Quân sử Việt Nam: Anh hùng bạt mạng 32
https://generalhieu.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang32.shtml
http://www.nguyenvanhieulibrary.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang32.shtml
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
TRẦN THY VÂN
TÁI BẢN LẦN THỨ TƯ
2010
Thương tặng
hiền thê HN Lê Hoa
đã giúp anh hoàn thành Anh Hùng Bạt Mạng
ttv
***
Tôi nhìn xuống đồng bằng phía đông trải rộng qua đến khu đồi 94 cửa Sa Huỳnh đang rực lên như tấm lụa. Xa hơn, về hướng bắc, sau dãy phố Đức Phổ, dưới nắng chiều chói lọi, vài vật gì phản chiếu ánh sáng tia tỉa, như những ngôi sao bạc không đều cạnh, có chỗ nhòe nhoẹt giống miệng ông bình vôi trắng phếu. Dưới mắt tôi cơ hồ còn vang động tiếng thét hãi hùng của bầy giặc cỏ bị các Anh Hùng Bạt Mạng đánh tan xác hôm qua.
California 1996
GHI CHÚ:
(1) Trang 60: Cố bị ghép tội đổi đình của làng Quá Giáng, thuộc xã Hòa Phước, và sái đậu thành binh, ông bà Cố của Tác giả lãnh án tử hình (Tam Ban Triều Điển) thời vua Tự Đức. Cố chọn thắt cổ để biến khúc lụa đào thành rồng rồi điểm nhãn cỡi bay đi mất dạng.
Tương truyền ông bà Cố có đến Hòn Khói Khánh Hòa, chùa Chà Bang Phan Rang, trước khi vào ẩn lánh rồi viên tịch ở khu rừng gần Bàu Cái, Phan Thiết. Vì lúc sinh tiền đầy công đức trị bệnh cứu dân nên được người đời nhớ ơn xây đền thờ. Đó là Dinh Thầy Thím, tọa lạc tại xã Tân Tiến, thị xã La gi, tỉnh Bình Thuận.
Sự tích có một không hai của Việt Nam đã xảy ra trên 130 năm, mà "Dinh Thầy Thím" ngày càng đông đúc dân chúng cả hai miền Nam Bắc đến thăm, cầu xin chữa bệnh, nhất là hai ngày lễ hội lớn: mùng 5 tháng Giêng và Rằm tháng 9 Âm Lịch.
Câu chuyện nghe như là truyện thần thoại mà có thật. Mãi đến năm 1906, xét thấy ông bà Cố có chân tài thần thông và nhân đức cứu người, đời vua Thành Thái thứ 18 phải xóa bỏ án cũ rồi làm sắc phong ông bà Cố: "Chí đức tiên sinh, chí đức nương nương tôn thần".
Suốt thời gian dài trốn thoát bản án tử hình, Cố phải mai danh ẩn tích, không tiết lộ danh tánh và quê quán. Do đó, người đời lúc bấy giờ gọi ông bà Cố là Thầy Thím. Ngay trước cổng của Dinh cũng đề DINH THẦY THÍM. Dinh rất hoành tráng, được Bộ Văn Hóa Thông Tin ngày nay xếp vào hàng di tích có kiến trúc nghệ thuật cao và là một nơi du lịch cấp quốc gia tại Bình Thuận, và do nhà cầm quyền đặt ra một ban quản lý trông coi Dinh cả khu mộ gồm bốn ngôi: ông bà Cố cùng hai vị bạch hổ và hắc hổ là đệ tử của Cố. Tác giả chưa tiện cải chính Cố không phải người làng La Qua, Điện Bàn, Quảng Nam, mà là thôn Quang Châu, Hòa Châu, Hòa Vang, Quảng Nam. Và tên của ông Cố: Trần Bá Minh, còn bà Cố không được rõ.
Chúng tôi là chắt, hiện ở Hoa Kỳ, còn lưu giữ bảo vật của Cố là cái ấn bằng ngà có khắc 4 chữ: Loan Phụng Tề Long.
