá, lại thiếu hai bông mai, tức một cặp, không đủ bộ để Hòa đeo hai bên cổ áo. Những người chứng kiến lấy làm sửng sốt, biết đó là điềm gở. Trời tối thui rồi, tìm đâu ra hai bông mai giữa trận địa! Quả thật, đời thằng lính gì cũng thiếu, thiếu cơm ăn áo mặc cũng đành, còn thiếu cả tình lẫn nghĩa, chỉ có súng đạn đi kèm với sự phân chia, hèn nhát, đê tiện, thì dư thừa, tràn lan khắp quê hương đất nước. Lẽ nào nhỉ? Lẽ nào họ bè phái, liên kết có hệ thống ăn chận dữ vậy?
Rốt cuộc tân Trung úy Phạm Minh Hòa mặt tiu nghỉu buồn xo với cặp mai vàng chỉ gắn được một bên trên nắp túi áo cho đến ngày chết một cách đau thương nơi bãi biển Hương Điền.
Hòa sinh trưởng ở Cần Thơ, hiền hậu, can đảm, chiến công nhiều, được anh em quý mến. Thế mà Hòa bị Trung úy Hà Tự Tánh, lúc làm Đại đội trưởng Đại đội 1 này, trù dập mãi, khi thua trận mất chức mới thôi. Dưới quyền tôi, Hòa sống thoải mái, bộc phát khả năng chỉ huy xuất sắc.
Tôi với Hòa thân nhau từ lúc còn tò te, mang lon chuẩn úy, mặt búng ra sữa. Đám bạn bè chí thiết sau vài năm chẳng còn bao nhiêu. Vừa tốt nghiệp sĩ quan Thủ Đức, mặc bộ hoa rừng đầu đời Biệt Động chưa kịp giặt nước nào, còn nghe mùi vải, đã có đứa chết ngay ở chiến trường Phong Thử, Quảng Nam, thằng thì bỏ xác tại Hạ Lào, Cồn Thiên, Mai Lĩnh. Giặc giã gì mà ghê quá, như cần người chết hơn là sống để chiến đấu lâu dài, nên có kẻ chết ba lần bảy lượt mới ra người thiên cổ.
Ngày đó, đột nhiên Cẩm vợ của Hòa vào Văn Thánh Huế, nơi đơn vị dừng quân tái huấn luyện, ngồi khóc mãi. Cả mấy đêm, tôi phải qua bên căn lều của Trung, nhường cái giường bố cho nàng nằm. Khi có lệnh, Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân chuẩn bị cùng các binh chủng ra tái chiếm Quảng Trị đợt hai, tôi đưa Cẩm và cậu em nàng đến bến Taxi, kế chơ. Đông Ba, để trở về Cần Thợ Trước khi lên xe Cẩm trao tôi đôi kính mát Rayban Hòa đeo lúc sinh thời.
Nàng bảo:
- Anh hãy giữ nó kỷ niệm...
Tôi không thể từ chối, tôi nhận với tấm lòng chân thật chia sẻ cùng nàng những nỗi đớn đau của cuộc đời. Và lâu lắm rồi, từ sau buổi chia tay, tôi chưa một lần hân hạnh gặp lại người sương phụ ấy. Còn Hòa - Cố Đại úy Phạm Minh Hòa- dĩ nhiên không cần tôi phải nói đến lần thứ hai: "Mày im đi! Địch đang ở gần...", cũng đã ngàn năm im lặng rồi!...
(Kỳ 7)
SA HUỲNH BIỂN LỬA
Người ta nói Gio Linh Bến Hải là hỏa đầu chiến tuyến. Sự ví von ấy đúng với tiềm thức người dân Việt từ khi đất nước chia đôi bởi một con sông ngăn cách, ghi dấu sự thù hận giữa hai bờ Nam Bắc dưới hai chế độ khác nhau. Nhưng trên thực tế rất đau thương và ác nghiệt. Vì muốn thôn tính miền Nam, không phải nhằm mục đích tái thống hợp, trả lại những gì hồn thiêng sông núi đã thiếu mất, mà chỉ để áp đặt sự độc tài toàn trị, sắt máu để cướp bóc, nên bất cứ nơi nào đánh phá mà gây hoang mang, áp đảo được tinh thần dân chúng và làm xáo trộn nền kinh tế, chính trị Việt Nam Cộng Hòa, thì giặc Cộng Bắc Việt không bao giờ từ nan.
