Quân sử Việt Nam: Anh hùng bạt mạng 31
https://generalhieu.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang31.shtml
http://www.nguyenvanhieulibrary.info/military_history/quansuvn_anh-hung-bat-mang31.shtml
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
TRẦN THY VÂN
TÁI BẢN LẦN THỨ TƯ
2010
Thương tặng
hiền thê HN Lê Hoa
đã giúp anh hoàn thành Anh Hùng Bạt Mạng
ttv
***
Lần khác, một Biệt Động Quân vung cao nón sắt đập thẳng xuống sống lưng một tên địch nghe cái ự, hắn liền le lưỡi giẫy đành đạch, thở không ra hơi...
Hình ảnh ấy, tôi chỉ thấy thôi, mà ruột gan còn chết điếng lọ là nạn nhân. Trong cuộc chiến ngăn chặn họa Cộng Sản, cá nhân tôi cũng chẳng tốt lành gì, từng bắn địch rụng như lá đổ mùa thu, nhưng đánh lén, đánh hiểm, đánh kiểu mật thám Tây thì tôi không chơi. Thà đem họ ra giết, bắn bỏ chẳng hạn, viên đạn xuyên qua ngọt xớt, chết không đau, không nhục nhã, mà kẻ thắng trận vẫn giữ được sĩ khí của mình, của một dân tộc vốn rất hiếu hòa.
Khi lên làm Đại đội trưởng 1/21 Biệt Động Quân này tôi tuyệt đối cấm sử dụng những đòn thế dơ bẩn không cần thiết ấy để biểu lộ mối căm hờn với kẻ thù.
Để đề phòng chuyện khuất lấp, tôi ra lệnh tập trung 19 tù binh lại, ngồi bên tảng đá lớn. Trung đội 2 báo cáo tìm thấy cái địa bàn trong túi quần một xác chết, còn khẩu K59 thì nằm dưới đất chưa biết ai chủ. Các đơn vị tác chiến cấp nhỏ thường thiếu phương tiện và kém hiểu biết về chuyên môn, khó khai thác tù binh tại chỗ. Bộ đội trơn thì dễ, dọa sơ đã vội thú nhận mọi điều, chứ đa số sĩ quan rất cứng đầu, có đánh te tua cũng vô ích, ít khi khai ngay ở chiến trường. Tôi chẳng bao giờ cho dùng biện pháp đấm đá lôi thôi.
Các khuôn mặt tù binh hiện rõ những nét khiếp đởm, mỗi người một cách run khác nhau nơi từng thớ thịt. Thế mà họ đã mệnh danh là Sư Đoàn Sao Vàng. Tướng Chu Huy Mân Cộng Sản Bắc Việt chỉ huy trận chiến cướp đất Sa Huỳnh giờ mới thấy hổ thẹn, các đại đơn vị thuộc quyền của mình quá dở.
Họ sợ cũng phải. Lần đầu tiên trong sự nghiệp đi làm cách mạng... xâm lược, đoàn quân phương Bắc bị một đơn vị nhỏ Biệt Động miền Nam đánh tơi tả, bắt sống hàng loạt. Hẳn họ tự vấn rồi đây thân phận họ, dù đã biết sinh Bắc tử Nam, các Thiên Thần Mũ Nâu lừng danh này có đem ra ngoài kia bắn bỏ không. Khi vô Nam các cán binh cũng được "Bác và Đảng" dạy một cách thiếu giáo dục "Thà giết sạch địch chớ để địch giết". Hôm qua Nguyễn Thành Công nói vậy. Anh ta tâm tình nhiều điều. Thấy một máy bay hàng không dân sự cất cánh từ Quảng Ngãi bay vòng ra biển vô Sài Gòn, Công tưởng họ chở các tù binh đem liệng ngoài khơi.