(2) Trang 68: Anh Đỗ Như Quyên, Hawaii, cho hay mục tiêu lớn đó, "Đỉnh Mùa Đông", cái tên đúng là Rakkasan, không phải Jackson. Tuy không quan trọng nhưng "lai lịch" của cụm từ Rakkasan nghe rất lý thú nên Tác giả xin ghi lại như sau: Sư đoàn 101 Dù của Hoa Kỳ có Trung đoàn 187 cùng tham chiến ở Việt Nam. Đơn vị này đặt một tiểu đoàn với một pháo đội 155ly tại Rakkasan làm căn cứ hỏa lực. Đến tháng 11/1971 Hoa Kỳ rút quân, căn cứ bỏ lại còn nguyên vẹn hệ thống phòng thủ, đầy đủ bunker, giao thông hào vững chắc.
Rakkasan là một cụm từ tiếng Nhật, nghĩa trong tiếng Anh: "The falling umbrella" (Cái dù rơi). Vị chỉ huy trưởng lấy nó đặt tên cho Đỉnh Mùa Đông để kỷ niệm sự kiện, 8/1945, ông theo Trung đoàn 187 đóng quân ở đảo Hokkaido, Nhật Bản. Nơi đây, hằng ngày lính đơn vị tập luyện nhảy dù. Lần đầu tiên dân Nhật mới thấy cảnh đẹp mắt này mà không biết tên gọi, nên nói là rakkasan (cái dù rơi).
(3) Trang 119: Từ tháng 9/1975, Tác giả đã về ở tại một làng quê có tên Phú Hội, thuộc huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, gần thác Gu-ga. Nhà Tác giả cách ly đầu xóm nên rất hẻo lánh và phía nam ba trăm thước có thôn R'Chai của người Thượng. Nơi đây có một đơn vị bộ đội trú đóng. Thường ngày họ hay đến tôi chơi, kể lại chuyện thời chinh chiến xưa cũ, mới vỡ lẽ anh em là lính của Trung úy Nguyễn văn Đường Đại đội trưởng C7, của Sư đoàn 304 CSBV. Hai đại đội tôi và Đường chỉ huy đã choảng nhau 2 lần ở Vùng I. Lần sau cùng, khi quân lẫn dân rút bỏ Quảng Trị chạy vào Huế, Đại đội C7 của Đường chận cầu Bến Đá, phía nam thành phố Quảng Trị độ hai cây số. Để mở đường máu, tôi có lệnh đem Đại đội 1/21 BĐQ từ trong BCH Chi Khu Mai Lĩnh tới đánh C7. Nay gặp nhau, Tr/u Đường thú nhận, lúc ấy 1972, C7 bị tôi đánh chết còn 9 tên, và trước khi tháo chạy, Đường phá sập cây cầu Bến Đá, tạo ra "Đại Lộ Kinh Hoàng", vì dân lẫn quân với xe cộ kẹt lại, rồi bị pháo tứ bề rót tới, gây chết chóc khủng khiếp.
Thời gian gặp nhau rồi quen biết khoảng một năm, Tr/u Nguyễn văn Đường được đổi sang ngành quân vận ở miền Tây, còn C7 theo đại đơn vị 304 CSBV qua Kampuchia.
(KỲ 14)
NHẬN XÉT
Tác giả và tác phẩm
ANH HÙNG BẠT MẠNG
* ĐÀI VNCR
Ký giả Đinh Quang Anh Thái
Quyển sách ANH HÙNG BẠT MẠNG này nếu người nào có dịp đọc sẽ thấy nội dung cuốn hút ngay từ đầu chí cuối với những đức tính ngang tàng của những người chiến sĩ mà tác giả đề cập trong truyện, cũng như những cái bạt mạng được nói tới không kém các hình ảnh cảm động. Tỉ dụ: đoàn người thân nhân của các binh sĩ đi theo đơn vị hành quân, nó nói lên một tấm lòng của tất cả những người chiến đấu bảo vệ cho miền Nam tự do.