Sa Huỳnh tuy nhỏ bé, dân thưa và nghèo khó, chỉ có Quốc lộ 1, con đường độc nhất xuyên qua, nhưng phần đất lại được mô tả như cái cuống họng, nếu bị bóp nghẹt, năm tỉnh địa đầu phải ngất ngư, thân mình vùng II cũng bủn rủn.
Vì vị trí then chốt chiến lược này, còn thêm sự phòng thủ quá lỏng lẻo, dù địa thế hiểm trở khó tấn công, địch đã không ngần ngại tung một lực lượng hùng hậu tiến chiếm Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, biến nơi đây thành điểm nóng nhất, khiến dân chúng điêu linh sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng đầu năm 73.
Do áp lực của đối phương quá nặng nề, tạo sức ép về phía nam, đe dọa luôn bắc Bình Định, nên ngoài các đơn vị cơ hữu địa phương, gồm Trung đoàn 40 của Sư đoàn 22 Bộ Binh cùng Chi đoàn 1 Chiến Xa thuộc Thiết đoàn 14 Kỵ Binh đặt trong tình trạng khẩn trương, còn có Liên đoàn 6 Biệt Động Quân Sài Gòn ra tiếp ứng. Các đại đơn vị này khống chế được tham vọng của kẻ thù bành trướng từ Đức Phổ và nhất là từ mật khu An Lão hướng tây.
Nhìn qua các lực lượng nêu trên, người ta rất tin tưởng Chi đoàn 1/14, có danh hiệu "Chi Đoàn Chiến Xa Voi Điên", của Đại úy Hà Mai Khuê, một sĩ quan trẻ dưới 30 tuổi. Dân chúng Bình Định làm sao quên được những tháng năm kiêu hùng của đất nước mà Chi Đoàn Voi Điên đã từng nghiến nát địch quân khắp chiến trường đẫm máu, từ mật khu An Lão chí đến Trị Thiên, Hạ Lào. Nơi nào Kỵ binh Hà Mai Khuê không hằn sâu dấu xích phanh thây xác thù? Trên 10 huy chương Anh Dũng Bội Tinh Việt Nam và một Ngôi Sao Đồng (The Bronze Star Medal For Heroism In Ground Combat) do quân đội Hoa Kỳ trao tặng, chứng tỏ Khuê một cấp chỉ huy tuyệt vời. Chưa đủ, con Voi Điên đầu đàn này đã 3 lần bị thương vẫn tình nguyện ở lại chiến trường, để tiếp tục gây kinh hoàng cho Cộng quân khắp Bình Định.
Rồi đầu năm nay, 1973, không thể để mặt trận Sa Huỳnh lan rộng, Chi đoàn 1/14 Chiến Xa với anh hùng Hà Mai Khuê đã sẵn sàng dương oai nơi quê hương đầy huyền thoại, vang bóng một thời Đại Đế Quang Trung Nguyễn Huệ.
Tại mạn bắc Sa Huỳnh, quận ly. Đức Phổ thuộc tỉnh Quảng Ngãi, các thành phần tham chiến có Liên đoàn 1 Biệt Động Quân, hai Trung đoàn 5 và 6 Sư đoàn 2 Bộ Binh, dưới sự yểm trợ của Hải quân, Không quân, Thiết giáp, nhất là Pháo binh, đang góp phần làm bạt vía quân thù, như các trận đánh vang danh khắp nẻo đường quê mẹ.
Nỗ lực chính là Liên đoàn 1 Biệt Động, có mặt nửa đêm hôm qua đến từ Mộ Đức. Sáng nay, lực lượng Mũ Nâu này bắt đầu dàn trận ngay cạnh nam khu phố Đức Phổ, lấy Quốc lộ 1 làm chuẩn, Tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân phía tây, Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân hướng đông, cả hai cùng áp sát Sa Huỳnh.
