Quân sử Việt Nam: Anh hùng bạt mạng 9
https://generalhieu.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang9.shtml
http://www.nguyenvanhieulibrary.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang9.shtml
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
TRẦN THY VÂN
TÁI BẢN LẦN THỨ TƯ
2010
Thương tặng
hiền thê HN Lê Hoa
đã giúp anh hoàn thành Anh Hùng Bạt Mạng
ttv
***
Tôi gật đầu và quay nói nhỏ bên tai Nhị:
- Anh đi, nghen!
Nàng im lặng, choàng tay ôm tôi. Bên ngoài các Trung đội bắt đầu di chuyển, tiếng giày nặng trịch, rồi nhỏ dần làm não lòng người trong cuộc. Đôi mắt Nhị đỏ hoe, chẳng giống đêm qua, lúc giao thừa. Tình cũng đẹp, cái đẹp tựa như hào quang của pháo bông, rực lên trong giây phút mà thôi. Dù sắt đá tôi vẫn cảm thấy lòng mình yếu mềm như thuở học trò, không đủ can đảm nói cho Nhị biết nàng đã yêu lầm người trai chỉ mải mê trận mạc.
Tôi ghì chặt Nhị:
- Mùng 1 Tết hãy vui vẻ. Vợ tương lai của Biệt Động phải đủ nghị lực. Anh sẽ về thăm.
- Anh yêu em không?
Tôi khẽ hôn vào trán Nhị:
- Sao không?
Nàng nhăn lại:
- Sao anh nói yếu xìu vậy? Em ghét anh lắm!
- Ghét thì khổ thôi! Chúc cưng ở nhà mạnh giỏi, siêng học. Để anh từ giã mẹ.
Tôi đến cửa buồng:
- Thưa bác, tụi con xin phép đi!
Bà bước ra ngồi xuống giường nhỏ:
- Chúc Vân thượng lộ bình an! Nhớ thư về bác.
- Cám ơn bác lần nữa đã giúp đơn vị ở đây hổm rày, có gì phiền, bác bỏ qua cho.
- Bác cám ơn Vân mới đúng. Nhị gom hết các đồ dùng của Vân chưa?
Như chợt nhớ điều gì, Nhị chạy vào buồng rồi sau một phút quay ra nói:
- Cái mũ rừng nè, em tìm muốn chết luôn!
- Ở đâu vậy?
- Dưới giường chớ đâu! Đêm qua, lúc anh nằm ngang, ôm bụng cười...
Kịp biết nói hớ, nàng vội đưa tay bụm miệng.
- Vậy mà nói anh để bên nhà Lý.
- Bộ muốn nhắc hả?
Dứt lời, Nhị âu yếm đội cái mũ lên đầu tôi:
- Em chúc anh đi bình an, vui vẻ...
Nhị lại khóc, mít ướt thật! Bất kể bà cụ ngồi trước mặt, tôi ôm nàng lần nữa:
- Anh đi... Kính chào bác!
Tôi bước nhanh ra cửa. Thanh mang máy chạy tới:
- Trình Đại Bàng, Thiếu úy Đại đội phó vừa gọi cho hay 2 trung đội đã ra khỏi khu phố Mộ Đức, đang di chuyển bên trái quốc lộ...
- Nói Thiếu uý Thiều, khi cách xa bìa khu phố khoảng vài cây số, xem có con xóm nào thích hợp thì dừng lại bố trí cẩn thận. OK, chúng ta dzọt, bảo toán Thám Báo dẫn đầu, Trung đội 3 sau cùng.
Tất cả một hàng dọc, lặng lẽ theo con đường mòn ra thẳng Quốc lộ 1. Phía đông, mặt trời đã lên cao, đỏ ối trên các chòm cây dương liễu xa tít ở Đức Lương. Tôi quay lui nhìn căn nhà yêu dấu, không thấy Nhị đâu, chỉ mẹ nàng, tội nghiệp bà cụ đứng tựa cửa nhìn theo.
Tôi thúc Trung sĩ Nhật cho toán Thám Báo đi nhanh. Sau lưng, Trung đội 3 đang lầm lì nện từng bước nặng trĩu trên lối mòn còn ẩm ướt sương mai. Đám lính thân cận cũng vậy, mỗi người một ba lô đầy nhóc lương thực với súng đạn cồng kềnh, trông uể oải, chẳng thấy ai vui vẻ chút nào. Tôi đã hiểu thì tôi không thể để bại trận vì nguyên do này.
