Quân sử Việt Nam: Anh hùng bạt mạng 27
https://generalhieu.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang27.shtml
http://www.nguyenvanhieulibrary.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang27.shtml
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
TRẦN THY VÂN
TÁI BẢN LẦN THỨ TƯ
2010
Thương tặng
hiền thê HN Lê Hoa
đã giúp anh hoàn thành Anh Hùng Bạt Mạng
ttv
***
Tôi vội quay ra. Nhị, trong bộ quân phục hoa rừng của Biệt Động mới toanh, vừa vặn, chân mang đôi bata, đang mỉm cười đi giữa Trung sĩ Nguyễn Đựng, hậu cứ, và Thiếu úy Đặng văn Thiều về hướng tôi. Vì trước mặt 20 người lính bổ sung, tôi cố giữ thái độ bình thản nắm tay Nhị:
- Lúc nào em cũng gan đầy mình.
Nàng nhìn tôi trân trân:
- Nhớ anh quá à! Nghe tái chiếm được Sa Huỳnh đồng bào ngoài đó họ bàn tán xôn xao và mừng lắm!
- Ừ, nhớ quá nên em quên nguy hiểm, có ngày chết. Thôi, em vô trong nói chuyện với chú Hiệp. Anh còn giải quyết vài công việc.
Tôi quay qua hỏi thăm Thiều và Đựng:
- Hai anh khỏe chứ? Riêng Thiều chóng bình phục tôi vui. Ủa, không nghĩ phép xuất viện 15 ngày sao?
Vị Đại đội phó mỉm cười:
- Biết quân số Đại đội thiếu hụt, tôi lên hành quân tốt hơn về Sài Gòn chơi vô ích. Có 19 người lính cũ và tân binh đang chờ trình diện Đại Bàng.
Trước khi theo Thiều ra ngoài, tôi bảo Hiệp:
- Đưa chị Nhị dạo một vòng quanh Bộ Chỉ Huy chơi. Tiện thể nói Vinh chuẩn bị cơm nước tiếp khách.
Dứt lời tôi đi thẳng tới đám lính bổ sung đứng sắp hàng nơi khoảnh đất trống. Vì đa số khuôn mặt lạ, vừa xuất thân trường Biệt Động Quân Dục Mỹ, tôi vồn vã hỏi thăm như tình anh em để họ bớt lo sợ ngày đầu đáo nhậm đơn vị ngay tại mặt trận thế này. Tôi cũng không quên cười đùa một chút với mấy chú lính vừa xuất viện, sau vụ bị thương do trực thăng bắn nhầm, mà mỗi lần nhớ tôi còn tức giận. Rồi tôi cho các thẩm quyền nhận lại số người cũ của Trung đội họ, và có thêm mới để các thành phần tương đương nhau. Đại đội vẫn giữ nguyên trạng, BCH và hai trung đội, dù khả năng tham chiến đã tăng lên 70 tay súng. Đồ tiếp tế kỳ này cũng chỉ thực phẩm, đạn dược căn bản, được phân phát ngay.
Trung và Xá khiêng bộ phản ra kê bên gốc dừa, ngồi dùng cơm. Các món ăn tuy đơn sơ nhưng rất "tươi" như ở thành phố, vì mới tiếp tế. Tôi, Thiếu úy Thiều, Trung sĩ Đựng và đặc biệt có cô "nữ quân nhân" bất đắc dĩ nữa, quây quần chung quanh. Tôi cũng không quên nhắc nhở Xá lo phần cơm nước đầy đủ cho ông bạn tù Nguyễn Thành Công, một cán binh Bắc Việt, lại được may mắn "sa cơ thất thế" rơi vào tay đơn vị "nghệ sĩ" Biệt Động Quân này.
Mọi người vừa ăn vừa nói huyên thiên, làm rộn rã con xóm chài vốn yên tịnh dưới những hàng dừa xanh mượt, và chỉ có sóng biển lao xao ngoài bãi cát.