Trước đoàn quân rực màu áo chiến hoa rừng như thiên thần hiên ngang xung trận, bom đạn sắp nổ tung, dân chúng đã bao phen chạy loạn, lại vội vã tìm nơi trú ẩn.
Nếu ai không xuôi ngược hay lui tới nhiều lần, trí nhớ cũng dễ phai mờ hình ảnh một quận lỵ khô cằn và đìu hiu phía nam Quảng Ngãi. Đó là Đức Phổ, con phố buồn muôn thuở, xa lạ, trước biển sau kề núi, dài không quá năm trăm mét, nằm cặp theo Quốc lộ 1, con đường duy nhất có tráng nhựa xuyên qua. Hầu hết các cửa tiệm trên tôn dưới ván, lá dừa xơ xác, xen kẽ năm ba căn nhà gạch mái ngói âm dương cổ kính từ thời Pháp thuộc, mà nay nóc đã đổ tường xiêu đầy vết đạn. Quê hương này vốn đã nghèo khó, còn xảy ra hằng năm các trận cuồng phong dữ dội, không bão biển cũng gió núi giông nguồn, cùng giặc về quấy nhiễu đêm đêm.
Rồi cả tháng nay giặc Hồ xâm chiếm bắn phá chung quanh khiến toàn quận tiêu điều, người lẫn súc vật ngổn ngang dưới những tàng cây hè phố. Họ bỏ nhà cửa dồn về từ các xã ấp xa xôi, hẻo lánh, nhất là từ Sa Huỳnh, nơi hai ngày trước mất đứt nửa Tiểu đoàn 39 Biệt Động Quân khi vừa trực thăng vận đổ xuống, làm tình hình thêm căng thẳng.
Lần này sự xung trận của hai tiểu đoàn Mũ Nâu khét danh, 21 và 37, đem lại niềm tin cho dân chúng, không riêng Quảng Ngãi, mà cả năm tỉnh địa đầu vùng 1. Cộng quân từng truyền khẩu "Gặp Đỏ thì tránh, Xanh lừa, gặp Vàng đánh líp". Câu đó ám chỉ ba tiểu đoàn của Liên đoàn 1 Biệt Động. Mấy năm trước quân nhân các cấp có đính trên nắp túi áo trái một băng vải nhỏ, cùng màu khăn choàng cổ, đỏ là 21, xanh 37 và vàng 39. Địch nói nếu gặp vàng đánh líp, tức chưa ngán Tiểu đoàn 39, còn có thể hơn được một, chứ lẽ nào thua hết ba, mất mặt bác Hồ quá! Còn chúng bảo gặp "Xanh", tức Tiểu đoàn 37, thì lừa cũng phải. Vì đơn vị anh hùng này đã khét tiếng từ trận tử thủ Khe Sanh, thuộc quận Hương Hóa Quảng Trị, 1968, chấn động thế giới, thời Đại úy Hoàng Phổ, Tiểu đoàn trưởng.
Vì sợ, Việt Cộng luôn luôn tránh né Đỏ, nên Tiểu đoàn 21 mỗi lần vào hành quân các tỉnh phía nam Đà Nẵng đều "thất nghiệp" dài dài, trừ phi tao ngộ chiến. Lúc còn phục vụ ở Đại đội 2/21, có lần tại vùng Hương An Bình Giang, Quảng Nam, tôi mới dàn ngang trung đội để xung phong thì địch trong mục tiêu, dưới các chòm cây dương liễu, vụt trồi lên khỏi hầm, vừa cắm đầu chạy tán loạn như bầy vịt vừa la to:
- 21!... 21!...
Nhưng Biệt Động Quân tắp vô quá lẹ, địch vọt không kịp, bị bắn chúi nhủi nằm la liệt. Hôm đó lính bắt sống một tên và hỏi một câu cắc cớ:
- Tại sao bỏ chạy?
Hắn đáp:
- Chúng em có lệnh rút lui khi gặp các anh đeo băng "Đỏ" là Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
generalhieu.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2021 - 2022 - 2023 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:generalhieu.info;
Images | website template by ARaynorDesign