Lúc tập họp, lính tráng đã chán nản, lo buồn cho chuyến đi nhằm ngày đầu năm. Phần lệnh lạc quân đội hay bất thường, lại thêm cái thói quen cố hữu của Quách Thưởng sử dụng liên miên Đại đội tôi làm anh em gian khổ. Chắc Thưởng vin vào tôi có nhiều mặt xuất sắc, đứng đầu 12 đại đội trưởng thuộc Liên đoàn 1 BĐQ, như chỉ huy giỏi, chiến công nhiều, đơn vị kỷ luật, ít người đào ngũ. Khi lâm trận, khả năng của đơn vị tấn công rất tàn bạo, tốc chiến, phủ đầu địch trên mọi địa thế, từ thành phố đến miền rừng núi, ngay cả đột kích đêm. Lắm lúc quân bạn bị cầm chân hay không nuốt nổi mục tiêu, tôi lại tình nguyện thanh toán chớp nhoáng. Do đó, mỗi lần gặp khó khăn nào, Quách Thưởng giao tôi là xong. Sự năng nổ do tấm lòng nhiệt tình, yêu thích, coi chuyện đánh giặc như việc nhà mà tôi phải chuốc lấy nhiều tai hại vào thân. Quách Thưởng, bạn từ thuở học trò, đã hiểu được, nên chẳng ngần ngại tống xuất mình đơn vị tôi ra đi sáng sớm mùng 1 Tết thế này.
Đi thì đi, nơi nào cũng là đất dụng võ của anh hùng!
Người ta nói "dụng nhân như dụng mộc". Hẳn Thưởng biết cách dùng người nhưng phí phạm. Đôi lúc bực tức vì thấy lính quá khổ, tôi phàn nàn. Nhiều lần thong thả, hai đứa ngồi uống nước trà, nhắc nhớ những ngày còn đi học, tôi khéo lấy tình bạn cũ cùng lớp cùng trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng, ngót bốn năm trung học đệ nhất cấp đầy kỷ niệm, lúc Thưởng chưa qua trường Phan Châu Trinh, để trách nhẹ Thưởng về sự thiếu công bằng trong Tiểu đoàn. Nhưng rồi đâu cũng vào đó. Ông hay nói xa vời:
- Tao mới làm Tiểu đoàn trưởng, ăn nhờ có mi, ráng giúp tao, mi cứ phàn nàn hoài.
"...Ăn nhờ có mi, ráng giúp tao", gãy gọn. Thưởng biết mà, ngoài bổn phận chiến đấu, tôi còn sống có tình, bao phen cứu Thưởng khi bao phen Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn bị địch vây đánh suýt tan rã. Thế mà tôi chưa hề cầu cạnh người bạn ấy một ân huệ nào. Cũng như Quách Ẩn, em ruột Thưởng, tôi càng thân thiết bao nhiêu thì thiệt thòi vô lý bấy nhiêu. Nhiều lần tôi lại bằng lòng để Quách Thưởng lấy chiến công của tôi áp đặt cho sĩ quan khác nhận huy chương, nên người khóa sau sớm thừa điều kiện được thăng cấp trước, trong đó có Trung úy Dương Xuân, Đại đội trưởng Đại đội 2. Mặc dù thuộc loại khá, nhưng Xuân từng bị phạt hàng trăm ngày trọng cấm, vì tội bắn chết tên đầu đảng, vua xa lộ Hòa Khánh, bay lượn Honda qua mặt xe Jeep của Xuân. Chừng ấy tội đủ khiến thằng "điếc không sợ súng" khỏi lên lon lên lá, dù thâm niên công vụ, nếu không có công trạng ngoài chiến trường. Tôi khoái cái tính quân tử của tôi chỗ đó.
Dẫu sao tôi cũng mến vị sĩ quan tài hoa Quách Thưởng bởi cùng mộng ước, sống có lý tưởng, chịu vào sinh ra tử. Thưởng xuất thân trường Võ Bị Đà Lạt, tôi Thủ Đức, hai thanh niên ưu tú đều tình nguyện nhập ngũ, vì yêu đời binh nghiệp, chết lấy da ngựa bọc thây. Một điều, không hiểu Thưởng thế nào, chứ tôi, ai nói gì thì nói, dứt khoát rất hiếu chiến.
Một hôm, vì nghe thiên hạ hay bàn tán về hai tiếng "hòa bình" cho Việt Nam, Thưởng hỏi tôi:
- Vân, tao hỏi thật, mày muốn hòa bình không?
Tôi đáp ngay:
- Không!
- Tại sao?