* ĐÀI LITTLE SAIGON
Trần Thy Vân, một cấp chỉ huy thuộc binh chủng Biệt Động Quân trước 1975. Cuộc đời quân ngũ của ông là những tháng năm dài dưới lửa đạn, hai chân ông đã để lại nơi chiến trường trong lúc ông cố gắng bảo vệ sự tự do cho từng phần đất miền Nam VN. Trong tác phẩm đầu tay ANH HÙNG BẠT MẠNG ông đã kể lại phần lớn các cuộc hành quân thời gian chiến trường sôi động nhất vào những năm đầu thập niên 70. Đọc cuốn hồi ký này chúng ta cảm thông sâu sắc với tâm tình tuổi trẻ đã một thời phục vụ cho đất nước, bao nhiêu đóng góp hy sinh để rồi dân tộc chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi nghèo đói, khổ ải, áp bức chỉ vì, theo tác giả, một số người chỉ huy, như những đoạn văn mà chương trình Anh Vẫn Sống xin trích lại diễn đọc sau đây: "Sau Trận Thánh Chiến", trang 203.
* ĐÀI VOV
- Giáo sư Lưu Trung Khảo: Trần Thy Vân mới xuất bản cuốn truyện nhan đề ANH HÙNG BẠT MẠNG nghe cái tên có vẻ bạt mạng, mà đọc thì thấy đúng bạt mạng. Độc giả nào muốn tìm trong sách này hình thức tiểu thuyết ly kỳ, thì sẽ thất vọng. Đây là truyện dài không có cốt truyện, nhưng lại có nhiều chuyện do nhiều nhân vật đóng góp lại mà thành, không có nhân vật nào chính theo truyện dài truyền thống, nhân vật chính ở đây phải nói là những người anh hùng bạt mạng của Đại đội 1 BĐQ do Trung úy Trần Thy Vân chỉ huy.
Về văn học, cái xe lăn với ngòi bút của Trần Thy Vân, tôi nghĩ đó là khí giới mà Trần Thy Vân sau khi buông súng lại sử dụng để tấn công Cộng Sản. Cuốn AHBM là một phần đóng góp vào công cuộc chiến đấu. Sau khi tác giả đã hiến một phần thân xác mình cho đất nước vẫn không chịu buông súng, tiếp tục công việc lý tưởng...
- Giáo sư Trần Đức Thanh Phong: Đọc AHBM tôi thích nhất là tác giả đưa ra hình ảnh những người lính hạ tầng cơ sở thấp nhất quân đội, vì chưa có ai diễn tả từng tí như Trần Thy Vân. Cuốn sách nếu ai đọc mà không thấy xúc động, không biết cả triệu người lính chúng ta trong bao nhiêu năm khổ sở như thế nào là một việc thiếu sót...
* BÁO THẾ KỶ 21
Nhà văn Phạm Xuân Đài:
Gọi đây là hồi ký đúng hơn truyện, vì tác giả viết chuyện thật hoàn toàn về cuộc đời chinh chiến của mình, một sĩ quan đại đội trưởng binh chủng Biệt Động Quân. Chuyện kể trận nổi tiếng đánh chiếm lại Sa Huỳnh đầu năm 1973, mà đơn vị của tác giả đóng vai trò chủ chốt. Chuyện chinh chiến thì đã qua lâu nhưng bộ mặt thật của nó, những gian nguy và nỗ lực cùng cực của con người, những nét hào sảng những anh hùng trận mạc cũng như cái đê hèn của kẻ áp phe xương máu cần được ghi lại. Trần Thy Vân đã ghi lại. Tác giả không cường điệu hay hư cấu, tác giả chỉ kể chuyện chiến đấu của mình với sự tự trọng của một người có lý tưởng, trọng danh dự, với cái duyên dáng nghệ sĩ của kẻ "bạt mạng" đã bao phen vào sinh ra tử.