Tôi nhìn Nhị với mái tóc rối phủ xuống nửa khuôn mặt:
- Ai rủ em đỉ
Nhị liếc mắt qua Trung ngồi ăn bên cạnh:
- Mấy chú lính chạy xe Jeep vô thăm mẹ, gặp dịp em quá giang. Trung sợ anh rầy, nói khi đến Đức Phổ rồi hãy gọi máy xin phép anh.
Tôi cười:
- Sao không để vào tận nơi xin luôn? Bộ tưởng đây an toàn lắm hả? Lát nữa anh đưa em ra coi 27 thây ma Việt Cộng, bị bắn chết hôm qua, mới chôn một dãy dài tòn ngoài kia kìa!
Nhị lắc đầu:
- Thôi, em sợ...
- Còn đồ lính ở đâu em diện đẹp vậy?
Với cử chỉ ngây thơ nàng vừa cúi nhìn chiếc áo hoa rừng đang mặc vừa đáp:
- Của chú Trung, nhờ nó mà em đi lọt. Anh biết hôn, Biệt Động Quân ở các trạm kiểm soát nhìn em chòng chọc, còn hỏi kỹ nữa. Trung nói họ em là dzơ. Trung úy Vân, họ mới chịu...
- Họ chịu em là dzợ anh, hay chịu cho đi.
Nhị vừa cúi xuống vừa lấy tay che miệng cười:
- Chịu cả hai...
Tôi vuốt tóc Nhị như buổi đầu tiên gặp nàng:
- Em quá trời rồi đó! Bây giờ, mặc đồ Biệt Động nên uống chút bia, một ngụm thôi!
Nhị ngoan ngoãn cầm lon bia của tôi đưa lên môi, đôi mắt nheo lại như ăn đồ chua. Dễ thương! Cơm nước xong Thiều và Đựng lấy cớ tới hỏi chuyện người tù Nguyễn Thành Công, để tôi và Nhị tự nhiên tâm tình. Nhưng đã trót mang nghiệp lính, một đời giong ruổi khi quê hương chiến tranh còn tàn khốc thì chẳng có gì riêng tư, hứa hẹn. Nhị thông minh thừa hiểu điều đó nên cũng đồng lõa yêu cuồng sống vội.
Tôi đưa nàng ra sau bãi biển, hai đứa ngồi nhìn sóng nước mênh mông, trải rộng một màu xanh thẳm đến chân trời.
Trung cao bồi chẳng tâm lý chút nào, cứ giữ thói quen bảo vệ, lại dẫn theo ba người, cầm súng đi tới phá rầy:
- Tụi em bắn dừa Đại Bàng và chị Nhị ăn, nghen?
Tôi lắc đầu:
- Bắn bể hết, mày chịu khó trèo lên bẻ.
Trong lúc chờ Trung hái dừa, tôi nảy ra ý kiến tập Nhị bắn M16. Nàng vui vẻ bằng lòng, không chút do dự. Với thế đứng, Nhị giương súng nhắm một vỏ ốc vôi dưới chớn nước rồi thản nhiên bóp cò. Tiếng nổ làm nàng ngã lui vô tôi đang đứng sau lưng, viên đạn thì bay vèo đâu không biết. Nhị khoái chí cười ngất nghểu. Tôi bắt tập lại. Lần này nàng kẹp hông khẩu súng có vẻ thiện nghệ, chơi "ra phanh" luôn hằng chục viên...
Bỗng Nhị ngưng bắn, quay qua nhìn tôi:
- Anh ở sau ôm em mới được.
- Trời! Bắn súng mà còn có người ôm, chắc bọn Việt Cộng chết sớm hết quá! Rồi, chuẩn bị...
Nàng giẫy giụa:
- Ôm vậy nhột sao em bắn, anh nghịch quá à!