Tất cả ngồi im thin thít, mặt xanh như lá chuối, chẳng khác nào cá trên thớt, mà trước đó đã cố vùng vẫy không thoát. Họ nhìn người thắng trận, cấp bực nhỏ, chỉ huy lính chẳng là bao, lại nắm quyền sinh sát trong tay giữa giờ phút tiếng súng còn thịnh nộ, chưa nguôi, xác thù và bạn còn nằm la liệt trên lưng đồi cửa khẩu Sa Huỳnh. Giết hay tha đám giặc Hồ trước mặt là tùy tôi, Việt Quốc này. Vì bản chất người miền Nam phong phú, khác hẳn với bọn theo Marxist xuất thân từ bần cố nông xấu tính, hèn hạ, do miếng ăn manh áo mà lập đảng cộng sản đấu tranh giai cấp bằng bạo lực, ganh ghét kẻ giàu sang, diệt địa chủ, chỉ để cướp của, tôi nhã nhặn nói:
- Các anh yên tâm sẽ được trở về đất Bắc với vợ con, cha mẹ. Tôi biết trong hàng ngũ các anh có lắm tên gian ác, đáng khinh, nhưng cũng nhiều anh hùng, coi nhẹ cái chết. Lúc đối đầu hỗn chiến, dĩ nhiên hai bên phải tàn nhẫn lẫn nhau. Bây giờ các anh chớ toan tính gì khác, hãy ngồi chờ giải giao.
Nghe nói vậy đám tù binh đổi màu da, bớt sợ. Mấy bộ đội còn trẻ, giống Nguyễn Thành Công hôm nào, cảm động rưng rưng nước mắt.
Tôi báo Thiếu tá Quách Thưởng vài chi tiết:
- Trong số 19 tên bị bắt người có làm dấu trên cổ bằng tua compress trắng, chắc là sĩ quan cao cấp.
Thưởng cho hay:
- Sơn Linh nói có một tướng Việt Cộng kẹt trong này, nhớ giữ kỹ, đừng "thịt" sảng tên nào.
- Nguyễn Thành Công bị bắt mấy bữa khai nó là sinh viên năm thứ hai Đại Học Tổng Hợp. Công có học, lại dân Hà Nội, ăn nói dễ thương, nên được tôi đối xử tử tế, còn cho hút thuốc Capstan, uống bia...
Thưởng cười xòa:
- Tù mà mày làm như bạn không bằng.
- Thì ông cho tôi "nghệ sĩ" chút chứ!
- Rồi, Đại đội 1 hãy sẵn sàng. Quang Trung bắt đầu xuống lo việc chuyển giao chiến lợi phẩm và tù binh. Trực thăng sắp tới, cho lính bung rộng giữ an ninh bãi đáp.
Chấm dứt cuộc nói chuyện với Thiếu tá Quách Thưởng, tôi rải thưa Đại đội ra bố trí và sẵn sàng mọi thứ.
Vừa dẫn tốp lính lẫn Lao Công Đào Binh trên đỉnh 94 đem chiến lợi phẩm của các đại đội xuống, chưa kịp ngồi nghỉ xả hơi, Đại úy Trần văn Quy, Trưởng ban 3 Tiểu đoàn, đã nhận lệnh ném một quả khói vàng. Sau mấy phút bốn chiếc UH1B từ hướng bắc ào ào đáp giữa vòng đai Đại đội an toàn. Thiếu úy Đặng văn Thiều vội giao nạp số tù binh và một đống chiến lợi phẩm của đơn vị tôi tịch thu cùng các anh Biệt Động Quân bị thương và chết lên máy bay. Mọi công việc chu đáo, nhịp nhàng. Vùng đất bao la Sa Huỳnh đã trở lại yên bình, không một tiếng súng quanh bờ đầm Nước Mặn.
Tất cả vừa rời khỏi bãi, Đại úy Quy đến tâm tình với tôi:
- Anh biết không, ông Trung đoàn trưởng 5/2 Bộ Binh mới gọi máy yêu cầu Thiếu tá Quách Thưởng cho họ dàn trận giả là chèo ghe qua tấn công khu đồi này. Đại đội 1 BĐQ anh thì làm Việt Cộng nhưng chỉ bắn chổng lên trời. Mục đích để các ổng hô hoán lên Trung đoàn 5 Bộ Binh chiếm được mục tiêu, chiến thắng, hầu gỡ gạc thất bại vừa rồi. Tùy anh, chứ tôi và Thiếu tá Thưởng thấy chó má lắm!