Người đọc hào hứng theo dõi cho đến màn chót của cuộc tái chiếm Sa Huỳnh đầy mưu trí, máu xương do đơn vi. Biệt Động của tác giả thực hiện, những bỗng buồn thấm thía khi đọc mấy trang chót. Tuy nhiên, trận chiến Sa Huỳnh dù chỉ xảy ra nơi một vùng nhỏ bé, nhưng liên hệ đến nhiều cá nhân, nhiều đơn vị, nên có lẽ cũng còn nhiều mảnh sự thực khác nữa sẽ được đưa ra.
Lịch sử đang làm công việc của nó. Các mảnh sự thực đang được phục hồi lại, trong đó có những nhân dáng và nhân cách.
BÁO SAIGON TODAY và TÌNH THƯƠNG
Ký giả Phạm Minh:
Đọc ANH HÙNG BẠT MẠNG tác phẩm đầu tay của Trần Thy Vân, tôi đã khóc lúc nào không hay. Rất may tôi đọc lúc đêm khuya, nếu không, các con tôi không hiểu vì sao cha mình lại nhỏ lệ. Quả thật cảm động lắm! Đó là hình ảnh một đời người, nhưng hơn thế nữa, đó chính là hình ảnh một dân tộc trong một thời kỳ đen tối của lịch sử, hình ảnh một quê hương quằn quại đau khô?. Tôi đã khóc với tác phẩm ANH HÙNG BẠT MẠNG, vì tôi thấy trong đó hình ảnh quê hương, của cả một thế hệ. Anh kể lại quãng đời niên thiếu của anh trong bối cảnh quê hương chiến tranh, anh có lý tưởng.
Hãy đọc ANH HÙNG BẠT MẠNG để thấy cái phải thấy để mà biết đau khổ và điêu tàn tới đâu. Tôi đã đọc Phan Nhật Nam, Nhữ văn Úy, Nguyên Vũ, nay đọc thêm Trần Thy Vân quả là nhà văn tôi mến mộ và khâm phục.
* VIỆT BÁO KINH TẾ
Nhà thơ Viên Linh:
Là một cựu sĩ quan Biệt Động Quân anh đã được gắn 18 huy chương anh dũng bội tinh với 4 nhành dương liễu, loại tuyên dương công trạng cấp quân đội và hai chiến thương bội tinh. Anh đã tham dự nhiều cuộc hành quân kể cả trận Hạ Lào. ANH HÙNG BẠT MẠNG là chuyện đời anh, sống thật, nhưng không viết với giọng kể, mà dựng lại chuyện như đang xảy ra trước mặt. Cuốn truyện thực sự sống động, bởi Trần Thy Vân không làm văn chương, không hoa hòe hoa sói, chỉ trực thuật những đoạn đời, những cảnh sống, ngặt nghèo, gian nan đời lính.
Không phải ai cũng viết được như anh.
* BÁO CON CÒ.
Giáo sư Trần Đức Thanh Phong:
Thấy được một cuốn tài liệu giúp cho người đọc có thể sống lại những giờ phút ở tiền tuyến diễn tả như một bức tranh, một cuốn phim về người lính và sự đóng góp trọng đại của những anh hùng vô danh này, là một khám phá đầy ngạc nhiên.
AHBM là cuốn sách hiếm có, viết về lính, về các binh sĩ hạ tầng cơ sở của QLVNCH, những người cầm súng trực diện với địch, gần như hằng ngày tác giả chứng kiến các đồng đội gục ngã bên cạnh mình. Một câu chuyện về một đại đội Biệt Động Quân với những nhân vật trong đơn vị được nhắc nhở diễn tả bởi tác giả, một người hơn hai mươi năm trước là Trung úy chỉ huy đại đội này.