Tôi cười khật khật và cúi hôn vào cổ nàng:
- Thôi, không giỡn nữa, bắn đi!
Thấy Nhị bặm chặt môi dữ quá, tôi vội nắm cứng cây M16, nhưng chưa gì nàng đã siết cò, một tràng liên thanh chát chúa, đạn phun ra tá lả tới chớn nước, sủi tung cát bụi mịt mù. Con ốc vôi trước mặt làm mục tiêu vẫn còn nguyên, trắng phếu.
- Em bắn hay thiệt, con ốc nó cười kìa!
Nhị, một tay áp khẩu súng vào lồng ngực, tay kia vén mấy sợi tóc quyện trên môi, đôi mắt tròn xoe, lóng lánh:
- Nếu có thằng Việt Cộng đứng đó thử, chết liền chớ bộ!
Tôi trả cây súng lại cho Trung, rồi ôm Nhị vào lòng:
- Đã chưa?
- Thôi đi vô, anh!
- Nhưng mà đã chưa?
Nàng vòng hai tay ghì cổ tôi xuống hôn:
- Đã, hỏi hoài!
Hai đứa thấm ý cười và vừa uống hết ca nước dừa thì Hiệp chạy đến đưa máy:
- Đại Bàng tiếp chuyện Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng.
Tôi cầm ống liên hợp:
- Nghe Trùng Dương!
Giọng Thưởng có vẻ khẩn cấp:
- Đêm nay hai Đại đội 3, 4 tấn công ngọn 94 cửa khẩu. Bí đường Việt Cộng đã chạy lên đó. Lát nữa gia đình Việt Quốc move về hướng tôi, khi gặp cái nghĩa địa gần chân đồi, dừng lại đóng quân.
- Đáp nhận!
Nghe sắp di chuyển, Trung sĩ Đựng nói:
- Trình Trung úy ký các hồ sơ và cho phép tôi về sớm.
Tôi hạ bút ký một hơi, chẳng buồn xem kỹ mớ giấy tờ như thường lệ. Xong, tôi bảo toán Thám Báo lấy ghe và đem theo cái máy PRC25, đưa Nhị cùng Trung sĩ Nguyễn Đựng qua bên kia bờ đầm. Chợt nhớ lời hứa với chú lính khinh binh Nguyễn Mẫn hôm mùng Một Tết, tôi kêu cho anh ta 4 ngày phép đặc biệt vợ sinh. Mặc dù tôi nghĩ vì cuộc hành quân này còn kéo dài, đầy gian nguy, nay có dịp về thăm gia đình ở Tùng Nghĩa Lâm Đồng, Nguyễn Mẫn có thể đào ngũ luôn không chừng. Nhưng Mẫn cũng là một chiến sĩ xuất sắc phải được ân thưởng công bằng. Ngoài số lương hậu cứ sẽ ứng trước, Mẫn còn may mắn được chia thêm một ngàn đồng nữa, tiền của toán Thám Báo tịch thu Việt Cộng lúc sáng. Mẫn mừng quýnh, như vừa thoát chết, vội đùm túm ba lô súng đạn chạy thẳng xuống bến quên cả việc trình diện tôi để nói một lời từ giã.
Tôi quay qua Nhị, trông nàng có vẻ buồn như lúc chia tay lần trước ở Quán Hồng:
- Đơn vị sắp đi, em về, nghen! Anh gởi lời thăm mẹ.
Nhị nắm tay tôi:
- Em theo anh không được sao?
- Không được đâu, nguy hiểm lắm!
Mặt nàng phụng phịu:
- Lần nào cũng biểu về sớm. Đi cẩn thận, nghe hôn!
Tôi đưa Nhị vừa tới bến, nàng lại dùng dằng muốn đổi ý. Tôi vờ làm nghiêm, nói nhỏ vào tai nàng:
- OK, kỳ sau anh cho em ở chơi hai ba ngày luôn. Kìa, em thấy không, tụi lính đang dòm, anh hôn em không được.
