Quân sử Việt Nam: Anh hùng bạt mạng 2
https://generalhieu.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang2.shtml
http://www.nguyenvanhieulibrary.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang2.shtml
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
TRẦN THY VÂN
TÁI BẢN LẦN THỨ TƯ
2010
Thương tặng
hiền thê HN Lê Hoa
đã giúp anh hoàn thành Anh Hùng Bạt Mạng
ttv
***
Vì thuộc vùng lãnh nhiệm, Chuẩn tướng Trần văn Nhựt, Tư Lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh, điều động Trung đoàn 5 từ Quảng Tín vào cùng Trung đoàn 6 giải tỏa Sa Huỳnh. Nhưng cả hai đã không tiến gần được phòng tuyến địch chắc nịch như bọc thép, rải dài trên các dãy đồi đá lởm chởm, chắn ngang mạn bắc đầm Nước Mặn. Đại đơn vị ấy đã bị địch quân khống chế dữ dội bằng các khẩu phòng không 12ly7 lẫn AT3, hai loại vũ khí độc đáo lần đầu tiên xuất hiện sâu trong nội địa của miền Nam. Đặc biệt AT3, địch gọi là D7, giống hỏa tiễn TOW Hoa Kỳ, có sức công phá thiết giáp rất hiệu quả, nó cũng thừa khả năng trừ khử các tàu chiến từ biển đổ bộ, hoặc trực thăng vận xuống. Trước sự đề kháng mãnh liệt, hai Trung đoàn 5 và 6 Bộ Binh phải co cụm quanh khu phố Đức Phổ, chờ các lực lượng thiện chiến đến tiếp cứu.
Dĩ nhiên không thể để giặc tiếp tục tung hoành ở phía nam trong khi tại mạn bắc chưa yên, khiến người ta có cảm tưởng Quân đoàn I đang bị lưỡng đầu thọ địch, nên Trung tướng Ngô Quang Trưởng hạ lệnh cho Liên đoàn 1 Biệt Động Quân nhảy vào cứu nguy Sa Huỳnh. Vị Tư Lệnh tài hoa và thanh liêm ấy biết dụng nhân như dụng mộc, chọn mặt gởi vàng.
Liên đoàn 1 Biệt Động Quân gồm ba Tiểu đoàn 21, 37, 39 khét danh tốc chiến tốc thắng khắp chiến trường miền Trung. Là một đơn vị Mũ Nâu tương đương cấp trung đoàn, có truyền thống hào hùng, tiêu biểu tinh thần bất khuất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từ thời Sơn Linh -Trung tá Nguyễn văn Hiệp- Liên đoàn trưởng. Vị sĩ quan trung cấp này đã từng dày công trui luyện các chiến sĩ thành những kẻ gan đồng dạ sắt, để trải qua bao trận đánh kinh hồn, ngập đầy biển máu quân thù ở Thạch Trụ, Khe sanh, Tết Mậu Thân Huế, Hạ Lào...
Liên đoàn hiện dưới sự chỉ huy của Trung tá Trần Kim Đại, người hùng cũng nổi tiếng thanh liêm, dũng lược, đã góp công không nhỏ khi tái chiếm cổ thành Đinh Công Tráng Quảng Trị tháng 9/1972 vừa qua.
Nay cuối mùa Đông năm Nhâm Tý, đầu tháng Giêng 1973 Dương lịch, ba tiểu đoàn Biệt Động Quân khắp tuyến đầu Trị Thiên đã vội lần lượt quay về Quảng Ngãi. Thêm một lần nữa những dũng sĩ ưu việt sẽ lập nên trang sử vàng son Quân Lực VNCH, dù ngàn năm sau vẫn còn vang động những thiên Anh Hùng đã một thời oanh liệt, đập nát thảm khốc giặc Hồ sinh Bắc tử Nam.
Hậu Cứ Thiên Thần Mũ Nâu
Trên ba mươi chiếc GMC, xen kẽ Jeep, chở đầy lính Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân từ cố đô Huế đã về đến phía bắc Đà Nẵng, một thành phố dễ thương với con sông Hàn thơ mộng của miền Trung. Vừa đến Hòa Khánh, đoàn xe tách rời Quốc lộ 1, quẹo trái theo con đường đất đỏ gồ ghề mà quen thuộc, vào hậu cứ bên bờ biển Hòa Phú. Trước khi tới cổng, các tài xế giảm bớt ga, để xuyên qua khu gia binh Liên đoàn 1 Biệt Động Quân Phú Lộc, nơi một rừng người, đa số là phụ nữ và trẻ em, như ong vỡ tổ ùn ùn đổ xô ra hai bên lề muốn bít cả lối đi. Rồi, từng chiếc chạy rất chậm, chen giữa đám đông, cơ hồ như cơn sóng dội, âm ba vang động, hàng ngàn tiếng reo cùng những cánh tay đưa lên vẫy gọi tên chồng, tên con, đang trở về bằng xương, bằng thịt. Trên đoàn xe nhà binh bám đầy bụi, từng khuôn mặt vốn dĩ lầm lì còn vương mùi sương gió, khói đạn, cũng rạng rỡ cười tươi, giơ cao khẩu súng chào đáp người thương của mình.