Với lời văn nhẹ nhàng, bình dân, hợp với những câu nói rất giản dị nhưng giàu tình đồng đội, người đọc được đưa vào một thế giới sống động của những người lính vào sinh ra tử, đồng thời cũng nhận thấy những người lính này bản chất con người, dù "bạt mạng" mà không quên gia đình, dù dứt khoát đối với địch vẫn còn tình thương đối với con người. Họ cũng biết yêu biết ghét, biết liều biết sợ, và đặc biệt biết "bạt mạng".
Qua cuốn AHBM ông đã đóng góp thêm nhiều cho sự hiểu biết đời sống và tâm trạng của những người binh sĩ hạ tầng cơ sở gồm số đông của quân lực VNCH, nhất là về tình đồng ngũ đồng đội. Chọn từ anh hùng ghép với từ bạt mạng để đặt tên cho cuốn sách thật đúng với những nhân vật được nêu ra trong đó, phải chăng vì bạt mạng mà anh hùng, hay là vì anh hùng nên mới bạt mạng.
Người đọc còn khám phá thêm bên cạnh những "anh hùng bạt mạng" cũng có các phần tử hèn hạ, tuy thiểu số nhưng lại là cấp chỉ huy cao cấp, cho nên quân đội VNCH bị tai tiếng thật phi lý.
* ĐÔNG PHƯƠNG THỜI BÁO và LẬP TRƯỜNG
Ký giả Hoàng Phúc:
ANH HÙNG BẠT MẠNG tác phẩm đầu tay, là cốt chuyện của chàng Đại đội trưởng BĐQ Trần Thy Vân đánh nhau bạt mạng với quân đội Cộng Sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam. Trong thời gian giữa lúc xáp trận tơi bời và nghỉ ngơi dưỡng quân, nhiều chuyện đã xảy ra, có khác nào trong quyển "Chiến Tranh và Hòa Bình" của đại văn hào Leo Tolstoi.
Trần Thy Vân, khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng Nam California hằng chục năm nay, là cựu Trung úy BĐQ đã hiến một phần thân thể trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam. 1983 vượt biên qua Mỹ trên chiếc xe lăn anh vẫn tiếp tục đấu tranh chống Cộng như lúc còn quân phục. Trần Thy Vân từng làm chủ nhiệm báo, viết văn.
Buổi ra mắt sách AHBM có đủ thành phần cộng đồng, văn giới, báo giới, cựu tù nhân chính trị, đảng phái, hội đoàn, các nhà hoạt động đấu tranh, con số đếm được 221 người dự, chỉ kém chút đỉnh so với buổi nói chuyện của Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã tổ chức tại đây ít lâu, nhưng hơn xa nhiều vụ ra mắt sách khác. Các diễn giả được mời lên phát biểu gồm có:
- Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đề cập đến sử quan. Lịch sử thường bỏ quên các anh hùng nhỏ nbé như Trần Thy Vân và vô số Trần Thy Vân khác, chỉ nói đến tướng với tá, nên mới có câu "Nhất tướng công thành vạn cốt khô" hay lịch sử bị bóp méo, Quốc Sử Giám triều Nguyễn gọi triều đại Quang Trung Đại Đế là ngụy triều.
- Giáo sư Nguyễn sĩ Tế đề cập đến tiểu thuyết chiến tranh. Ông cho rằng Trần Thy Vân rời trường học, vào quân trường ra đánh giặc, kể chuyện giặc giã với tâm hồn trong sáng, nên vài nhân vật như cô Lý, cô Nhị không xung đột nhau. Tác giả hâm nóng chiến tranh, theo ông, với nhiệt độ vừa phải. Ông đã rung động nhẹ nhàng với tác phẩm AHBM. Ông tin tưởng kiểu viết như chương "Quán Hồng Cà Phê Máu, Máy Bay B?n L?m", Trần Thy Vân nếu tiến sâu vào lãnh vực của tiểu thuyết chiến tranh anh sẽ có thừa cơ hội thành công.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
generalhieu.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2021 - 2022 - 2023 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:generalhieu.info;
Images | website template by ARaynorDesign