Nhị cười. Tôi ẵm Nhị ra ghe để ngồi vào khoang giữa. Hai đứa miễn cưỡng vẫy tay chào tạm biệt trong lúc bác ngư phủ chống sào xuống bờ quay mũi hướng tây. Tôi đứng trông theo, bỗng nhiên lòng tôi xao động, không muốn ở đây thêm chút nào, để khỏi nhìn lại những gì không phải của ngày đầu xuân yêu dấu với những nụ hoa vàng, ánh mắt long lanh. Phút chốc, khuôn mặt dễ thương của nàng đã mất dạng, chiếc ghe cũng nhỏ dần, chỉ còn một chấm đen nhấp nhô trên sóng nước màu trời, bàng bạc bóng mây muôn hình vân cẩu.
Đại đội cũng bắt đầu rời khỏi con xóm tiến về hướng nam. Lâu lắm, từ ngày triệt thoái khỏi Quảng Trị, nay đơn vị mới có dịp di hành dọc theo bờ biển đêm thanh bạch. Những hàng dương yểu điệu, tưởng chừng như bao chiếc lược chải gió vi vu, những ngọn sóng bạc đầu nhịp nhàng vỗ vào bãi cát đầy trăng lung linh và huyền ảo...
Tôi đang hồi tưởng, thả hồn về lại buổi chiều êm đềm, thì một tràng súng nổ vang phía trước, làm tan biến bao hình ảnh đẹp. Lính tự động dạt ra hai bên.
Trung đội trưởng Trung đội 1 gọi báo lui:
- Trình Đại Bàng, vừa bắn ngã hai tên Việt Cộng.
- Có súng không?
- Chưa biết, xác nằm dưới chớn nước.
Tôi bảo Trung sĩ Thuận:
- Cho anh em tới thêm trăm mét bố trí rồi ra lục soát.
Ba người lính lom khom đi xuống bãi:
- Có hai AK, Thẩm quyền!
- Cầm vô, lẹ đi!
Hiệp trình:
- Nghe tiếng súng, Bộ Chỉ Huy lớn hỏi, em đã báo kết quả. Trùng Dương nói Việt Cộng đang cố tìm cách thoát khỏi vùng này, mình nên lưu ý mặt sau.
- Ừ, bảo Trung đội đầu tiếp tục di chuyển. Còn Trung canh chừng tù binh Nguyễn Thành Công.
Một lát, Thuận gọi:
- Trình Đại Bàng, đã đến nghĩa địa.
Tôi ra lệnh:
- Anh rải lính bố trí mặt tây, Trung đội 2 của Hơn nối tiếp bên phải, bao ngược phía mặt bắc, phần tuyến còn lại thì toán Thám Báo. Tất cả ôm vòng quanh nghĩa địa, khỏi cần đào hố cá nhân, để tránh đụng chạm mả mồ. Mỗi Trung đội đặt một tiền đồn ngay trước.
Hôm nay có thêm hai đệ tử Trung và Xá, thầy trò cùng ban truyền tin vào trải poncho nằm cạnh một cái mả giữa bốn bức tường cao một thước. Tuy không tráng đá li tô hoa hòe rực rỡ như kim tĩnh, nhưng ngôi mộ sạch sẽ, nước vôi chưa tróc, sáng trưng dưới trăng thanh gió mát. Vì đêm tối tôi không đọc được trên tấm bia của người chết khắc tên gì, già hay trẻ. Biết đâu kẻ bạc mệnh là một trinh nữ, sinh thời cũng dịu hiền, yêu đời lính quá gian truân, yêu cả những đóm mắt hỏa châu thế này.
Chiến tranh đã dạy cho người lính nhiều cái quái đản, phải chọn điều mà đời thường không thể lấy đó làm vui.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
generalhieu.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2021 - 2022 - 2023 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:generalhieu.info;
Images | website template by ARaynorDesign