Họ là ai? Là những anh hùng không tên không tuổi, đã âm thầm ra đi, có kẻ chẳng bao giờ trở lại từ đầu xuân năm trước, khi cánh mai vàng vừa hé nụ để lao vào cơn bão lửa của chiến trường Trị Thiên, cùng đất nước thăng trầm.
Hôm nay thiên hạ vui ghê, có pháo nổ đì đùng! Tiếng pháo vô tình nhắc nhở tôi ngày này 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời, khiến lòng trai chinh chiến chợt thấy nao nao.
Ngày trở về, như bao lần trước, con xóm này rộn rã. Hình ảnh ấy tôi đã quen thuộc, hình ảnh mà bề ngoài trông rất sống động mỗi khi đoàn quân trở về, nhưng trong lòng những người vợ lại khác thường, luôn trăn trở lo sợ cho chồng, đời lính, rày đây mai đó, kiếp sống phiêu linh.
"Khu Gia Binh Liên Đoàn I Biệt Động Quân" là một doanh trại lớn, tọa lạc tại Phú Lộc, xã Hòa Minh, huyện Hòa Vang, Quảng Nam, phía bắc thành phố Đà Nẵng trên mười cây số. Tôi không rõ trại này thiết lập hồi nào, chỉ biết nơi từng xuất phát các chuyến đi oai phong, bất khuất, của đoàn hùng binh Thiên Thần Mũ Nâu diệt giặc khắp Vùng I Chiến Thuật. Địa danh Phú Lộc cũng được ghi vào quân sử vì tên đặt cho căn cứ hỏa lực tiền phương của Bộ Chỉ Huy Liên đoàn 1 Biệt Động Quân tại Động A Hai, Tà Bạt, biên giới Lào Việt, trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào 1971.
Rồi chiếc GMC chở tốp lính sau cùng vừa vào trong hậu cứ, hai cánh cửa cổng khổng lồ bằng sắt vội khép lại, và không đợi lính kịp xuống xe, các loa phóng thanh trên các nóc trại đã phát ra một giọng khô khan, dồn dập:
- Tập họp! Lệnh tập họp gấp!... Nhắc lại, các Đại đội 1, 2, 3, 4 và Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn, theo thứ tự trái sang phải, tập họp trước sân cờ!
Mặc dầu ở cương vị đại đội trưởng, thừa biết lệnh lạc quân đội rất bất thường, và vì nhu cầu đòi hỏi khẩn cấp từ mặt trận Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, tôi vẫn thấy nóng mặt, thương anh em vô cùng. Sau năm mười phút lê thê lếch thếch, ồn ào, các đơn vị lẫn Bộ Chỉ Huy đã nghiêm chỉnh đội hình và im phăng phắc không một tiếng động, dưới bầu trời u ám, lún phún mưa phùn gió bấc miền Trung.
Thiếu tá Quách Thưởng, Tiểu đoàn trưởng, dáng người nhỏ con mà to gan, đầu đội chiếc mũ đã bạc màu huyết đọng lệch qua một bên và mặc bộ chiến phục hoa rừng còn lấm đầy bụi, nhưng lại rực lên hình ảnh uy nghi một người hùng. Ông đứng thẳng nhìn xuống các hàng quân đang lặng câm, như các pho tượng gỗ, rồi dõng dạc tuy âm thanh không ngân xa giọng ông cũng đủ lấn át cả tiếng sóng gầm sau trại:
- Tôi thông báo cùng toàn thể Tiểu đoàn, lệnh hành quân chưa chấm dứt. Tất cả nghe rõ không?
- R...õ!
Sau tiếng đáp vang dội, mọi người vẫn tư thế cũ. Thiếu tá Thưởng cố giữ khuôn mặt khắc khổ của mình đanh lại để thị uy, nhưng vị sĩ quan tài hoa, gương mẫu ấy không thể nào che giấu được những nét xúc động chân tình đối với thuộc cấp đã quá gian truân. Ông ráng hét lên:
- Chúng ta về đây chỉ nghĩ tạm một đêm. Sáng mai 5 giờ, Tiểu đoàn phải tiếp tục di chuyển. Từ giờ phút này lệnh cấm quân trăm phần trăm, ai xuất trại không có giấy phép, sự vụ lệnh, sẽ bị nghiêm phạt. Sau khi tan hàng, các đại đội nhận bổ sung quân số, đạn dược và lương thực bảy ngày. Bây giờ, mời bốn đại đội trưởng lên họp nhận lệnh mới. Thi hành!
Dứt lời, ông chào tổng quát rồi quay vào văn phòng BCH Tiểu đoàn. Bốn vị đại đội trưởng gồm tôi, Trung úy Trần Thy Vân Đại đội 1, Dương Xuân Đại đội 2, Trần Quang Giảng Đại đội 3, và Đại úy Đỗ văn Nai Đại đội 4, đều lặng lẽ theo sau Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng.
Ngoài sân các sĩ quan đại đội phó cùng thường vụ hô gióng hàng inh ỏi, với tiếng khua động của vũ khí thành một thứ âm thanh hỗn tạp, như giận dữ, một buổi chiều mùa đông sắp tàn.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
generalhieu.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2021 - 2022 - 2023 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:generalhieu.info;
Images | website template by ARaynorDesign