- Tôi sinh ra để chiến đấu, vả lại hòa bình mà vẫn còn bọn Việt Cộng thì hòa làm gì?
Thưởng vỗ vai tôi:
- Mày giống tao.
Nói xong, hai đứa đắc ý cười rồi lấy bộ bài ra binh xập xám tay đôi chơi như con nít, vào một chiều dừng quân trên đồi 55, phía tây nam thành phố Đà Nẵng.
Vì những lý do đó việc nào khó Đại đội tôi lãnh đủ. Nhưng lính đâu biết, tưởng tôi bị Thưởng đì nên mỗi khi đụng chuyện anh em hầm hầm sắc mặt.
Trục di quân sắp xuyên qua con phố Mộ Đức. Trên đường đi, nếu gặp bất kỳ ai bị hiểu lầm có thái độ khiêu khích, bọn lính ngang bướng nổ súng ngay. Chuyện bắn nhau thường xảy ra vì gian khổ hay bị ngược đãi. Người ta nói Biệt Động Quân là thứ trời đánh trật búa, chiến đấu giỏi, mà phá phách thì chỉ thua quỉ sứ thôi...
- Đại Bàng!
Nghe Hiệp truyền tin đi bên cạnh khẽ gọi, tôi quay qua:
- Cái gì?
- Hồi nãy, em thấy chị Nhị nhìn theo khóc...
- Thôi mày, nhắc tới tao thêm buồn. Bảo thằng Thanh trình hỏi Thiếu úy Thiều dừng lại chưa?
Thanh lướt tới:
- Thiếu úy Thiều xin được gặp Đại Bàng đầu máy.
Tôi cầm ống liên hợp:
- Nghe Thiều!
Vị Đại đội phó báo:
- Trình Đại Bàng, tôi cho hai trung đội bố trí ở tọa độ XY... chờ Đại Bàng. Trước mặt tôi, phía nam khoảng 500 thước, có nhiều tiếng súng đủ loại. Chắc đơn vị nào đó chạm địch, đang đánh nhau.
- Cẩn thận! Tôi đang đi về hướng anh.
Đại đội bắt đầu xuyên qua trung tâm quận lỵ Mộ Đức. Con đường lớn giữa khu phố hôm nay trông khác lạ, khác hẳn với những lúc bình thường đã đành, nó cũng chẳng như ngày đầu xuân năm trước, mà tôi đã có dịp đi qua. Vào cái thời điểm sự sinh hoạt náo nhiệt nhất của buổi ban mai lại im lìm vắng vẻ, nhà nhà cửa đóng then gài. Hẳn dân chúng còn sợ, chưa dám ra ngoài, chỉ năm ba cụ già khăn đống áo dài đen, người xuôi kẻ ngược, vội vã xuất hành. Nơi cổng chợ mấy em bé bụi đời đứng lấp ló, nhìn đoàn quân Biệt Động đang di chuyển ngoài đường. Một chiếc Jeep mui trần từ đằng xa chạy tới. Trên xe có trang bị một khẩu đại liên nòng chĩa phía trước, ba người lính Địa Phương Quân nai nịt gọn gàng, mặt nghiêm nghị, cầm loa đọc đi đọc lại nghe văng vẳng lệnh cấm đốt pháo, hay tụ tập đánh bạc...
Mộ Đức, nếu không có màu sắc rực rỡ hòa hợp giữa những lá cờ vàng ba sọc đỏ hai bên dãy phố với chiến phục hoa rừng Biệt Động, thì chẳng khác nào Quảng Trị tiêu điều, hoang vu trong những ngày tháng thất thủ vừa qua.
Trên ngọn đồi hướng tây, sau lưng con phố, nơi đặt tạm Bộ Chỉ Huy Liên đoàn 1 Mũ Nâu, một pháo đội đại bác thình lình bắn dồn dập về phía nam. Sáng mùng Một Tết thật mỉa mai, súng nổ đạn reo thay tiếng pháo. Dĩ nhiên Sa Huỳnh không có rượu hồng, không mai vàng nở rộ, cả những nụ cười vui chào đón xuân về, chỉ máu đỏ xương trắng tung lên. Mặc dù cái gọi là "Hiệp Định Ba Lê" và "Lệnh Ngưng Bắn" tái lập hòa bình Việt Nam đã hiệu lực ngày 27 tháng Giêng 1973, nhưng mùi tử khí chiến tranh vẫn còn bao trùm nghẹt thở.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2021 - 2022 - 2023 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:Images | website template by ARaynorDesign