Nghe Trần văn Quy chuyển lại những lời "yêu cầu" nhằm mục đích để họ cướp công một cách ngu xuẩn, phản phúc, xúc phạm nặng nề đến các chiến sĩ anh hùng, nhất là những người vừa nằm xuống, máu đổ còn đỏ thắm trên mặt đất quanh đây, tôi nổi nóng quát to:
- Không! Tôi không làm trò hề đó! Chắc có âm mưu cướp công. Chuẩn tướng Trần văn Nhựt Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh xúi bậy. Anh nói lại mấy ổng dùm tôi, lạng quạng tôi bắn thấy mẹ chúng!...
Biết tôi không bằng lòng nhưng vì nhiệm vụ với tính thẳng thắn, Quy nói ra. Thấy tôi sừng sộ bọn táng tận lương tâm, tội nghiệp Quy, người bạn cũng từng gian khổ như tôi, đã bao lần bị thương ở các chiến trường Trị Thiên, Hạ Lào, buồn buồn bỏ đi một mạch lên lưng đồi còn vàng hoe lửa đạn trận cuối cùng Sa Huỳnh.
(Kỳ 13)
Sau TRẬN THÁNH CHIẾN
Cũng như ngay sau khi tái chiếm Quảng Trị ở phía bắc, lần này với chiến thắng lớn lao tại mạn nam Vùng 1 Chiến Thuật, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu cùng các tướng lãnh Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ra thăm Đức Phổ, Quảng Ngãi. Tháp tùng phái đoàn còn có các cơ quan truyền thông. Tất cả sẽ ghé Bộ Chỉ Huy Trung đoàn 6, thuộc Sư đoàn 2 Bộ Binh, để duyệt xem triển lãm chiến lợi phẩm mà hết 80 phần trăm là do Liên đoàn 1 Biệt Động Quân tịch thu tại mặt trận Sa Huỳnh.
Để bảo vệ các yếu nhân, Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân và các lực lượng tham chiến khác đều bung rộng, làm nhiều vòng đai an ninh chung quanh. Đại đội tôi thì từ khu đồi 94 bên cửa khẩu, mục tiêu cuối cùng vừa dứt điểm, quành lại ven theo bờ đầm Nước Mặn lên trấn thủ một ngọn núi phía tây, dưới chân có con Quốc lộ 1 song song với đường xe lửa, nơi mà trước đó một tuần địch đã không ngờ tôi tấn công, phá vỡ phòng tuyến thép của chúng.
Từ đỉnh cao này nhìn xuống tôi thấy toàn vùng Sa Huỳnh Đức Phổ, một phần đất quê hương miền Trung tươi đẹp, những dãy đồi nhấp nhô như sóng lượn, nay đã sạch bóng quân thù. Trên các nẻo đường ngang dọc người người qua lại, dưới đầm Nước Mặn mênh mông cũng lao xao ghe thuyền đỗ bến.
Thiếu tá Quách Thưởng bảo bốn đại đội Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân lập báo cáo thành tích của mình từ khi khởi sự tái chiếm Sa Huỳnh. Kết quả chung, đơn vị loại khỏi vòng chiến khoảng 500 Việt Cộng, bắt sống 19, tịch thu 256 súng đủ loại. Trong đó, riêng Đại đội 1 Biệt Động Quân của tôi chiếm một số lượng như sau:
Giết hơn 200, bắt sống 19 tên nêu trên làm tù binh, thu 106 súng, đặc biệt có một Phòng Không 12ly7 là khẩu lớn nhất tại mặt trận. Chưa kể đạn dược, chất nổ, cũng như không thể đếm được các đống thịt người bầy nhầy trong đồn lính, cùng hàng trăm xác giặc chìm sâu dưới đầm nước là riêng hai trận "Hỏa Thiêu", "Thủy Táng" do tôi kêu pháo binh dập. Phần Đại đội chết hai, bị thương bốn binh sĩ.
Nhìn thành quả trên ai không sửng sốt? Nếu đem trưng các con số đó ra toàn quốc thì xưa nay QLVNCH có bao nhiêu cỡ đại đội trong một trận đánh, mà vừa giết lẫn bắt sống kẻ thù vừa tịch thu vũ khí nhiều đến thế?
Lúc đầu tham chiến, đơn vị chỉ 51 người, sau gần chấm dứt mới bổ sung thêm thành 70, cũng chỉ bằng phân nửa cấp số, nhưng lại đạt được một kỳ công rất hiếm. Trước hết, các chiến sĩ Đại đội 1 Biệt Động Quân chọc thủng phòng tuyến mặt tây Trung đoàn 141/2 Sao Vàng, kế tiếp là rượt bắn dài dài, địch chết cơ man vạn kể, nhất là tại bờ phía bắc đầm Nước Mặn và trên đồi 94 kết thúc cuộc đao binh tàn khốc Sa Huỳnh.
Thành thật mà nói, giặc chết thây phơi không sao kể xiết, và nếu đó không phải là một trận đánh thần thánh để đời của Đại đội 1/21 Biệt Động Quân thì là gì?
Sau chiến thắng anh em rất vui mừng, hy vọng sẽ được ban thưởng công lao xương máu mình đã đổ. Đó là chuyện đương nhiên dù ở quân đội nào, cả bộ lạc man rợ nhất. Nhưng, khốn nạn thay! Rốt cuộc các chiến sĩ anh hùng này lại tủi nhục cho phận mình và bao kẻ đã hy sinh, gục ngã ở đầu non góc biển, những người con yêu của Tổ Quốc, cũng chỉ vì bọn lưu manh Trần văn Nhựt cướp công.
Theo lời Thiếu tá Quách Thưởng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân, trước lúc Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đến Bộ Chỉ Huy Trung đoàn 6 Bộ Binh xem thành quả tái chiếm Sa Huỳnh, các khối vũ khí được trình bày riêng rẽ với tấm bảng đề tên đơn vị tịch thu. Dĩ nhiên, chiến lợi phẩm của Liên đoàn 1 Biệt Động Quân cũng có ghi rõ, đặc biệt một tấm tương tự treo trên nòng súng Phòng Không 12ly7. Nhưng khi phái đoàn Tổng Thống Thiệu sắp đáp trực thăng xuống, các sĩ quan Mũ Nâu bận ra sân bay đón rước, thì Chuẩn tướng Trần văn Nhựt Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh liền lợi dụng sơ hở, cho bộ hạ trong phòng triển lãm lẹ tay hoán đổi hết các bảng ghi phần chiến lợi phẩm. Nghĩa là một dãy dài ngót 300 khẩu súng đủ loại do Biệt Động Quân tịch thu, phút chốc biến thành "Chiến lợi phẩm của Sư đoàn 2". Ông còn trắng trợn rất bỉ ổi không tả được là độc nhất có khẩu súng Phòng Không nổi bật của Đại đội 1 tôi tịch thu cũng bị đánh tráo luôn không chút nương tay. Rõ ràng tướng Nhựt treo đầu dê bán thịt chó. Tội nghiệp các tướng sĩ tượng, cả xe pháo mã chỉ biết đứng xem, tấm tắc khen tài Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh, chứ đâu ngờ ông bình vôi đó, nửa người nửa ngợm, hô phong hoán vũ, chơi trò xảo thuật cướp công xương máu của các chiến sĩ Mũ Nâu.
Hèn gì, tôi vừa thanh toán xong mục tiêu cuối cùng ở cửa khẩu, Trần văn Nhựt sai Trung tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5/2 Bộ Binh gọi máy xin Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân cho một đơn vị của ông dàn trận giả, chèo ghe qua tấn công đồi 94, để xảo trá quay phim, sau hô hoán chính chúng chiến thắng Sa Huỳnh. Đánh giặc, dù là giả, cũng phải có tiếng súng của địch chống lại, nên lũ hèn mới dám cả gan bảo Đại đội 1 tôi đang còn ở đó vờ làm Việt Cộng kháng cự dỏm, chỉ nã đạn lên trời, chứ đừng chúi xuống đầm Nước Mặn e trúng âm binh của Nhựt. Nhưng tôi đã khẳng khái từ chối, không thi hành cái lệnh quái đản, trò hề của bọn côn đồ mà trời sẽ tru đất sẽ diệt một ngày không xa.
Còn gì nữa không? Con xin bái phục ông tướng đã một thời nổi tiếng anh hùng tử thủ... ở đâu đó!
Nghe Tiểu đoàn trưởng Quách Thưởng kể lại chuyện đánh tráo chiến lợi phẩm, cướp công Biệt Động Quân, tôi oán trách thì ông chửi thề:
- Mẹ, từ ngoài sân bay đi vô tao đã thấy vậy!
- Còn Trung tá Liên đoàn trưởng đâu, câm họng luôn sao?
- Thôi bỏ qua! Nếu mày không lên được đại úy, tao sẽ đề nghị cấp trên thưởng mày một Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu.
Tôi định trả lời Thưởng, dù tấm huy chương đó thuộc loại lớn, tuyên dương công trạng cấp quân đội, nhưng tôi cũng đã có thừa ba cái, từ khi tôi còn mang lon thiếu úy dự cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào 1971, và vì để lâu năm quá nên cả ba dương liễu đã hóa thành dương mai hết ráo rồi! Tôi không tiện nói, vì Thưởng là người bạn lâu đời, và không chủ động được vấn đề.
Chán nản, tôi sai hai người lính thân cận Huỳnh văn Trung và Hoàng Anh toán Thám Báo, đem theo cái máy PRC25 để liên lạc, xuống núi vào khu phố Đức Phổ, cùng với tài xế Phó Trọng lấy chiếc xe Jeep chạy về Mộ Đức gặp Nhị. Nàng đang nóng lòng mong đợi tin tức nơi tôi.
Vài tiếng sau thì có tiếng Nhị gọi:
- Việt Quốc, em đây!
Tôi cầm ống liên hợp:
- Em và mẹ khỏe không?
- Dạ khỏe! Sao giọng anh khàn khàn vậy? Hoàng Anh nói anh có chuyện gì buồn lắm phải hôn? À này, sao em lại nghe đài phát thanh Quảng Ngãi loan tin Sư đoàn 2 Bộ Binh chiến thắng Sa Huỳnh chứ không phải Biệt Động Quân?
Nghe Nhị hỏi tôi càng tức thêm:
- Đó là lý do khiến Đại đội anh buồn. Buồn vì bị bọn Trần văn Nhựt cướp công. Anh sẽ viết sách về sự kiện lịch sử này, nêu đích danh tên tướng cướp. Chắc chú Trung đã kể em nghe hết mọi chuyện rồi!
Giọng Nhị như muốn khóc:
- Thôi, em không muốn anh buồn đâu! Họ là tướng cướp, đừng sánh mình anh hùng với tiểu nhơn.
- Bị ma giáo, nên anh mất thành tích chứng minh để được thăng cấp tại mặt trận. Tội nghiệp lính nữa, như em biết, lớp chết lớp bị thương, và gian khổ quá nhiều. Thế nào anh cũng cầm bút vạch mặt quân cướp cạn...
- Anh vừa tạo thời thế, chính cái thời thế đó nắn ra chúng. Thà cấp bậc nhỏ anh còn giữ được cho quê hương từng tấc đất hơn kẻ lon lớn, cổ đầy sao mà hèn hạ bán nước. Tổ quốc đang cần những dũng sĩ như anh. Hãy tiếp tục chiến đấu, chứ đừng bỏ cuộc, nghe anh!
Tôi thật sự tối mắt, trả lời Nhị, người con gái vừa mới quen đã hơn một lần can đảm ra tận chiến trường thăm tôi:
- Em nói chí lý. Thôi, trời đã xế chiều rồi, cho Hoàng Anh và Trung trở lại Đại đội. Nhớ đừng đi theo nữa, anh ở tuốt trên núi cao lận. Gởi em ngàn cái hôn.
Nàng thỏ thẻ rất nhỏ, để tụi lính khỏi nghe:
- Em muốn hôn anh thiệt, không hôn gió đâu!
Tôi cười:
- Mai mốt anh về.
Chấm dứt cuộc vô tuyến điện đàm, tôi trao máy lại cho vị Hạ sĩ quan Truyền Tin Nguyễn Hiệp, rồi bước ra khỏi căn lều chênh vênh trên đỉnh núi đầy mây. Tai tôi vẫn còn nghe văng vẳng những lời Nhị nói, nhất là hai tiếng "thời thế". Mỉa mai thật! Lẽ nào thời thế cứ nắn ra mãi phường sâu dân mọt nước, một lũ hèn, nguy hiểm hơn kẻ thù?
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35
nguyenvanhieulibrary.info - Nguyễn Văn Hiếu Library Thư Viện 2021 - 2022 - 2023 Sitemap - Sitemap Vietnamwarsummit - Weblinks
Mail:nguyenvanhieulibrary.info;
Images | website template by ARaynorDesign